Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Luân lý Công giáo

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1747 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đăng bởi: Thythoa 12 năm trước
Luân lý Công giáo
Dynh Thy Thoa st

Luân lý Công giáo
Phần III: Luân Lý Công Giáo
LUÂN LÝ


Trong cuốn The Source, James Michener dựng lại khung cảnh trong quá khứ khi con người còn thờ nhiều thần. Trong một đoạn, ông diễn tả cảnh dân Makor hiến tế những trẻ sơ sinh và các em bé cho thần mới, tên Melak. Sau đó, ông cắt nghĩa tại sao dân chúng loại bỏ những thần cũ và theo một vị thần mới:

Một phần là vì những đòi hỏi của các thần quá nghiêm khắc..
và cũng một phần vì họ đã quá quen những thần này nên khinh thường
vì những thần này không đòi hỏi những gì khác hơn.

Cuộc thăm dò của viện thống kê Gallup cho thấy nhiều người Kitô hữu cũng giống như dân Makor. Họ nghĩ rằng tôn giáo không đòi hỏi nhiều nơi họ. Cuộc thăm dò dư luận này đem đến một câu hỏi: Tại sao nhiều Kitô hữu thời nay nghĩ rằng đường lối dạy dỗ của Chúa Giêsu không đòi hỏi quá khó khăn?

Trong mức độ từ dễ (số một) đến thật khó (số bẩy), bạn định giá sự dạy dỗ của Chúa Giêsu như thế nào? Bạn nghĩ tại sao nhiều người cho rằng đường lối dạy dỗ của Chúa Giêsu không quá khó khăn?
Sự Dạy Dỗ Của Chúa Giêsu

Một cô gái trung học trả lời hai câu hỏi trên như sau: "Nhiều người thời nay thấy đường lối dạy dỗ của Chúa Giêsu không quá khó là vì họ không thấu hiểu hoặc họ coi thường sự dạy dỗ này." Cô đưa một thí dụ sau:

Hãy lấy thí dụ Bài Giảng Trên Núi. Trong đoạn đó Chúa Giêsu nói:
"Hãy yêu thù địch của mình, làm ơn cho những người ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, và cầu nguyện cho những người thóa mạ mình... Hãy làm cho người khác những gì mình muốn họ làm cho mình." Luca 6: 7,31

Có bao nhiêu người thật sự hiểu và coi trọng những lời dạy dỗ này? Trong mức độ từ một đến bẩy, tôi cho sự dạy dỗ này khoảng chừng sáu. Lời dạy dỗ này thật khó khăn.

Cho rằng cô học sinh này đúng (có rất nhiều người đồng ý với cô ta), tại sao Chúa Giêsu đưa ra một đường lối dạy dỗ quá khó khăn? Tại vì Ngài muốn thử thách chúng ta? Hoặc có một lý do sâu xa nào đó?

Ðể trả lời câu hỏi này chúng ta cần trở về thời gian tiên khởi. Chúng ta cần trở về lúc sáng tạo.
Sự Sáng Tạo

Kinh Thánh dạy cho chúng ta biết chính Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ. Nhưng, Kinh Thánh không cắt nghĩa việc Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ như thế nào. Nói cách khác, những người viết Kinh Thánh đã không muốn câu truyện sáng tạo thành một lối cắt nghĩa khoa học hoặc một bản phúc trình chứng kiến những gì đã xẩy ra. Vì thế, Kinh Thánh đã không cắt nghĩa những vật sau đây xuất hiện trên trái đất như thế nào:

• nước, đất, khoáng chất;
• những loại cây;
• vô số côn trùng, chim chóc, và thú vật;
• nhiều chủng tộc khác nhau trên thế giới.

Thiên Chúa đã tạo nên những vật này một cách cá biệt tới mức độ nào? Hay Thiên Chúa chỉ tạo ra một thể chất căn bản mà từ đó hàng vạn biến đổi từ từ xuất hiện? Hoặc như Thánh Augustin đã đưa ra cách đây 1500 năm về trước: Thiên Chúa chỉ tạo ra một "mầm" hoặc "nhiều mầm" mà từ đó muôn loài dần dần nẩy sinh?

Khi hỏi các nhà khoa học về việc tạo dựng vũ trụ như thế nào thì họ trả lời, "Có lẽ thuyết 'big bang' (đại thanh) là gần đúng với sự thật." Theo thuyết này một "trái cầu lửa vĩ đại" có sẵn trong vũ trụ. Một ngày nọ, nó nổ tung và bắn ra ngoài tất cả những gì của nó, những vật này dần dần trở thành những vì sao và trái đất của chúng ta. Và qua hàng tỉ năm, bởi những chuỗi "đột biến," sự sống bắt đầu xuất hiện trên trái đất.

Những đột biến (từ hạ đẳng lên thượng đẳng) phản ảnh những gì đã tạo thành vũ trụ. Thí dụ, những đột biến có lẽ đã đi từ:

• vô sinh đến sự sống thực vật,
• sự sống thực vật lên đến sự sống có cảm giác,
• sự sống có cảm giác lên sự sống có tri giác.

Trong bất cứ biến cố nào, một khi sự sống tiến đến bậc con người, một sự gì thật lạ lùng đã xẩy ra. Tạo vật trở nên có ý thức về chính mình. Ðây là lần đầu tiên mà tạo vật biết suy nghĩ một cách có ý thức về quá khứ và phỏng đoán về tương lai của mình. Nó có thể thắc mắc một cách ý thức rằng, chúng ta tự đâu đến và sẽ đi về đâu? Nó có những câu hỏi "điên đầu": có phải con người là chặng cuối cùng của những đột biến? Hay còn một bước nữa trước mặt? Nếu thặt như vậy, bước đó là gì?
Ðời Sống Vĩnh Cửu

Những câu hỏi này đã được Chúa Giêsu trả lời. Chúa cho chúng ta biết sự sống con người không phải là bước cuối cùng trong tiến trình sự sống. Bước cuối cùng ở trước mặt chúng ta. Nó là bước từ đời sống con người đến đời sống vĩnh cửu ("thần linh").

Chúa Giêsu nói: "Ta đến để anh em được sống--và sống sung mãn... Vì ý của Cha Ta là hễ ai thấy và tin người Con sẽ được sự sống đời đời và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết."
Gioan 10:10; 6:40

Và như thế Chúa Giêsu dạy rằng bước cuối cùng của sự sống vẫn còn ở trước mặt chúng ta. Nó là sự đột biến vào "đời sống sung mãn": đời sống vĩnh cửu.

Trước khi sự sống tiến đến bậc con người, dường như sự sáng tạo tiến từ bước này đến bước khác một cách ngẫu nhiên. Một số tạo vật đã biến đổi. Những tạo vật khác vẫn ở trạng thái cũ. Nói cách khác, những hình thái sự sống cá biệt này đã không có tự do lựa chọn để biến đổi.

Bây giờ sự sống đã đến bậc con người, tất cả những gì xẩy ra lúc trước đều thay đổi. Thiên Chúa cho mỗi người sự tự do và giúp đỡ để họ lựa chọn biến đổi đến đời sống vĩnh cửu.

Chính trong bối cảnh này mà chúng ta nhìn đến luân lý Kitô giáo.
Luân Lý Kitô Giáo

Thử tưởng tượng cuộc sống chung quanh chúng ta ngày càng tệ hại và chúng ta phải bỏ địa cầu này trong vòng 10 năm. Chúng ta sẽ làm gì?

Lập tức chúng ta quýnh lên đi tìm một hành tinh khác mà loài người có thể sống được. Giả thử chúng ta tìm được một hành tinh và nơi đó rất khác với trái đất của chúng ta; nhưng trừ khi chúng ta hoàn toàn thay đổi lối sống cũ, chúng ta mới có thể sống thích hợp với hành tinh mới này.

Sau đó những kỹ sư sẽ tạo ra một môi trường giống như hành tinh mới. Trong môi trường này chúng ta sẽ tập sống cho hành tinh mới.

Câu truyện tưởng tượng trên giúp chúng ta hiểu về luân lý Kitô giáo.

Tuổi già và bệnh tật không để chúng ta sống mãi trên hành tinh này. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã tỏ ra cho ta biết (theo nghĩa bóng), còn có một hành tinh khác: thiên đàng. Cuộc sống trên thiên đàng hoàn toàn khác với cuộc sống ở trái đất. Nhưng, với khả năng chúng ta có thể thay đổi để sống thích hợp với môi trường mới và chuẩn bị cho môi trường này ngay khi chúng ta còn sống ở trần gian.

Và điểm này đưa đến luân lý Kitô giáo. Luân lý Kitô giáo liên quan đến sự đột biến sau cùng vào đời sống vĩnh cửu. Nó liên quan đến sự tự do lựa chọn để chia sẻ một cuộc sống đầy đủ mà Chúa Giêsu đã đem đến.

Luân lý Kitô giáo có thể được diễn tả là sự chấp nhận lời mời của Thiên Chúa để sống ở trần gian theo một đường lối mà qua đường lối này, chúng ta có thể đột biến lần cuối cùng vào đời sống vĩnh cửu. Những gì Mai-sen đã nói với dân Do Thái, Thiên Chúa cũng nói với mọi người chúng ta:

Bấy giờ Ta cho các ngươi lựa chọn giữa sự sống và sự chết... và trời đất sẽ chứng kiến sự lựa chọn của các ngươi. Hãy chọn sự sống.
Deuteronomy 30:19

Vì thế bổn phận của chúng ta trên trần gian là chấp nhận lời mời của Thiên Chúa. Lời mời chọn sự sống. Bổn phận của chúng ta là gieo những hạt mầm mà nó sẽ sinh hoa quả trong đời sống vĩnh cửu ở thế giới mới. Chúng ta hãy nghe Thánh Phao-lô nói:

Ai gieo giống nào thì gặt giống ấy. Ai gieo trong xác thịt thì sẽ gặt lấy sự hư nát của xác thịt; ai gieo trong Thánh Thần thì sẽ gặt được sự sống đời đời của Thánh Thần.
Ga-lát 6: 7-8

Tôi khuyên anh chị em: hãy theo sự chỉ dẫn của Thánh Thần... Thánh Thần đã cho ta sự sống; Ngài cũng phải kiểm soát đời sống chúng ta.
Ga-lát 5:16, 25

Và dựa theo lời Thánh Phao-lô, bổn phận của chúng ta trên trần gian là mở lòng trí ra cho Thánh Thần. Nhờ đó, chúng ta có thể gieo những hạt giống mà nó sẽ sinh hoa trái trong đời sống vĩnh cửu ở thế giới mới.

Ở đây chúng tôi muốn nêu ra một điểm. Cái nhìn của Thánh Phao-lô về việc gieo giống trên đời này để sinh hoa quả cho đời sống vĩnh cửu về sau, có nghĩa là chúng ta phải nhìn mọi việc trên đời này có liên quan mật thiết đến đời sau. Nó có nghĩa chúng ta phải tham gia vào việc tái tạo của Thiên Chúa trên trái đất này. Nói cách thực tế hơn, chúng ta phải tranh đấu cho hòa bình, công bằng, và sự hòa hợp trong mọi lãnh vực của xã hội và mọi tầng lớp của đời sống con người.

Ðiều này đưa ta đến một cách khác, riêng tư hơn để diễn tả đời sống luân lý Kitô giáo.
Sống Như Chúa Giêsu Ðã Sống

Trong bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu đã rửa chân cho các Tông Ðồ. Khi Chúa rửa chân xong, Ngài nói:

"Anh em gọi ta là Thầy và là Chúa, và điều này thật đúng vì Ta thực sự như thế... Thầy đã làm gương cho anh em, để anh em cũng sẽ làm như Thầy đã làm... Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu anh em."
Gioan 13:13,15,17; 15:12

Vì thế, cách khác, riêng tư hơn để diễn tả đời sống luân lý của người Kitô giáo là: Chấp nhận lời mời của Chúa Giêsu để sống và yêu như Ngài đã sống và đã yêu.

Nó có nghĩa là nhìn thấy công việc của Chúa trên trần gian cũng như công việc của mình. Nó có nghĩa nhìn thấy mọi việc trong đời sống con người có liên hệ mật thiết với Nước Trời--cũng như hạt giống liên hệ mật thiết với cây.
Luân Lý Kitô Giáo Là Sự Thách Ðố

Sống và yêu như Chúa Giêsu không phải dễ. Ðó là cả một thử thách lớn lao. Vì tội tổ tông đã làm hư đi lý trí và ước muốn của con người. Vì hậu quả này, chúng ta không luôn luôn làm được những gì chúng ta muốn. Thánh Phao-lô đại diện cho chúng ta khi ngài viết về điểm này:

Tuy rằng tôi ước muốn làm điều lành, nhưng tôi không sao thực hiện được.
Sự lành tôi muốn thì tôi không làm; ngược lại sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm... Thật khốn thân tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân xác đang lôi kéo tôi về sự chết? Cảm tạ Thiên Chúa, Ngài đã làm việc này qua Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!
Roma 7:18-19, 24-25

Và vì thế luân lý Kitô giáo là một thách đố. Chúng ta chỉ có thể thành công trong sự thách đố này khi chúng ta kết hợp với Chúa Giêsu. Ngài đã nói:

"Cũng như cành nho không thể tự nó sinh quả được nếu không kết hợp với thân cây. Anh em cũng thế, nếu anh em không ở trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành nho... Không có Thầy, anh em không thể làm gì được."
Gioan 15:4-5
Luân Lý Tăng Trưởng

Luân lý Kitô giáo là một tiến trình tăng trưởng liên tục. Nó là một hành trình bắt đầu tự lúc sơ sinh và tiếp tục cho đến hết cuộc đời. Nó không bao giờ chấm dứt.

Nhà thần học Soren Kierkegaard đã phát biểu một tư tưởng để diễn tả tiến trình của đời sống luân lý như sau. Theo ông, đời sống này từ từ lớn lên qua ba giai đoạn:

• giai đoạn tôi là tâm điểm,
• giai đoạn tha nhân là tâm điểm,
• giai đoạn Chúa là tâm điểm.

Ở đây chúng ta phải nhớ là bất cứ cố gắng nào để diễn tả tiến trình tăng trưởng của đời sống con người cũng chỉ có mục đích hướng dẫn, nhất là khi nói về sự tăng trưởng của đời sống luân lý con người. Nói cách rõ ràng hơn, mỗi một người theo một con đường độc đáo của mình với những ba chìm bẩy nổi, khúc mắc riêng tư.

Tuy nhiên tư tưởng của nhà thần học Soren Kierkegaard giúp ta thấy được tác động chung liên quan đến tiến trình của đời sống luân lý.
Giai Ðoạn Tôi là Tâm Ðiểm

Ðời sống luân lý của chúng ta bắt đầu bằng giai đoạn tôi là tâm điểm. Trong giai đoạn này chúng ta sống phần lớn dưới ảnh hưởng của giác quan và tình cảm chúng ta. Chúng ta chỉ lo đến thú vui và những gì cần thiết cho ta.

Trong giai đoạn này chúng ta thường ích kỷ. Chúng ta muốn tự do làm bất cứ những gì chúng ta thích. Nhưng chúng ta không nhận ra rằng, chúng ta có tất cả nhưng không có tự do. Chúng ta nô lệ cho những đam mê và thành kiến của chúng ta.

Trong giai đoạn này chúng ta thấy lề luật của Chúa như một cản trở sự tự do của chúng ta. Nó như đè nén và cầm giữ chúng ta lại. Tương tự như thế, chúng ta coi tội là một vi phạm sự giới hạn này. Tội không gì khác hơn là sự không vâng phục luật lệ.

Kierkegaard cho rằng ngày nào mà chúng ta còn ở giai đoạn này là ngày đó chúng ta sẽ cảm thấy không có hạnh phúc. Luôn luôn tìm kiếm hết thú vui này đến thú vui khác, chúng ta sẽ tự đem mình đến tột đỉnh của sự thất vọng ê chề. Chúng ta chỉ có thể thay đổi được hoàn cảnh bất hạnh này bằng cách tiến lên bậc trách nhiệm cao hơn trong lối sống của chúng ta.
Giai Ðoạn Tha Nhân là Tâm Ðiểm

Chúng ta đạt tới bậc cao hơn trong đời sống luân lý khi quyết định từ bỏ thế giới cái tôi của mình và nhìn đến tha nhân. Chúng ta thể hiện điều này bằng cách lãnh nhận bổn phận của chúng ta trong xã hội, tỉ như tình bằng hữu và giữ lời hứa với người khác.

Bởi nhận những trách nhiệm này, chúng ta tiến một bước thật dài trên đường tìm kiếm tự do thực sự. Kierkegaard nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể được tự do thực sự khi chúng ta từ bỏ thế giới cái tôi của mình và bắt đầu nhận lãnh trách nhiệm đối với tha nhân.

Trong giai đoạn tha nhân là tâm điểm, chúng ta không nhìn luật lệ của Thiên Chúa như cản trở tự do của chúng ta nhưng nó là kim chỉ nam giúp chúng ta được lớn lên trong đời sống luân lý. Chúng ta bắt đầu thấy được giá trị của lề luật Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không coi tội như một vi phạm (giới hạn) nhưng là sự bất trung (đối với sự phát triển cá nhân). Tội là một lối sống vô trách nhiệm.
Thiên Chúa Là Tâm Ðiểm

Chúng ta tiến đến bậc cuối cùng khi khám phá ra mối liên hệ mật thiết giữa chúng ta với Thiên Chúa. Sự khám phá này đưa đến nhận thức:

• căn tính của chúng ta (là con Thiên Chúa) và,
• định mệnh của chúng ta (được mời gọi đến đời sống vĩnh cửu).

Trong giai đoạn này chúng ta cũng khám phá ra Chúa Giêsu, là Con Thiên Chúa. Chúng ta khám phá ra tại sao Ngài lại đến thế gian. Ngài đến để dạy cho chúng ta biết sự sung mãn của đời sống: đời sống vĩnh cửu. Trong giai đoạn này, Chúa Giêsu trở thành trung tâm điểm của đời sống chúng ta.

Cũng trong giai đoạn này, chúng ta khám phá ra mối liên hệ thật sự giữa lề luật và tình yêu. Lề luật là lời mời gọi để yêu Chúa. Chúa Giêsu đã nói:

"Ai yêu mến Thầy, thì tuân giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ thương yêu kẻ ấy, chúng Ta sẽ đến và sẽ ở trong kẻ ấy. Ai không yêu mến Thầy thì không tuân giữ lời Thầy."
Gioan 14: 23-24

Và trong giai đoạn này chúng ta không còn coi luật lệ của Thiên Chúa là sự cản trở tự do hoặc kim chỉ nam trong đời sống luân lý, nhưng nó là lời mời gọi để yêu. Và chúng ta sẽ coi tội là sự khước từ tình yêu. Nó là sự chối từ Thiên Chúa và anh chị em chúng ta.
Bí Tích Hòa Giải

Quan điểm chúng ta về luật và tội như thế nào thì cái nhìn của chúng ta về Bí Tích Hòa Giải cũng như vậy. Trong giai đoạn cái tôi là tâm điểm, chúng ta coi việc xưng tội với linh mục là một việc khó chịu. Trong giai đoạn tha nhân là tâm điểm, chúng ta coi bí tích này như một dụng cụ hữu ích giúp chúng ta vươn lên trong đời sống. Sau cùng, trong giai đoạn Chúa là tâm điểm, chúng ta thấy bí tích này là một sự nghi thức làm hòa giữa chúng ta với Chúa và gia đình của Ngài.
Tóm Lược

Ðời sống luân lý của người Kitô hữu là chấp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa để sống ở thế gian theo đường lối của Ngài. Nhờ đó chúng ta có thể đột biến lần cuối cùng vào đời sống vĩnh cửu. Hoặc, nói cách mật thiết hơn, chấp nhận lời mời của Chúa Giêsu để sống và yêu như Ngài đã từng sống và từng yêu.

Ðời sống luân lý của người Kitô hữu là một tiến trình không ngừng. Nó là một hành trình bắt đầu từ lúc sơ sinh và không bao giờ ngừng. Nó tiến dần qua ba giai đoạn sau:

• giai đoạn tôi là tâm điểm,
• giai đoạn tha nhân là tâm điểm,
• giai đoạn Chúa là trung tâm điểm.

Cái nhìn của chúng ta về luật, tội và Bí Tích Hòa Giải thay đổi tùy theo từng giai đoạn của đời sống luân lý.

Phần III: Luân Lý Công Giáo
ÐỜI SỐNG LUÂN LÝ II


Cái gọi là triết lý "Playboy" coi tình dục là thú tiêu khiển và người tình là dụng cụ mang đến sự khoái lạc. Ngày nay, người ta không chấp nhận triết lý này. Phần lớn đồng ý tình dục phải đi đôi với trách nhiệm: nó phải được đặt trên nền tảng của tình yêu. Ðiều này nêu lên thắc mắc: Tình yêu là gì? Nói một cách khác, chúng ta có ý gì khi nói, "Thu và Hùng yêu nhau"?

Các bạn trả lời câu hỏi trên như thế nào?
Tình Yêu

Có rất nhiều lầm lẫn khi người ta nói về tình yêu. Một văn sĩ đề cập đến khía cạnh của sự lầm lẫn này, nói rằng tình yêu không phải là một cảm xúc nhưng là một thề hứa:

[Cảm xúc] là điện cao thế, là say mê bừng cháy mà mọi người chúng ta đều rạo rực khi gặp một người bạn mới.
Nó là trạng thái say mê của việc được chấp nhận và được khao khát.
Nó là sự hồi hộp khi hành động bất chợt, khi xé tung y phục và xóa bỏ mọi ngăn cấm, khi bàng hoàng bởi sự huy hoàng kín đáo của người khác phái... [cảm xúc] rất mãnh liệt và quyến rũ, nhưng cuối cùng, buồn thay, nó chỉ là một xúc động mạnh trong cuộc đua nước rút...

[Thề hứa], ngược lại, là cuộc chạy đua đường trường của con tim. Nó đòi hỏi phải tập dượt, rèn luyện, chịu đựng và trau dồi.
Nó không phải là loại thể thao để ngồi xem hoặc một cuộc đua mà việc thắng thua sẽ được quyết định trong chốc lát.
Nó là sự gắng sức vượt đồi và chịu đựng cơn đau và chống lại cám dỗ muốn bỏ cuộc.
Khi tình yêu được coi là một hành động của ý chí... nó có thể sống còn cho đến ngày mà trái tim ta còn đập.
Art Carey, "In Defense of Marriage,"
The Philadelphia Magazine (February 20, 1983).

Ðiểm này dẫn tới điều người ta muốn nói về tình dục có trách nhiệm. Họ muốn nói tình dục được phát sinh từ sự thề hứa. Họ muốn nói tình dục diễn đạt và thăng hoa ba mầu nhiệm tuyệt vời:

• tình yêu,sự sống, và
• đức tin.
Tình Dục Thăng Hoa Tình Yêu

Tình dục có trách nhiệm không để cho "sự say mê bừng cháy" làm chủ tình thế. Nó không phải là "bước nhẩy vọt" và "xé tung y phục và quên đi những ngăn cấm." Nó không phải là sự tham dự vào "cuộc đua nước rút đầy xúc động mạnh," cho dù nó "mãnh liệt và quyến rũ."

Tình dục có trách nhiệm là sự thăng hoa tình yêu. Nó thăng hoa một tình yêu đã được thề hứa để "gắng sức vượt đồi và chịu đựng cơn đau... cho đến ngày nào mà trái tim ta còn đập." Tình dục có trách nhiệm là sự thăng hoa thật sự của tình yêu thề hứa.

Ở đây chúng ta nên nhớ là tình dục không phải là sự diễn tả độc nhất về tình yêu nam nữ. Ðúng hơn, nó là cao điểm của cuộc đua đường trường với những diễn đạt khác của tình yêu trong cuộc đua. Những diễn đạt tình yêu này được tỏ lộ qua nhiều hình thức. Thánh Phaolô nói về vài diễn đạt này khi ngài viết:

Yêu là nhẫn nại và nhân từ; không ghen tị hoặc khoe khoang hoặc kiêu kỳ;
yêu không có thói xấu hoặc ích kỷ hoặc dễ giận;
yêu không ghi nhớ những lỗi lầm;
yêu không vui khi thấy sự bất công;
nhưng vui khi thấy sự thật.
Tình yêu không bao giờ bỏ cuộc.
1CORINTHIANS 13:4-7

Nói cách khác, Thánh Phaolô muốn nói rằng tình yêu tự tỏ lộ qua nhiều hành động bình thường trong đời sống hàng ngày, những hành động cụ thể. Tuy nhiên, cao điểm của sự diễn đạt là sự giao hợp nên một giữa hai người.
Tình Yêu Thăng Hoa Sự Sống

Tình dục có trách nhiệm cũng thăng hoa mầu nhiệm của sự sống. Về điểm này, có người nói rằng mọi sự sống mới đều bắt đầu bằng câu truyện tình. Ðây là cách đơn giản để diễn tả tình dục có trách nhiệm. Nó là cách nói rằng tình dục liên kết vợ chồng trong tình yêu giữa hai người nam nữ mà Thiên Chúa đã sắp đặt. Thiên Chúa muốn sự giao hợp là--

• trở nên một và
• lưu truyền sự sống

Trước nhất, Thiên Chúa muốn việc giao hợp là sự kết hợp nên một. Ðiều này có nghĩa Thiên Chúa sắp đặt tình dục là một phương tiện để hai vợ chồng diễn tả và củng cố mối liên hệ yêu thương đang nối kết họ thành một.

Thứ hai, Chúa muốn việc giao hợp dẫn đến việc lưu truyền sự sống. Ðây có nghĩa là Chúa sắp đặt cho tình dục thành một phương tiện để hai vợ chồng cộng tác với Thiên Chúa mang một sự sống mới vào thế gian.

Sự kết hợp nên một và lưu truyền sự sống của việc giao hợp cũng giống như thể xác và linh hồn của một con người. Thiên Chúa kết hợp thể xác và linh hồn và Ngài muốn chúng đi đôi với nhau. Trong ý nghĩa này, tình dục có trách nhiệm không chỉ là sự thăng hoa tình yêu nhưng còn thăng hoa sự sống.
Tình Dục Thăng Hoa Ðức Tin

Nhiều cặp vợ chồng xác nhận rằng ở cao điểm của việc giao hợp đôi khi họ cảm thấy bay bổng vượt qua không gian và thời gian. Họ trong một trạng thái mà chỉ có thể diễn tả được là huyền diệu: trạng thái đưa đến tâm điểm của đời sống hôn nhân.

Cảm nghiệm "huyền diệu" này là cảm nghiệm của một đức tin sâu sa về Thiên Chúa--nhất là có sự hiện diện của Thiên Chúa trong tình yêu liên kết hai người. Nó là cảm nghiệm đức tin của việc Chúa Giêsu chúc phúc cho tình yêu vợ chồng trong phương cách phi thường mà ta có thể mường tượng được. Ngài nâng tình yêu này lên đến bậc bí tích. Bàn về điểm này, một nhà văn đã viết:

Trong hôn nhân Công giáo Thiên Chúa giao ước với đôi vợ chồng...
Thiên Chúa hứa sẽ luôn đi bên cạnh hai người...
để họ có thể khởi đầu sự kết hợp...
và đưa nó đến chín mùi trong tình yêu.
LADISLAS ORSY
Ðiều Răn Thứ Sáu và Thứ Chín

Thánh Phaolô đã so sánh tình yêu vợ chồng giống như tình yêu của Thiên Chúa với dân Do-Thái và, cũng như tình yêu của Chúa Giêsu với Giáo Hội (Ephesians 5:25-33). Và chỉ với tư tưởng này trong đầu chúng ta mới có thể hiểu được rõ giá trị của điều răn thứ sáu và thứ chín mà Thiên Chúa đã ban cho dân Do-Thái trên núi Sinai. Chúa phán: "Chớ làm sự dâm dục... Chớ muốn vợ chồng người."

Ðiều này đưa ta đến đường lối dạy dỗ của Giáo Hội về tình dục có trách nhiệm. Nói chung, đường lối này có thể được tóm lược trong sáu điểm sau đây:

1. Tình dục là một món quà Chúa ban, phải được quý trọng và chỉ dành cho việc tỏ lộ tình yêu giữa hai vợ chồng.

2. Tình dục tán dương sự tự hiến mà hai người trao cho nhau như món quà. Món quà này đòi hỏi sự tín thác và dâng hiến mà không thể nào thực hiện được nếu không có sự trợ giúp của ơn sủng mà Thiên Chúa sẵn sàng ban phát qua bí tích Hôn Phối.

3. Sự giao hợp giữa vợ chồng luôn luôn phải tôn trọng hai mục đích: kết hợp nên một và lưu truyền sự sống, mà Thiên Chúa đã truyền giao.

4. Tất cả những hành động liên quan đến tình dục hoặc khoái cảm (tư tưởng, lời nói, và việc làm) ngoài hôn nhân thì nghiêm trọng và hoàn toàn sai. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của một hành động có thể được giảm bớt vì lý do hoàn cảnh. Thí dụ, một người xem xinê trong lúc bất ngờ có những cảnh kích thích xác thịt. Trường hợp này có thể đưa đến những cảm xúc mạnh mà người xem không biết trước và không cố ý. Trái lại, đi xem xinê chỉ vì nó có những kích thích và khoái cảm thì thật nghiêm trọng và hoàn toàn sai.

5. Nhất là những bạn trẻ không nên lo sợ khi gặp vấn đề này và đừng nản lòng khi thất bại trong những kinh nghiệm liên quan đến tình dục. Các bạn nên học cách đối thoại một cách trưởng thành và thành thật về những vấn đề này với cha mẹ, người cố vấn, hoặc linh mục.

6. Tất cả mọi Kitô hữu nên nhận biết rằng những cám dỗ về điều răn thứ sáu và thứ chín không phải là dấu hiệu của sự đồi trụy. Nhưng thật ra, nó cho thấy thân phận làm người và nhu cầu cần được xoa dịu và tha thứ mà Chúa Giêsu đã mang đến cho chúng ta. Chúng ta phải luôn nhớ rằng Thiên Chúa muốn tha tội cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta xin được tha tội--bất kể bao nhiêu lần chúng ta sa cơn cám dỗ và phạm tội.
Ðiều Răn Thứ Bẩy và Thứ Mười

Một tiệm bán máy chụp hình ở thành phố Nữu-Ước đã giảm bớt được nạn trộm cắp trong tiệm bằng cách để tấm bảng thật lớn mà mọi người khách hàng đều thấy: "Chúng tôi chụp hình quý vị bốn lần trong mỗi giây. Chúng tôi chụp một tấm đằng trước, hai tấm bên hông, và một tấm đằng sau."

Ðiều răn thứ bảy và thứ chín nói về việc ăn cắp và lòng ham muốn của cải của người khác.

Ăn cắp là một trong những vấn đề đáng lo ngại mà các tiệm buôn và các nhà băng phải đối phó. Nó không những chỉ liên quan đến khách hàng mà còn cả nhân viên trong tiệm. Thí dụ, một cuộc thăm dò đáng tin cậy (ghi lại bằng máy kiểm chứng sự thật) cho biết 72% nhân viên trong tiệm và 83% nhân viên trong nhà băng có dính dáng vào vài hình thức ăn cắp (thường thường là ăn cắp vặt).

Theo danh từ chuyên môn, ăn cắp được định nghĩa là lấy của người khác ngược với ý muốn của họ. Câu "ngược với ý muốn của họ" thật quan trọng, bởi vì đôi khi lấy của người khác mà không bị phạm tội ăn cắp. Thí dụ, chúng ta ăn cắp thực phẩm để bảo tồn sự sống chúng ta. Dĩ nhiên, nếu người chủ tiệm thực phẩm biết được hoàn cảnh của ta họ sẽ không phản đối. (Phản đối trong trường hợp này được coi là "không hợp lý.") Mức độ nặng nhẹ của tội ăn cắp tùy theo hai yếu tố sau đây:

• hoàn cảnh liên hệ và
• giá trị của những vật ăn cắp.

Một thí dụ sau đây sẽ làm sáng tỏ hai điểm nêu trên. Nếu một nhân viên của một hãng ăn cắp năm đồng từ máy thối tiền, việc ăn cắp này là có tội nhưng nó không nặng. Nhưng nếu người nhân viên này cố ý tiếp tục lấy tiền trong một quãng thời gian, việc ăn cắp này có thể trở thành một tội nặng.

Trước khi chúng ta được tha tội ăn cắp trong bí tích Hòa Giải, chúng ta phải đền trả, hoặc có ý đền trả, những gì chúng ta đã lấy. Nếu việc đền trả này thật khó khăn hoặc việc đền trả khiến danh tánh bị tiết lộ, và có thể bị mất việc, chúng ta có thể giả sử rằng người chủ sẽ đồng ý cho chúng ta bỏ một số tiền tương đương với vật ăn cắp vào việc từ thiện.

Trong một vài trường hợp họa hiếm, chúng ta có thể được miễn bồi thường (trả lại những gì mình đã ăn cắp) vì nó có thể gây nên hoàn cảnh thật khó khăn và bi đát -- thực sự bi đát hơn hoàn cảnh của người bị mất cắp. Lòng muốn bồi thường là dấu chỉ cụ thể của sự sám hối.
Thế Còn Về Việc Gian Lận?

Một cuộc nghiên cứu của trường đại học Cornell cho biết đứa bé khoảng mười tuổi đã nẩy nở trong đầu óc một "thái độ không kết án" về việc gian lận. Những nhà chuyên môn cho rằng trẻ em có thái độ này do bắt chước người lớn và chúng bạn.

Gian lận--dù là lấy tiền, điểm hạng (grades), hoặc học bổng--là tội nặng gấp hai. Nó liên quan, một phần nào, đến cả hai việc ăn cắp và nói dối. Gian lận trong bài thi là một thí dụ điển hình. Hành động này liên quan đến việc lấy câu trả lời của người khác (ăn cắp) và tuyên bố là của mình (nói dối).

Mức độ nặng nhẹ của tội gian lận tùy thuộc vào hoàn cảnh xẩy ra. Thí dụ, biết và cố ý gian lận để lấy học bổng của người khác là tội rất nặng. Ðàng khác, gian lận trong một bài thi thường là một trường hợp nhẹ hơn.
Thế Còn Về Việc Ăn Cắp?

Ăn cắp bắt nguồn từ trong lòng với sự tham lam hoặc ước muốn. Ðã nhiều lần, Chúa Giêsu dạy các môn đệ Ngài tỉnh thức chống lại hai thái độ nêu trên. Ngài nói:

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ!...
Phúc cho những ai muốn thực thi điều Chúa muốn, thì họ sẽ được thoả lòng!"
MATTHEW 5: 3,6

Chúa Giêsu biết khi nói đến vật chất là có sự không đồng đều. Một số người có nhiều khả năng hơn và họ làm được nhiều tiền hơn. Có người nhiều may mắn và kiếm được nhiều của cải hơn. Có người được sinh ra trong gia đình giầu có. Nhưng Chúa Giêsu cũng nói rõ ràng là người giầu có bổn phận phải giúp đỡ người kém may mắn hơn mình. Câu truyện dụ ngôn của Lazarus và Người Giầu (Luke 16:19-31) và Ngày Phán Xét Chung (Matthew 25:31-46) cho thấy rất rõ ràng về bổn phận này.
Thế Còn Về Việc Cờ Bạc?

Cờ bạc có thể được coi là đánh cá hoặc thử vận hên xui mà kết quả không được biết chắc chắn. Các cuộc xổ số do các tiểu bang tổ chức hoặc đánh cá trong các trò chơi thể thao là những thí dụ điển hình. Những trò chơi đánh cá này lan tràn đến nỗi người ta phỏng đoán rằng hơn 60% những người lớn tuổi có chơi hoặc dính dáng đến việc cờ bạc.

Khi cờ bạc nằm trong phạm vi tài chánh của một người, nó được coi là trò chơi giải trí và, vì thế, được coi là không trái với luân lý. Nhưng cờ bạc có thể trở thành trái luân lý khi nó không còn-

• trong khả năng tài chánh của chúng ta hoặc
• dưới sự kiểm soát của chúng ta.

Thứ nhất, cờ bạc trở thành tội khi nó không còn nằm trong khả năng tài chánh của chúng ta. Cờ bạc cách vô trách nhiệm đã đem lại biết bao đau khổ cho nhiều người và nhiều gia đình.

Thứ hai, cờ bạc trở thành vấn đề khi không còn dưới sự kiểm soát của chúng ta. Khi biết mình say mê cờ bạc, chúng ta có bổn phận phải tìm kiếm sự chạy chữa.

Tính ghiền cờ bạc lan rộng đến nỗi trong nước Mỹ nhiều hội, như Gamblers Anonymous, đã được lập ra để giúp những người ghiền cờ bạc.

Diễn tả sức mạnh mà cờ bạc có thể làm chủ chúng ta, một người đã nói:

Lần đầu tiên tôi có một đồng trong túi mà tôi có thể nói là thuộc về của tôi là lúc tôi bốn mươi sáu tuổi.
Lúc đó tôi đã phá tan một doanh nghiệp và làm mất việc của vài trăm người cần đến tôi để sinh sống.
Ðiều Răn Thứ Tám

Vào tháng Bẩy năm 1975, các phi hành gia Mỹ và Nga Sô đã gặp gỡ và nối phi thuyền lại với nhau ở cao độ 140 cây số ngoài trái đất. Cuộc gặp gỡ trên không gian đã được nhiều sự chú ý và được tường trình cách ngoạn mục trên các đài truyền hình. Tuy nhiên, một vài ngày sau đó, trang đầu của tờ Chicago Tribune đã đăng câu truyện về những người nhất định không tin việc này đã thực sự xẩy ra.

Cơ quan NASA đã không ngạc nhiên về việc này. Họ thường nhận được những lá thư từ những người hoài nghi, như một người quả quyết rằng cuộc đi bộ trên mặt trăng lần đầu tiên của con người đã được "dựng trên sân khấu trong khu đất của hãng phim Warner Brothers."

Hai thí dụ trên nói lên sự khủng hoảng nghiêm trọng về sự tin tưởng trong thế giới chúng ta. Sự khủng hoảng này gây ra bởi việc xâm phạm vào điều răn thứ tám, điều răn dạy ta phải luôn luôn thành thật.
Nói Dối Làm Mất Sự Tin Tưởng

Xã hội loài người được xây dựng trên sự tin tưởng giữa những cá nhân và các quốc gia. Không có gì làm mất dần hoặc tiêu tan sự tin tưởng bằng việc nói dối. Khi sự tin tưởng đổ vỡ, xã hội đổ vỡ.

Nói dối có thể được định nghĩa là truyền đạt đến ai đó điều mà chúng ta biết là sai (không đúng với sự thật). Sách Cựu Ước rất nghiêm khắc đối với những người nói dối. Thí dụ, Sách Sirach viết:

Nói dối là một vết nhơ trên cá tính của con người...
Một tên ăn trộm còn khá hơn một người chuyên môn nói dối.
SIRACH 20:24-25

Nói dối lại càng nguy hiểm khi nó liên quan đến những người đặt niềm tin tưởng nơi ta, như người trong gia đình hoặc bạn bè. Tuy nhiên, một trong những hình thức nói dối nguy hiểm nhất là tự dối mình. Thí dụ, chúng ta từ chối là chúng ta không có tội. Nói về sự cần thiết của sự thành thật với chính mình, một nhà thơ đã viết những dòng đáng nhớ sau đây:

Và trên hết mọi sự,-- phải thành thật với lòng mình; Và theo nó, như ngày theo đêm, bạn sẽ không thể gian dối bất cứ ai.
William Shakespeare, HAMLET
Nói Dối Có Thể Hại Người Khác

Một trong những điều nói dối tác hại nhất là nói dối để làm tổn thương danh dự của một người. Ðề cập đến lời nói dối này, một nhà thơ đã viết:

Ai ăn cắp tiền tôi, ăn cắp rác;
Nó có giá trị, nhưng thật sự là hư không;
Nó đã thuộc về tôi, bây giờ thuộc về hắn,
và nó đã từng làm nô lệ cho cả ngàn người;
Nhưng người chôm chỉa tên của tôi
Lấy của tôi cái không làm giầu cho hắn
Và thật sự làm cho tôi nghèo.
William Shakespeare, OTHELLO

Một người làm tổn thương thanh danh người khác có bổn phận phải bù đắp sự thiệt hại đó, nếu có thể được. Nhưng cố bù đắp sự thiệt hại cũng khó như cố bắt lại âm thanh của tiếng chuông sau khi đã gõ.
Nói Xấu Có Thể Hại Ðời Người

Danh tiếng của một người có thể bị tổn hại bằng cách nói xấu. Nói xấu có thể được coi là tung tin về những lỗi lầm riêng tư, thất bại, hoặc tội của một người nào đó mà không có đủ bằng chứng. Cách thông thường nhất để thực hiện điều này là qua những chuyện tầm phào (gossip). Ðoạn văn sau đây là lời phê bình thích hợp cho cách nói xấu tội lỗi này:

Tôi làm què quặt mà không phải giết một ai.
Tôi làm rạn nứt những con tim và phá hoại nhiều cuộc đời...
Càng dẫn chứng về tôi, tôi càng được tin...
Những nạn nhân của tôi không làm được gì cả...
Cố gắng tìm ra tôi là điều bất khả.
Bạn càng cố gắng bao nhiêu thì tôi càng quỷ quyệt bấy nhiêu...
Tôi lật đổ chính phủ và phá vỡ hôn nhân...
Tôi làm người vô tội âm thầm nhỏ lệ...
Tôi được gọi là Tầm Phào (Gossip).

Tầm phào khi làm việc.
Tầm phào khi mua sắm.
Tầm phào khi ăn uống...

Trước khi bạn kể lại một câu chuyện hãy tự hỏi:
Nó có thật không?
Nó có công bằng không?
Nó có cần thiết không?
Nếu không-- IM MỒM LẠI.
Vô Danh
Tóm Lược

Mười Ðiều Răn được coi như lời mời gọi yêu thương, bằng cách khơi dậy tình yêu trong ta, khi ta không đáp trả bằng tình yêu như Thiên Chúa mong muốn. Những điều răn cũng được coi như sự hướng dẫn đến tình yêu, vì nó chỉ cho ta cách hành động, khi ta phân vân không biết phải đối xử như thế nào cho đúng với lời mời gọi yêu thương.

Riêng về điều răn thứ sáu và thứ chín mời gọi và hướng dẫn chúng ta yêu thương người chung quanh như chính mình, trong những vấn đề liên quan đến tình dục; điều răn thứ bẩy và thứ mười, trong vấn đề liên quan đến của cải của người khác; và điều răn thứ tám, trong vấn đề liên quan đến việc đối thoại thành thật.

Phần III: Luân Lý Công Giáo
QUYẾT ÐỊNH LUÂN LÝ
Trong quyển Winning by Letting Go, Elizabeth Brenner diễn tả cách bắt khỉ của những nông dân vùng quê Ấn Ðộ.

Ðầu tiên họ khoét lỗ của một cái hộp. Rồi họ cho những hạt đậu thơm vào trong đó. Cái lỗ chỉ lớn đủ để con khỉ thò tay vào. Nhưng khi nó nắm hạt đậu, nắm tay nó rộng ra nên không rút tay ra được. Như thế con khỉ có hai lựa chọn: bỏ hạt đậu và chạy thoát, hay giữ hạt đậu và bị bắt.

Vì khỉ quá tham hạt đậu nên nó quyết định chậm chạp. Trong thời gian đó, nông dân kịp chạy ra tóm cổ nó.

Thật khó để quyết định. Nhất là khi quyết định có tính cách luân lý: quyết định xem điều gì phải, trái, hay tốt hơn để thi hành trong những trường hợp nào đó.

Hãy nhớ lại những lúc bạn không chắc điều gì đúng, hay sai, hay tốt hơn để thi hành trong vài trường hợp nào đó. Làm sao bạn có được quyết định về những vấn đề này?
Quyết Ðịnh Luân Lý

Một cậu bé mười lăm tuổi và người cha đang lái xe trên đường ngang qua cái phi trường tí xíu trong một thị trấn nhỏ ở Ohio. Bỗng nhiên một chiếc máy bay đang bay ở độ thấp bị mất kiểm soát và đâm đầu xuống phi đạo.

Cậu bé kêu lên, "Bố! Bố! Ngừng xe lại!" Một lát sau cậu bé lôi người phi công ra khỏi máy bay. Ðó là người bạn của cậu. Hắn đang học cất cánh và đáp máy bay. Người này đã chết trong tay cậu bé.

Tối hôm đó cậu quá xúc động đến nỗi không ăn được cơm. Cậu lên phòng và nằm vật xuống giường. Cậu đang làm việc bán thời gian trong một tiệm thuốc. Cậu dùng tiền kiếm được để học lái máy bay. Mục đích của cậu là có được bằng lái máy bay khi lên mười sáu tuổi.

Cha mẹ cậu tự hỏi thảm kịch đó có ảnh hưởng gì đến việc tiếp tục học lái máy bay của cậu không. Ông bà bàn thảo với cậu và để cho cậu tự quyết định.

Hai ngày sau mẹ cậu trông thấy quyển nhật ký trong phòng cậu. Trên đầu trang là hàng chữ lớn "Ðặc tính của Chúa Giêsu." Bên dưới liệt kê những đức tính:

• Chúa Giêsu khiêm tốn,
• Ngài bảo vệ người nghèo,
• Ngài không ích kỷ,
• Ngài gần Thiên Chúa.

Bà mẹ hiểu rằng con bà đã tìm đến Chúa Giêsu trong sự cầu nguyện để được hướng dẫn khi quyết định.

Lát sau, bà hỏi con, "Con quyết định thế nào?" Cậu nhìn thẳng vào mắt mẹ và nói, "Với sự giúp đỡ của Chúa, con phải tiếp tục học bay."

Cậu bé đó là Neil Armstrong. Và vào ngày 20 tháng Bẩy, 1969, ông là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Hàng triệu người thấy ông trên truyền hình mà không biết rằng Chúa Giêsu là động lực chính khiến ông có thể đi trên mặt trăng. Họ không biết rằng chính từ Chúa Giêsu mà ông có được sức mạnh và sự hướng dẫn để quyết định khi còn niên thiếu mà trách nhiệm đó đã đưa đến những gì ông đang làm bây giờ.

Câu truyện của Neil Armstrong cho thấy một điểm quan trọng: không phải tất cả những việc làm phù hợp luân lý thì dễ quyết định. Nói cách khác, có những lần chúng ta không biết phải làm gì. Khi có những khó khăn phải quyết định, chúng ta nên bắt chước ông Neil Armstrong. Chúng ta phải:

• đắn đo suy nghĩ trong ánh sáng của Lời Chúa,
• hỏi ý kiến của những người liên hệ,
• cầu xin sự hướng dẫn.

Ba công việc trên phải được thi hành trước mỗi quyết định luân lý khó khăn.

Tổng quát, có ba loại quyết định luân lý khó khăn có thể được diễn tả bằng ngôn ngữ bình dân sau đây:

• những quyết định hiển nhiên,
• những quyết định mù mờ,
• những quyết định trái ngược.
Quyết Ðịnh Hiển Nhiên

Cuốn phim A Man for All Seasons được dựa trên cuộc đời của Thánh Thomas More. Lúc sinh thời, Thomas More được biết đến khi Vua Henry VIII chỉ định ngài làm quan Chưởng Ấn của Anh quốc vào năm 1529. Nhưng chẳng bao lâu thảm kịch đã đến với ngài.

Vua Henry ly dị hoàng hậu và tái hôn. Ðể cưỡng lại mọi chống đối từ phía tôn giáo cũng như dân sự về việc tái hôn, vua Henry ra lệnh cho các quan trong triều ký vào một văn kiện, thề rằng hôn nhân của vua với hoàng hậu bất thành và phải bị hủy bỏ. Vua Henry loan tin rằng nếu họ từ chối, họ sẽ bị coi là phản bội.

Thảm cảnh xẩy ra khi Quận chúa Norfolk đưa văn kiện cho Thomas More ký kết. Ngài từ chối. Norfolk kêu gọi ngài hãy suy nghĩ lại vì tình yêu gia đình và tình bằng hữu.

Nhưng ngài biết rằng một tình yêu quan trọng hơn có thể bị mất: đó là tình yêu Thiên Chúa của ngài. Ngài không thể lấy danh nghĩa Thiên Chúa để thề những điều ngài biết là gian dối.

Không bao lâu, Thomas bị bắt. Sau khi bị cầm tù mười lăm tháng tại Tháp Luân Ðôn, ngài bị hành quyết vì tội phản bội.

Quyết định mà Thánh Thomas More phải đương đầu thì thật hiển nhiên và thật khó khăn đối với ngài. Ngài biết Chúa Giêsu dạy gì về vấn đề này. Ngài đã bàn thảo với gia đình và ngài đã cầu nguyện.

Ðiều cần thiết nhất là sự can đảm để thi hành những gì mà lương tâm buộc phải làm. Sự cầu nguyện đã giúp ngài có được sự can đảm này, và được nói rõ trong thư gửi người con gái, tên Meg. Nói về hậu quả của sự sợ hãi, ngài viết:

Bố vẫn nhớ khi Thánh Phêrô sắp sửa chìm vì ngài yếu đức tin, và bố sẽ làm điều mà ngài đã làm: chạy tới Ðức Kitô và xin Chúa giúp đỡ.
Và bố tin rằng Chúa sẽ đặt bàn tay thánh của Ngài trên người bố và trong cơn bão tố Chúa giữ bố khỏi chìm...
Và vì thế, hỡi con gái yêu quý của bố, con đừng quá bận tâm.

Như thế loại quyết định luân lý đầu tiên là loại có thể thấy được rõ ràng những gì chúng ta phải làm. Tuy nhiên, quyết định như thế có thể thật khó khăn vì phải trả bằng một giá rất đắt, như trường hợp của Thánh Thomas More.
Quyết Ðịnh Mù Mờ

Khi Hitler bắt đầu càn quét Âu Châu trong Thế Chiến II, Franz Jagerstatter là một nông dân trẻ người Áo. Ông có vợ và hai con nhỏ. Ông cũng là người duy nhất trong làng bỏ phiếu chống sự liên minh chính trị của Áo với Ðức Quốc Xã.

Vào tháng Hai 1943, Franz được lệnh trình diện nhập ngũ trong quân đội Ðức. Ông phải đối diện với một thảm trạng. Làm sao ông có thể chiến đấu trong một cuộc chiến mà ông coi là phản luân lý do một chính phủ vô luân gây nên?

Ông Franz hỏi ý kiến cha xứ và đức giám mục địa phận. Cả hai đề nghị ông phục vụ trong ngành quân y, giúp ông không phải mang vũ khí. Nhưng ông không cảm thấy thoải mái về điều này, ông nói rằng việc mang quân phục là dấu hiệu chấp nhận chính phủ và cuộc chiến đó.

Khi một luật sư của nhà cầm quyền hỏi ông tại sao không nhập ngũ trong khi hàng triệu Kitô hữu người Ðức đã tham gia, ông trả lời:

Tôi đoán là họ không có ơn trên để thấy được điều đó. Nhưng tôi có ân sủng để thấy được điều đó, bởi thế tôi không thể nhập ngũ.

Như vậy, sau khi suy nghĩ đắn đo Lời Chúa dạy, hỏi ý kiến của những người liên hệ, và cầu xin sự soi dẫn, ông Franz cảm thấy buộc phải theo tiếng nói của lương tâm ông.

Vào ngày 9 tháng Tám, 1943, ông Franz đã bị hành quyết. Lịch sử đã xưng tụng ông như một anh hùng và vị thánh.

Quyết định của Jagerstatter là thí dụ điển hình cho loại quyết định mù mờ. Nó là quyết định về một tình trạng quá phức tạp để có thể rõ ràng thấy được những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta làm.

Hãy lấy một thí dụ khác.

Giả sử rằng bạn là mẹ của ba người con nhỏ, tuổi từ sáu đến mười một. Bà nội tám mươi tuổi của các cháu đang sống với bạn. Bà là người có ý thức, dễ chịu và được các cháu quý mến. Nhưng bà bị bệnh phong thấp và cần được chăm sóc nhiều hơn. Ðiều này trở thành gánh nặng cho gia đình bạn.

Ngày kia, chồng bạn do dự đề nghị rằng có thể đây là lúc phải đưa "Nội" vào nhà dưỡng lão. Bỗng nhiên hai vợ chồng bạn nhận ra rằng bạn đang đối diện với một quyết định luân lý mù mờ, vì không rõ là loại tình thương nào (Chúa Giêsu dạy) bạn phải dùng để giải quyết trường hợp của bà nội các cháu.

Tiến trình thích hợp để quyết định là theo ba thứ tự đã đề cập ở trên. Bạn phải--

• suy nghĩ đắn đo về sự dạy dỗ của Chúa Giêsu về vấn đề đó,
• bàn hỏi những người liên hệ về vấn đề này, và
• cầu nguyện để xin sự hướng dẫn.

Tiến trình thứ hai trong trường hợp của Nội thật quan trọng. Nó gồm việc bàn hỏi không chỉ ý kiến của Nội và ý kiến của các cháu mà còn ý kiến của những bác sĩ chuyên môn, và cha sở.

Một khi bạn đã qua những tiến trình này, với lương tâm trong sáng bạn có thể lựa chọn bất cứ gì mà sự phán đoán khôn ngoan, được hướng dẫn bởi ơn sủng, dường như đã tỏ ra cho bạn.
Quyết Ðịnh Trái Ngược

Quyết định luân lý khó khăn nhất là khi quyết định này khiến chúng ta đối nghịch với một điều luân lý đặc biệt nào đó của Giáo Hội. Ðây là quyết định luân lý nghiêm trọng nhất mà người Công Giáo phải đối phó. Ðể thấy lý do nghiêm trọng, hãy đọc những lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài:

Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông:

"Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."
Matthew 28: 18-20

Cũng hãy xem những lời Chúa Giêsu nói với Phê-rô:

"Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là Ðá, trên đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.
Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy."
Matthew 16: 18-19

Sau cùng hãy xem những gì Chúa Giêsu nói với các tông đồ trước khi Ngài về trời:

Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xẩy đến.
John 16: 12-13

Ðoạn Phúc Âm trên giải thích lý do tại sao một quyết định luân lý ngược với sự dạy dỗ chính thức của Giáo Hội thì thật nghiêm trọng. Ðó là vì đặc sủng gấp đôi mà Chúa Giêsu ban cho hội thánh. Ngài--

• trao quyền và cho phép Giáo Hội dạy dỗ nhân danh Ngài, và
• đảm bảo với Giáo Hội rằng Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn Giáo Hội trong vai trò dạy dỗ.

Nói cách khác, hành động ngược với điều dạy dỗ chính thức của Giáo Hội là hành động chống với đặc sủng mà Chúa Giêsu đã ban cho Giáo Hội.

Tuy nhiên, khi nói điều này, chúng ta phải hiểu rằng Giáo Hội bao gồm con người, và theo đó Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội. Ðiều này có nghĩa là Chúa Thánh Thần không bỏ qua sự khôn ngoan, tài trí, và kiến thức của loài người. Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội phù hợp với luật tự nhiên của con người. Như vậy Giáo Hội nhận được sự soi sáng trên những vấn đề luân lý và học thuyết cách dần dần và từng giai đoạn, tùy thuộc ở--

• sự mở lòng cho Thánh Thần và
• sự phức tạp của vấn đề.
Giáo Hội Dạy Dỗ ở Hai Mức Ðộ

Vì Giáo Hội không được soi sáng giống nhau trên tất cả mọi vấn đề luân lý và học thuyết, nên Giáo Hội dạy dỗ ở hai mức độ khác biệt.

- mức độ thứ nhất Giáo Hội dạy dỗ như một thẩm quyền tuyệt đối. Thí dụ, khi dạy rằng Thánh Thể là Mình và Máu thật của Chúa Giêsu, Giáo Hội dạy với quyền tuyệt đối. Hậu quả là, chúng ta phải "tin nhận" trọn vẹn điều dạy dỗ này. Nếu không, chúng ta không còn là người Công Giáo.

- mức độ thứ hai Giáo Hội dạy dỗ như một thẩm quyền ít tuyệt đối hơn về một vài vấn đề.

Ðoạn kinh thánh chỉ về mức độ thứ hai của sự dạy dỗ trong thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô:

Về vấn đề độc thân, tôi không có chỉ thị nào của Chúa, nhưng tôi chỉ khuyên nhủ anh em với tư cách là người -- nhờ Chúa thương -- đáng được anh em tín nhiệm.
1 Cor 7:25

Một thí dụ hiện đại về sự dạy dỗ ở mức độ thứ hai là sự dạy dỗ của Giáo Hội về việc ngừa thai nhân tạo, như được đề cập đến trong văn kiện Humanae Vitae ("Sự Sống Con Người"). Theo truyền thống, magisterium (huấn quyền: quyền dạy dỗ tối cao của Giáo Hội) đã và tiếp tục dạy rằng ngừa thai nhân tạo thì phản luân lý cách nặng nề.

Giáo Hội có trách nhiệm hướng dẫn về vấn đề này và những vấn đề luân lý khác--cũng như Thánh Phaolô có trách nhiệm hướng dẫn tín hữu Cô-rin-tô về một câu hỏi làm họ khó chịu.

Giống như thế, chúng ta có trách nhiệm phải "tán thành với đạo," hơn là "tin nhận" trọn vẹn, đối với những dạy dỗ ở mức độ thứ hai của Giáo Hội. "Tán thành với đạo" có nghĩa chúng ta phải chấp nhận sự đáng tin cậy của lời dạy dỗ của Giáo Hội về những vấn đề như thế, bởi vì--

• Chúa Giêsu trao quyền và cho phép Giáo Hội dạy dỗ nhân danh Ngài, và
• đảm bảo với chúng ta rằng Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn Giáo Hội trong vai trò dạy dỗ.

Vì hai lý do tôn giáo này, chúng ta chấp nhận sự đáng tin cậy của điều dạy dỗ. Ðó là ý nghĩa của câu "tán thành với đạo."
Hình Thành Lương Tâm

Hành động nghịch với sự dạy dỗ của Giáo Hội về ngừa thai nhân tạo là vấn đề nghiêm trọng, vì điều đó có nghĩa chúng ta hành động chống với đặc sủng mà Chúa Giêsu đã ban cho Giáo Hội để trợ giúp Giáo Hội trong sứ vụ giảng dạy.

Nó là vấn đề nghiêm trọng vì khiến chúng ta dễ dàng tự lừa dối mình để tin những gì chúng ta muốn tin. Thánh Au-gút-tinh đã biết điều này khi ngài viết:

Nếu bạn tin... những gì bạn muốn và từ khước những gì bạn không muốn, thì đó không phải là bạn tin Phúc Âm, nhưng tin chính bạn.

Tuy nhiên, Giáo Hội để chúng ta tự hình thành lương tâm của chúng ta. Có năm tiến trình trong việc hình thành lương tâm về những vấn đề luân lý khiến chúng ta ở vào tình trạng đối nghịch với sự dạy dỗ của Giáo Hội.

1. Chúng ta phải có lý do nghiêm trọng để làm như vậy.
2. Chúng ta phải cân nhắc sự dạy dỗ của Giáo Hội về vấn đề này và những lý do của nó.
3. Chúng ta đã tìm kiếm những giải pháp khác cho vấn đề lương tâm của chúng ta nhưng không thành công.
4. Chúng ta đã liên lỉ cầu xin sự soi dẫn.
5. Chúng ta không nghĩ là đang làm sai.

Như thế, có thể rằng sau khi đã theo năm tiến trình trên cách trung tín, một cặp vợ chồng Công Giáo có thể thành thật thấy rằng họ đang trong tình trạng tương tranh nghĩa vụ (thí dụ, điều hoà tình yêu vợ chồng với trách nhiệm làm cha mẹ, với việc học hành của các con, hoặc với sức khoẻ của người mẹ). Với những đôi vợ chồng như thế, các giám mục Gia nã Ðại viết rằng:

Phù hợp với những nguyên tắc về thần học luân lý đã được chấp nhận, nếu những người này đã thành thật tìm mọi cách nhưng không thành công để theo đuổi một lối sống thích hợp với những chỉ dẫn [sự dạy dỗ của Giáo Hội] họ được đảm bảo cách chắc chắn rằng bất cứ ai thành thật chọn phương cách nào mà họ coi là đúng thì hãy hành động như thế với lương tâm tốt lành.
Response to HUMANAE VITAE, September 27, 1968.

Sau khi Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đọc đoạn văn trên của các giám mục Gia nã Ðại, phát ngôn viên của ngài đã cho các giám mục biết rằng Ðức Thánh Cha hài lòng với cách diễn tả.
Tóm lược

Quyết định phù hợp luân lý là quyết định những gì đúng với luân lý để hành động trong trường hợp nào đó. Chúng ta có thể phân biệt ba loại quyết định phù hợp luân lý cách tổng quát:

• ;những quyết định hiển nhiên, như Thánh Thomas More đã làm;
• những quyết định mù mờ, như trường hợp của Jagerstatter;
• những quyết định trái ngược, như trường hợp của đôi vợ chồng Công Giáo phải đối phó.

Mỗi một quyết định này có những khó khăn riêng. Mỗi trường hợp đòi hỏi sự nghiên cứu thận trọng, việc hỏi ý kiến với những người liên hệ, và cầu nguyện đặc biệt.

<< Đời sống luân lý 1 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 219

Return to top