Tôi là một con chó. Một con chó bình thường như tất cả những con chó nhà khác. Người ta nuôi chúng tôi để chúng tôi trông nhà, đi săn, làm bầu bạn (số này ít thôi), để cho vui hoặc chỉ đơn giản là làm cảnh và thậm chí chỉ cốt để phô bày cho thiên hạ thấy cái nếp thời thượng cao sang, thời trang cập nhật của gia đình mình. Do xuất thân là giống chó vùng rừng núi, có tầm thước vừa phải nhưng khoẻ mạnh, nhanh nhẹn và tinh nhạy nên tôi được ông chủ Bệu - là chủ hiện giờ của tôi, người thấp và mập nhưng không hiểu sao thịt ở má và cằm cứ chảy võng xuống - nhân một chuyến công tác vùng sâu vùng xa, xin đưa về nuôi để giữ nhà.
Ngày ấy, thực ra tôi không muốn đi tí nào. Khi nghe ông bệu ngỏ ý muốn xin tôi đưa về xuôi, tôi phát hoảng, trốn biệt vào rừng. Đến xẩm tối, tôi mò về, thấy im ắng, mới rón rén đi vào nhà. Ông chủ thấy tôi đứng thập thò ngoài cửa liền gọi tôi vào, lấy cơm cho ăn. "Khổ mày, suốt từ sớm đến giờ chẳng có gì vào bụng - ông nhẹ nhàng xoa đầu tôi, buồn bã thủ thỉ - tao cũng đứt từng khúc ruột ấy chứ, nhưng đành phải thế thôi. Người ta thích mày quá mà, người ta lại giúp tao xin việc cho thằng A Bay nhà mình đấy. Làm việc dưới tỉnh thì không phải khổ; Nó lấy vợ ở dưới ấy rồi từ đời con nó cũng thế. Mày xuống Thủ đô ở với ông ấy không khổ như ở với tao đâu mà. Thôi, mày giúp tao vậy !". Nghĩ cũng phải, nhưng trong người cứ thấy buồn quá. Tôi không nuốt nổi chỗ thức ăn còn lại, lẳng lặng đi vào xó nhà, nằm xoài, thở dài. Ông chủ nhìn tôi, cũng thở dài. Đi thì đi, đi để trả nghĩa cho một gia đình đã rất quý mến tôi, đi cho biết đó biết đây ! Thế là tôi quyết định ra đi mặc dầu trong lòng rất luyến tiếc nơi chôn rau cắt rốn của mình và cũng không khỏi có chút bịn rịn với gia đình nhà chủ.
Đúng là ở với ông chủ Bệu có đầy đủ hơn thật. Ngày nào tôi cũng được ăn những thứ mà ngay cả ông bà chủ cũ của tôi mỗi năm cũng chỉ được ăn một đôi lần vào những dịp lễ, tết. Có điều, bà chủ mới chỉ cho tôi ăn khi họ đã xong bữa và đồ ăn của tôi được vét từ các bát đĩa thức ăn còn lại của mâm cơm. Còn hồi ở quê, bà chủ xới cơm cho tôi cùng một lượt với mọi người trong nhà. Ông bà chủ, các cô cậu và tôi cùng vừa ăn vừa cảm nhận hơi ấm toả ra từ cái bếp lửa bập bùng kề bên, từ những chuyện cả nhà nói với nhau về công việc nương rẫy, về việc học tập của trẻ con, về một cô Lủ nết na nào đấy ở bản bên. Về đây, tôi trở nên sạch sẽ, thơm tho, bóng mượt và đỏm dáng hơn. Cứ một tuần, chị người ở lại lôi tôi ra tắm cho một lần bằng cái cục màu hồng nhờn nhờn có mùi thơm là lạ mà sau này tôi được biết họ vẫn gọi là xà phòng thơm. Thỉnh thoảng, trước khi có mấy ông hồng hào, ngực ưỡn đi những chiếc xe lùn màu đen bóng nhẫy đến chơi, tôi còn được xì thêm một chút nước thơm sực nức từ cái lọ bé xíu mà bà chủ lấy từ một cái bàn nhỏ có gương đặt trong buồng ngủ của mình. Bà bảo: "Cho nó đỡ hôi, nếu không, khách khứa đến thì ngượng lắm !" Thực ra, tôi cũng không biết là mình có khổ hay sướng hơn trước không. Tôi chỉ thấy tù chân tù cẳng, chỉ thấy nhớ cánh rừng già mà chỉ cần phóng từ đầu nhà ra một quãng ngắn là tôi có thể chui vào những tán cây sùm xoà, xanh thẫm mà tha hồ nhảy nhót, sục sạo và thả sức hít căng lồng ngực làn không khí trong lành ẩm mát, phảng phất thứ mùi thơm khó tả của lớp lá cây mục, gỗ mục trộn với đủ các thứ hương toả ra từ các thứ lá và hoa rừng. Thứ mùi có sức mê hoặc tựa như khói của một loại nhựa màu nâu sẫm khi đốt lên mà mấy người già ở quê tôi vẫn dùng để hít vào phổi.
Cũng còn may cho tôi. Nhờ câu nói của bà chủ: "Phải cho nó tự do ra ngoài, không thì mình phải quét dọn cái của ấy, gớm lắm, bố ai chịu được !" nên ông chủ Bệu thuê người khoét cho tôi một cái lỗ vừa đủ chui lọt ở cánh cửa cổng. Dù là tù túng, nhưng tôi được đi lại thoải mái hơn, không gò bó, phát cuồng lên như những hôm đầu.
Dân ở đây lạ lắm. Họ ăn mặc đẹp, quần áo nhiều màu lạ mà đẹp mắt nhưng lại không có cái nhà để ở. Họ sống trong những cái hộp vuông vắn, nhẵn nhụi và những đồ đạc họ dùng, tôi chưa hề nhìn thấy lần nào ở quê. Chỉ ngày đầu tiên, sau khi cái lỗ ở cổng đã được khoét, tôi đã biết hết mặt những người sống lân cận nhà tôi. Có điều, gặp tôi ở ngoài đường, họ cứ nhìn tôi chằm chằm, ngờ vực và tránh xa ra. Xin cứ việc, chẳng sao cả !
Những con chó ở đây cũng lạ, chúng ít tụ tập hoặc sang nhà nhau chơi bời, tán gẫu như trên quê tôi. Thậm chí ngay cả việc chào nhau chúng cũng ít làm và thường kiệm lời lắm. Chúng ít rong chơi mà thường quanh quẩn ở nhà, thỉnh thoảng lại đảo qua chỗ để bát cơm, hít hít ngửi ngửi, liếm láp đôi chút rồi thủng thẳng bước ra phía cửa nghiêng ngó, hóng cái gì đấy không rõ. Chán, rồi ngáp dài và uể oải chui vào gầm bàn làm một giấc tít như con quay tiện bằng gỗ nhãn. Có lẽ vì thế mà chúng thường bị giới lưu manh coi thường. Nhưng chúng chẳng hề tự ái về chuyện đó. "Chuyện vặt, không đáng nghĩ ! - Con Phốc cạnh nhà tôi bảo thế - Điều quan trọng, đáng để những con chó khôn ngoan, nghiêm túc và có chí tiến lên quan tâm là sự nghiệp của mình. Mà cái sự nghiệp đó lại phụ thuộc vào việc nhà chủ có tin mình không, vào cách làm thế nào để họ tin yêu mình; Dĩ nhiên, điều đó sẽ ảnh hưởng đến độ đầy và mức thơm ngon của bát cơm dành cho nó !". Thế nhưng chúng lại có vẻ rất khoái cái trò cãi nhau. Chẳng cần phải điều gì to tát, nghiêm trọng cho đáng, nhiều khi chỉ vì những việc không đâu như chuyện một con chó hàng xóm lân la ngoài cửa và đôi mắt lại cứ nhìn đăm đắm vào bát cơm của con chó chủ nhà. Năm thì mười hoạ, tôi mới có dịp chuyện gẫu với chúng, nhưng cũng kém hứng thú. Chúng thường bình luận về những cái tôi chẳng có chút hiểu biết gì; Đại loại như các loại đồ ăn mới được du nhập từ nước ngoài hoặc các loại xà phòng thơm mà giới chó thuộc các nhà sang trọng hay dùng. Về khoản này, thú thực, nhờ chúng mà tôi được mở mang ít nhiều, nhưng cái đầu nhà quê của tôi lại chẳng nhớ được bao nhiêu. Cũng may, những cái đó, nếu có đọng lại được trong đầu tôi, khá lắm cũng chỉ làm cho những kẻ ít xét nét không cho tôi là đồ chó quê. Đôi khi, trong lúc tán gẫu, nếu tôi có đề cập đến những chuyện có dính dáng đến rừng xanh, suối mát, chim ca, vượn hú hoặc những thú vui khi vào cuộc săn chồn săn cáo thì chúng lại nhìn tôi như nhìn một thứ chó hoang dã, man rợ, chưa hề nếm trải các cái văn minh lịch duyệt. Và, dù những con chó ấy có khéo đến mấy, chúng cũng không thể giấu hết được cái nhìn khinh khi pha chút thương hại của những kẻ cả nơi tỉnh thành, dồi dào tin tức và am tường mọi nhẽ đối với một thứ chó không giống chó nào (tương đương với cụm: "Không giống ai" của giống người) như tôi.
Mà chủ của chúng - Họ cũng khổ, chẳng có lấy cái nhà mà ở - cũng lạ lắm ! Tuy họ cũng khoái cái trò cãi nhau, nhưng nguyên nhân dẫn đến các cuộc cãi vã của họ thường thuyết phục hơn, cao cả hơn. Thậm chí, họ còn có cả năng lực cãi nhau kịch liệt trong im lặng. Hình như đấy là một khả năng chỉ thấy ở giống người. Nhưng thường thường, kết thúc của kiểu cãi nhau này còn gớm ghiếc hơn cả cắn nhau đổ máu. Nghe nói, lúc thua có người phải vào nhà thương điên. Tất nhiên trong số đó có người không hề điên tí nào. Điều làm tôi phiền lòng nhất và cũng vì thế mà bức xúc nhất là trong khi cãi vã, họ thường vô cớ bôi nhọ danh dự loài chó chúng tôi. Khi cuộc đọ khẩu đã đạt đến độ cao trào, họ không ngần ngại gì mà không xuất ra những "đặc chưởng" kèm theo nhiều dấu chấm than như: Đồ chó ! Đồ ăn bẩn như chó ! Đồ chó má đê tiện ! Đồ chó săn !... Bố láo, giống chó chỉ ăn uống thiếu vệ sinh chứ tuyệt nhiên, hàng ngàn năm nay, không bao giờ ăn bẩn ! Giống chó làm gì cũng đàng hoàng chứ không bao giờ quanh quéo, kể cả khi tranh ăn của đồng loại ! Ấy vậy mà khi chứng kiến những "đặc chưởng" đó được ngang dọc phóng ra, lũ chúng nó cứ thản nhiên như không có gì xảy ra, tựa như cái loài chó khốn nạn ấy là cái giống nảo giống nào, ở tít đâu như trên cung trăng vậy. Xin lỗi, tôi không hề có ý trịch thượng khi đưa ra nhận xét này: Ý nghĩ của loài chó quê chúng tôi thanh thoát đến nỗi có thể nhẹ nhàng bay liệng trên không trung hoặc phóng thẳng lên những đỉnh núi cao nhất, xa nhất; Còn ở đây, hình như trong ý nghĩ của những con chó tỉnh có lẫn cả sạn, luôn bị những cái hộp nhỏ bé vuông vắn kia khuôn lại, ép xuống, ngắn tũn, loanh quanh và độc như muỗi A-nô-phen !
*
Cũng còn may cho tôi - một con chó quê mùa ngớ ngẩn, lạc lõng, cô độc, thấy cái gì cũng lạ - làm quen được với một cô nàng chó Nhật lông xù nền trắng vá vàng rất kháu. Tôi gặp cô nàng trong một lần đang đi về cuối con phố hẹp gần nhà. Cánh cổng nhà ấy ít khi thấy đóng. Hôm ấy, cô nàng đang ngồi trong sân, buồn thiu nhìn ra đường.
- Gâu, chào đằng ấy ! - Tôi lân la tiến đến, ve vẩy cái đuôi làm quen.
- Gâu, xin chào anh ! - Cô nàng nghiêng cái đầu xù, lịch thiệp trả lời, ánh mắt có phần hơi cảnh giác, cái đuôi hơi cụp xuống, bất động - tôi tên là Tôny. Tên anh là gì ?
- Tên cô nghe lạ nhỉ - Tôi ngẩn ra - Ở chỗ tôi ở cũ người ta chỉ gọi chúng tôi theo màu lông thôi. Vậy là cô biết tên tôi rồi đấy.
- Đen ! - Cô nàng reo lên như tìm thấy mẩu xương.
- Mực ! - Tôi độ lượng chữa lại và giảng giải - Mực thì đen mà. Nhưng bây giờ ông bà chủ mới của tôi lại gọi tôi là A-lát-xô. Mà sao ở đây người ta đặt tên nghe cứ như xe chạy trên đường khấp khểnh ấy nhỉ ? Thôi kệ, cái đó có đáng gì !
Từ đấy, mỗi khi có dịp, tôi thường đến chơi với Tôny. Tôi kể cho cô nghe các chuyện về quê tôi. Có nhiều cái cô không thể hình dung ra được nhưng lại tỏ ra rất thích thú. Tôny rủ tôi vào nhà. Trông cô ấy yểu điệu khuê các thế thôi nhưng nơi ở cũng đơn giản lắm, đồ đạc các thứ không phức tạp và bóng bảy như bên nhà tôi. Cụ chủ, từ dưới nhà đi lên, trông thấy tôi liền mỉm cười: "ồ ... Tôny đã có bạn rồi cơ đấy !". Theo bản năng, tôi toan bỏ chạy, nhưng Tôny đã kịp thời thông báo: "Ông cụ nhà em hiền lắm, mấy lại rất yêu súc vật" . Cụ ngồi xuống, giơ tay ra bắt, nhưng tôi không hiểu nên cứ ngồi yên. "Khi mới gặp nhau lần đầu - cụ nói với tôi, giảng giải - bao giờ người ta cũng bắt tay nhau để tỏ tình thân thiện". Rồi cụ cầm lấy chân trước của tôi đặt vào lòng bàn tay của mình, nắm chặt lại mà lắc lắc. "Thế, thế - cụ nói - còn bây giờ ta sẽ đãi hai bạn một chầu bánh bích quy Hải Châu". Sau đó, chúng tôi cùng chén bánh, còn cụ ngồi vào bàn, mải miết viết lách cái gì đó. Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ: Đó là một cụ già tóc đã bạc trắng, gầy guộc mà nhanh nhẹn. Khuôn mặt gầy gầy, nhẹ nhõm với đôi mắt to hiền từ , cái sống mũi thanh và thẳng như sống lá chuối trên quê. Vầng trán rộng và sáng với một mảng da trắng bợt phía chân tóc, khác hẳn với phần còn lại.
- Trán cụ làm sao ấy nhỉ ? - Tôi thắc mắc.
- Bị chất độc màu da cam từ hồi trong chiến trường đấy.
- Thế Cụ viết cái gì mà nhiều thế ? - Tôi không giấu được sự tò mò.
- Cụ là đại tá quân đội đấy; Đã tham gia hai cuộc chiến tranh đánh Pháp với đánh Mỹ. Vào ngày lễ quân đội, cụ mặc quân phục vào nom oách lắm.
- Thế thì liên quan gì đến chuyện viết lách ?!
- Đúng là anh chưa biết ! Ngày xưa cụ chủ nhà em chỉ huy bộ đội chiến đấu giỏi lắm, toàn là thắng thôi ! Một lần, trên đường đi công tác, bị giặc phục kích và bị bắt bỏ tù vào đảo Phú Quốc, tít tận cuối miền nam. ở trong tù, cụ bị giặc đánh nhiều lắm, đau lắm, chảy cả máu, nhưng không đầu hàng. Thế mới oách chứ ! Đã thế lại còn tập hợp được các tù binh khác như mình và bảo họ cách đấu tranh chống lại bọn nhà tù ! Bây giờ, về hưu rồi mà cũng chả thấy nghỉ ngơi gì đâu. Bên quân đội yêu cầu cụ viết lại những kinh nghiệm chiến đấu bằng súng ống ngoài trời mấy lại chiến đấu không có súng ống trong tù để người ta thêm vào sách học của những sỹ quan bây giờ đấy !
Tôi lè lưỡi, ngước nhìn cụ, thán phục.
Một lần, tôi hỏi:
- Tôny bé như quả dưa chuột thế kia làm sao mà trông nhà được ?
Cô nàng đưa chân lên gãi đầu, cười cười:
- Đúng là việc này em không thể oách bằng các anh được. Chẳng ai sợ em cả, nhưng có khách đến nhà là em biết ngay. Em sủa nhách nhách báo cho cụ chủ biết. Thật đấy ! Mỗi khi nghe em cất giọng, cụ bảo: "A, có khách đây, xem là ai nào !". Cũng may, khách nhà em toàn người đàng hoàng, tử tế; ông nào nom cũng hiền hiền là. Họ hay cho em bánh bích quy, có người còn mang cho em cả thịt quay nữa. Còn điều này, anh biết không - cô nàng tròn mắt, thì thầm - hễ có ông nào chẳng may bị ốm đau, họ kéo đến đông lắm. Người thì hỏi thăm, người thì chăm nom, người thì tặng quà, người thì gửi thuốc, cứ tít mù cả lên như nhà có việc ý chứ !
- Sao em biết ?
- Cụ chủ cho em đi theo mà !
- Sao lại thế nhỉ. Chắc họ là họ hàng của nhau - tôi phỏng đoán.
- Không tý nào chứ ! - Tôny thần mặt ra một lát. Sau đó à lên một tiếng và nói bằng một giọng đầy tự tin - Họ là bạn chiến đấu, đã từng chia nhau từ củ sắn, mẩu thuốc lá đến cả cái mạng sống.
- Mạng ai thì người ấy sống chứ, chia thế quái nào được ! - Tôi phì cười.
- Anh chưa biết rồi - Tô ny nhẫn nại giải thích - Có lúc bạn mình bị thương, họ cho nhau cả máu đấy ... rồi lại còn ngấm ngầm nghĩ mẹo để giành nhau cả những việc nguy hiểm chết người ấy chứ ! Cứ nghe lỏm các cụ ấy tố cáo nhau trong lúc nói chuyện, em biết được hết.
- Vì sao lại thế nhỉ ?
- Vì họ là bộ đội chứ sao nữa. Các bộ đội đều như thế hết !
Một lần, cụ chủ nhà Tô ny có một cụ bạn đến chơi. Nhân trông thấy chúng tôi, cụ khen:
- Anh Tô Diệu nuôi được hai con chó hay quá nhỉ !
- Không, có một thôi. Con màu đen ở gần đây, bạn của con Tôny nhà tôi. Anh Thanh Huệ tặng tôi đấy. Cái tên Tô ny là do cháu nội anh ấy đặt từ trước, gọi quen rồi, chứ tôi lại thích gọi nó là con Vá kia. Cũng không sao. Điều thú vị là nó cư xử với tôi như là một người bạn !
- Thế cơ à ? Nếu thật thế thì quả là phi thường.
- Đối với cái giống này, chuyện đó cũng là bình thường. Các cụ nhà mình từ xưa chả nói "Khuyển mã tri tình" đó sao ? Lúc nào chúng cũng quấn quít với chủ mà không hề để ý xem ông chủ của chúng cho chúng cái gì. Và sự quấn quít ấy cũng không hề nhạt đi ngay cả khi mất mùa đói kém, ta không thể có gì giúp cho chúng qua cơn đói lòng.
Nghe đến đấy, mặt cụ khách chợt đỏ lên và, ngay sau đó, chuyển sang trắng bợt. Cụ khách đưa bàn tay lên, run run vuốt mặt, thở dài.
- Anh làm sao thế, thấy khó ở à ? - Cụ Diệu trông thấy thế, hốt hoảng hỏi - tuổi già nắng mưa không chừng là thế đấy.
- Không có vấn đề gì đâu. Đúng là lão già lẩm cẩm, hay nghĩ ngợi, suy diễn không đâu, rồi đâm ra trầm cảm.
- Tôi nói có điều gì không phải ? Thôi, cho qua đi !
- Không, tôi phải cảm ơn anh đã cho tôi "mở rộng tầm mắt". Có điều ... giá mà giống người chúng mình ...
- Tại anh chưa nuôi bao giờ nên chưa biết đó thôi. Anh cứ thử nuôi mà xem, hay lắm đấy. Cái giống này vừa tinh nhạy vừa trong trẻo như trẻ con ấy. Chúng cảm nhận rất chính xác đâu là người tốt, kẻ xấu. Cứ nghe tiếng sủa, cứ xem thái độ của chúng là ta có thể nhận diện được khách vào nhà là loại người nào; mà cứ quan sát cái cách nó quấn quýt với chủ thì cũng biết được chủ nó có quý nó hay không. Chúng biết hết cả đấy, chỉ phải cái không nói ra được ... Thường thường, tôi dậy lúc khoảng năm giờ sáng. Tập tành một chút rồi đun nước, làm một ấm trà, vừa nhấm nháp vừa ngâm nga mấy câu cổ thi. Cái đó đã thành lệ. Vì thế có hôm nào thấy mệt, tôi không dậy sớm là y như rằng khoảng bảy giờ, Tô ny bắt đầu chồm lên cạnh giường, kéo màn, kéo chăn. Có một lần, tôi thấy mệt quá, các khớp chân tay ê bại, đầu buốt như có một vật gì sắc nhọn xuyên qua (chắc do cái đợt ở tù, bị chúng nó bắt đứng đèn) nên không dậy được. Các con tôi không biết, tưởng tôi vẫn ngủ, sợ mất giấc của bố, nên chúng để yên, rồi đi làm. Tô ny kéo màn mấy lần, thấy tôi vẫn nằm im, nó bèn đứng ra giữa nhà, sủa rộn lên. Sau đó thấy im ắng một lúc lâu. Té ra, nó phi sang nhà bà Luận - bác sỹ quân y - cùng sinh hoạt tổ cựu chiến binh với tôi. Sau này bà kể lại tôi mới biết - Tô ny cứ hết cắn lấy gấu quần bà kéo ra phía ngoài rồi lại chạy ra cổng, hướng đầu về phía nhà nó mà sủa ... một lúc sau, bà Luận ngờ ngợ đoán ra có chuyện gì đó bên nhà tôi (về khoản trực giác, phụ nữ vốn nhanh nhạy hơn cánh mình nhiều) ... Vụ ấy, nhờ được bà ấy xử lý kịp nên bây giờ, tôi vẫn còn ngồi đây nói chuyện với anh.
- Chà, Đúng là phi thường ! - Cụ khách thốt lên, thú vị - Lần này ta không có gì. Lần sau đến, nhất định ta sẽ khao cô mình một chầu ra trò.
- Thực ra, em biết gì đâu, chỉ là học theo cụ chủ thôi - Tôny vừa thẹn thò vừa vui sướng giải thích cho tôi - lần ấy em bị đau bụng, cụ chạy sang mời cụ Luận tiêm cho em. Buồn cười lắm, cụ ấy cứ ra ra vào vào cả buổi sáng, chả đâu vào đâu, quên cả bữa trưa. - Nói đến đây, cô ngừng lại, nhỏm lên, gập người ra phía sau, xử lý một con rận bất thần quấy rầy không đúng lúc ở phía đuôi (hành vi ấy không được nhã lắm, nhưng nó diễn ra rất hồn nhiên nên có thể châm chước được - Tôi thầm nghĩ) - Hồi ấy - Tô ny hồn nhiên nói tiếp - còn khó khăn lắm, cả cái phố này chỉ toàn nhà lụp xụp. Bác con dâu cả thương cụ, mua trứng vịt lộn cho cụ ăn sáng. Cụ vẫn cầm tờ báo đọc, thủng thẳng bảo: "ừ, để đấy rồi bố ăn". Khi bác ấy ra khỏi cửa đi làm, cụ mới bỏ tờ báo xuống, nhỏm phắt dậy, lấy trứng bóc cho em. Còn cụ thì ăn ... mỳ ăn liền !
Ngay cả tôi, một con chó hẳn hoi, cũng thấy điều đó là phi thường. Tôi nhìn Tô ny, nhìn cụ Diệu, lòng tràn đầy cảm phục. Cụ Diệu và cụ khách thì chẳng hay biết gì; còn cô nàng thì bẽn lẽn, vùi mặt vào hai chân trước, kín đáo ngước mắt quan sát mọi người. Nếu không có lớp lông dày mượt che phủ thì có lẽ tôi đã trông thấy mặt cô ta lúc ấy đỏ lắm.
*
Trời đã về tiết cuối thu. Vài chiếc lá đỏ tía, còn sót lại trên cây bàng trước cửa nhà cũng đang ngả ngốn, như chỉ chực bay theo những làn gió nhẹ đã chớm se lạnh. Thời gian trôi đi nhanh quá. Nhờ ở gần cụ Diệu và Tô ny, tôi trưởng thành hẳn lên. Những hiểu biết về giống người và giống chó của tôi dường như cũng đầy lên. Những nhận xét của cụ Diệu về loài chó khiến tôi phải tự xét lại bản thân và cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết. Duy chỉ có cái nhìn của những con chó hàng xóm khi trông thấy tôi là vẫn không đổi. Qua ánh mắt chúng, tôi đọc được những dòng sau: Gã quê mùa này không có khả năng hiểu được cuộc sống và các kỹ năng tạo dựng cho mình một đời sống vật chất bền vững; Thực đáng thương, đáng thương !
Mùa đông năm ấy mây giăng đầy trời, cây lá đìu hiu, phố phường xám xịt. Cái giá buốt kéo dài lê thê như không bao giờ còn dừng lại nữa. Có những hôm nhiệt kế xuống đến vạch thứ 6, hơi lạnh rò rẫm vào đến tận xương ống chân. Những đợt gió mang hơi lạnh, không rõ từ đâu đến, liên tục và hào phóng trộn đều vào không gian. Giá đó không phải là hơi lạnh mà là tiếng cười thì đã quá ! Nói cho vui thế thôi chứ thực ra, dẫu ông trời kia có làm cho bầu không khí này đông cứng lại, tôi vẫn không cảm thấy lạnh. Chính hơi ấm của tình bạn giữa ba chúng tôi đã làm nên điều kỳ diệu ấy.
Tôi sung sướng, say sưa tận hưởng vị ngọt mà cụ già và Tôny đưa lại và tưởng chừng như làn ánh sáng ấm lành từ họ toả ra là cứ thế, là mãi mãi. Sau này, khi đã già nua, được nghe chuyện của nhiều người già, tôi mới hiểu ra rằng lúc bông hoa đạt tới trạng thái tươi thắm nhất cũng là lúc cái sự tươi thắm ấy bắt đầu đi vào cõi tàn lụi. Điều mà tôi và Tôny không bao giờ có thể nghĩ trước đã xảy ra.
Chuyện xảy ra vào một buổi trưa của cái mùa đông buốt giá khác thường ấy. Các bác con cụ đưa cụ vào bệnh viện do chứng xuất huyết não bất thần xảy ra. Sinh hoạt trong gia đình trở nên rối loạn. Nhà cửa bừa bộn. Hàng xóm ngơ ngác. Tô ny bỏ bữa và nằm dụi vào góc bếp. Tôi cố khuyên giải nhưng chẳng ăn thua gì.
Hai ngày sau, người ta báo tin cụ đã mất. Mọi người bận rộn chuẩn bị cho tang lễ. Tô ny vẫn bỏ bữa và nằm lả trong góc bếp. Bà Luận hay tin, chạy sang. Sau khi khám xong, tiêm cho Tôny thứ thuốc gì đấy và lắc đầu thở dài. Cuối cùng, cô bé không trụ được và cũng đã ra đi vào đúng cái ngày đưa tang cụ chủ. Sau đám tang, mọi người trong nhà kinh ngạc khi khớp lại thời gian của các việc xảy ra trong ngày. "Lạ thật, Tô ny chết đúng vào lúc hạ huyệt cho bố !" - Bác trưởng thảng thốt kết luận.
Thế là họ quyết định đưa Tô ny ra nghĩa địa, chôn cạnh cụ chủ.
Tôi chạy dọc theo các con phố ồn áo, lách bừa qua dòng xe cộ những lúc phải sang đường, lén bám theo họ ra ngoài đồng. Đợi họ chôn cất cho Tôny xong và trở về, tôi tiến đến hai ngôi mộ: một lớn, một bé. Mùi đất mới, mùi cỏ tươi trộn với mùi khói hương trong làn gió đồng se sắt của một chiều đông buốt giá khiến mọi vật trở nên xám ngắt, ảm đạm. Nỗi nhớ trào lên đến cháy ngực. Lần đầu tiên trong đời, sâu trong lồng ngực, tôi cảm nhận được thế nào là nỗi tái tê của một kẻ cô đơn, côi cút.
Ở dưới lớp đất kia, chắc hai ông cháu đang lạnh lắm ! Tôi khẽ đặt xuống bên mộ cụ Diệu một mẩu bút chì, bên mộ Tô ny mấy chiếc bánh bích quy mà không sao dừng được những giọt nước mắt cứ ứa ra.
Tháng 8 năm 2004 Tác giả: Nghiêm Lương Thành