Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Điều Ước

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 348 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Điều Ước
Phạm Văn Sơn

Hằng tuần, cứ chiều thứ bảy bà Nhâm lại ra đầu làng để đón Huân, con trai, và thằng Chiến, cháu nội từ trên thị trấn huyện về nghỉ ngày chủ nhật.
Hôm nay bà Nhâm hết đứng lại ngồi mà hai cha con thằng Huân vẫn chưa về. Có lẽ Huân bận công việc gì chăng? Hay là thằng bé Chiến lại bị ốm... Ðang nghĩ ngợi mông lung trong đầu thì bà Nhâm nghe tiếng gọi:
- Bà nội ơi! Cháu về với bà đây.
Bà Nhâm chống gậy để đứng thẳng người, nhưng khốn nỗi cái lưng không theo ý muốn của bà, tiếng gọi của cháu vang vọng trong chiều tà, rồi đôi tay non nớt của cháu vang vọng trong chiều tà, rồi đôi tay non nớt của nó ôm lấy cổ bà, thằng Chiến thì thầm bên tai:
- Bà chờ cháu đã lâu chưa?
- Cha tổ bố con anh, bà tưởng không về.
- Bà nội ơi! Xe đạp của bố cháu bị xẹp lốp, cháu phải đi bộ mỏi chân quá, bà cõng cháu nhé.
Huân đi phía sau nghe thằng Chiến nói vậy liền mắng:
- Chiến! Con đừng hư nào. Lưng bà còng thế kia, với lại bà yếu rồi.
Nghe bố nói vậy, thằng Chiến im lặng đi bên bà nội nó, nhưng chưa được lâu, thằng Chiến lại hỏi:
- Bà nội ơi, ngày bé bà có học bài Bà Còng đi chợ trời mưa không? Sáng nay cô giáo cháu mới dạy cho lớp cháu đấy. Hay là bà làm bà Còng, còn cháu làm cái tôm nhé.
Nói rồi thằng bé cầm lấy một đầu gậy vừa đi vừa bi bô:
Bà Còng đi chợ trời mưa
Cái tôm, cái tép đi đưa bà Còng....
Bà Nhâm bước thấp, bước cao đi trên con đường làng mấp mô những dấu chân trâu, lòng tràn hạnh phúc...
Xung phong. Trung đội hai bắn iểm trợ....
Bà Nhâm giật mình ngồi bật dậy, không gian đen kịt. Không hiểu đang tỉnh hay mơ, bà véo vào đùi thấy đau. Bà tiếc nuối với giấc mơ của bà. Giường bên kia vẫn tiếng hô của Huân. Bà Nhâm lần tay vào túi áo lấy bao diêm và châm vào chiếc đèn để ở dưới đất phía đầu giường.
Chiều nay thấy trời đổi gió, các khớp xương trong người hơi đau, biết thời tiết thay đổi thế nào các vết thương của Huân cũng hành hạ nó, bà để sẵn lưng chậu nước, chiếc khăn và phích nước sôi ở góc nhà. Pha nước hơi nóng, bê lại cạnh giường Huân nằm, bà lấy khăn nhẹ nhàng lau lên mặt con trai bà. Ðẩy tay bà ra, Huân nói to:
- Không phải băng vết thương cho tôi, đồng chí cùng với anh em nhanh chóng chiếm cho được cứ điểm....
- Khổ lắm con ơi! Chiến tranh đã qua hai chục năm rồi sao tháng nào, năm nào con cũng xung với chả phong hở con!
Biết nói gì đi chăng nữa vào lúc này Huân cũng chẳng biết, bà Nhâm lại càng mủi lòng thêm.
Mấy năm đầu khi mới về quê với bà, mỗi lần trái gió trở trời, vết thương của Huân tái phát, nhiều người trong xóm còn đến giúp bà, nhưng rồi mãi họ cũng thôi, bà chẳng dám trách ai, cùng lứa tuổi với Huân nhiều người trong làng họ có vợ con, gia đình đàng hoàng, đằng này.... Càng nghĩ bà Nhâm càng thương Huân nhiều. Ðã bao đêm bà không ngủ, và những giọt nước mắt lặng lẽ chảy.
Hơn bốn mươi năm về trước, trong niềm vui Ðiện Biên giải phóng, tưởng chừng chồng bà sẽ có mặt trong đoàn quân chiến thắng trở về. Nhưng không. Bà âm thầm chịu đựng nỗi đau, vượt qua bao nhiêu khó khăn để nuôi Huân. Bao nhiêu tình thương bà dành cho Huân.
Học hết cấp ba trường huyện vì nhà xa phải ở trọ, hết tuần Huân mới về nhà, có tuần Huân về trễ, bà Nhâm lại chạy sang nhà mấy đứa học cùng trường để hỏi. Ngày tháng cứ trôi nhanh, bà mong cho Huân học hết phổ thông rồi thi vào đại học, nếu không, học lấy một nghề nào đó để rồi mẹ con có điều kiện ở gần nhau.
Nhưng, vào những năm 68, 69 chiến tranh do đế quốc Mỹ gây nên đã lan rộng cả miền Bắc, quê bà, rừng cọ đồi chè mà máy bay Mỹ cũng thả bom làm chết bao người. Lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ. Gia đình bà thuộc diện chính sách, nên Huân không phải đi nghĩa vụ quân sự.
Cuối năm cấp ba, như hằng tuần Huân về chuẩn bị gạo để sáng thứ hai đi học, bà Nhâm cho gạo vào bao tượng như mọi khi, thấy vậy Huân bảo bà:
- Con chuẩn bị thi hết cấp, cho nên phải học nhiều lắm, có lẽ hai hoặc ba tuần nữa con mới về được. Mẹ lo đủ gạo cho con.
Tính ngày, số gạo đã hết nhưng không thấy Huân về, bà Nhâm đứng ngồi không yên. Rồi một hôm người bưu tá đưa cho bà lá thư. Từ trước đến giờ nào có ai gửi thư cho bà? Khi bóc ra đọc, thư của Huân, ngoài những dòng xin lỗi, Huân báo tin cho bà, Huân đã là một người lính hiện đang huấn luyện ở một nơi rất xa. Bà Nhâm không tin vào mắt mình. Và cũng từ đó, tháng nào bà cũng nhận được thư của Huân.
Năm 1975, tin miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước đã thống nhất, bà Nhâm cùng vui niềm vui của dân tộc, nhưng nỗi lo cũng đến với bà, ngày nào bà cũng mong nhận được tin của Huân, hễ biết ai ở trong xã từ miền Nam trở về, bà lại đến hỏi về Huân. Ròng rã gần một năm trời, bà Nhâm lúc nào cũng như trong mộng. Mong tin con mãi, cuối cùng bà đã nhận được thư.
"Mẹ kính yêu!
Lẽ ra con viết thư về cho mẹ ngay từ ngày miền Nam được giải phóng, con vẫn khoẻ mạnh, vì điều kiện công tác nên con chưa thể về thăm mẹ được...."
Nỗi lo về Huân không còn nữa, bà Nhâm lại làm lụng quên mệt mỏi, chắt chiu từng đồng, nay nhờ người lợp lại mái nhà,mai thuê thợ đóng giường.... bà chỉ mong bao giờ Huân về, ưng cô nào trong làng là bà cho cưới ngay. Ðã lâu rồi không có tiếng trẻ trong nhà.
Một hôm bà đi làm đồng về, vừa về đến ngõ thấy một người mặc quần áo bộ đội đang ngồi đọc báo ở hè, bên cạnh chiếc ba lô là chiếc nạng gỗ, bà Nhâm quẳng đôi quang gánh chạy bổ vào và ôm lấy.
- Trời đất! Sao con về không báo trước cho mẹ biết? Chuyện khác thì mẹ không biết, chứ việc này anh chẳng khác bố anh chút nào. Mà về đến nhà sao con không vào nhà? Chìa khoá mẹ vẫn để ở chỗ mái nhà đó.
Cứ thế bà Nhâm nói như chưa được nói với con bao giờ.
Người thương binh không lường được sự việc này, cảm động trước tình mẫu tử, chỉ còn một chân, anh chới với đôi tay và ôm lấy bà Nhâm như chính mẹ đẻ của mình.
Biết nói gì với mẹ đây, khi đứa con trở về chưa phải là con mẹ? Ðể bà Nhâm nguôi dân nỗi xúc động, anh từ từ gỡ đôi bàn tay của mẹ và gọi:
- Mẹ, mẹ... à bác ơi! Cháu đây, cháu là thằng Toản, bạn thân của Huân đây - Và cứ thế Toản gọi bà Nhâm bốn, năm lần, bà mới từ từ ngẩng lên nhìn mặt Toản. Nhìn khuôn mặt không phải là Huân, toàn thân bà Nhâm mềm nhũn, Toản đỡ bà xuống hè.
Thất vọng, bà Nhâm hỏi trong hơi thở:
- Thằng Huân... chết rồi phải không con?
Lấy tờ báo quạt nhẹ cho bà, Toản nói:
- Không phải thế đâu! Con mới ở khu điều dưỡng, theo địa chỉ của Huân viết, con hỏi đường đến đây mà.
Sáng hôm sau, tiếng gà mới gáy lần thứ hai, bà Nhâm đã gọi Toản dậy để đi thăm Huân.
Quãng đường hơn một trăm cây số, bà Nhâm và Toản phải lên xuống xe hai lần mới đến được khu điều dưỡng thương binh.
Sau khi trình giấy tờ, Toản đưa bà Nhâm vào dãy nhà, nơi Huân điều dưỡng đã mấy tháng nay. Bà Nhâm bước vào cửa, trên chiếc ghế xích đu có đệm, một người nằm đang chăm chú đọc báo.
Toản lên tiếng gọi:
- Có phải Huân đấy không?
Nhận ra tiếng Toản. Huân quay ra định hỏi lại Toản câu gì đó thì nhìn thấy bà Nhâm đứng bên cạnh. Biết không thể giấu mẹ mình mãi được, Huân oà lên khóc:
- Mẹ! Mẹ, con nói dối mẹ nhiều quá, mẹ tha lỗi cho con.
Bà Nhâm lặng lẽ ngồi xuống cạnh và bỏ chiếc vỏ chăn phủ trên người Huân. Bà giật thót người, đôi chân của đứa con trai yêu dấu đã bị cụt hoàn toàn, trời đất giữa trưa hè nhưng giờ đây bỗng tối sầm như trước cơn giông, trong giây lát, bà lấy sức còn lại kìm nén nỗi đau, xót thương trong lòng để khỏi bật tiếng kêu ra cửa miệng. Bà từ từ lấy vỏ chăn phủ lại cho Huân, quay lại nhìn khuôn mặt thân thuộc của con mình, bà muốn ôm chầm lấy để cất lên những lời ru như ngày nào Huân còn bé, mỗi lần bị ốm, hay trước khi đi ngủ Huân thường thích nghe bà ru.
Bà Nhâm đứng dậy lấy chiếc khăn trong túi, thấm từng giọt nước mắt trên khuôn mặt của Huân và nói:
- Thôi nào cưng của mẹ. Mạ đã bao giờ trách con điều gì đâu. Chỉ tội... con bị thương sao không báo ngay cho mẹ biết, để mẹ đến chăm con.
Ngừng một lát, bà Nhâm lại nói tiếp:
- Chiến tranh mà. Với lại hòn tên mũi đạn nó tránh mình chứ mình đâu có tránh được nó. Con cứ yên tâm điều trị, mẹ ở lại đây với con năm bữa nửa tháng rồi mẹ xin các bác để đưa con về nhà, đã lâu rồi mẹ sống một mình, vắng vẻ lắm, con về cho có mẹ, có con, có tiếng người trong nhà.
Cơn mê sảng của Huân dịu dần, mệt quá, Huân ngủ thiếp đi.
Bà Nhâm lom khom đi lại phía bàn thờ, châm mấy nén hương và cắm vào bát hương thờ chồng, chắp hai tay trước mặt:
- Ông ơi! Âm dương cách biệt đã mấy chục năm trời, tôi biết ông ở dưới đó lạnh lẽo và cô đơn. Nhưng biết làm thế nào được, nuôi thằng Huân khôn lớn tôi tưởng rằng sẽ lo cho nó yên bề gia thất, nào ngờ chiến tranh... Bây giờ thằng Huân của chúng mình còn đó, nhưng ông ơi! Nó vẫn cần sự chăm bẵm của tôi. Thôi đành vẫn phải xa ông vậy. Ông sống khôn, chết thiêng, phù hộ, độ trì cho tôi sống thêm được ngày nào hay ngày đó...
Cứ thế bà Nhâm cầu nguyện, trong ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn dầu, bóng bà Nhâm in thành vòng cung trên bức tường. Mùi hương thơm lan toả, không khí trong nhà ấm dần lên. Ngoài trời, gió mùa đông bắc đã tràn về, những cành cọ sau nhà va vào nhau nghe xào xạc, không gian trở nên xáo động.



HẾT



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 441

Return to top