Nắng ban mai thật nhẹ nhàng tươi mát, nhưng người Nhung đầm đìa mồ hôi, đôi giày cao gót vướng vít xiêu vẹo theo đà chạy tất tưởi chao nghiêng. Nhung loạng choạng bám vào cột điện thở dốc, tim nàng đập loạn xạ như muốn vỡ toang lồng ngực, các mạch máu chạy ngược xuôi cùng đồng tình uy hiếp kẻ thế cô tạo khung cảnh mờ ảo lung linh trước mặt theo dòng nước mắt vỡ vụn. Thế là hết, tình nghĩa vợ chồng hơn 10 năm chung sống một sớm một chiều gẫy đổ theo chiếc chân gỗ tật nguyền. Kẻ đáng thương hại tội nghiệp không còn là nàng mà là người đàn bà khốn khổ kia, một sợi dây leo phải sống gửi vào một thân cây khác và Tùng đã là người có trách nhiệm với sự sống còn đó. Rồi còn 4 đứa con? Nhung lạnh người tuy mồ hôi đang nhỏ giọt. Con của nàng hay của người đàn bà kia thì cũng đều cần phải có chạ Dù Tùng có là người đàn ông gian dối phụ tình và dù nàng có chối bỏ Tùng ra khỏi cuộc đời thì trên thực tế Tùng vẫn là cha của những đứa con ấy.
Nhung úp mặt vào lòng bàn tay mặc cho nước mắt chan hòa và mặc cho những người qua lại đưa mắt tò mò dòm ngó. Khóc chán khóc chê đang vén tay áo lau mặt thì có tiếng đằng hắng ngay bên và tiếng kêu ngắn gọn:
- Khánh Nhung.
Nhung giật mình quay sang nhìn người đàn ông đứng trơ như tượng rồi giọng nàng thảng thốt:
- Trời, anh Tịnh.
Tịnh cũng đứng lặng hồi lâu:
- Nghĩ là đúng nhưng vẫn cảm thấy liều khi gọi, ai ngờ...
Nhung quay đi dấu đôi mắt đỏ hoe:
- Kinh khủng thật, từ ngày lấy chồng bây giờ mới gặp lại anh.
Đám con nít đi học dừng lại bọc vòng quanh hai người, Tịnh e dè:
- Hay vào quán nói chuyện?
Nhung gật đầu lẽo đẽo theo sau, họ băng qua đường lộ bước vào một quán tương đối sạch sẽ vắng vẻ:
- Kể em nghe cuộc sống của anh.
- Chẳng có gì lạ.
- Anh chưa lập gia đình sao?
- Chắc không bao giờ.
Tịnh cười có vẻ bí mật nên Nhung không hỏi thêm, nàng cầm chiếc muỗng nhỏ khuấy tan lớp đường mỏng nằm dưới đáy ly sữa tươi:
- Đang có tâm sự buồn? Tịnh hỏi.
Nhung cúi đầu tránh đôi mắt ái ngại của Tịnh:
- Nói chuyện khác đi.
- Còn chuyện gì đâu để nói.
Có lẽ Tịnh nói đúng, ngày xưa tình cờ biết nhau trong buổi tiệc liên hoan của trường. Tính tình của Tịnh thật thà ngay thẳng nên dễ gây cảm tình với mọi người và Nhung cảm thấy mến chàng khi vừa mới gặp. Từ đó Tịnh hay đến nhà chơi chỉ thêm bài vở, đôi khi dẫn Nhung và lũ em đi ăn kem, thu đủ bò khô, thạch chè v.v.. Chưa lần nào Tịnh tỏ tình ý yêu thương hay có chiều hướng sẽ tiến xa hơn nữa. Vì vậy ngày cưới dù Tịnh không có mặt Nhung cũng chẳng bận tâm thắc mắc.
- Nghĩ gì đó?
Nhung ngượng ngập:
- Chuyện ngày xưa với 8 chén bò viên đánh cá ở Hiển Khánh. Lẽ dĩ nhiên, lần nào anh cũng thua.
- Sao lại lẽ dĩ nhiên?
- Vì anh muốn trả tiền mà.
Tịnh đánh trống lảng:
- Thời gian qua mau thật.
- Vâng, mỗi tuổi mỗi thấy già.
- Nói gì bi quan vậy? Tôi muốn nói thời gian qua mau nhưng thiên hạ vẫn không có gì thay đổi, không chừng lại có phần mặn mà quyến rũ hơn.
Nhung cúi gầm mặt che tiếng thở dài. Tịnh bông đùa:
- May mắn gặp lúc thiên hạ đang khóc, đẹp như tranh vẽ. Này mà sao khóc vậy? Đứa nào cắn?
Nhung nhìn Tịnh với đôi mắt sũng ướt:
- Tại sao anh lại cứ thích nghe chuyện của người khác?
- Tại muốn biết để thông cảm.
- Cái vui anh không được xớt chia thì cái buồn mang lấy làm gì?
- Vậy mới nói, nghề của tôi mà lại.
Nhung ngẩn người nhìn Tịnh, lối xưng hô có vẻ cách biệt lạ lùng, thoạt đầu chỉ gọi trống không chẳng có tên tuổi, giờ lại thêm vào tiếng tôi nặng nề ấy.
Nhung buột miệng:
- Trông anh đạo mạo như một ông thầy tu.
- Chứ còn gì nữa.
Nhung lặng người:
- Là cha?
Tịnh bật cười:
- Giống lắm sao?
Biết Tịnh đùa cợt nên Nhung làm mặt giận hờn:
- Cái tật giỡn dai khi xưa vẫn không bỏ.
- Tại vậy mà đến giờ vẫn chưa đâu ra đâu.
- Đàng hoàng coi nào, bây giờ anh làm gì?
Tịnh hỏi lại:
- Tại sao chuyện mình thì dấu mà chuyện người lại muốn nghe?
- Nhung hứa sẽ kể.
- Khi nào?
- Không phải lúc này.
Mặt Tịnh thoáng đăm chiêu rồi chậm rãi:
- Nhà không ở đây mà lại thất thểu khóc lóc ngoài đường ngoài xá như kẻ thất tình...
Mặt Nhung tối xầm:
- Em không ở đây chắc là anh quá?
- Dĩ nhiên rồi, một khu phố nhỏ với vài trăm nóc nhà san sát mà suốt hơn 30 năm cứ dòm tới dòm lui muốn mòn con mắt. Con ruồi lạ từ đâu bay vào tôi còn biết nữa là.
Nhung mím môi:
- Anh biết vợ chồng ông thiếu tá Tùng không? Ở ngay con hẻm bên trong.
Tịnh giật mình:
- Bạn cũng khá thân, bà vợ có chiếc chân gỗ.
Mặt Nhung chai lạnh:
- Mười năm trước em báo tin lấy chồng. Trung úy Tùng ngày xưa trong thiệp cưới đấy.
Tịnh mở to mắt nhìn Nhung, không có vẻ gì đùa cợt trong câu nói. Từ lâu Tịnh vẫn nghĩ Liễu là người quá bất hạnh vì không được gia đình bên chồng chấp nhận. Ai ngờ...
- Em về đây.
Tịnh luống cuống:
- Để tôi đưa về nhé!
- Thôi chẳng cần, em gọi taxi cũng được.
- Tôi thích làm tài xế, vả lại cũng muốn đến chơi cho biết nhà.
Biết Tịnh muốn lui tới để an ủi Nhung tìm cách từ chối:
- Gia đình em đang xào xáo sợ bất tiện cho anh, hơn nữa đi bên nhau lỡ có ai tọc mạch lại vô tình làm anh mang tiếng xấu.
- Tùy ý, có điều nếu khó giải quyết, lúc này nên tìm về bên hai bác là tốt nhất.
- Anh quên em đã có gia đình và 3 mặt con?
Tịnh thở dài:
- Hy vọng mọi rối rắm sẽ chóng quạ Mong người ta bình tĩnh và sáng suốt, bất cứ quyết định gì cũng phải suy nghĩ vì không những ảnh hưởng cho cuộc đời chính mình mà còn luôn cả các cháu nhỏ nữa.
- Cám ơn sự lo lắng của anh, Tịnh ạ! Lúc nào anh cũng tốt bụng.
Nhung vội vàng bước ra khỏi quán để Tịnh ngồi lại bên ly cà phê đã nguội lạnh...