Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Gương mẫu đời sống

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 465 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đăng bởi: Thythoa 13 năm trước
Gương mẫu đời sống
Dynh Thy Thoa st

Gương mẫu đời sống
Phần III: Luân Lý Công Giáo
GƯƠNG MẪU ÐỜI SỐNG
Hang toại đạo là chỗ trú ẩn ngầm dưới đất được các tín hữu Rôma thời tiên khởi sử dụng. Hang gồm những địa đạo lạ lùng, được đào sâu qua những lớp đất sét. Hai bên vách địa đạo gồm những "ngăn" mồ mả chôn người chết, chồng lên nhau. Trong thời kỳ bị cấm đạo, các Kitô hữu tụ họp trong những giao liên địa đạo để cùng nhau cử hành Thánh Lễ.

Vài năm trước, có năm em trai chơi đùa trong một hang toại đạo ở ngoại ô Rôma. Bỗng dưng chiếc đèn "pin" của các em hết điện. Trong hai ngày chúng lần mò trong bóng tối, không tìm được lối ra. Rồi một em nhận thấy có phần nhẵn nhụi trên con đường gồ ghề dưới chân. Em lý luận rằng có lẽ nó trơn nhẵn vì bước chân của Kitô hữu tiên khởi ra vào hang để tham dự Thánh Lễ. Các em đã theo dấu chân này đến nơi an toàn.

Một em gái trung học nhận định rằng, "Câu chuyện đó là một dụ ngôn thật hay cho thấy phương cách mà các thánh xa xưa vẫn có thể hướng dẫn và là gương mẫu đời sống cho các Kitô hữu ngày nay."
Các Thánh

Thánh Phanxicô thành Assisi sinh trưởng trong một gia đình người Ý giầu có. Khi là thiếu niên, ngài là người hoang phí và thích ăn chơi. Năm 1202, ngài bị xung vào quân đội và ra chiến trường. Ngài bị bắt và bị cầm tù một năm.

Sau khi được phóng thích, ngài phải mất một năm trọn mới hồi phục được sức khoẻ. Sự thử thách cam go này đã hoàn toàn thay đổi ngài. Ngài từ bỏ mọi sự giầu sang của gia đình, mặc quần áo nông dân, và nhất định đi tìm Chúa. Chỗ cư ngụ mới của ngài là ngôi nhà thờ bỏ hoang ở ngoại ô Assisi. Ngài ở đó một mình để cầu nguyện.

Ðặc biệt có hai điều dạy dỗ trong phúc âm ám ảnh ngài. Ðiều thứ nhất là con người được tạo dựng trong hình ảnh của Thiên Chúa (Sáng Thế 1:26-27). Ðiều thứ hai là bất cứ gì chúng ta làm cho người bé mọn nhất, là làm cho chính Chúa Giêsu (Mátthêu 25:45). Nhờ sự chiêm niệm hai điều ấy, Phanxicô đã triển nở một tình yêu sâu đậm đối với những người bị xã hội ruồng bỏ.

Một ngày kia, ngài đến với người cùi. Dù rằng Phanxicô rất sợ bệnh cùi, ngài bế người này lên. Nghĩa cử cảm động này cho thấy sự dạy dỗ của Chúa Giêsu đã ăn sâu vào tâm hồn ngài.

Không lâu sau biến cố đó, Phanxicô tham dự Thánh Lễ. Ðoạn Phúc Âm hôm ấy nhắc lời Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ đi vào các làng chung quanh để rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu nói các môn đệ đừng mang theo tiền của, nhưng hãy tin vào Thiên Chúa để thoả đáp những nhu cầu (Mátthêu 10:5-15).

Lời dạy dỗ này giao động Phanxicô khủng khiếp. Ngài sống trong một thời đại giống như thời đại của chúng ta, dân chúng xa rời sự dạy dỗ của Chúa Giêsu. Bởi thế ngài đến các thành phố ở Ý để rao giảng Tin Mừng. Nhân cách lôi cuốn của ngài đã thu hút nhiều người trẻ gia nhập với ngài. Và Dòng Phanxicô được khai sinh.
Các Thánh Là Những Người Nguy Hiểm

Trong tiểu thuyết Anthony Adverse, Henry Allen nói về Thánh Phanxicô và các thánh khác như sau:

Thầy Phanxicô và lòng nhân từ của ngài... đã khiến Công Giáo trở thành đạo nguy hiểm. Ngay khi Giáo Hội đang được coi như đồ trang sức và êm ấm trong cái kén của mình... đùng một cái!--cái kén vỡ ra và cánh bướm Công Giáo mỹ miều phát sinh.

"Cánh bướm" phát sinh trong Phanxicô được tóm lược trong lời cầu nguyện của ngài:

Lạy Chúa hãy biến con nên khí cụ bình an của Ngài.
Ở đâu có căm thù, hãy để con gieo yêu thương;
ở đâu có xúc phạm, là tha thứ;
ở đâu có nghi ngờ, là đức tin;
ở đâu có tuyệt vọng, là hy vọng;
ở đâu có tối tăm, là ánh sáng;
và ở đâu có sầu khổ, là niềm vui.

Xin cho con đừng mong muốn
được an ủi hơn là ủi an;
được hiểu biết hơn là hiểu biết;
được yêu mến hơn là mến yêu;
vì khi cho đi là khi chúng con nhận lãnh;
khi thứ tha là khi chúng con được tha thứ;
và chính lúc chết đi
là khi chúng con được sinh vào sự sống muôn đời.
Thánh Là Gì?

Vị thánh có thể được diễn tả là người coi trọng lời mời gọi của Phúc Âm để yêu thương và sống như Chúa Giêsu đã sống. Thánh nhân là người sống động nhắc nhở chúng ta rằng ơn sủng của Thiên Chúa có thể làm những điều lạ lùng trong chúng ta, nếu chúng ta mở lòng đón nhận.

Chữ thánh do bởi chữ Latinh sanctus, có nghĩa "thánh thiện." Thánh nhân là người thánh thiện. Những chữ này gợi cho chúng ta nhớ đến mệnh lệnh của Chúa: "Hãy giữ mình thánh thiện, vì Ta là Ðấng Thánh" (Lêvi 11:44).

Các tín hữu tiên khởi coi nhau là thánh. Họ đối xử như thế không trong ý nghĩa tự cho mình là công chính, nhưng có ý nhắc nhở rằng đây là điều họ được mời gọi. Bởi thế, chúng ta thấy chữ thánh (có khi được dịch là "dân Chúa" hay "người thánh thiện") được dùng trên sáu mươi lần trong Kinh Thánh (thí dụ, Mátthêu 27:52 và TÐCV 9:13)

Tuy nhiên, qua thời gian, chữ thánh được đặc biệt dùng để chỉ những Kitô hữu tiên khởi đã tử đạo hay những người có đời sống ngoại hạng, đời sống thánh thiện.

Lúc đầu, một người được tuyên xưng là thánh bởi những người đã chứng kiến sự tử đạo của họ hay mục kích đời sống thánh thiện của họ. Tuy nhiên, bắt đầu vào khoảng năm 1000, ÐGH Gioan XV đặt ra một thủ tục rõ ràng và chính xác để tuyên xưng một người là thánh. Ðược gọi là phong thánh, thủ tục này gồm cuộc điều tra cặn kẽ về đời sống của họ.
Cộng Ðồng Các Thánh

Thắc mắc mà người ngoài-Công Giáo thường hỏi là: Tại sao người Công Giáo cầu nguyện với các thánh? Tại sao không cầu nguyện thẳng với Thiên Chúa?

Câu trả lời là chúng ta có cầu nguyện trực tiếp với Thiên Chúa trong mỗi Thánh Lễ. Không có liên hệ nào quan trọng hơn sự tương giao với Thiên Chúa.

Nhưng sự tương giao với anh chị em chúng ta cũng quan trọng không kém. Chúng ta là chi thể của Thân Thể Ðức Kitô. Chúng ta là cộng đồng. Chúng ta là người trong gia đình.

Tính cách nghiêm trọng của sự tương giao này được thấy trong Kinh Tin Kính, phát xuất từ thời tiên khởi của Kitô giáo. Một trong mười hai điều của Kinh Tin Kính nói rằng: "Chúng tôi tin ở cộng đồng các thánh." (Chữ thánh ở đây được hiểu theo nghĩa Kinh Thánh là người theo Chúa Giêsu).

Câu "cộng đồng các thánh" tuyên xưng điều chúng ta tin tưởng rằng chúng ta thuộc về một cộng đồng hay một gia đình rộng lớn hơn gia đình đức tin hay gia đình nhân loại ở trần gian. Chúng ta thuộc về những người đã đi trước chúng ta. Do đó, "cộng đồng các thánh" gồm ba nhóm:

• Giáo Hội lữ hành (trên trần gian)
• Giáo Hội thanh luyện (trong luyện hình)
• Giáo Hội tuyệt hảo (trên thiên đàng).

Những bút tích tìm thấy trong hang toại đạo chứng tỏ rằng các Kitô hữu tiên khởi đã cầu nguyện cho những người đã qua đời và xin những người này cầu nguyện cho họ. Họ tin rằng nếu họ cầu nguyện cho nhau khi còn sống thì tại sao không tiếp tục cầu nguyện cho nhau sau khi chết. Một người thân yêu thì luôn hiện diện trong gia đình dù người ấy đang sống trong một tình trạng khác.

Quan điểm của đạo Công Giáo đối với các thánh được tóm lược trong lời kinh sau:

Cha đang được vinh hiển trong các thánh của Cha...
Trong đời sống của họ trên trần gian Cha đã ban cho chúng con những tấm gương.
Trong sự hiệp thông với các thánh, Cha ban cho chúng con được làm bạn với các thánh.
Trong sự cầu nguyện của các thánh cho Giáo Hội Cha đã kiên cường và bảo vệ chúng con.
Tập thể chứng nhân đông đảo này thôi thúc chúng con đến sự chiến thắng để chia sẻ phần thưởng vinh quang đời đời của các thánh.
Kinh Tiền Tụng Lễ Các Thánh Nam Nữ
Mẹ Ðức Giêsu

Vào lúc bình minh của Kitô giáo, một vị thánh nổi bật trong các thánh. Ðó là Thánh Maria, mẹ của Ðức Giêsu. Sự đặc biệt của Ðức Maria do bởi sự kiện là Chúa đã chọn ngài làm mẹ của Ðức Giêsu. Thiên thần Gabriel nói với ngài:

"Bình an cho cô! Thiên Chúa ở cùng cô và ban tràn đầy ơn sủng cho cô. Cô sẽ có thai và sinh con trai và sẽ đặt tên là Giêsu..."

Maria nói với thiên thần,
"Tôi là trinh nữ, vậy, làm thế nào việc ấy xẩy ra được?"

Thiên thần trả lời: "Chúa Thánh Thần sẽ đến trên cô, và quyền năng Thiên Chúa sẽ phủ trên cô. Bởi đó trẻ thánh này sẽ được gọi là Con Thiên Chúa..."

Maria nói, "Tôi là tôi tớ Thiên Chúa, xin hãy thể hiện điều ngài vừa nói."
Luca 1:28, 31, 34-35, 38

Câu nói của Ðức Maria: "Tôi là trinh nữ," xác nhận sự thanh khiết của ngài. Con trẻ ngài thụ thai trong lòng không bởi nguồn gốc loài người, nhưng bởi Chúa Thánh Thần. Do đó theo truyền thống Ðức Maria thường được gọi là "Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa." Hơn thế nữa, truyền thống còn dạy rằng ngài giữ mình đồng trinh cho đến trọn đời.
Mẹ Thiên Chúa

Danh xưng "Mẹ Thiên Chúa" làm nhiều người sửng sốt. Sự diễn tả này không có nghĩa là Ðức Maria là mẹ Thiên Chúa từ thuở đời đời. Nó chỉ có nghĩa rằng Ðức Giêsu là Thiên Chúa theo bản tính xác thịt. Chính trong ý nghĩa này mà người Công Giáo vinh danh Ðức Maria với danh hiệu "Mẹ Thiên Chúa."

Theo lịch sử, danh hiệu "Mẹ Thiên Chúa" đã có từ thời Công Ðồng Ephesus (A.D. 431). Ðiều này xảy đến khi công đồng phải đối phó với vấn đề khi tuyên xưng rằng Chúa Giêsu có hai bản tính (thiên tính và nhân tính) chứ không phải hai người, như một số thần học gia đã dạy cách sai lầm.

Ðể sửa sai, công đồng công bố rằng trong khi Ðức Giêsu có hai bản tính, ngài vẫn chỉ là một người. Ðể nhấn mạnh rằng Ðức Giêsu chỉ là "một" người, công đồng nói thêm rằng, bởi thế Ðức Maria được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Vì, thật vậy, Ðức Giêsu là Thiên Chúa theo bản tính xác thịt.
Vô Nhiễm Nguyên Tội

Người Công Giáo còn vinh danh Ðức Maria với danh hiệu "Vô Nhiễm Nguyên Tội." Ðể hiểu danh xưng này, chúng ta cần nhớ rằng tội nguyên thủy đã làm "hư hỏng" loài người. Chúng ta nói về tình trạng hư hỏng này là tình trạng tội nguyên tổ.

Danh xưng "Vô Nhiễm Nguyên Tội" nói lên đức tin của người Công Giáo--được truyền thống trao lại--rằng, từ giây phút hiện hữu đầu tiên làm người, Thiên Chúa đã gìn giữ Ðức Maria khỏi tội nguyên tổ để chuẩn bị cho ngài làm mẹ Chúa Giêsu. Truyền thống cũng dạy rằng Ðức Maria giữ mình sạch tội trong suốt cuộc đời ngài. Trong văn từ của Kinh Thánh, Ðức Maria "có phước hơn mọi người nữ" (Luca 1:42). Trong văn từ của nhà thơ William Wordsworth, ngài là "niềm kiêu hãnh duy nhất của nhân loại tì ố chúng ta."
Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Khi người Công Giáo nói về việc lên trời của Ðức Maria, họ nói lên sự tin tưởng--cũng được truyền thống trao lại--rằng vào giây phút cuối đời ngài, Ðức Maria được đưa lên trời toàn thể con người của ngài. Nói cách khác, ngài trực tiếp đi từ tình trạng trần tục sang tình trạng siêu phàm, mà thân xác ngài không bị rữa nát, là hình phạt của tội lỗi (Sáng Thế 3:19).

Sự tin tưởng Ðức Maria hồn xác lên trời là kết quả tất yếu của sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của ngài. Vì ngài sạch tội, ngài không bị hậu quả của tội.

Sự lên trời của Ðức Maria là sự nhắc nhở mỹ miều rằng chúng ta cũng được tiền định sống ở trên trời một ngày nào đó trong sự toàn vẹn của con người, linh hồn và thân xác, giống như Ðức Maria.

Bị giao động bởi mầu nhiệm này, Thánh Phaolô so sánh thân xác trước khi chết của chúng ta với một hạt giống; ngài so sánh thân xác sau khi chết của chúng ta với một cái cây nẩy sinh từ hạt giống đó (1 Cor. 15: 36-38). Tiếp tục trong hình ảnh này, Thánh Phaolô viết:

Khi thân xác chôn xuống thì hư nát; chỗi dậy thì bất diệt...
Khi chôn là thể xác; khi chỗi dậy là thân thể có thần khí.
1 Cor. 15: 42, 44
Môn Ðệ Gương Mẫu

Người Công Giáo nhìn đến Ðức Maria như "môn đệ gương mẫu." Ðiều này có nghĩa là họ nhìn đến Ðức Maria như một gương mẫu mà họ phải cố gắng trở thành. Ðặc biệt, có hai đức tính nổi bật trong cuộc đời của Ðức Maria:

• tinh thần phục vụ, và
• tinh thần cầu nguyện.

Có người nói, "Ðời tôi thay đổi hoàn toàn khi tôi ngừng xin Chúa làm dùm tôi, nhưng xin Chúa cho tôi biết có thể làm gì cho Ngài." Ðức Maria có tinh thần phục vụ này.

Tinh thần phục vụ của Ðức Maria tỏ rõ khi sứ thần loan báo với ngài rằng ngài sẽ là mẹ Ðức Giêsu. Ngài trả lời, "Tôi là tôi tớ Chúa, xin hãy thể hiện điều ngài vừa nói."

Tinh thần phục vụ của ngài lại được tỏ ra một lần nữa khi ngài nghe tin bà Elizabeth đang mang thai Gioan Tẩy Giả. Ngay lập tức ngài đến để giúp đỡ người bà con và chia sẻ niềm vui (Luca 1:39-45).

Sau cùng, tinh thần phục vụ của Ðức Maria được tỏ ra một cách thật cảm động trong tiệc cưới ở Cana. Khi biết rằng đôi tân hôn đã hết rượu, ngài lập tức tìm sự giúp đỡ của Ðức Giêsu (Gioan 2:1-5).

Ðức tính thứ hai của Ðức Maria là tinh thần cầu nguyện cũng thật hiển nhiên. Tinh thần này được tỏ lộ trong bài ca ngợi Thiên Chúa của ngài sau khi đến nhà người bà con không lâu (Luca 1:46-55).

Tinh thần cầu nguyện của Ðức Maria cũng được tỏ ra khi sinh hạ Ðức Giêsu. Về những biến cố lạ lùng chung quanh sự sinh hạ của Ðức Giêsu, Phúc Âm viết Ðức Maria "ghi nhớ những điều này và suy nghĩ sâu xa về những điều ấy" (Luca 2:19)

Sau cùng, tinh thần cầu nguyện của Ðức Maria tỏ lộ trong sự tham dự Ngày Hiện Xuống. Thánh Luca nói Ðức Maria và các môn đệ Chúa Giêsu tụ họp để "cầu nguyện như một nhóm" chuẩn bị đón nhận Chúa Thánh Thần (TÐCV 1:14).

Mẹ Têrêsa Calcutta nói, "Sự cầu nguyện mở rộng tâm hồn cho đến khi nó có thể chứa đựng nổi món quà của Chúa là chính Ngài." Sự cầu nguyện đã làm điều này cho Ðức Maria và các thánh. Nó cũng có thể làm cho chúng ta, nếu chúng ta theo gương các ngài.
Tóm Lược

Có thể diễn tả vị thánh là người đã coi trọng lời mời của Phúc Âm để sống và yêu thương như Chúa Giêsu đã làm. Trong tất cả các thánh, Ðức Trinh Nữ Maria thật đặc biệt vì Thiên Chúa chọn ngài để làm mẹ Chúa Giêsu. Do đó chúng ta tôn xưng ngài là "Mẹ Thiên Chúa." Chúng ta cũng trao tặng ngài danh hiệu "Vô Nhiễm Nguyên Tội," vì ngài đã được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ. Sau cùng, vì Ðức Maria sạch tội, ngài không bị hậu quả của tội, nhưng được đưa lên trời toàn thể con người ngài. Sự lên trời của Ðức Maria là một đảm bảo rằng tất cả chúng ta cũng sẽ cùng tham dự với ngài trong con người trọn vẹn của chúng ta, nếu chúng ta cố trở nên giống ngài, nhất là tinh thần phục vụ và tinh thần cầu nguyện.




Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 747

Return to top