Những Mảnh Đời
Phan Đức Nam
Uống hết lon bia thứ hai, Toàn chậm rãi nói với Tuấn: "Dung đi rồi".
Tuấn giật mình, nhả vội miếng khô mực: "Cậu nói gì?...".
Toàn cười khẩy, gật gù nhắc lại: "Dung bỏ đi rồi".
Tuấn biết bạn nói thật. Trước nay Toàn ít khi nói chơi. Tuấn ngơ ngẩn hỏi bạn: "Sao vậy?".
Toàn im lặng, đôi mắt chăm chăm nhìn muôn ngàn ánh điện nhảy múa lấp lánh trên mặt sông phía trước...
Một chiếc ca-nô lướt qua, cắt vụn dòng sáng rực rỡ ấy.
Tuấn phân vân... Anh dựa người vào lưng ghế đá, một cảm giác chán chường lạnh lẽo xâm chiếm. Vô lý thật! Sao Dung lại bỏ đi? Họ yêu nhau và hạnh phúc đến thế? Toàn hay Dung có lỗi?...
Thỉnh thoảng Tuấn vẫn hỏi thăm và mừng cho gia đình bạn, dẫu sao anh cũng là ông mai...
Tuấn biết Dung trước Toàn. Trong dịp đám cưới vợ chồng anh, Tuấn hướng về một cô gái mắt đen và hỏi vợ: "Cô nào xinh thế?". Thúy trả lời: "Em họ em - con bà dì đấy". Tuấn hỏi tiếp: "Có chồng chưa?" - "Chưa. Nó ngoan nhưng có vẻ kén. Anh định?...". Tuấn cười: "Làm mai cho anh Toàn nhé?". Thúy gật: "Em cũng định thế. Chỉ sợ anh Toàn vua kén".
Toàn là bạn thân của Tuấn, ngoài ba mươi rồi vẫn độc thân. "Tớ tuổi ngựa thong dong" - Toàn nói vậy. Tuấn cười: "Cậu kén bỏ xừ!". Toàn gật: "Qua tuổi háo hức rồi, lấy vợ hơi khó..." - "Thôi cậu ơi! Lớn tuổi rồi, nhắm một cô nào đó - tương đối thôi, cười cho xong. Cậu dư điều kiện mà". Tuấn gật, trầm ngâm: "Chắc tại tớ dân văn nghệ... Có dịp quen nhiều cô, nhởn nhơ đâm lì. Trẻ đẹp dĩ nhiên là thích rồi, nhưng cái đầu phải thông minh và "già" một chút". Tuấn cười chọc bạn: "Ghê nhỉ? Khó kiếm đấy. Thế thì cậu nên kiếm cái đầu bà tiến sĩ nào đó, ráp vào thân thể một cô người mẫu". Toàn gật đầu cười: "Bởi vậy tớ toàn nói chuyện với các bà cô, rồi đi chơi với các em". Tuấn cười lắc đầu. Toàn nói tiếp: "Đùa vậy thôi, vợ chồng là duyên số đấy cậu ạ. Lấy cho xong thì dễ rồi, hợp nhau mới khó. Nói thật với cậu, tớ thích lấy vợ quê hơn, đẹp tự nhiên không cần son phấn, trình độ chỉ cần tương đối, học cao quá có khi xem thường chồng. Nhất là làm ra tiền dễ tự lập, dễ xa nhau, như vợ chồng bên Tây vậy". Tuấn gật gù: "Biết ý cậu rồi".
Nên khi thấy Dung xinh đẹp giản dị, Tuấn nghĩ ngay đến Toàn.
Sau đám cưới, Tuấn rủ bạn về quê vợ mình chơi.
Quả nhiên sau đó một tháng, vợ chồng anh được tin Toàn hỏi cưới Dung. Cô giáo còn chờ gì nữa mà không ưng thuận.
Ngày cưới, Dung còn chưa biết sơn móng tay, vậy mà đẹp ơi là đẹp, nàng e lệ sung sướng, còn Toàn thì khoác tay cô dâu hớn hở cười với các bạn, ra vẻ "Thấy chưa?", sau đó kề tai Tuấn: "Cảm ơn nhiều nhé".
Lấy nhau nửa năm rồi mà Dung còn chưa dám ôm eo Toàn mỗi khi chồng chở đi chợ. "Vợ tớ quê không tả được" - Toàn vừa nói vừa cười - "Nhưng tớ lại khoái". Tuấn vỗ vai bạn: "Cậu chắc cú".
Thế mà sống với nhau được hai mặt con, đùng một cái Dung bỏ đi. Lỗi ở Toàn rồi.
"Tại cậu phải không?" - Tuấn hỏi bạn. Toàn trầm tư: "Có lẽ...".
Toàn hơi cúi đầu: "Học cái khổ khó. Học cái sướng dễ. Cái sướng dễ làm hư người". Tuấn nhìn bạn: "Cậu muốn nói gì?". Toàn nhún vai: "Người giàu chẳng thiết đeo vàng. Vợ tớ khi biết tô môi thì bắt đầu kén chọn son này kem kia, mốt này hiệu nọ. Tưởng gần kẻ giàu có tăm tiếng là vinh dự lắm. Tớ chịu không nổi sự kệch cỡm ấy" - "Sao cậu không khuyên Dung?" - "Tớ đã bao lần nói xa nói gần mà Dung vẫn không hiểu. Hay không muốn hiểu? Còn cho là tớ có ý ngăn cản vợ mình tiến thân. Cậu biết tính tớ rồi đấy: Quan trọng là cái tinh thần. Tinh thần đã không hợp thì sống chung chỉ làm khổ nhau. Thà trả tự do cho nhau. Khổ một lần còn hơn." - "Không được. Còn con cái..." - "Tớ nuôi. Nếu Dung muốn nuôi thì tớ cấp dưỡng, thỉnh thoảng đến thăm con vậy!". Toàn cúi đầu: "Tội chúng nó quá!".
Tuấn nhìn thẳng vào mắt Toàn: "Tớ nói cậu đừng buồn. Chẳng biết tớ nghĩ có đúng không? Tớ cho rằng cậu lấy Dung không phải hoàn toàn vì yêu, mà còn muốn Dung phải phụ thuộc vào cậu. Có thể điều này làm Dung bất mãn muốn vượt thoát?".
Toàn gật gù: "Cậu tinh thật! Quả là tớ cứ tưởng mình yêu vợ và làm ra tiền là bảo đảm được hạnh phúc. Hà hà! Không ngờ tớ lại bị trả giá bằng chính đồng tiền của mình".
Ngừng một chút, Toàn nói tiếp: "Tớ có anh bạn cũng dân văn nghệ, bốc lắm! Lấy ngay một gái nhảy - mặc gia đình và bạn bè ngăn cản. Thế mà không ngờ cô ta thành vợ hiền. Hay không bằng hên. Còn tớ, tính không bằng trời tính".
Toàn kể đến đây, chua chát: "Có thể đất nhà tớ không tốt".
Tuấn siết hay bạn: "Cậu chắc buồn nhiều?”. Toàn gật: "Nhiều chứ. Buồn vì mất Dung thì ít, mà buồn nhiều vì chẳng được như ý. Thôi vậy! Sau này có thể tớ sẽ có vợ khác, Dung sẽ có chồng khác – nghĩ cho cùng thì cũng là việc thường tình – Lúc đó biết đâu mới hiểu nhau hơn, thì chuyện cũng đã lỡ rồi. Dù sao cũng là duyên – dù ngắn ngủi”.
Toàn nói xong, lẩm bẩm: "Đám cưới cho lớn để rồi bỏ nhau...".
Tuấn thở dài, biết nói với Toàn những gì bây giờ sau những tan vỡ của gia đình bạn, mà anh là ông mai...
Toàn nhấp ngụm bia, nói tiếp: “Có voi đòi tiên. Càng đòi hỏi càng làm khổ mình. Tớ sợ Dung sẽ khổ thôi. Còn tớ, biết đâu sẽ thành triết gia? Đâu phải có tiền là mua được hạnh phúc cậu nhỉ? Nó chỉ giúp mình đỡ khổ về vật chất...”.
Toàn vừa nói vừa nhìn về góc trái, rồi chỉ Tuấn: “Cậu nhìn hai vợ chồng sống bụi ở góc kia kìa. Chẳng có tài sản nhà cửa gì mà vui chưa? Bà vợ yêu đời ca vọng cổ. Ông chồng phanh áo nằm khểnh ngắm trăng sao, tha hồ tận hưởng gió trời. Họ chẳng mất tiền ghế như mình, mà thoải mái chưa? Coi thiên hạ cứ như không".
Tuấn gật gù, lẩm bẩm: "Coi thì vậy...".
Người đàn ông trung niên nằm gác chân hút thuốc thỉnh thoảng liếc nhìn Toàn và Tuấn. Ông ta gật đầu mỉm cười như muốn làm quen, sau đó bật dậy cài nút áo, thong thả tiến lại chỗ hai người, nhỏ nhẹ nói: "Chút nữa hai thầy cho vui xin mấy cái lon bia". Tuấn gật đầu: "Được mà". Rồi nghĩ đến sự so sánh vừa qua của Toàn, anh hỏi: "Coi bộ ông sướng quá?". Người đàn ông cười, khoe hàm răng sún: "Đời mà thầy! Sướng lúc nào hay lúc đó". Toàn gật gù kéo ghế: "Ông làm lon bia chứ? Tôi mời". Người đàn ông như chỉ chờ có thế, gật đầu ngồi xuống ngay.
Dù Toàn mời nhưng Tuấn cũng thấy hơi khó chịu vì sự tự nhiên nhanh chóng của người đàn ông này, không phải anh phân biệt nhưng cảm thấy ông ta thuộc diện "Ai kêu tui đó?".
"Cảm ơn thầy" - Người đàn ông xoa xoa hai bàn tay - "Chắc bữa nay hai thầy có chuyện vui?". Toàn lắc đầu, khui lon bia: "Buồn thì có. Thấy vợ chồng ông yêu đời tôi thấy thèm" - "Vậy sao?... Xin lỗi, hai thầy là?...".
Toàn quay qua Tuấn: "Anh bạn tôi là nhà báo, thích nghe ngóng viết lách. Ông có chuyện nào hay kể nghe chơi, biết đâu...". Người đàn ông vỗ nhẹ tay: "Chà! Hai thầy là nhà báo - thiệt hân hạnh! Còn tui thứ tư, thường kêu Tư Phè".
Tuấn cũng thấy vui vui, anh nổi máu nghề nghiệp: "Vợ chồng ông vui vẻ hạnh phúc vậy... Xin lỗi, có khi nào... lục đục không?" - "Hà hà! Vợ chồng lục đục là chuyện thường - Với bà này thì chưa. Mới sống chung có ba tháng hà" - "Vậy sao?...". Người đàn ông gật, cười rất hồn nhiên, coi như đương nhiên chuyện đời là vậy: "Bà này thứ ba đó". Toàn giật mình: "Thứ ba?... Vậy hai bà kia đâu?". Người đàn ông đáp tỉnh bơ: "Qua phà rồi".
Tuấn hơi ngớ ra, rồi hỏi: "Ông có con cái nhiều không?" - Có chớ. Tổng cộng sáu đứa lận. Hai đứa chết. Hai đứa con của tui gửi phía nội. Còn hai đứa con riêng của bà này gửi ngoại. Tụi tui khỏe re. Con cháu thì ông bà nào hổng thương".
Tuấn lắc đầu: "Ông bà vô tư thật! Xin lỗi nhé?... Ông bà... sống bằng gì?". Người đàn ông đáp ngay: "Sông nước nuôi". Rồi chỉ qua bên kia sông: "Sáng sáng bốn giờ còi tàu hụ là tôi bên này sông, bả bên kia sông, tà tà vừa thả bộ tập thể dục vừa lượm bao ni lông, lon bia, vỏ đồ hộp... Nghĩa là đủ thứ trên đời mà thành phố này thải ra, trôi dạt vô bờ. Thứ nào nhắm bán được là bỏ vô bị. Có khi tui bắt được nguyên cái hàng rào. Tháng trước vợ tui vớt được nguyên cần xé vịt con...".
Tuấn bật cười, nghĩ: "Chuyện hay đây!", rồi hỏi: "Ông bà đi có xa không?" - "Vài ba cây số thôi. Đoạn trên của người khác. Lâu lâu tui chán bên này thì đổi cho bả bên kia. Coi như vừa tập thể dục vừa du lịch, vừa đi làm" - Tuấn mỉm cười: "Còn ăn uống?..." - "Tụi tui tự nấu ăn cho đỡ tốn. Có gì đâu? Kê ba cục gạch là thành bếp, có gì ăn đó. Lâu lâu trúng mánh leo xích lô coi hát, đưa bả đi ăn cơm Tàu cho biết với người ta".
Ông Tư Phè kể xong nhón vài hột đậu phọng nhai tóp tép, uống một hơi bia dài, khà! Rồi mới kể tiếp: "Tụi tui sống nhờ Trời. Cúi xuống sông có gạo, ngước lên trời có củi". Toàn và Tuấn nhìn ông ta có vẻ thắc mắc. Ông ta cười, chỉ tay lên những vòm me tây: "Củi trên đó. Vợ tui lượm cành khô, còn tui lấy cây sào có móc giựt, khều, cành nào khô đụng sơ là rụng, chụm được liền. Cành nào chưa khô thì để dành. Tụi tui còn đổi củi lấy cơm lấy bún".
Toàn và Tuấn nghe mà lắc đầu, lại thấy thú vị. Ông Tư Phè cao hứng thả lỏng tâm sự: "Ngày nào xào ngày đó. Có dư chỉ dành chút đỉnh thôi. Chớ nhiều thì mắc công giữ, mắc công lo. Gạo mua từng ký, có chỗ cất đâu mà mua nhiều? Ở đây nhiều chuột lắm! Chà! Thịt chuột nướng lên cũng bắt à nghe".
Tuấn nhăn mặt, cười: "Mùa mưa đến thì sao?" - "Thì tản cư xuống gầm cầu. Mưa hơi cực nhưng đỡ phải xin nước". Toàn lắc đầu: "Chịu ông thật! Không lẽ cuộc sống vậy mãi?" - "Chớ thầy nghĩ tui còn biết làm gì khi hổng có chút vốn liếng? Mà làm được tui đã làm rồi" - "Thế ông không lo gì sao?". Người đàn ông im lặng, sau đó hỏi lại: "Xin lỗi nghen. Vậy chớ thầy có biết hồi nào... mình ngỏm không?".
Toàn sửng người! Phân vân!... Anh lắc đầu: "Vô lo như vợ chồng ông kể cũng sướng. Nhưng tôi thấy không ổn. Đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ, còn mưa nắng, đau bệnh..." - "Thì ai mà chẳng bệnh, rồi chết. Tui nói có thể hai thầy nghĩ rằng tui nói liều, nhưng nghĩ cho cùng thì ai cũng phải vậy".
Ba người im lặng một chút. Người đàn ông nói tiếp: "Để tôi kể hai thầy nghe, tui hổng nói dóc đâu - Mà hai thầy có nghĩ tui nói dóc cũng được. Hồi trước, ba má tui giàu lắm! Bởi vậy tui mới ỷ lại, mới sinh hư. Tui ăn chơi cờ bạc phá nát tài sản, trở thành nghèo khổ. Rồi có lúc tui lại lên hương chút đỉnh. Đời người ai cũng có đôi lúc lên hương, lên nhiều lên ít. Ăn thua biết giữ thì bền. Còn tui là thằng ngu. Những thằng có máu chơi rút cục thua người ta hết.
Nhưng nhờ đó, tui thấy mỗi lúc mình lên voi xuống chó, con người ta nhìn tui mỗi khác. Khi tui giàu có kẻ ganh, lúc tui trắng tay nhiều khi họ lại thương. Đời mà!
Nên giờ tui chán rồi! Hổng phải bất mãn đâu. Tui nghĩ giàu nghèo đều có số hết. Thiếu gì người dở hơn tui mà vẫn giàu. Thiếu gì người giỏi hơn hai thầy mà vẫn nghèo. Thôi thì trời cho sao nhờ vậy. Miễn phè là sướng. Người Bắc như hai ông nói nhàn là phè đó. Mà phè nghe hay hơn nhàn à nghen - Lè phè bình dân mà. Gì chớ giàu mà cực mà lo cũng đâu có sướng phải hông hai thầy?". Toàn gật gù: "Giàu nghèo đều có cái lo cái khổ của nó". Tư Phè gật: "Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Giàu dù sao cũng đỡ hơn nghèo. Người giàu trong trứng làm sao biết được hết cái khổ của người nghèo? Giờ tui chỉ mong ngày hai bữa thường thường, mà thoải mái tâm hồn là dui rồi". Tuấn cười: "Hiện giờ chắc ông đang thoải mái?" - "Phải. Bữa nay trúng mánh, được hai thầy cho uống bia, sướng quá đi chớ". Tuấn cười: "Ông lâu lâu chắc cũng trúng mánh?" - "Có. Nhiều khi trúng đậm, phè cả tháng. Nói thiệt hai thầy nghe: Lâu lâu tụi thủy thủ chôm đồ dưới tàu, chúng đâu dám mang ra, phải bọc trong mấy lớp ni lông, nháy tui, rồi thả xuống sông. Tui tà tà lội ra vớt, bán chia hai. Tụi nó còn cho nhậu. Hi hi! Tui khổ dài dài. Lâu lâu vô mánh thấy thiệt sướng. Hai thầy uống bia hoài đâu thấy hết cái ngon?". Ông ta nói xong nháy mắt: "Cám ơn hai thầy bữa nay nghen!".
Tối hôm ấy, trên đường về, Toàn nói với Tuấn: "Vợ chồng họ sống vô trách nhiệm, nhưng biết phận mình. Tớ cảm thấy họ cũng khổ". Tuấn gật đầu: "Ông cụ tớ lúc còn sống thường bảo: "Sống trên đời này, thân nhàn và tâm nhàn mới là sung sướng".
*
Bờ sông này, băng ghế đá này, giờ chỉ còn mình Tuấn ngồi, anh nhấm nháp lon bia và nhớ lại từng gương mặt cũ...
Toàn đã đi Pháp nghiên cứu thêm điện ảnh. Tuấn biết bạn muốn quên. Dung đang lao vào ánh đèn, hay đang khóc trong bóng tối? Lâu rồi cả anh và Thúy cũng ngại không đến hỏi thăm.
Rồi có một ngày nào đó, như anh bây giờ, cả Toàn và Dung cũng phải ngồi một mình và nhìn lại...
Còn đôi vợ chồng vô tư kia?...
Đã lâu rồi - thỉnh thoảng Tuấn có qua đây, anh không thấy họ sinh sống ở góc thềm ấy nữa. Sóng đời cuốn họ về đâu? Họ đáng thương hay đáng trách? Tuấn chợt thấy lòng chùng xuống...
"Chút thầy cho tui xin cái lon bia...".
Tiếng nói sau lưng làm Tuấn giật mình quay lại bắt gặp người đàn ông hôm xưa... Ông ta gãi đầu nhăn nhó cười. Tuấn buột miệng: "A! Ông Tư...". Người đàn ông tròn mắt nhìn Tuấn, sau đó mừng rỡ gật đầu: "Tui nhớ rồi! Thầy nhà báo...". Tuấn ái ngại: "Dạo này ông ốm quá!". Người đàn ông thở dài: "Tui bệnh!...". Rồi ngần ngại hỏi: "Còn... thầy kia đâu?...". Tuấn nói tránh đi: "Bạn tôi đi công tác". Rồi xích sang một bên: "Ông ngồi chơi... Thế nào? Vợ ông đâu rồi?". Người đàn ông ngồi phịch xuống ghế, gương mặt đen sạm hóp hẳn lại: "Qua phà rồi".
- Tuấn hơi giật mình, nhưng lần này anh bớt ngạc nhiên hơn. Cuộc đời giàu nghèo sướng khổ cũng có thể bỏ nhau được, chẳng biết đâu mà lường.
"Lâu chưa" - Tuấn hỏi. Người đàn ông im lặng, rồi nói: "Thầy còn muốn nghe chuyện tui nữa không?... A! Thầy là nhà báo thì cũng nên nghe lắm. Từ bữa tui gặp hai thầy, chiều hôm sau con vợ tui trúng số, tụi tui lại lên hương. Tui nghĩ lần này mình phải rút kinh nghiệm. Già rồi! Phải lo mần ăn. Đâu còn nhiều thời gian nữa. Ai dè con vợ tui ôm tiền trốn theo một thằng nhóc".
"Thầy nghĩ có buồn không? Có đau không? Đau quá đi chớ! Mà thôi. Đời mà! Tui và nó cặp nhau cho vui, cho có đôi. Cả hai cũng biết là tạm bợ, như gạo chợ nước sông, như đám lục bình cặp kè.... hổng biết rã hồi nào... Có điều buồn là lúc nghèo thì hổng sao...".
Tuấn lặng im nghe, cảm thấy chán chường như dạo nào...
Anh đẩy lon bia mới về phía ông Tư Phè: "Ông uống đi...". Người đàn ông lắc nhẹ đầu: "Cảm ơn thầy, bữa nay tui bệnh. Chỉ xin thầy cái lon". Tuấn gật: "Thì ông cứ cầm lấy, hết bệnh rồi uống".
Tuấn gọi trả tiền, dúi cả số tiền thối lại vào túi ông Tư Phè: "Ông cầm lấy uống thuốc". Người đàn ông rơm rớm nước mắt: "Cảm ơn thầy...". Tuấn cười: "Vui lên chứ? Ông lạc quan lắm mà?".
Ông Tư Phè gượng cười, nụ cười tươi tươi trở lại: "Phải!... Lạc quan mới sống được... Để rồi thầy coi, tui sẽ lấy vợ nữa. Có một bà bán ổi vẫn hay cười với tui".
Tuấn bật cười rồi lắc đầu. Cuộc đời thật sống động!
Anh nhìn theo bóng người đàn ông chìm trong màn đêm.
Giọng ca của con nhỏ bán vé số ngồi bên kia chợt cất lên một câu hát cải biên ngồ ngộ: "Không phải tại em cũng phải tại anh, tại vàng lên giá hai đứa mình xa nhau...".
Tuấn giật mình! Đời thật!...
Hạnh phúc như cái bóng. Hơi thở lạnh của tiền bạc vật chất đang phủ mờ cái bóng ấy. Tuấn nghĩ mình phải về ngay, phải về ngay - dù anh mới gây với vợ chiều nay...
Ánh mắt bé Vy cứ sáng lên soi rọi lối anh về.