Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Những Chuyện Lạ về Mẹ trên Thế Giới

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 3706 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đăng bởi: Thythoa 13 năm trước
Những Chuyện Lạ về Mẹ trên Thế Giới
Dynh Thy Thoa st

Những Chuyện Lạ về Mẹ trên Thế Giới
Những Sự Lạ
Ðức Mẹ Hiện Ra Trên Thế giới

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cầu nguyện tha thiết với Ðức Trinh Nữ Maria như sau: "Con xin Mẹ hãy giúp đỡ các tín hữu trở nên những người lính canh của hy vọng, không bao giờ thất vọng, và luôn luôn tuyên xưng rằng: Chúa Kitô là Ðấng chiến thắng sự chết và tội lỗi. Lạy Mẹ trung tín, xin Mẹ soi sáng nhân loại thời đại chúng con, để hiểu biết rằng: sự sống của mỗi một con người không giập tắt đi trong nắm tro bụi, nhưng được mời gọi đi đến một số phận của hạnh phúc vĩnh cửu".
(Huấn Ðức của ÐTC trong ngày lễ Ðức Maria Hồn Xác lên Trời 15/8/2001).

Ðức Mẹ LaVang, Việt Nam
Ðức Mẹ Trà Kiệu, Việt Nam
Ðức Mẹ Lộ Ðức, Pháp
Ðức Mẹ Fatima, Bồ Ðào Nha
Ðức Mẹ Guadalupe, Mễ Tây Cơ
Ðức Mẹ Medjugorje, Nam Tư
Ðức Mẹ Loreto, Ý
Tượng Ðức Mẹ Khóc ở Syracuse, miền Nam nước Ý
Các Ðền Thánh kính Ðức Mẹ tại Italia
Ảnh Vải Ðức Mẹ Hay Làm Phép Lạ, Du Bac, Paris, Pháp
Ðức Mẹ Hồng Phúc, Vienna, Áo Quốc
Ðền Thánh "Ðức Bà Sức khỏe, Arakia Matha" tại Vailankanni, Ấn Ðộ
Ðức Mẹ Núi Carmelô
Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Ảnh Tượng Ðức Mẹ Kazan, Moscow, Nga
Y khoa và phép lạ

Suy niệm về
sự tích Ðức Mẹ Lavang năm 1798
Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Suy niệm về sự tích Ðức Mẹ hiện ra tại La-Vang năm 1798.
Lúc 10 giờ sáng thứ hai , ngày 13 tháng 8 năm 2001, tại linh Ðịa La Vang, đã có nhiều đoàn hành hương đến ghi danh tại Văn Phòng của Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang : 24 đoàn từ thành phố Sàigòn, 11 đoàn từ Xuân Lộc, 06 đoàn từ Ðà lạt, 05 đoàn từ Buôn Me Thuột, 03 đoàn từ Nha Trang, 01 đoàn từ Kontum, 01 đoàn từ Phan Thiết, 01 đoàn từ Phú Cường. Ðó là chưa kể nhiều đoàn từ Huế đã ra và đang tiếp tục ra.
Cảnh Linh Ðịa La Vang (hôm nay, thứ hai 13/08/2001) có nắng đẹp và mát mẻ. Thật không ai ngờ ! Vì cơn bão Usagi, hôm thứ sáu 10/08/2001 vừa rồi, đã tàn phá các tỉnh kế cận Quảng Trị, là các tỉnh Hà Tỉnh, Nghệ An, Quảng Bình. Và hôm thứ bảy 11/08/2001 sau đó, theo đài khí tượng cho biết, bão Usagi nầy có khả năng hướng về Quảng Trị. Nhưng cho đến nay, chỉ có một vài trận mưa làm cho mát mẻ Ðất mẹ La Vang, và cơn bão Usagi đã biến mất, không còn nữa.
Tại Linh Ðịa La Vang hiện nay, ban âm thanh đã thiết kế một hệ thống truyền thanh bao phủ cả vùng Ðất Mẹ La Vang : những chiếc loa sắt xinh xắn, hiệu Optimus, được treo nhiều nơi trong Linh Ðịa để làm sao cho âm thanh được đến tận tai mọi người, vì Linh Ðịa La Vang là một khu vực thật rộng rãi.
Hàng trăm nhân viên trong ban trật tự đã sẵn sàng: đầu đội mũ màu vàng và mang y phục màu xanh, họ có mặt khắp nơi trong Linh Ðịa. Trong nhiều cái trại bằng vải màu xanh, hình tròn, nhiều khách hành hương đã đến tạm trú. Linh Ðài Ðức Mẹ La Vang được nhiều người hành hương đến kính viếng và cầu nguyện. Mọi sự xảy ra tốt đẹp. Mọi người đang mong đợi cuộc lễ hành hương sẽ diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng 8 năm 2001, gồm Thánh Lễ Vọng Ðức Mẹ Hồn Xác lên Trời ban chiều, Kiệu Thánh Thể và Canh thức cầu nguyện bên Mẹ vào ban tối ngày 14/08/2001; và sáng ngày 15/08/2001, Thánh Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và Kiệu Ðức Mẹ La Vang.
Cuộc hành hương tháng 8 năm nay (2001) đánh dấu 100 năm ngày kiệu Ðại Hội lần đầu tiên tại Linh Ðịa La Vang vào năm 1901.

Vài lời chứng nhân lịch sử:
Ngày 15 tháng 8 năm 1975 là ngày có ngay cuộc hành hương lần thứ nhất về Ðức Mẹ La Vang tại Linh Ðịa La Vang. Trong những đêm trước ngày hành hương lịch sử nầy, một mình trước Linh Ðài Ðức Mẹ La Vang giữa ba cây đa nhân tạo vẫn còn đứng vững sau chiến cuộc 1972, tôi lặng lẽ một mình suy niệm về sự tích Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang. Và trong bài suy niệm nầy, tôi đã đặt mình trong hoàn cảnh đau thương bi đát của các giáo hữu lúc đó đang ẩn trốn tại La Vang.
Vậy tôi xin ghi lại đây bài suy niệm nầy. bài suy niệm nầy gồm có 6 phần:
1. Cơn Bắt Ðạo năm 1798
2. Cơ cực trăm bề
3. Giữa cảnh bơ vơ
4. Ðức Mẹ nhậm lời và hiện ra
5. Ðức Mẹ ban ơn
6. Lời cầu nguyện của người hành hương tại La Vang

1. CƠN BẮT ÐẠO NĂM 1798
Năm 1798, đang lúc đóng đô ở Phú-Xuân, Thừa-Thiên, Vua Cảnh-Thịnh, Nhà Tây-Sơn, ra sắc chỉ cấm Ðạo Công-giáo.
Lệnh vua vừa ban ra, quân lính đua nhau nổ lực tầm nã người công giáo để bắt bớ, hành hạ và chém giết.
Ðể tránh cơn bắt Ðạo độc ác nầy, hầu được trung thành giữ Ðạo, theo Chúa cho đến cùng, các bổn đạo thuộc tỉnh Quảng-Trị tìm cách chạy trốn vào một nơi rừng sâu nước độc, cách xa tỉnh thành hơn sáu cây số. Ðây là khu rừng núi La-Vang, độc địa, hẻo lánh, đầy những thú dữ đủ loại.
2. CƠ CỰC TRĂM BỀ
Lên ẩn núp tại núi rừng La-Vang để tránh nguy hiểm bị bắt bớ, bị chém giết vì Ðạo, người công giáo lúc bấy giờ phải lâm vào sáu cơ cực tầy trời sau đây.
Cơ cực thứ nhất: núi rừng độc địa
Lúc bấy giờ, núi rừng La-Vang âm u, rậm rạp, lạnh lẽo, không có ánh sáng mặt trời chiếu vào, gây nên chướng khí độc địa, làm cho những người công giáo ẩn náu tại đây phải kiệt lực, mất sức, trở thành mồi ngon cho bệnh tật, chết yểu.
Cơ cực thứ hai: thú dữ tứ phía
Núi rừng La-Vang lúc bấy giờ hoang vu rậm rạp, cọp, beo, heo rừng và những thú dữ đủ loại, ngày đêm xông xáo đi tìm mồi. Chúng sẵn sàng vồ giết bất cứ ai cả gan xâm phạm lãnh thổ của chúng.
Núi rừng La-Vang lúc bấy giờ có tiếng rất nguy hiểm vì đầy thú dữ, nên muốn vào đây đốt than, kiếm củi, đốn gỗ, người ta phải đi theo nhau từng đoàn, vừa đi vừa hò hét la vang, vừa khua lên những tiếng rộn ràng để xua đuổi các thú dữ. Vì thế, người công giáo vào ẩn trốn tại La-Vang lúc bấy giờ, rất dễ biến thành mồi ngon cho thú dữ phanh thây, ăn thịt.
Cơ cực thứ ba: thiếu hụt lương thực
Khi nghe tin bắt Ðạo, người công giáo vội vã lìa nhà lìa cửa, bỏ hết mọi sự để chạy trốn, chỉ vơ vét đem theo vài chục lon gạo, vài chút lương khô. Khi lên ẩn náu tại rừng núi La-Vang, họ không liên lạc được với ai để xin giúp đỡ vì không có chợ, không có quán ăn, không có gia đình nào ở trong chổ rừng rú nầy. Họ cũng không trồng trọt được cây ăn quả nào, cũng không chăn nuôi được con vật gì, vì ban ngày, họ cũng phải lo trốn lánh ẩn núp kẻo bị lộ diện. Vì phải trốn lánh ẩn núp lâu ngày, lương thực họ bới theo, đã hao mòn, lương thực họ kiếm được đôi chút trong rừng núi, cũng không đủ thiếu gì. Vì thế, họ lâm vào tình cảnh thiếu lương thực rất trầm trọng.
Cơ cực thứ tư: cuộc sống héo hon tàn tạ
Vì lo âu, vì khí độc, vì sợ bị bắt, vì sợ thú dữ phanh thây, vì thiếu hụt lương thực trầm trọng, những người công giáo đang ẩn núp tại rừng núi La-Vang lúc bấy giờ, càng ngày càng héo hon tàn tạ, da bọc xương, kiệt lực, mất sức, gầy còm, ốm o.
Cơ cực thứ năm: bệnh tật lan tràn
Kiệt lực, mất sức, mang đủ mầm mống của bệnh tật, không có gì ăn để bồi dưỡng, không có thuốc men để chữa bệnh, không được ai săn sóc giúp đỡ, những người công giáo ẩn núp tại rừng núi La-Vang lúc bấy giờ, không ai mà thoát khỏi bệnh tật dày vò: họ mắc đủ thứ bệnh tật đau đớn.
Cơ cực thứ sáu: tình cảnh bất an
Lệnh bắt Ðạo do Vua Cảnh Thịnh ban ra lúc đó, thật gắt gao. Quân lính đi lùng quanh rừng, tìm cách bắt nộp người công giáo để được lãnh thưởng.
Trong tình hình quá bất an như vậy, dù ban ngày, những người công giáo đang trốn tại rừng núi La-Vang lúc bấy giờ cũng không dám tự do đi lại, không dám xuất đầu lộ diện, nhưng phải luôn luôn ẩn núp trong những lùm cây, hốc đá.
Dầu vậy, thật đáng khâm phục thay!
Giữa những cơ cực tư bề như thế, những người công giáo lúc bấy giờ vẫn không hề buồn phiền thất vọng, nhưng họ vẫn luôn giữ một lòng tin cậy vào Chúa và Mẹ.
3. GIỮA CẢNH BƠ VƠ
Giữa cảnh bơ vơ cơ cực trăm bề, những người công giáo lúc bấy giờ tại núi rừng La-Vang thúc đẩy nhau hãy đặt hết lòng trông cậy vào Ðức Mẹ đoái thương. Ban ngày, họ tản mác tìm chỗ ẩn núp trốn tránh. Ban đêm, họ tìm gặp nhau nơi gốc ba cây đa để lần hột, thiết tha kêu xin Ðức Mẹ đoái thương cho họ được sống can trường, theo Chúa kiên trung, dù phải lao lung, dù phải khốn cùng, vẫn không ngại ngùng chồn bước lui chân.
Mặc cho bệnh tật đau đớn dày vò, mặc cho núi rừng độc khí cướp mất sức lực của họ, mặc cho sự thiếu hụt lương thực làm cho họ rã rời, mặc cho thú dữ rình rập nguy hiểm, trong đêm tối âm u của rừng sâu lạnh lẽo, trong những tiếng vang lên yếu ớt vì kiệt sức, những người công giáo lúc bấy giờ sốt sắng lần hột, kêu xin Ðức Mẹ cho họ được lòng tin Chúa cho mạnh, lòng cậy Chúa cho bền, lòng kính mến Chúa cho sốt sắng.
Kính mừng Maria đầy ơn phước! (Trong đêm tối rợn rùng của núi rừng độc địa, chúng con xin dâng lên lời kính chào Mẹ đầy ơn phước!)
Ðức Chúa Trời ở cùng Bà! (Trong khi tâm hồn chúng con đầy lo âu dằn vặt, chúng con vẫn ngợi khen Mẹ là Ðấng Hạnh Phúc có Chúa ở cùng Mẹ!)
Bà có phước lạ hơn mọi người nữ! (Trong khi chúng con đang nằm la liệt trong đêm tối, trên đất lạnh, vì bệnh tật trầm trọng, vì đói lả kiệt sức, chúng con vẫn tung hô Mẹ đầy ơn phước lạ hơn tất cả mọi người.)
Và Giêsu, Con lòng Bà, gồm phước lạ! (Trong khi chúng con sợ hãi vì tình cảnh bất an, có thể bị bắt, bị giết bất cứ lúc nào, chúng con vẫn hết lòng ngợi khen Chúa Giêsu, Con của Mẹ, đầy tràn phước lạ.)
Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời! (Giữa bao nguy biến khổ đau nặng nề, chúng con vẫn hết lòng trông cậy kêu đến Mẹ, vì Mẹ là Mẹ của Ðức Chúa Trời, nhưng Mẹ cũng là Mẹ của chúng con.)
Cầu cho chúng con là kẻ có tội! (Chúng con đang lao đao cực khổ, bỏ cửa bỏ nhà, bỏ ruộng đất tài sản, mạng sống đang phải bấp bênh nguy hiểm vì lòng tin Chúa, vì muốn trung thành theo Chúa. Chắc Chúa và Mẹ thương chúng con lắm! Dầu vậy, chúng con vẫn nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình và thành thật xưng mình là kẻ có tội, để được Chúa và Mẹ thương hơn nữa.)
Khi nầy, và trong giờ lâm tử! (Khi nầy - khi chúng con đang chìm ngập trong tang tóc, đau khổ, hiểm nguy - , chúng con đang sống cũng như chết, vì chúng con đang chết mòn, đang chết dần, đang kiệt lực mất sức vì bệnh tật, vì đói khổ, vì bị bắt bớ, nhưng xin Mẹ thương giúp chúng con sống theo thánh ý Chúa như Mẹ ngày xưa. Và trong giờ lâm tử, - giờ lâm tử, giờ chết đang treo lơ lửng trên đầu chúng con - , sau khi chúng con chết, xin Mẹ đưa chúng con về Nước Trời bên Chúa muôn đời.)
Amen! (Xin Mẹ nhậm lời chúng con cầu nguyện!)
Những lời van xin Ðức Mẹ trong hoàn cảnh đau thương như thế, thật quá cảm động!
Người mẹ trần thế nầy, khi thấy con mình gặp cơn hoạn nạn, không đợi con mở miệng kêu xin, đã vội chạy đến giúp con, đã có mặt ngay bên cạnh con.
Huống nữa Ðức Mẹ là Bà Mẹ trên trời! Kìa, đoàn con Mẹ đang thi nhau kêu xin tha thiết trong đêm tối rùng rợn, trên đất núi rừng La-Vang lạnh hiu! Vì thế, Ðức Mẹ ra tay cứu giúp ngay!
4. ÐỨC MẸ NHẬM LỜI VÀ HIỆN RA
Thấy đoàn con trong đêm tối ở núi rừng La-Vang quyết một dạ sắt son theo Chúa, quyết hết lòng trông cậy vào Chúa, Ðức Mẹ Maria liền hiện ra an ủi.
Trong đêm tối rừng sâu La-Vang, giữa những lời cầu nguyện sốt sắng của những người công giáo lúc bấy giờ, Ðức Mẹ Maria liền hiện ra, tay bồng Chúa Giêsu Hài-Ðồng cho họ thấy, vì chính Chúa Giêsu là Ðấng mà họ quyết trung thành đi theo cho đến cùng.
Ðối với Ðức Mẹ Maria, điều quan trọng nhất, là phải làm sao cho con cái Mẹ ở trần gian phải trung thành theo Chúa Giêsu cho đến cùng. Vì thế, Ðức Mẹ khuyên những người công giáo lúc bấy giờ hãy bền gan giữ Ðạo Chúa Trời, dẫu sống giữa đời gặp nhiều thử thách.
Bền gan theo Chúa cho đến cùng!
Trung kiên theo Chúa, không bao giờ nao núng!
Ðó là ân huệ đặc biệt và quý báu nhất,
Ðức Mẹ Maria ban cho đoàn con mình tại núi rừng La-Vang lúc bấy giờ.
Nếu không bền đỗ theo Chúa cho đến cùng,
thì ngay cả những sự gian khổ lớn lao vì Chúa lúc ban đầu, cũng vô ích.
Và đây là điểm nổi bật nhất của sứ điệp Ðức Mẹ ban ra tại La-Vang
khi hiện ra năm 1798 cho đoàn con mình:
Hãy chịu khó vì Chúa!
Hãy chịu khó vì Ðạo!
Hãy bền đỗ theo Chúa cho đến cùng !
Chúa và Mẹ không bao giờ bỏ rơi
những ai đặt hết lòng trông cậy vào các Ngài!
5. ÐỨC MẸ BAN ƠN
Thấy đoàn con đang sốt sắng cầu nguyện trong đêm tối, kẻ thì thoi thóp hấp hối, người thì quằn quại giữa những đau đớn bệnh tật, kẻ thì kiệt lực vì đói lả lâu ngày, người thì lết qua lết lại, Ðức Mẹ Maria quá cảm động: sau khi khuyên đoàn con giữ� vững đức tin và theo Chúa cho đến cùng, Ðức Mẹ bắt tay ngay vào việc chữa lành các bệnh tật.
Và trong dịp hiện ra tại La-Vang năm 1798 nầy, Ðức Mẹ Maria đã phán dạy lời đặc biệt mà những người công giáo lúc bấy giờ đã truyền lại cho con cháu đến ngày hôm nay: "Mẹ đã nhậm lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu Mẹ tại chốn nầy, Mẹ sẽ nhậm lời theo như ý nguyện."
6. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TẠI LA-VANG
Lạy Mẹ La-Vang, xin xuống ơn tràn cho gia đình chúng con. Trong chốn khách đầy trần gian nầy, gia đình nào trong chúng con mà không mang nhiều gánh nặng đau thương, mà không có nhiều thánh giá Chúa gởi đến. Xin Mẹ thánh hóa mọi thành phần trong gia đình chúng con, cho tất cả chúng con biết sống vâng theo thánh ý Chúa như Mẹ ngày xưa. Xin Mẹ cho gia đình chúng con biết cầu nguyện mỗi tối trước khi đi ngủ, mỗi sáng sau khi thức dậy, cầu nguyện và cám ơn Chúa trước và sau mỗi bữa ăn, đọc ba lần kinh Truyền Tin sáng trưa chiều tối, để gia đình chúng con vang lên lời cầu nguyện như một nhà thờ kính Chúa. Xin mẹ giúp cha mẹ, vợ chồng, con cái trong gia đình chúng con siêng năng giữ ngày của Chúa là Ngày Chúa Nhựt, để gia đình chúng con được phước nghe Lời Hằng Sống của Chúa và để nuôi dưỡng bằng bánh Hằng Sống của Chúa.
Lạy Mẹ La-Vang, xin xuống ơn tràn cho giáo xứ chúng con. Giáo xứ chúng con là nơi chúng con được chịu phép Rửa Tội để trở thành con Chúa và con Mẹ. Giáo xứ chúng con là nơi chúng con hy vọng sẽ chết tại đó để được chôn vào Ðất Thánh của giáo xứ. Nhà Thờ của giáo xứ chúng con là thiên đàng trên trần gian nầy, nơi đây, chúng con gặp được Chúa Giêsu Thánh Thể, Con của Mẹ và là Nguồn Hạnh Phúc trên hết của chúng con. Giáo xứ chúng con là nơi chúng con được nghe dạy về đức tin để chúng con biết không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà nhất là phải sống bằng Lời Hằng Sống của Chúa. Giáo xứ chúng con là nơi chúng con có Cha Sở, Vị Cha thiêng liêng Chúa thương ban để lo phần rỗi cho chúng con. Chúng con cũng xin Mẹ đoái thương nhiều giáo xứ không có linh mục, nhiều giáo xứ quá xa xôi hẻo lánh, không liên lạc được với linh mục, nhiều giáo xứ mà người công giáo chúng con quá ít ỏi. Xin Mẹ thương ban cho các giáo xứ chúng con sống đức tin mạnh mẽ, sống luôn trông cậy vào Chúa và Mẹ, sống hiệp nhất yêu thương nhau.
Lạy Mẹ La-Vang, xin xuống ơn tràn cho giáo phận Huế chúng con, giáo phận mà Mẹ đã thương chọn làm nơi hiện ra năm 1798, giáo phận mà ngay từ đầu, đã được dâng kính cho Trái Tim Vẹn Sạch Ðức Từ Mẫu trên trời, giáo phận được diễm phúc thay mặt các giáo phận Việt-Nam để bảo trì phần hương hỏa Ðức Mẹ La-Vang trong đại gia đình công giáo Việt-Nam. Cúi xin Mẹ đoái thương ban bình an và ơn hồn xác đầy tràn cho hàng Giáo Phẩm Huế, cho hàng linh mục, cho giới tu sĩ và mọi giáo dân trong Giáo Phận Huế của Mẹ. Xin Mẹ thương chúc lành và ban nhiều ơn cho những đồng bào không công giáo trong Giáo Phận Huế.
Lạy Mẹ La-Vang, Xin xuống ơn tràn cho Giáo Hội Việt-Nam chúng con, Giáo Hội mà Tin Mừng Phúc Âm của Con Mẹ đã lan tràn đến cách đây hơn 300 năm, Giáo Hội mà do máu đổ ra của biết bao nhiêu Tiền Nhân Cha Ông Tử Ðạo chúng con làm cho vươn mạnh lên. Xin Mẹ hãy ban cho Giáo Hội Việt-Nam chúng con luôn mạnh mẽ trong đức tin, thẳm sâu trong đức cậy, rạng ngời trong đức mến. Xin Mẹ hãy cho đồng bào Việt-Nam chúng con biết Chúa và biết Mẹ, để Giáo Hội Việt-Nam càng ngày càng thêm đông số những người con của Chúa và của Mẹ.
Lạy Mẹ La-Vang, xin xuống ơn tràn cho Tổ Quốc Việt-Nam chúng con. Tổ Quốc Việt-Nam thân yêu của chúng con đã có từ hơn bốn ngàn năm nay. Tổ Quốc Việt-Nam thân yêu chúng con là nơi chúng con được phước sinh ra khi chào đời, là nơi chúng con được hạnh phúc chôn cất khi lìa đời, là nơi chúng con được diễm phúc làm người Việt-Nam da vàng, đầu đen. Xin Mẹ hãy cúi xuống chúc lành cho từng bụi cây Việt-Nam, từng khóm tre Việt-Nam, từng mái nhà Việt-Nam, từng luống cày Việt-Nam, từng thửa ruộng Việt-Nam, từ dòng sông Việt-Nam, từng người một đồng bào Việt-Nam chúng con.
Lạy mẹ La-Vang!
Xin cho chúng con
Một dạ sắt son
Trung thành theo Chúa
Như Cha Ông xưa ở rừng núi La-Vang nầy.
Xin Mẹ nhậm lời đoàn con khẩn nguyện.
Amen!
Suy niệm dưới chân Mẹ La-Vang, tại Linh-Ðài, trong những đêm của tháng 8 năm 1975, trước ngày hành hương lịch sử , ngày 15.8.1975.
LM Emmanuen Nguyễn tường thuật từ Linh Ðịa La Vang

Những Cảm Nghĩ
Về Lavang
LTS: Chúng tôi ghi lại một số cảm nghĩ về Mẹ Lavang của 2 bạn trẻ và một giáo sư Mỹ. Trước hết, xin ghi lại bài viết ngắn của cô My Thái ở Davenport IA gởi cho hội gia đình Mẹ Lavang cộng đoàn Công Giáo Mẹ Mông Triệu ở Davenport IA. Cô My Thái không phải là người Công Giáo, cô là "người lương", với nhan đề "Ðôi dòng cảm nghĩ của một người ngoại đạo", cô viết:
"Ðức Mẹ Lavang hiện ra ở Lavang là một niềm hãnh diện, một sự vui mừng lớn, một sự trông cậy không mù quáng không riêng gì cho người theo đạo Chúa mà còn chung cho cả dân tộc Việt Nam nữa.
Ðức Mẹ Lavang hiện ra không những chỉ là niềm tự hào của những người theo đạo Chúa, mà còn là sự quan tâm của những người lương. Chính vì lẽ đó, tôi, một người ngoại đạo cũng muốn hiểu biết về sự kiện lịch sử này.
Tôi đã đọc qua một số sách viết lại sự kiện này. Ðồng thời bác Hóa (Hóa Bá Ðỗ) cũng đã cho tôi coi qua một số tranh ảnh cũng như tài liệu về Ðức Mẹ Lavang. Tuy tất cả những bằng chứng để lại từ truyền miệng dân gian, nhưng từ khi vừa xuất hiện Ðức Mẹ Lavang đã mang lòng bác ái, từ bi cứu giúp người đời, những người theo đạo Chúa và cả những người lương.
Ðức Mẹ Lavang đã hiện ra ở đất nước Việt Nam của chúng ta, một đất nước tuy nhỏ bé, nghèo khổ nhưng có chiều dài 4,000 năm văn hiến. Sự kiện này khiến cho những người theo đạo Chúa, và cả chúng ta, Con Rồng Cháu Tiên, hãnh diện với ước mơ sáng lạng ở tương lai. Ðức Mẹ Lavang hiện ra đã gieo rắc trong lòng những ai theo đạo Chúa một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, vào sự cứu rỗi của Ðức Mẹ.
Tuy sự hiện ra của Ðức Mẹ tại Lavang hầu như căn cứ vào sự truyền khẩu nhân gian nhưng những sự kiện diễn tiến tại Lavang trong 200 năm qua (1798-1998) với bao ơn lành mà nhiều người đã được nhận lãnh khi họ chạy đến cầu xin với Mẹ Lavang đủ chứng minh rằng Lavang là nơi linh địa của Mẹ. Có lẽ vì thế không riêng gì người có đạo Chúa trong nước mà cả những người đang tha hương ở xứ người cũng đang nao nức hướng về Mẹ Lavang. Bằng cớ, tôi thấy gia đình Ðức Mẹ Lavang nơi đây vẫn thường xuyên hoạt động để tôn vinh Mẹ Lavang."
Tiếp đến là những dòng chữ của ông Thom Gleich (Work Experience Instructor) ở Davenport Community Schools) viết cho Hội Gia Ðình Ðức Mẹ Lavang Cộng Ðoàn Mông Triệu ở Davenport IA:
"Ðức Mẹ Lavang,

On september 6, 1997, Mr. Hoa Ba Do invited me to share a very special hour of prayer with him and many of his friends from Vietnam. I felt the presence and power of prayer to Our Lady Lavang. Praying the rosary while hearing it sung in Vietnamese was a very moving experience.
I want to thank everyone for making me feel welcomed and part of the prayer group to Our Lady Lavang. I continue to pray to our Lady and for my new Vietnamese partners. And I look forward to praying together with you again."
Và sau đây là lá thư của anh Nguyễn Văn Long, một bạn trẻ, từ đại học Ngôi Lời Iowa viết cho chúng tôi:
"Cám ơn chú đã gởi cho cháu hai số báo (9 và 10). Qua "Về Bên Mẹ Lavang", cháu được học hỏi thêm về Mẹ, về biến cố trọng đại mừng 200 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Lavang, và về Ðại Năm Thánh 2000.
Chú mến, đây quả là những món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cháu. Nó đã đánh động tâm hồn thờ ơ lãnh đạm của cháu rất nhiều, đặc biệt về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống của cháu. Trong quá khứ, Chúa Thánh Thần là Ðấng cháu thường xuyên quên lãng nhất. Ngài không thường hiện diện trong kinh nguyện hằng ngày của cháu. Ðối với Mẹ Maria cũng vậy, trước đây cháu thường ao ước phải cầu xin với Mẹ Fatima, hay Lộ Ðức mới thiêng. Do đó, cháu quên rằng chúng ta cũng có Mẹ Lavang, Mẹ Trà Kiệu, Người hằng an ủi hộ phù cha ông chúng ta trong các cơn thử thách. Và cho đến nay, bằng cách này hay bằng cách khác, Mẹ vẫn thường ban ơn cho kẻ chạy đến cùng Mẹ.
Một lần nữa cháu xin chân thành cảm ơn chú. Nguyện xin Chúa Thánh Thần và Mẹ Lavang luôn phù trợ cho công việc tông đồ của chú và ban bình an xuống cho toàn thể mọi người trong gia đình. Xin cho nhiều người qua "Về Bên Mẹ Lavang" được biết mến yêu Mẹ nhiều hơn. Và trong tinh thần hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ, xin cho mọi người biết đào sâu và học hỏi về Ðại Năm Thánh 2000 sắp đến."
Chúng tôi tin là
ơn Ðức Mẹ Lavang ban
Lưu niệm của một Linh Mục
Ông Lê Ngọc Trân, một cựu chủng sinh người Huế, năm nay gần 70 tuổi, hiện ở Walmet, California, kể lại với tôi câu chuyện như sau:
"Tôi có bà chị con ông cậu của vợ tôi, có thai, sắp đến ngày sinh, không hiểu tại sao không nghe thai nhi cựa quậy! Chị liền nói chuyện với ba chị. Ông là một thầy thuốc Bắc, nói được là danh y. Ông bắt mạch và biết là thai nhi đã chết. Ông đã dùng hết khả năng, để đem thai nhi ra ngoài nhưng vô hiệu. Hai cha con hết sức lo lắng, vì thai nhi không ra được thì mẹ phải chết theo. Ông liền nghĩ đến việc khấn Ðức Mẹ Lavang. Từ làng tôi ra đến linh địa Lavang đi xe đạp, trước năm 1960, mất 2 tiếng đồng hồ. Ông đã đi Lavang bằng xe đạp từ lúc sáng sớm. Trước khi đi ông dặn con gái chung lời cầu xin. Khoảng hơn 10 giờ sáng chị ta đã sinh ra một bé trai đã chết, chị vẫn bằng yên. Cả gia đình tin rằng do ơn của Mẹ Lavang ban".
Ông Trân cũng kể thêm, một chuyện cho rằng do ơn Mẹ Lavang mà có:
"Bố Mẹ vợ tôi sinh được 3 người con: Huệ, Hường, Giang. Hường, Giang chết khi mới lên 4, lên 5, chỉ còn Huệ là vợ tôi sau này. Chúng tôi làm lễ cưới ngày 22-5-1954 theo sự giao kết giữa hai gia đình, tôi ở rể, tức là ở nhà của cha mẹ vợ. Lúc đó chúng tôi ở trong khuôn viên trường Thiên Hữu (Providence), Huế. Tháng 8, năm 1955, đại hội tam niên Lavang, lần thứ 13. Gia đình chúng tôi sửa soạn đi hành hương. Cha mẹ vợ tôi nói: "Lần này ra Lavang, khấn xin Mẹ ban cho một đứa con trai nối dòng". Chúng tôi phụ họa: "Ðể chúng con cũng hiệp ý cầu xin". Vài tháng sau đại hội, mẹ vợ tôi có thai. Một số người cho rằng lớn tuổi mà có thai thì sinh đẻ nguy hiểm đến tính mạng lắm. Cả gia đình chúng tôi hằng ngày cầu xin Mẹ Lavang ban bằng an.
Vài năm sau, 1956, bà đã sinh một cậu trai kháu khỉnh như con lai (cũng may, Tây về nước, Mỹ chưa qua), mẹ tròn con vuông. Cậu con trai đó hiện giờ ở Ðà Nẵng, có vợ và 4 người con".
Tôi kể 2 chuyện trên để cảm tạ Mẹ Lavang. Tôi tin rằng những ơn đó do Mẹ ban cho.
Một Linh Mục
Gia Ðình tôi với Mẹ Lavang
Lưu Niệm của một Linh Mục
Ðức Cha Hồ Ngọc Cẩn trong một bài giảng Ðại Hội đã trưng dẫn lời Thánh Kinh: "Visitasti terram es inelriastic ciam: Mẹ xuống viếng thăm đất nước này và làm cho nó say sưa." Ngài hứng khởi khi nhìn thấy những gì đang xảy ra dưới tầm mắt trong khuôn viên Ðức Mẹ và nói:
- Không say, sao mà bỏ cửa, bỏ nhà, tuôn nhau hàng vạn người đến chốn rừng núi xa xôi này?
- Không say, sao mà quên ăn, quên ngủ, đọc kinh cầu nguyện cả ngày thâu đêm?
Phải say thật! Song là say lòng trìu mến, cậy trông hết lòng tin tưởng vào Mẹ nhân lành." (Tìm hiểu về Lavang).
Những lời khẩu hứng ấy, Ðức Cha Hồ Ngọc Cẩn đã diễn tả một sự thật xảy ra trong mỗi kỳ Ðại Hội. Từng vạn gia đình đã bỏ quê nhà lên sống ba ngày trong khuôn viên thánh đường Ðức Mẹ, mỗi khi Ðại Hội Ðức Mẹ trở về. Trong số ấy, có gia đình tôi từ Quảng Bình đáp xe lửa vào và không có kỳ Ðại Hội nào là không có mặt.
Tôi lúc ấy còn rất nhỏ và rất vui mừng phấn khởi vì được đi "cắm trại" tại nhà thờ Ðức Mẹ, sống những ngày quây quần xung quanh Mẹ. Chúng tôi tất cả đều nằm ngoài trời trên nền cỏ, ăn lương khô, uống nước giếng Mẹ.
Khi tiếng hát kết thúc tam nhật kính Mẹ còn vang vang thì đoàn người như thác lũ đổ ra ga xe lửa, hoặc quốc lộ. Nhìn lui lại khuôn viên nhà thờ Mẹ cỏ cây xơ xác, những thân cây trụi lá đứng chơ vơ giữa trời xanh. Mẹ đã hứa: Hãy lấy lá nơi đây sắc uống, Mẹ sẽ chữa lành bệnh. Hơn nữa, trên nền nhà thờ của mẹ không còn một cục sỏi, miếng gách nào nằm lơ lửng.
Tôi còn nhớ rõ: sau một cuộc hành hương Ðại Hội về, mẹ tôi mang về được một miếng gạch lấy ở nền nhà thờ. Tôi lại bị một mụt giọt ở chân mà bao ông thầy lang không chữa khỏi. Mẹ tôi kêu tôi lại, bắt chấp tay đọc ba kinh kính mừng, rồi bà lấy miếng gạch mài ra, như ông thầy đồ mài mực. Bà quệt thứ thuốc vàng nghệ ấy vào chân tôi với tất cả lòng tin cậy. Hai hôm sau, chân tôi lành. Hai mẹ con tôi dâng lời cảm tạ Mẹ Lavang, người Mẹ mà chưa thấy ai kêu Mẹ về không.
Mẹ đã hướng dẫn tôi trên bước đường làm linh mục. Mỗi kỳ hè, tôi thường ghé Lavang kính viếng Mẹ và trước khi đi Hà Nội vào tập viện dòng, tôi đã lên Lavang ở với Mẹ ba ngày trong một cuộc tĩnh tâm giã từ tuổi học sinh để bước vào tuổi tu sĩ và linh mục. Xin cảm tạ Mẹ hết tình và mãi mãi.
Một Linh Mục
Tôi tin là
ơn của Mẹ Lavang ban
Antôn Hoàng Minh Tâm
LTS: Như chúng tôi đã trình bày, ở những bài trước, là chúng tôi sẽ cho đăng "những ơn của Mẹ Lavang ban" cho những người đã được ơn gởi đến. Chúng tôi hoàn toàn tuân phục phẩm quyền phán quyết của Tòa Thánh. Câu chuyện được thuật lại dưới đây, tôi được chứng kiến dịp đại hội năm 1993, là giáo sư trung học, về sau là sĩ quan của VNCH, rồi bị đi cải tạo gần 10 năm. Hiện gia đình định cư tại San Diego, California.
Thứ Sáu 13-08-1993, lúc 4:30 sáng, anh rể tôi đáp chuyến tàu chợ từ Ðà Nẵng ra Huế, đoạn đường dài khoảng 110 cây số. Tàu phải đi qua ba cái đèo ì ạch mãi quá 12 giờ trưa mới đến Huế. Từ bến xe Phu Văn Lâu (Huế) chúng tôi đón xe đò ra Quảng trị, rồi từ đó chúng tôi lội bộ vào linh địa Lavang, gần 5 cây số.
Anh rể tôi rất yếu, đã nhiều lần đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng sau một ngày đường vất vả không thấy anh đuối sức. Khi đến sát đền Mẹ, đi qua giữa đám đông người, tôi cảm thấy anh trở nên hớn hở. Anh bảo tôi quỳ xuống cùng nhau đọc một kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh để ngợi khen Chúa và chào mừng Ðức Mẹ sau một thời gian khá dài không đến được linh địa.
8 giờ tối, chúng tôi cùng với một rừng người tham dự giờ đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu. đã lâu lắm, gần như là lần đầu sau nhiều năm, tôi được nghe lại những lời suy gẫm về các mầu nhiệm Mân Côi do các linh mục điều khiển chương trình gợi ý rất thâm trầm ấm cúng. Sau giờ đền tạ, chúng tôi trở về chỗ ngủ. Mặc dầu nằm trên đất cỏ với tấm "ja" lót nhưng tôi ngủ rất ngon. Mãi đến 5 giờ sáng thứ Bảy 14-08-93, tôi giật mình thức dậy. Ðể yên cho ông anh còn ngủ ngon, tôi đứng lên cầm cái bình nhựa đi kiếm nước rửa mặt... Vừa bước ra khỏi chỗ nghỉ được vài bước, tôi bỗng cảm thấy đau nhói trong bụng. Tôi cố đi tiếp nhưng không sao đi được. Cả người tôi choáng váng và hai chân khuỵu xuống. Tôi ngồi ôm bụng, rồi quằn quại đau ngất. Hình như có ai la lên nên ông anh tôi chạy đến rồi dìu tôi về chỗ nghỉ. Tôi mê man nằm, anh tôi xoa bóp bụng cho tôi. Những người xung quanh xúm lại đưa dầu xức đầu, bụng, và chân tay tôi.
Ðã qua 2 tiếng đồng hồ, tôi vẫn còn đau. Anh tôi đi báo trạm y tế của Ðại Hội để xin cứu chữa. Anh tôi định đưa tôi ra bệnh viện Quảng Trị hoặc về Ðà Nẵng vì sợ tôi bị ruột thừa. Tôi mê mê tỉnh tỉnh, anh hỏi tôi, tôi hiểu ý anh, nhưng anh có vẻ hoay hoay không biết tính sao.
Vào khoảng 8 giờ, có hai ông bà trọng tuổi người miền Nam từ Sàigòn ra viếng Mẹ, ông bà vừa cầu nguyện ở đền Mẹ đi ra qua chỗ tôi nằm, ông bà dừng lại nhìn tôi ái ngại. Ông ngồi xuống đưa tay xoa bóp trên bụng tôi, ông nói bụng tôi lạnh lắm. Ông hỏi anh tôi nãy giờ đã cho tôi uống thuốc gì chưa? Anh tôi trả lời là không có thuốc gì cả, chỉ có thoa dầu nhị thiên đường và dầu cù là. Ông bèn bảo bà lấy chai nước vừa xin ở đền Ðức Mẹ ra rót một ly nhỏ đưa cho ông. Rồi ông bảo tôi cố ngồi dậy, khấn xin Ðức Mẹ và uống ly nước. Uống xong ly nước, ông lại đỡ tôi nằm nghiêng xuống. Tôi như ngủ đi được một lúc... Ðến khi tỉnh giấc, tôi nghe tiếng loa phóng thanh vang lên trên đài Mẹ lời vị chủ tế: "Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần". Tôi bật dậy, hướng về đài Ðức Mẹ và cùng chung dự thánh lễ đồng tế kính thánh Maximiliano Kolbe với hàng chục ngàn giáo dân đang quây quần bên lễ đài có tượng Mẹ Lavang. Thánh lễ bắt đầu lúc 9 giờ, cho đến khi tôi lên rước Mình Thánh Chúa về lại chỗ đứng, tôi không còn cảm thấy đau bụng nữa.
Lúc 11 giờ trưa ngày 14-8-1993, tôi đã vào nhà cha sở Lavang trình rõ với ngài về trường hợp của tôi. Ngài ghi tên tuổi tôi và vào tối thứ bảy này, trong phần loan báo tin tức cần thiết, ngài đã cho biết: "Có một người đạp xích lô, từ Ðà Nẵng ra dự Ðại Hội, sáng sớm nay bị đau bụng nặng lúc 5 giờ cho đến 9 giờ, sau khi được uống Nước Ðức Mẹ Lavang, đã hết đau và trở lại bình thường."
Anh tôi và tôi hân hoan ở lại dự đại hội cho đến chiều Chủ Nhật 15-8-1993. Sau khi hoàn tất lễ bế mạc Ðại Hội, anh em chúng tôi đi bộ ra ga Quảng Trị đón xe lửa vào Ðà Nẵng.
Từ trước tôi chưa hề bao giờ bị đau bụng lâu như vậy và được khỏi đau một cách bất ngờ như vậy. Nay đã sau đúng bốn năm, tôi cũng chưa thấy đau lại lần nào như thế. Tôi ghi lại sự việc này như là một "biến cố" đáng nhớ nhất của đời tôi.
Tôi cảm tạ Chúa và Ðức Mẹ Lavang đã thực sự ban bình an cho tâm hồn tôi kể từ những ngày 13, 14 và 15-8-1993 đi dự Ðại Hội Ðức Mẹ Lavang về cho đến nay. Tôi ao ước sẽ được trở về bên Mẹ vào dịp Ðại Lễ Kỷ Niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra ở Lavang, đất nước thân yêu của tôi.
Antôn Hoàng Minh Tâm
________________________________________
Lm Giuse Ngô Văn Trọng, Garden Grove, California
LTS: Nhiều người gửi thư hoặc gọi điện thoại đến hỏi chúng tôi rằng Mẹ Lavang có làm "Phép Lạ" không? Nói đến "phép lạ" thì chỉ có Tòa Thánh có thẩm quyền phán quyết, nhưng có nhiều trường hợp xảy ra mà người được ơn cảm thấy lạ lùng cho rằng Ðức Mẹ ban phúc... Những trường hợp như thế xảy ra khá nhiều. Vậy từ số này, chúng tôi sẽ ghi lại những câu chuyện mà người được ơn cho rằng Mẹ Lavang ban cho. Mở đầu cho "trang ơn lành của Mẹ Lavang", chúng tôi xin đăng bài viết của Linh Mục Giuse ngô Văn Trọng, năm nay 82 tuổi, hiện ở Garden Grove, California gởi cho chúng tôi.
Khi còn ở Tiểu Chủng Viện An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị, tôi rất mê đá bóng. Vào khoảng 19 tuổi, trong một trận túc cầu buổi chiều trên "nổng" An Ninh, khi tôi sắp "sút" vào gôn, cha Viry hậu vệ (Arrière) đưa giò ra đá cản tôi, cha cao đến 1m85! Thế là tôi nhào ra ngoài, trặc xương sống... Tôi được đưa vào bệnh viện Huế chữa mất hơn 2 tháng!
Vào Ðại Chủng Viện Phú Xuân 1940, trong một trận đấu volleyball giữa Huế và Quảng Trị, tôi lại bị té nặng... Sau đó, tôi bị bán thân bất toại. Bệnh viện Huế chữa không khỏi. Tôi phải ngồi xe lăn lâu ngày. Ði lễ, đi học, đi đâu trong nhà cũng bằng xe lăn! Một hôm bà Nam Phương Hoàng Hậu đến thăm Ðại Chủng Viện, cha Giám Ðốc là cha JB Roux (Cố Ngôn) mời bà Nam Phương đi xem nhà. Khi đi ngang phòng liệt, cha Giám Ðốc cho bà Nam Phương biết trong phòng liệt có một thầy bị bán thân bất toại. Sau đó, bà Nam Phương đã giúp phương tiện để tôi vào Sàigòn chữa bịnh tại phòng mạch bác sĩ Quan, 210 Catinat. Chữa bằng quang tuyến X và acupuncture liên tiếp 4, 5 tháng. Kết quả, không khỏi chút nào!
Cha Giám Ðốc gọi về. Trở lại Huế, gặp kỳ nghỉ hè 1994, chỉ còn một tuần thì "tựu trường", tôi và bà con tôi thất vọng hoàn toàn!
Thế nhưng, thân nhân tôi cũng thử một phen cuối cùng. Họ võng tôi đến đền thờ Ðức Mẹ Lavang. Họa may Ðức Mẹ thương nữa! Tôi xin cha sở Lavang cho phép tôi và bà con ở lại suốt đêm trong đền thờ. Tôi đã sốt sắng cầu nguyện, đồng thời cũng thách đố Ðức Mẹ: "Lạy Mẹ, nếu Mẹ muốn con làm Linh Mục, thì xin Mẹ chữa lành con. Bằng không thì..." Nhưng chẳng thấy gì hết! Thất vọng và hoàn toàn tuyệt vọng.
Mang tâm trạng tuyệt vọng, tôi trở về Huế. Tôi gặp cha linh hướng (Cha Audigou) để có ý quyết định dứt khoát. Cha linh hướng đồng ý với tôi. Nhưng phải đợi quyết định tối hậu của cha Giám Ðốc. Ngày tựu trường đã đến. Tôi đến gặp Cha Giám Ðốc. Vừa nhìn thấy tôi, Ngài nói: "A, thầy Trọng, mời thầy ngồi. Tôi biết thầy muốn nói gì rồi..." Ngài nói tiếp: "Nếu thầy đau đầu đau não, thì dầu thầy không xin tôi cũng cho thầy về. Còn đau lưng nhức xương... thì thầy hãy vâng lời tôi mà ở lại. Tôi không đòi thầy phải làm gì quá sức đâu... Ði lễ, đi đến lớp học ư? Sẽ có người đẩy xe đưa thầy đi." Không được như ý, tôi lại thất vọng!
Tôi phải vâng lời mà ở lại. Rồi ngày qua ngày, đến tháng 11 năm 1944, tôi cảm thấy bệnh trạng thuyên giảm dần dần. Bắt đầu bước được một bước, rồi 2 bước. Rồi bỏ xe lăn, quẳng gậy. Ðến đầu tháng giêng năm 1945 tôi đi bộ một mình về Kim Long, sinh quán của tôi, xa khoảng 2 km. Rồi từ đó mỗi ngày khả quan hơn. Cho đến ngày 1-2-1946, tôi đã lãnh chức Linh Mục, tại trại giam các cha thừa sai Pháp, qua sự đặt tay của Ðức Cha FX Lễ (Lemasle).
Tôi tin chắc Mẹ Lavang đã soi sáng cho cha Giám Ðốc JB Roux (Cố Ngôn) khiến ngài cương quyết giữ tôi ở lại chủng viện. Và tôi đã được Chúa gọi làm thợ gặt trong cánh đồng lúa chín của Ngài tính đến nay đã 52 năm. Suốt đời Linh Mục tôi không quên ơn Mẹ Lavang.
Garden Grove, ngày 6-X-97
Lm Giuse Ngô Văn Trọng
Ðức Mẹ Trà Kiệu
(1885)

Nhà Thờ Trà Kiệu

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

Ai đi trên đường thiên lý, qua tỉnh Quảng Nam, nhìn về hướng Tây, quận Duy Xuyên, sẽ thấy một ngôi Thánh Ðường xinh đẹp, đứng hiên ngang trên một quả đồi cao vút. Ðó là nhà thờ dâng kính Ðức Mẹ dưới tước hiệu: Phù Hộ Các Giáo Hữu, để ghi nhớ một sự kiện lịch sử.
Trà Kiệu là một làng Công Giáo của nhóm người từ miền Bắc Trung Phần theo đà nam tiến vào lập nghiệp.
Năm 1883, sau khi Vua Tự Ðức băng hà, phong trào Cần Vương nổi dậy "bình Tây sát tả". Ngày 1-9-1885, Giáo xứ Trà Kiệu bị bao vây chặt chẽ. Cha sở (linh mục Bruyère) và giáo dân không có lối thoát nào ngoài việc cầm cự để dành quyền sống. Trong khi đàn bà trẻ con đọc kinh trong nhà thờ, người trai tráng ở chiến hào sau rặng tre xanh, chiến đấu cầm cự. Mỗi lần giáp trận, họ kêu tên cực trọng Giêsu Maria.
Tuy nhiên, vì quân số quá ít, vũ khí lại thô sơ, ngày mồng 7 phía Bắc làng bị tràn ngập. Ðịch chất nhiều rơm rạ định hỏa thiêu cả làng, không còn lối thoát.
Nhưng, theo binh thư thì thừa thắng xông lên, đàng này địch quân thừa thắng lại rút lui bỏ chạy. Vì trên nóc nhà thờ, có một Bà Nữ Tướng hiện ra, lấy vạt áo xua tất cả những mũi tên hòn đạn. "Lạ thật - chúng nói - người đàn bà kia cứ đứng mãi trên nóc nhà thờ, dù ta cố nhắm thế nào cũng không bắn trúng". Cha Sở và giáo dân đều nghe chúng nói, nhưng nhìn lên lại không thấy gì cả. Sau khi được giải vây, giáo dân đã kiểm chứng dữ kiện và tin rằng chính Ðức Mẹ đã hiện ra để cứu thoát họ.
Mười ba năm sau (năm 1898), một đền thờ xinh đẹp được xây cất ngay trên đỉnh đồi này. Trước, để ghi ơn Ðức Mẹ "Ðấng phù hộ các giáo hữu".
Ðó là sự tích Ðức Mẹ Trà Kiệu năm 1885.

Linh Mục Hồng Phúc, CSsR

(Trích dẫn từ Tác Phẩm "Mẹ Maria" của Lm Hồng Phúc, CSsR,
Nhà Sách Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp tái bản năm 1992)

Ðức Mẹ Lộ Ðức, Pháp
(The Appearing of Our Lady at Lourdes)
Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
I. Diễn Tiến Sự Kiện Ðức Mẹ Hiện Ra tại Lộ Ðức, Pháp
Vào năm 1858, Lộ Ðức, một thị trấn nhỏ ở Pháp có một cô bé tên là Bernadette Soubirous (14 tuổi), cùng với em gái là Toinette Soubirous (11 tuổi), và một người bạn nhỏ khác, Jeanne Abadie (12 tuổi), cùng nhau tới bên sườn núi nhặt củi. Các em đi ngang qua một hang đá gọi là hang Massabielle. Trước hang đá có một giòng suối, Toinette và Jeanne liền vội bước xuống nước lội bộ qua suối, Bernadette theo phía đằng sau. Bất chợt cô nghe thấy tiếng gió mạnh thổi tới, cô ngước mắt lên nhìn thấy các cành lá phía trước đều không có chút lay động nào ảnh hưởng bởi cơn gió cả, chỉ có những cành lá trước cửa hang thì đang lay động. Bernadette không lấy làm điều, vẫn tiếp tục tiến về phía trước, nhưng cô chợt trông thấy ngay trước cửa hang có một làn hào quang, và sau này cô đã kể lại rằng: "Ngay trước cửa hang có một người Phụ Nữ, dáng vóc cao cao giống như tôi đây, người Phụ Nữ ấy gật gật đầu đang làm hiệu với tôi. Người Phụ Nữ này đẹp tuyệt vời, Bà bận một chiếc áo choàng trắng, lưng thắt một dải đai xanh, trên cánh tay quàng một bộ tràng chuổi mân côi". Người Phụ Nữ này ra hiệu muốn Bernadette cùng lần chuỗi mân côi, Bernadette liền quỳ xuống, lấy chuỗi ra và bắt đầu lần chuỗi. Người "Phụ Nữ" này cũng lấy chuỗi ra lần chuỗi. Vì lần hiện ra lần đầu này, Bernadette không biết đây là Ðức Mẹ Maria, nên Bernadette gọi người Phụ Nữ này là "Bà". Ðọc hết 5 chục kinh, người Phụ Nữ mĩm cười với Bernadette, và rồi biến mất.
Trong lúc đó, Toinette và Jeanne đã lượm được nhiều củi và đang quay trở lại, trông thấy Bernadette đang quỳ trên mặt đất, nên trêu chọc cô ta là "chỉ có việc lần chuỗi thôi, ngoài ra chẳng làm được gì hết". Về đến nhà, Toinette thấy sắc mặt của chị có vẻ khác thường, mới tra hỏi sự việc, Bernadette liền kể lại cho em mình đầu đuôi mọi sự, và yêu cầu cô em hãy giữ kín điều này.
Nhưng đêm hôm đó, Toinette liền kể lại hết cho mẹ của mình. Bà Louise Soubirous, mẹ của Bernadette nói với Bernadette: "Con hoa mắt rồi, điều con trông thấy đó chỉ là tảng đá trắng thôi". Bernadette xác quyết trả lời: "Không, con không có nhìn lầm, rõ ràng là một người Phụ Nữ tuyệt đẹp". Bà Louise liền cấm Bernadette từ nay không được đi tới Hang Ðá nữa.
Hai ngày liên tiếp, Bernadette không đi tới Hang Ðá, nhưng tin đồn này đã truyền đi khắp nơi và đến tai các cô bé gái khác trong xóm, bởi vậy họ rủ nhau đến xin phép ông Francoise Soubirous, bố của Bernadette, và rủ Bernadette cùng đi với họ tới Hang Ðá. Ðược bố cho phép, Bernadette đi cùng bọn họ, họ cầm theo một bình nước thánh. Tới nơi Hang Ðá, mọi người quỳ xuống lần chuỗi mân côi, đọc tới chục thứ 3, ngay tại địa điểm như lần trước, người Phụ Nữ bận đồ trắng lại hiện ra, sau này Bernadette kể lại rằng: "Vào lúc đó, tôi vội vàng la lên: "Bà tới rồi kìa". Nói xong tôi vội lay đầu một cô bé bên cạnh và giơ tay chỉ người phụ nữ, nhưng mọi người chẳng trông thấy gì". Một cô bé khác vội vàng đưa bình nước thánh cho Bernadette, cô vội lấy nước thánh và rảy rảy một lúc. Người Phụ Nữ mĩm cười với Bernadette, và giơ tay làm dấu Thánh Giá. Bernadette bèn nói: "Nếu Bà là người được Thiên Chúa sai phái tới, xin mời Bà hãy bước lại gần đây." Người Phụ Nữ liền bước tới gần, lúc đó, Jeanne và các cô bé khác trèo lên phía trên hang lấy đá ném xuống. Người Phụ Nữ đã biến mất, nhưng Bernadette vẫn cứ quỳ ở đó, hai mắt nhìn lên trời. Các cô bé kia tới kéo Bernadette đứng dậy, nhưng giống như có những giây rễ bám chặt xuống đất vậy, họ kéo mãi kéo vẫn không lay nổi Bernadette. Mọi người dùng hết sức kéo nhưng Bernadette vẫn quỳ vững chắc trên đất. Sau đó mẹ của Bernadette nghe tin vội vàng chạy tới, bà ta khiển trách Bernadette một mách. Những hàng xóm khác vẫn không tin những gì Bernadette kể lại. Họ cho rằng Bernadette đã gặp phải một linh hồn nào đó ở luyện ngục hiện về.
Vì bà Hội Trưởng Hội Con Cái Ðức Mẹ trong vùng vừa mới qua đời, bởi vậy các phụ nữ trong làng và bà Milhet, bà chủ của bà Louis Soubirous, (mẹ của Bernadette) cho rằng đây là linh hồn của bà hội trưởng hiện về thông công. Vào sáng sớm ngày 18 tháng 2 năm 1858, các phụ nữ này cùng đi với Bernadette tới Hang Ðá. Họ cầm theo một cây nến, một cây viết và một tờ giấy. Ngay vào lúc Bernadette nói rằng: "Bà Lạ tới rồi kìa" bà Milhet liền đưa tờ giấy và cây viết cho Bernadette và dặn rằng: "Con hỏi Bà Lạ muốn điều gì? yêu cầu Bà viết lên trên giấy này điều bà ta muốn" Bernadette nói lại với Ðức Mẹ. Và đây là lần đầu tiên Ðức Mẹ cất tiếng trả lời, sau này Bernadette kể lại những lời Ðức Mẹ đã nói: "Ðiều ta muốn nói, không cần phải viết lên giấy. Con có đồng ý 15 ngày liên tiếp đến nơi này không?" Bernadette đáp: "Con sẽ nhất định đến đây". Ðức Mẹ nói tiếp: "Ta sẽ cho con được hạnh phúc, nhưng không phải ở đời này mà là ở đời sau" Nói xong lời này, Ðức Mẹ biến mất.
Hai ngày tiếp theo, Bernadette mỗi ngày đều đến đây, và Ðức Mẹ mỗi ngày đều hiện ra với Bernadette.
Ngày 21 tháng 2 năm 1858 là ngày Chủ Nhật, một đám đông người cùng đi với Bernadette đến Hang Ðá. Có một vị Bác Sĩ cùng đi với họ. Vị Bác sĩ này không tin chút nào về những gì Bernadette đã kể lại là cô ta đã gặp Ðức Mẹ hiện ra. Bởi thế, ngay lúc Ðức Mẹ hiện ra và lúc Benadette đang xuất thần thị kiến với Ðức Mẹ, Bác sĩ liền bắt mạch và nghe nhịp tim của Bernadette, kết quả khám nghiệm của ông cho biết là mọi sự rất bình thường, không thấy có triệu chứng thần kinh hay kích thích gì khác thường cả. Lần này, Ðức Mẹ nói với Bernadette: "Con hãy cầu nguyện cho những người tội lỗi ăn năn trở lại". Cùng ngày hôm đó, sau Thánh Lễ, Cảnh sát điều tra viên đến đưa Bernadette về đồn để hỏi thăm sự việc, sau đó cảnh sát điều tra viên kết luận rằng: "Những lời Bernadette nói rất thành thật, không có một chút gì là đáng nghi ngờ cả". Vào buổi chiều, Cảnh Sát Trưởng nghiêm chỉnh chất vấn Bernadette thêm một lần nữa, nhưng ông cũng không thấy có điều gì đáng nghi ngờ về những sự việc Bernadette đã kể lại cả. Ông ta chỉ ra lệnh cấm Bernadette không được tới Hang Ðá kia nữa, nhưng vì đã hứa mỗi ngày sẽ tới với Ðức Mẹ, nên Bernadette cương quyết từ chối tuân giữ lệnh cấm đó.
Ngày 22 tháng 2 năm 1858, bất chấp lệnh cấm, Bernadette vẫn cứ đi đến Hang Ðá, nhưng ngày hôm nay Ðức Mẹ không hiện ra với cô.
Ngày 23 tháng 2 năm 1858, Từ sáng sớm, khoảng 6 giờ, Bernadette đi tới Hang Ðá, và tại đó, đã có hơn 200 người đang đứng đợi sẵn. Và Ðức Mẹ đã hiện ra với Bernadette. Lần này cô xuất thần thị kiến với Ðức Mẹ hơn 1 tiếng đồng hồ.
Ngày tiếp theo, có khoảng 500 người tập họp tại Hang Ðá. Ðức Mẹ vẫn hiện ra như mọi lần. Bernadette đã xuất thần thị kiến với Ðức Mẹ hơn 1 tiếng đồng hồ, nhưng sau cuộc thị kiến, cô từ chối kể lại những sự việc cô đã thấy trong cuộc thị kiến.
Ngày 25 tháng 2 năm 1858, Bernadette qùy ở cửa Hang Ðá lần chuổi được 1 chục sau đó cô vừa qùy vừa lết tới gần và rồi bò lên phía bên trên Hang Ðá, được một lúc, Bernadette lại trở xuống, rồi lại trở lên phía bên trái Háng Ðá (Hang Ðá này có hai cửa Hang, cửa bên phải nay đặt một tượng Ðức Mẹ). Mọi người chẳng biết Bernadette muốn làm gì, và sau này Bernadette kể lại: "Ðức Mẹ bảo tôi rằng: "con hãy uống nước từ nguồn suối, hãy lấy nước suối mà rửa mặt". Tôi chẳng biết là ở gần Hang Ðá có nguồn nước suối, bởi vậy tôi trèo lên bên cạnh Hang Ðá. Nhưng Ðức Mẹ nói với tôi: Không phải bên đó, Ðức Mẹ giơ tay chỉ hướng phía trái và tôi theo hướng đó tìm nguồn nước thì thấy chỉ có một chút nước bùn. Tôi dùng tay moi đất lần thứ nhất, thấy nước quá ít, không đủ trong lành. Tôi lấy tay moi lần thứ hai, sâu thêm một chút, không ngờ nguồn nước suối từ bên trong phun ra, nhưng vẫn còn là nước bùn. Tôi moi thêm một lần thứ ba nữa và nước phun ra càng lúc càng nhiều và càng lúc càng trong lành hơn. Tôi liền uống nước đó".
Trong lúc đó, những người đứng tại hiện trường chỉ thấy Bernadette cúi xuống, rồi lại ngước lên với khuôn mặt ướt đẫm nước, rồi lại cúi xuống như là lấy một thứ cỏ nào đó và nhai nhai. Sau đó một lúc, Bernadette quay trở lại, và về nhà.
Lúc đầu mọi người chế nhạo Bernadette là có những hành động kỳ quái, nhưng sau nầy khi nhìn thấy nguồn nước, (Vì trước đây chẳng ai thấy có giòng nước này cả), nguồn nước suối phun ra càng lúc càng nhiều. Một tuần lễ sau, lưu lượng nước phun ra khoảng 7,000 gallons. Hơn 100 năm nay, nguồn nước này vẫn tiếp tục phun ra, và nhiều người đã uống nước này, và nhiều người bệnh cũng đã uống và đã được chữa lành. Ðó chính là nguồn nước suối Ðức Mẹ Lộ Ðức.
Ngày thứ Sáu 26 tháng 2 năm 1858, có khoảng 800 người tập họp ở trước Hang Ðá, Bernadette trèo lên Hang Ðá, cúi xuống hôn đất, và dùng tay ra hiệu bảo mọi người hãy cúi xuống hôn đất như vậy để làm việc đền tội. Ngày hôm nay, mọi người mới tin rằng, nguồn nước suối hôm qua Bernadette moi ra quả thật là một nguồn nước suối trong lành. Ngày hôm đó cũng đúng vào một ngày thứ Sáu giữ chay, Phúc Âm được đọc trong ngày lại là đoạn Phúc Âm Thánh Gioan 5,1-15 nói về Phép Lạ những người bệnh tắm ở hồ Bedatha được chữa lành.
Ngày 27 và 28 tháng 2 năm 1858, Ðức Mẹ cũng hiện ra với Bernadette. Những người tập họp ở trước Hang Ðá càng ngày càng đông hơn, Bernadette cũng cúi xuống hôn đất, và mọi người cũng làm theo như Bernadette. Vào chiều ngày 28 tháng 2 năm 1858. Chính quyền ra lệnh cấm Bernadette không được tới Hang Ðá nữa.
Ngày 1 tháng 3 năm 1858, có khoảng 1,000 người tập họp trước Hang Ðá, Ðức Mẹ lại hiện ra với Bernadette.
Ngày 2 tháng 3 năm 1858, Ðức Mẹ hiện ra với Bernadette lần thứ 13. Ðức Mẹ bảo Bernadette hãy nói lại với Cha Xứ rằng Ðức Mẹ muốn xây tại Hang Ðá này một ngôi Thánh Ðường và muốn có những cuộc rước kiệu Thánh Thể chung quanh Hang Ðá này. Bernadette đã kể lại những sự việc này cho Cha Xứ, nhưng Cha Xứ không muốn thực hiện những điều này.
Sáng ngày 3 tháng 3 năm 1858, Ðức Mẹ không hiện ra. Nhưng vào chiều hôm đó Bernadette có nhìn thấy Ðức Mẹ lại hiện ra.
Ngày 4 tháng 3 năm 1858, là lần cuối trong vòng 14 ngày liên tục Ðức Mẹ hiện ra. Số người hiện diện ở trước Hang Ðá càng ngày càng đông hơn, mọi người quay quần chung quanh nguồn suối nước để lấy nước, và hôm đó, Ðức Mẹ lại hiện ra với Bernadette.
Ngày 25 tháng 3 năm 1858, từ sáng sớm, Bernadette đã chỗi dậy đi đến Hang Ðá. Ðức Mẹ hiện ra và bảo cô hãy đến gần với Ðức Mẹ. Bernadette hỏi Ðức Mẹ: "Thưa Bà, xin Bà cho con biết tên Bà là gì". Ðức Mẹ chỉ mĩm cười và không đáp. Bernadette lại hỏi lại một lần thứ hai, và rồi Ðức Mẹ chắp hai tay lại, mặt ngước lên trời, và đáp: "Ta Là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội". Sau đó, Ðức Mẹ nói tiếp: "Ta muốn một Ngôi Thánh Ðường được xây cất tại ngay chính nơi này". Bernadette trả lời: "Con đã trình bày sự việc này với cha xứ rồi".
Lần hiện ra thứ 17 là ngày 7 tháng 4 năm 1858, Bernadette đã xuất thần thị kiến với Ðức Mẹ tại Hang Ðá gần một tiếng đồng hồ. Vị bác sĩ cạnh Bernadette nhìn thấy ngọn lửa của cây nến trên tay Bernadette đang đốt một ngón tay của Bernadette, nhưng cô không cảm thấy nóng hay đau đớn gì cả. Về sau, vị bác sĩ này lấy một cây nến khác muốn đốt thử ngón tay của Bernadette để xem cô có phản ứng gì không, nhưng khi vừa mới đốt thì Bernadette đã vội vàng la lên: "Ông đốt tay tôi đau quá vậy".
Lần hiện ra thứ 18, cũng là lần hiện ra cuối cùng, vào ngày 16 tháng 7 năm 1858, ngày lễ Ðức Mẹ Núi Carmelô, lúc đó, Hang Ðá đã bị chính quyền vây rào chận lại rồi, cấm không cho dân chúng tới Hang Ðá nữa. Bernadette phải đứng ở phía đằng trước đối diện với Hang Ðá, cô từ đằng xa tỏ vẻ cung kính cúi đầu chào Hang Ðá, và chính lúc đó, Ðức Mẹ lại hiện ra với cô, và Ðức Mẹ đã tỏ hiện dung mạo rõ ràng và đẹp tuyệt vời để cho cô nhìn thấy giống hệt như đang ở gần bên Ðức Mẹ vậy.
Từ ngày hôm đó, Bernadette đã sống ở trần thế thêm 21 năm nữa, cô không còn gặp thấy Ðức Mẹ hiện ra, và ngày 16 tháng 4 năm 1879 cô đã được Chúa gọi về (hưởng thọ 35 tuổi). Nhưng đã hơn 100 năm nay, Lộ Ðức đã trở thành nơi hành hương Ðức Mẹ cho cả thế giới, và nhiều phép lạ được chữa lành bệnh đã xảy ra cho những người thành tâm đến cầu nguyện.

II. Tóm lược 18 lần hiện ra của Ðức Mẹ ở Lộ Ðức từ ngày 11/2/1858 tới ngày 16/7/1858
1. Lần hiện ra thứ 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7: Vui vẻ (Bắt đầu mùa chay)
Lần hiện ra thứ 1, ngày 11 tháng 2 năm 1858: Bernadette nhìn thấy ở Hang Ðá Massabielle một Phụ Nữ tuyệt đẹp, mặc một áo màu trắng và thắt một đai màu xanh. Người Phụ Nữ mỉm cười với cô nhưng vẫn giữ im lặng, không lên tiếng.
"Tôi muốn làm dấu Thánh Giá. Nhưng tôi không làm nổi, tay tôi như bị xụng xuống. Và khi người Phụ Nữ giơ tay làm dấu Thánh Giá thì lúc đó tôi mới làm được dấu Thánh Giá". Bernadette kể lại lần hiện ra thứ nhất.
Lần hiện ra thứ 2, ngày Chủ Nhật 14 tháng 2 năm 1858: Ðược sự cho phép của bố, Bernadette đi tới Hang Ðá với các người bạn. Cô cảm thấy chút hồi hộp khi nhìn thấy Ðức Mẹ, và cô đã lấy nước Thánh rảy rảy về hướng Ðức Mẹ.
Lần hiện ra thứ 3, ngày 18 tháng 2 năm 1858: Từ sáng sớm, Bernadette đi tới Hang Ðá cùng với bà Milhet, bà chủ của bà Louise Soubirous (mẹ của Bernadette), đây là lần đầu tiên Bernadette nghe thấy Ðức Mẹ lên tiếng nói với cô: "Ðiều mà ta muốn nói thì không cần phải viết ra giấy..." "Con có muốn liên tục 15 ngày đến đây với Ta không?" "Ta không hứa sẽ cho con hạnh phúc ở đời này, nhưng sẽ cho con hạnh phúc ở đời sau". Những ngày tiếp theo với những lần hiện ra thứ 4, 5, 6, 7. Bernadette lần chuỗi Mân Côi với Ðức Mẹ, và đôi lúc vui vẻ đối thoại với Ðức Mẹ. Ðám đông dân chúng đến càng ngày càng đông.
2. Lần hiện ra thứ 8, 9, 10, 11, 12, 13: Làm việc đền tội (Mùa chay)
Từ thứ Tư 24 tháng 2 năm 1858, lần hiện ra thứ 8, cho đến lần hiện ra thứ 13, Ðức Mẹ có vẻ buồn bả, nói và lập lại nhiều lần: "Hãy làm việc đền tội, hãy làm việc đền tội"... "Hãy cầu nguyện cho những kẻ có tội"... "Con có muốn hôn đất để làm việc đền tội thay cho những kẻ có tội không?"... "Con có muốn nhai cỏ để làm việc đền tội cho những kẻ có tội không?"...
Và cuối cùng, vào lần hiện ra thứ 9, Ðức Mẹ bảo: "Hãy đi uống nước từ nguồn suối trong, và hãy dùng nước suối đó để rửa mặt". Bernadette đã làm những việc này. Và sau khi cô uống nguồn nước suối này, tinh thần cô cảm thấy thoải mái hơn.
3. Lần hiện ra thứ 13, 14, 15, 16, 17, 18: Mừng vui (Mùa Phục Sinh)
Suốt lần hiện ra thứ 13, Ðức Mẹ bảo Bernadette "hãy đi và nói với cha xứ hãy xây một ngôi Thánh Ðường tại nơi này và hãy tổ chức đi kiệu Thánh Thể chung quanh đây". Lời yêu cầu này đã được Ðức Mẹ nhắc lại vào lần hiện ra thứ 14, ngày 3 tháng 3 năm 1858. Cho đến ngày 4 tháng 3 năm 1858 (lần hiện ra cuối cùng trong vòng 15 ngày). Cha Peyramale, lúc đầu không đồng ý nhưng sau đó bảo Bernadette rằng: "Con hãy yêu cầu Bà nói cho con biết tên của Bà là gì, rồi sau đó ta mới xây ngôi Thánh Ðường".
Lần hiện ra thứ 16, ngày 25 tháng 3 năm 1858, ngày lễ Truyền Tin. Ðức Mẹ nói với Bernadette tên của Bà: "Ta là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội".
Lần hiện ra thứ 17, ngày 7 tháng 4 năm 1858, ngày lễ Phục Sinh, Bernadette không cảm thấy đau đớn gì khi ngon lửa của cây nến đốt ngón tay của cô. Ðây là phép lạ cây nến.
Lần hiện ra cuối cùng (lần thứ 18), ngày 16 tháng 7 năm 1858, vào ngày lễ Ðức Mẹ Núi Carmelô. Bernadette từ đằng xa, đối diện phía trước Hang Ðá, thấy Ðức Mẹ hiện ra rõ ràng với dung mạo tuyệt đẹp và làm cho cô cảm thấy giống như đứng rất gần với Ðức Mẹ vậy.
Trong lần hiện ra thứ 18 này, vì Hang Ðá đã được bao vây bởi một hàng rào do chính quyền ngăn lại để cấm mọi người tới. Nên Bernadette phải đứng từ đằng xa, ở phía đối diện với Hang Ðá, và trông thấy Ðức Mẹ rất rõ ràng, rất gần.

(LM Joseph Trương Chuyển dịch từ tác phẩm tiếng chinese
The Appearing of Our Lady at Lourdes của nhà xuất bản Bosco,
và dựa theo tài liệu của tạp chí Lourdes số 49, tháng 5, năm 1997)
Những Phép Lạ tại Lộ Ðức
được Giáo Hội thừa nhận
(The Appearing of Our Lady at Lourdes)
Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwa
6,000 bệnh nhân đã được Ðức Mẹ chữa lành
Từ năm 1858, nghĩa là từ ngày Ðức Mẹ hiện ra với Bernadette cho đến nay, suốt thời gian trên một thế kỷ, có khoảng 6,000 người tự cho mình được ơn lành bệnh và 3,500 vụ được coi là đặc biệt do Ủy Ban Y Khoa Lộ Ðức gồm tất cả các bác sĩ hiện diện kiểm chứng và nhìn nhận. Trong số này, tính đến ngày 9 tháng 2 năm 1999, chỉ có 66 trường hợp lành bệnh đã được Giáo Hội chính thức thừa nhận.
Chúng ta biết có một nghiêm luật được triệt để thi hành xung quanh vấn đề là những cơn bệnh cơ năng đều bị loại bỏ, nghĩa là những chứng bệnh phát xuất do sự xáo trộn các cơ năng, hôm nay thế này ngày mai có thể thế khác, không được xét đến, như các bệnh thần kinh, ung thư, dị ứng v.v... Chỉ có các cơn bệnh hoàn toàn về cơ thể rõ rệt mới được nhìn nhận và thẩm xét. Vì thế, một số lớn các hồ sơ bị loại. Trong thời gian 3 năm (từ 1990 đến 1993) chỉ có 5 hồ sơ được chấp nhận và thẩm xét. Các nhà chuyên viên để ra nhiều năm để khám nghiệm, để tái khám, để giám định lại theo những phương thức tối tân của khoa học, hầu đi đến các câu trả lời sau đây: Chứng bệnh có thật sự nan y không? Bệnh nhân được lành hẳn và vĩnh viễn không? Hay chỉ là một cơn đột biến tình cảm.
Sau khi những vấn nạn trên được trả lời thỏa đáng thì bác sĩ Pilon, giám đốc Ủy Ban Y Khoa Lộ Ðức từ mấy năm nay, làm bản phúc trình cho Ủy Ban Y Khoa Quốc Tế gồm 40 vị cự phách trong y giới thuộc nhiều quốc gia, mỗi năm họp một lần ở Paris dưới quyền đồng chủ tọa của Giám Mục Lộ Ðức và vị Chủ Tịch Ủy Ban Y Khoa Quốc Tế. Ở đây, hồ sơ lại được mở ra, các vấn nạn lại được thẩm xét, các cuộc khám nghiệm mới bị đòi hỏi.
Cuối cùng, có rất ít hồ sơ lọt qua được cửa ải này. Và chỉ khi nào, khoa học nhận thức rằng không thể giải thích được theo y khoa thì giáo quyền mới chấp nhận hồ sơ. Trong thực tế, Giáo Luật dành cho vị Giám Mục nơi cư ngụ của người thụ hưởng quyền khai mở cuộc thẩm xét theo Giáo Luật. Lại phải chờ đợi nhiều năm trước khi cuộc lành bệnh được công nhận là phép lạ.
Ðành rằng các "Phép Lạ" không phải là những tín điều phải tin, nhưng các dữ kiện xảy ra được giáo quyền cứu xét một cách nghiêm chỉnh và hết mức theo những tiêu chuẩn Giáo Luật do Ðức Giáo Hoàng Benêdictô XIV ban hành năm 1734. Những tiêu chuẩn gắt gao này ngày nay một số thần học gia lại muốn duyệt xét lại. Vì thế, hội các bác sĩ Pháp tổ chức tại Lộ Ðức vào những ngày 21 đến 25 tháng 10 năm 1993 một Ðại Hội với chủ đề: "Lành Bệnh và Phép Lạ". Chắc chắn từ nay các tiêu chuẩn sẽ muôn vàn khó khăn hơn.
67 phép lạ được giáo hội chính thức thừa nhận
(1) Bà Catherine Latapie, sinh năm 1820, sống ở Loubajac, gần Lộ Ðức. Ðược chữa lành vào ngày 1 tháng 3 năm 1858. Ngày 18 tháng Giêng năm 1862 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Laurence, Giám Mục Tarbes.
(2) Ông Louis Bouriette, sinh năm 1804, sống ở Lộ Ðức. Ðược chữa lành vào tháng 3 năm 1858. Ngày 18 tháng Giêng năm 1862 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Laurence, Giám Mục Tarbes.
(3) Bà Blaisette Cazenave (Soupene), sinh năm 1808, sống ở Lô Ðức. Ðược chữa lành vào tháng 3 năm 1858. Ngày 18 tháng Giêng năm 1862 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Laurence, Giám Mục Tarbes.
(4) Ông Henri Busquet, sinh năm 1842, sống ở Nay, Atlantic Pyrenees. Ðược chữa lành vào cuối tháng 4 năm 1854. Ngày 18 tháng Giêng năm 1862 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Laurence, Giám Mục Tarbes.
(5) Cậu bé Justin Bouhort, sinh tại Lộ Ðức ngày 28 tháng 7 năm 1856, và sống ở Lộ Ðức. Ðược chữa lành vào đầu tháng 7 năm 1858. Ngày 18 tháng Giêng năm 1862 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Laurence, Giám Mục Tarbes.
(6) Bà Madeleine Rizan, sinh năm 1800, sống ở Nay, Atlantic Pyrenees. Ðược chữa lành ngày 17 tháng 10 năm 1858. Ngày 18 tháng Giêng năm 1862 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Laurence, Giám Mục Tarbes.
(7) Cô Marie Moreau, sinh năm 1841, sống ở Tartas, Landes. Ðược chữa lành ngày 9 tháng 11 năm 1858. Ngày 18 tháng Giêng năm 1862 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Laurence, Giám Mục Tarbes.
(8) Ông Pierre de Rudder, sinh tại Jabbeker, Bỉ. Ðược chữa lành ngày 7 tháng 4 năm 1875. Ngày 25 tháng 7 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Gustave Waffelaert, Giám Mục Bruges.
(9) Cô Joachime Dehant, sinh tại Velaines, Sambre, năm 1849, sống ở Gesves, Bỉ. Ðược chữa lành ngày 13 tháng 9 năm 1878. Ngày 25 tháng 4 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Thomas Louis Heylen, Giám Mục Namur.
(10) Cô Elisa Seisson, sinh năm 1855. Ðược chữa lành ngày 29 tháng 8 năm 1882. Ngày 12 tháng 7 năm 1912 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Francois Bonnefoy, Giám Mục Aix, Arles và Embrun.
(11) Nữ Tu Eugenia (Marie Mabille), sinh năm 1855. Ðược chữa lành ngày 21 tháng 8 năm 1883. Ngày 30 tháng 8 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Philippe Meunier, Giám Mục Evreux.
(12) Nữ Tu Julienne (Aline Bruyere), sinh năm 1864, sống ở làng La Roque, gần Sarlat. Ðược chữa lành ngày 1 tháng 9 năm 1889. Ngày 7 tháng 3 năm 1912 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Albert Negre, Giám Mục Tulle.
(13) Nữ Tu Josephine Marie (Anne Jourdain), sinh ngày 5 tháng 8 năm 1854 tại Le Havre. Ðược chữa lành ngày 21 tháng 8 năm 1890. Ngày 10 tháng 10 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Marie Jean Douais, Giám Mục Beauvais.
(14) Cô Amélie Chagnon, sinh ngày 17 tháng 9 năm 1874, sống ở Ðịa Phận Tournai, Bỉ. Ðược chữa lành ngày 21 tháng 8 năm 1891. Ngày 8 tháng 9 năm 1910 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Charles G. Walravens, Giám Mục Tournai.
(15) Cô Clémentine Trouvé, sinh tại Azay le Boulé, năm 1878. Ðược chữa lành ngày 21 tháng 8 năm 1891. Ngày 6 tháng 6 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Amette, Tổng Giám Mục Paris.
(16 và 17) Cô Marie Lebranchu, sinh năm 1857, và cô Marie Lemarchand, sinh năm 1874. Ðược chữa lành ngày 20 và 21 tháng 8 năm 1892. Ngày 6 tháng 6 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Amette, Tổng Giám Mục Paris.
(18) Cô Elisa Lesage, sinh tại Bucquoy (Pas de Calais), năm 1874. Ðược chữa lành ngày 21 tháng 8 năm 1892. Ngày 4 tháng 2 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Alfred Williez, Giám Mục Arras.
(19) Nữ Tu Marie of the Presentation (Sylvanie Delporte), sinh ngày 8 tháng 2 năm 1848. Ðược chữa lành ngày 29 tháng 8 năm 1892. Ngày 15 tháng 8 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Francois Delamaire, Giám Mục phó Cambrai.
(20) Linh Mục Cirette, sinh tại Poses (Eure), ngày 15 tháng 3 năm 1847. Ðược chữa lành ngày 31 tháng 8 năm 1893. Ngày11 tháng 2 năm 1907 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Meunier, Giám Mục Evreux.
(21) Cô Aurélie Huprelle, sinh năm 1869. Ðược chữa lành ngày 21 tháng 8 năm 1895. Ngày 1 tháng 5 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Jean Douais, Giám Mục Beauvais.
(22) Cô Esther Brachmann, sinh tại Paris, năm 1881. Ðược chữa lành ngày 21 tháng 8 năm 1896. Ngày 6 tháng 6 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Léon Amette, Tổng Giám Mục Paris.
(23) Cô Jeane Tulasne, sinh tại Indre et Loire, ngày 8 tháng 9 năm 1877. Ðựợc chữa lành ngày 8 tháng 9 năm 1907. Ngày 27 tháng 10 năm 1907 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Réné Francois Renou, Tổng Giám Mục Tours.
(24) Cô Clémentine Malot, sinh tại Granvilliers, ngày 22 tháng 11 năm 1872. Ðược chữa lành ngày 21 tháng 8 năm 1898. Ngày 1 tháng 11 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Jean Douais, Giám Mục Beauvais.
(25) Bà Rose Francois (Labreuvois), sinh năm 1863. Ðược chữa lành ngày 20 tháng 8 năm 1899. Ngày 6 tháng 6 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Jean Amette, Tổng Giám Mục Paris.
(26) Linh Mục Salvator Capuchin, sinh năm 1862, sống ở Dinard. Ðược chữa lành ngày 25 tháng 6 năm 1900. Ngày 1 tháng 7 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha A. Dubourg, Tổng Giám Mục Rennes.
(27) Nữ Tu Maximilien, sinh năm 1858, sống ở Marseilles (Tu Viện Nữ Tu Hy Vọng). Ðược chữa lành ngày 20 tháng 5 năm 1901. Ngày 5 tháng 2 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Paulin Andrieu, Giám Mục Marseilles.
(28) Cô Marie Savoye, sinh năm 1877, sống ở Cateau-Cambresis (Bắc). Ðược chữa lành ngày 20 tháng 9 năm 1901. Ngày 15 tháng 8 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Francois Delamaire, Giám Mục phó Cambrai.
(29) Bà Johanna Bezenac (Dubos), sinh năm 1876. Ðược chữa lành ngày 8 tháng 8 năm 1904. Ngày 2 tháng 7 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Henri J. Bougoin, Giám Mục Périgueux.
(30) Nữ Tu Saint Hilaire, sinh năm 1865, Bề Trên Tu Viện Peyreleau (Dòng Thánh Giuse Clairvaux). Ðược chữa lành ngày 20 tháng 8 năm 1904. Ngày 10 tháng 5 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Charles de Ligonnes, Giám Mục Rodez.
(31) Nữ Tu Saint Béatrix (Rosalie Vildier), sinh năm 1862, sống ở Evreux. Ðược chữa lành ngày 31 tháng 8 năm 1904. Ngày 25 tháng 3 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Philippe Meunier, Giám Mục Evreux.
(32) Cô Marie Thérèse Noblet, sinh năm 1889, sống ở Rheims. Ðược chữa lành ngày 31 tháng 8 năm 1905. Ngày 11 tháng 2 năm 1908 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Hồng Y Lucon, Tổng Giám Mục Rheims.
(33) Cô Cécile Douville de Franssu, sinh tại Tournai, Bỉ, ngày 26 tháng 12 năm 1885. Ðược chữa lành ngày 21 tháng 9 năm 1905. Ngày 8 tháng 12 năm 1909 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Charles Gibier, Giám Mục Versailles.
(34) Cô Antoina Moulin, sinh tại Vinne (Isere), ngày 13 tháng 4 năm 1877. Ðược chữa lành ngày 10 tháng 8 năm 1907. Ngày 6 tháng 11 năm 1911 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Paul E. henry, Giám Mục Grenoble.
(35) Cô Marie Borel, sinh tại Lozere, ngày 14 tháng 11 năm 1879. Ðược chữa lành ngày 21 và 22 tháng 8 năm 1907. Ngày 4 tháng 6 năm 1911 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Jacques Gely, Giám Mục Mende.
(36) Cô Virginie Haudebourg, sinh tại Lons le Saulnier, Pháp, năm 1886. Ðược chữa lành ngày 17 tháng 5 năm 1908. Ngày 25 tháng 11 năm 1912 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Francois A. Mallet, Giám Mục Saint Claude.
(37) Bà Marie Biré (Lucas), sinh tại Vendée (Pháp), ngày 8 tháng 10 năm 1866. Ðược chữa lành ngày 5 tháng 8 năm 1908. Ngày 30 tháng 7 năm 1910 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Clovis Joseph Catteau, Giám Mục Lucon.
(38) Cô Aimée, sinh năm 1872, sống ở Vern, gần Angers. Ðược chữa lành ngày 28 tháng 5 năm 1810. Ngày 5 tháng 8 năm 1910 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Joseph Rumeau, Giám Mục Angers.
(39) Cô Juliette Orion, sinh năm 1886, sống ở St. Hilaire de Voust, Véndée. Ðược chữa lành ngày 22 tháng 7 năm 1910. Ngày 18 tháng 10 năm 1913 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Clovis Joseph Catteau, Giám Mục Lucon.
(40) Bà Marie Fabre, sinh năm 1879. Ðược chữa lành ngày 26 tháng 11 năm 1911. Ngày 8 tháng 9 năm 1912 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Pierre Cezerac, Giám Mục Cahors.
(41) Cô Henriette Bressolles, sinh năm 1896. Ðược chữa lành ngày 3 tháng 7 năm 1924. Ngày 4 tháng 6 năm 1957 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Paul Remond, Giám Mục Nice.
(42) Cô Lydia Brosse, sinh ngày 14 tháng 10 năm 1889. Ðược chữa lành ngày 11 tháng 10 năm 1930. Ngày 5 tháng 8 năm 1958 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Jean Guyot, Giám Mục Contances.
(43) Nữ Tu Marie Marguerite (Francois Captitaine), sinh ngày 13 tháng 4 năm 1872, sống ở Ðan Viện Rennes từ năm 1896. Ðược chữa lành ngày 22 tháng Giêng năm 1937. Ngày 20 tháng 5 năm 1946 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Hồng Y Clément Roques, Tổng Giám Mục Rennes.
(44) Cô Louise Jamain, sinh tại Paris, ngày 5 tháng 11 năm 1914. Ðược chữa lành ngày 1 tháng 4 năm 1937. Ngày 14 tháng 12 năm 1951 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Maurice Feltin, Tổng Giám Mục Paris.
(45) Cậu bé Francis Pascal, sinh ngày 2 tháng 10 năm 1934, sống ở Beaucaire, Gard. Ðược chữa lành ngày 31 tháng 8 năm 1938. Ngày 31 tháng 5 năm 1949 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Ch. de Provenchères, Tổng Giám Mục Aix en Provence.
(46) Cô Gabrielle Clauzel, sinh ngày 15 tháng 8 năm 1894, sống ở Oran. Ðược chữa lành ngày 15 tháng 8 năm 1943. Ngày 18 tháng 3 năm 1948 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Bertrand Lacaste, Giám Mục Oran.
(47) Cô Yvonne Fournier, sinh tháng Giêng năm 1923. Ðược chữa lành ngày 19 tháng 8 năm 1945. Ngày 14 tháng 11 năm 1959 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Hồng Y Maurice Feltin, Tổng Giám Mục Paris.
(48) Bà Rose Martin (Pérona), sinh ngày 28 tháng 3 năm 1901. Ðược chữa lành ngày 3 tháng 7 năm 1947. Ngày 5 tháng 5 năm 1949 được chính thức công bố là Phép Lạ, và ngày 17 tháng 3 năm 1958 được tái xác nhận là Phép Lạ bởi Ðức Cha Rémond, Giám Mục Nice.
(49) Bà Jeanne Gestas, sinh ngày 8 tháng 1 năm 1897, sống ở Bègles, Gironde. Ðược chữa lành ngày 22 tháng 8 năm 1947. Ngày13 tháng 7 năm 1952 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Paul Richaud, Tổng Giám Mục Bordeaux.
(50) Cô Marie Therese Canin, sinh năm 1910. Ðược chữa lành ngày 9 tháng 10 năm 1947. Ngày 6 tháng 6 năm 1952 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Jean Delay, Giám Mục Marseilles.
(51) Cô Mađalena Carini, sinh tại Pavia, ngày 11 tháng 3 năm 1917. Ðược chữa lành ngày 15 tháng 8 năm 1948. Ngày 2 tháng 6 năm 1960 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Hồng Y G. B. Montini, Tổng Giám Mục Milan.
(52) Cô Jeanne Frétel, sinh ngày 25 tháng 5 năm 1914. Ðược chữa lành ngày 8 tháng 10 năm 1948. Ngày 20 tháng 10 năm 1950 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Hồng Y Clément Roques, Tổng Giám Mục Rennes.
(53) Nữ Tu Marie Mercédès (Théa Angele), sinh tại Ðức, ngày 24 tháng 9 năm 1921. Ðược chữa lành ngày 20 tháng 5 năm 1950. Ngày 28 tháng 6 năm 1961 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha P.M. Théas, Giám Mục Tarbes và Lô Ðức.
(54) Ông Evasio Ganora, sinh ngày 2 tháng 3 năm 1913, sống ở Casale Monferrato. Ðược chữa lành ngày 2 tháng 6 năm 1955. Ngày 31 tháng 5 năm 1955 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha G. Angrisani, Giám Mục Casale Monferrato.
(55) Cô Edeltraud Fulda, sinh ngày 20 tháng 7 năm 1916. Ðược chữa lành ngày 12 tháng 8 năm 1950. Ngày 18 tháng 5 năm 1955 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Hồng Y Théodor Innitzer, Tổng Giám Mục Vienna.
(56) Ông Paul Pellegrin, sinh ngày 12 tháng 4 năm 1898. Ðược chữa lành ngày 3 tháng 10 năm 1950. Ngày 8 tháng 12 năm 1953 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Auguste Gaudel, Giám Mục Fréjus.
(57) Tu Sĩ Léo Schwager, sinh tại Thụy Sĩ, ngày 30 tháng 4 năm 1924. Ðược chữa lành ngày 30 tháng 4 năm 1952. Ngày 8 tháng 12 năm 1960 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Francois Charriere, Giám Mục Lausanne, Geneva và Fribourg.
(58) Bà Alice Couteault Gourdon), sinh ngày 1 tháng 12 năm 1917, sống ở Bouillé Loretz, Deux Sevres. Ðược chữa lành ngày 15 tháng 5 năm 1952. Ngày 16 tháng 7 năm 1956 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Henri Vion, Giám Mục phó Poitiers.
(59) Cô Marie Bigot, sinh ngày 7 tháng 12 năm 1922. Ðược chữa lành ngày 8 tháng 10 năm 1953 và ngày 8-10 tháng 10 năm 1954. Ngày 15 tháng 8 năm 1956 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Hồng Y Clément Roques, Tổng Giám Mục Rennes.
(60) Bà Ginette Nouvel (Fabre), sinh ngày 18 tháng 1 năm 1928, sống ở Carmaux, Tarn. Ðược chữa lành ngày 21 tháng 9 năm 1954. Ngày 31 tháng 5 năm 1963 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Claude Dupuy, Tổng Giám Mục Albi.
(61) Cô Elisa Aloi, sinh tại Patti, Sicily, ngày 26 tháng 11 năm 1931. Ðược chữa lành ngày 5 tháng 6 năm 1958. Ngày 26 tháng 5 năm 1965 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Francesco Fasola, Tổng Giám Mục Messine.
(62) Cô Juliette Tamburini, sinh tại Marseilles, ngày 4 tháng 12 năm 1936. Ðược chữa lành ngày 17 tháng 7 năm 1959. Ngày 11 tháng 5 năm 1965 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Marc Lallier, Giám Mục Marseilles.
(63) Anh Vittorio Micheli, sinh tại tỉnh Trento, Ý, ngày 6 tháng 2 năm 1940. Ðược chữa lành ngày 1 tháng 6 năm 1963. Ngày 26 tháng 5 năm 1976 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Alessandro Gottardi, Tổng Giám Mục Trento.
(64) Ông Serge Perrin, sinh ngày 13 tháng 2 năm 1929. Ðược chữa lành ngày 1 tháng 5 năm 1970. Ngày 17 tháng 6 năm 1978 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Jean Orchampt, Giám Mục Angers.
(65) Cô Delizia Cirolli, sinh ngày 17 tháng 11 năm 1964. Ðược chữa lành vào dịp gần Lễ Giáng Sinh năm 1976. Ngày 28 tháng 6 năm 1989 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Luigi Bonmarito, Tổng Giám Mục Catania.
(66) Ông Jean Pierre Bély, sinh ngày 24 tháng 8 năm 1936. Ðược chữa lành ngày 9 tháng 10 năm 1987. Ngày 9 tháng 2 năm 1999 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Claude Dagens, Giám Mục Angoulême.
(67) Bà Anna Santaniello, sinh năm 1912, bị chứng bệnh tim khó thở từ nhỏ, đã được chữa lành bệnh trong một chuyến hành hương cầu nguyện ở Lộ Ðức vào ngày 19 tháng 8 năm 1952. Ðức Tổng Giám Mục Salerno Gerardo Pierro đã công bố phán quyết của Giáo Hội về việc chính thức thừa nhận phép lạ này trước sự hiện diện của bà Santaniello trong thánh lễ Chúa Nhật ngày 13/11/2005.
(68) Ông Jacquew Salaun, sinh năm 1935, sống ở La Loupe, Chartres, Pháp. Ðược chữa lành ngày 1 tháng 9 năm 1993. Sự kiện được chữa lành này đang chờ sự phán quyết tối hậu của Giáo Hội.

(Linh Mục Joseph Trương, Chuyển dịch từ Nguyệt San Lourdes, số 49, tháng 5 năm 1997,
và từ tác phẩm Lourdes Miraculous Cure của Bác Sĩ Theodore Mangiapan, Chủ Tịch Ủy Ban Y Khoa Quốc Tế)

Bà Catherine Latapie bị bại tay
vì bị ngã từ trên cây cao
đã được chữa lành ngày 1/3/1858
(The Appearing of Our Lady at Lourdes)

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Bà Catherine Latapie, sinh năm 1820, sống ở Loubajac, gần Lộ Ðức. Ðược chữa lành vào ngày 1 tháng 3 năm 1858. Ngày 18 tháng Giêng năm 1862 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Laurence, Giám Mục Tarbes.
Chúng ta biết rằng đây là Phép Lạ đầu tiên xảy ra năm 1858, chính vào năm Ðức Mẹ hiện ra. Bà Catherine Latapie Chonat bị bại tay sau khi ngã từ trên cây xuống vào tháng 10 năm 1856; trên bàn tay của bà có hai ngón tay không cử động được.
Vào tối ngày 28 tháng 2 năm 1858, và tối ngày 1 tháng 3 năm 1858, bà chợt thức giấc đột ngột vào khoảng 3 giờ sáng, và bà vội vàng thúc giục hai đứa con nhỏ của bà cùng đi với bà tới Hang Ðá Lộ Ðức. Vào lúc này, bà đã có bầu đứa thứ ba được chín tháng. Bà đi bộ từ làng đến Hang Ðá Lộ Ðức, xa 7 cây số. Ðến nơi, bà được chứng kiến cuộc xuất thần của Bernadette. Bà cảm thấy có một sức mạnh dun dủi, đi thẳng đến giòng suối mà Bernadette đã khai thông, nhúng tay vào bể nước giá lạnh và tự nhiên bàn tay của bà có thể co quắp cử động lại như thường. Ðồng thời bà cảm thấy bụng quặn đau dữ dội. Bà vội vàng cám ơn Mẹ vì đã được lành tay, nhưng bà cầu xin Mẹ cho bà được về nhà bằng yên. Bà và lôi hai đứa nhỏ đi bộ 7 cây số trở về. Về đến nơi bà sinh hạ cậu bé Jean Baptiste, mẹ tròn con vuông. Cậu bé nầy, 24 năm sau trở thành linh mục vào năm 1882.
Giáo Sư Vergez, trong bản báo cáo trình lên Ðức Cha Laurence, viết rằng: "Sự việc được chữa lành của bà Catherine Latapie, quả là một điều siêu tự nhiên, vượt ra ngoài khả năng giải thích của y khoa". Ngày 18 tháng Giêng năm 1862, sự kiện bà Catherine Latapie được chữa lành đã được Ðức Cha Laurence, Giám Mục Tarbes, chính thức công bố là Phép Lạ. Ðó là phép lạ đầu tiên được giáo hội công nhận.

(Linh Mục Joseph Trương, Chuyển dịch từ tác phẩm Lourdes Miraculous Cure của Bác Sĩ Theodore Mangiapan, Chủ Tịch Ủy Ban Y Khoa Quốc Tế)

Bà Blaisette Cazenave
bị đau mắt nhiều năm
y khoa không còn cách nào chữa trị được nữa
nhưng đã được chữa lành vào tháng 3 năm 1858
(The Appearing of Our Lady at Lourdes)

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Bà Blaisette Cazenave (Soupene), sinh năm 1808, sống ở Lô Ðức. Ðược chữa lành vào tháng 3 năm 1858. Ngày 18 tháng Giêng năm 1862 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Laurence, Giám Mục Tarbes.
Bà Blaisette Cazenave bị đau mắt đã nhiều năm. Bà sinh ở Lộ Ðức, và năm bà được 50 tuổi bà bị một chứng bệnh kinh niên, mắt bà bị nhặm, và thường rất đau đớn. Hai mí mắt bị sưng đau, hầu như không cử động được... y khoa vào thời gian đó cũng đành bó tay trước chứng bệnh nan y của bà.
Sau khi bệnh viện cho bà biết, bệnh của bà đã không còn cứu chữa được nữa, bà liền quyết định đi tới Hang Ðá Lộ Ðức và dùng nước Ðức Mẹ để chữa trị. Sau khi dùng nước suối Ðức Mẹ để rửa mắt lần thứ hai, mắt của bà hoàn toàn được chữa lành, và hai mí mắt của bà hoạt động trở lại bình thường như mọi người khác. Bà không còn cảm thấy đau đớn và khó chịu như trước đây nữa.
Giáo Sư Vergez đã tường trình sự việc này như sau: Ðây quả thật là một sự việc vượt quá tự nhiên, là một bằng chứng hiển nhiên về một sự kiện được chữa lành rất là diệu kỳ. Ðây là một chứng bệnh của của một phần trong cơ thể, mắt, đã trở thành bất trị vào thời kỳ này, nhưng đã được chữa lành trong một giây lát, và đã trở lại bình thường, hoàn toàn lành mạnh như chưa bao giờ bị bệnh. Quả là nhiệm mầu."
Sau khi đã được các ủy ban y khoa nghiên cứu và trình bày cùng ủy ban giáo hội. Ngày 18 tháng Giêng năm 1862, sự kiện mắt của bà Blaisette Cazenave được chữa lành cách kỳ diệu này đã được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Laurence, Giám Mục Tarbes.
(Linh Mục Joseph Trương, Chuyển dịch từ tác phẩm Lourdes Miraculous Cure của Bác Sĩ Theodore Mangiapan, Chủ Tịch Ủy Ban Y Khoa Quốc Tế)

Ông Jean Pierre Bély bị bệnh liệt giường
và được khỏi bệnh lạ lùng Tại Lộ Ðức
Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Ông Jean Pierre Bély bị bệnh liệt giường và được khỏi bệnh lạ lùng Tại Lộ Ðức.
... Vào năm 1987, tôi phụ trách Nhóm khiêng cáng bệnh nhân cho Nhà Trọ Thánh Patrick ở Trung Tâm tiếp đón khách hành hương của Ðền Thánh Ðức Mẹ Lộ Ðức. Cùng năm ấy, ông Jean Pierre Bély bị bệnh liệt giường và được đưa đi hành hương Lộ Ðức. Khi đến nơi, ông được đưa vào trọ nơi Nhà Thánh Patrick. Tôi vẫn nhớ thật rõ kỷ niệm về ông. Ông bị bệnh nặng đến độ không thể ngồi xe lăn để tham dự các buổi phụng vụ Thánh Thể hoặc các buổi Rước Kiệu Thánh Thể, Rước Ðèn kính Ðức Mẹ Maria v.v.
Nhận thấy tình trạng đáng thương, tôi liền tìm một chiếc cáng có bánh xe đẩy, để ông có thể nằm yên trên cáng và tham dự các buổi cử hành Phụng Vụ. Kinh nghiệm nhiều năm phục vụ tại Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ Ðức với tư cách khiêng cáng bệnh nhân, giúp tôi biết phải chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào để bệnh nhân có thể ở lâu trong đám đông gồm hàng ngàn bệnh nhân và mấy chục ngàn tín hữu hành hương.
Kỷ niệm thứ hai tôi nhớ rõ về ông Jean Pierre Bély, đó là lúc, sau khi lãnh Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân, chúng tôi đưa các bệnh nhân về lại phòng trọ. Tôi để ý thấy ông Bély tỏ ra nhanh nhẹn và mạnh mẽ tự động di chuyển từ chiếc cáng đẩy sang giường của mình. Vì sợ rằng trong bầu khí hân hoan của Lộ Ðức thường gieo vào lòng bệnh nhân niềm hy vọng tràn trề sẽ được Ðức Mẹ chữa lành bệnh, tôi nhắc ông Bély hãy cẩn trọng, kẻo bị ngã gây thêm thương tích vô ích.
Sau cùng, kỷ niệm khó quên nhất, chính là hình ảnh ông Jean Pierre Bély, mặt mũi tươi tỉnh, với nụ cười thoáng nhẹ trên môi, ngồi ngoan ngoãn trên chiếc xe đẩy, nhẫn nhục đợi chúng tôi đưa ông lên xe cứu thương, để cùng các bệnh nhân khác ra nhà ga, lên xe lửa trở về nhà.
Tại sao tôi lại nhớ rõ về ông như thế, trong số trăm ngàn bệnh nhân khác? Tôi không biết! Thế rồi vài ngày sau, có người điện thoại báo tin ông Jean Pierre Bély đã được khỏi bệnh.
Ðúng một năm sau - 1988 - ông Jean Pierre Bély trở lại Lộ Ðức. Nhưng không phải với tư cách bệnh nhân liệt giường - không ngồi được cả trên ghế lăn - mà với tư cách thiện nguyện viên đến phục vụ các bệnh nhân tại Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ Ðức. Nhất là, ông Bély đến Lộ Ðức để tạ ơn Ðức Mẹ Maria vì nhiều ơn lành hồn xác Ðức Mẹ ban cho ông, nổi bật nhất là việc Ðức Mẹ cho ông lành bệnh cách nhanh chóng và lạ lùng.
Ông Jean Pierre Bély xin khiêng cáng bệnh nhân cho phòng trọ Thánh Patrick. Từ sau năm 1988 ấy, ông Bély trở lại Lộ Ðức nhiều năm liên tiếp để phục vụ các bệnh nhân.
Cũng vào năm 1988, nơi phòng trọ Thánh Patrick, chúng tôi trải qua một biến cố đáng ghi nhớ. Ông Jean Fretel, người được Ðức Mẹ chữa lành bệnh cách lạ lùng trong chuyến hành hương Mân Côi tháng 10 năm 1948, trở lại Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ Ðức để tạ ơn Ðức Mẹ. 40 năm trôi qua, biết bao kỷ niệm cùng nhau nhắc lại. Chúng tôi cảm động nói đến Tình Yêu Thiên Chúa và hân hoan loan báo cho mọi người hiện diện về Tình Yêu Nhân Hậu của Ngài. Chúng tôi là nhân chứng hùng hồn nhất về kỳ công Thiên Chúa thực hiện cho loài người.
Chúng tôi nhắc lại lời thánh nữ Bernadette Soubirous (1846-1879) xưa trả lời cho ai không tin chuyện Ðức Mẹ Maria hiện ra:
- Cháu không có nhiệm vụ làm cho quý ông bà tin. Cháu chỉ có nhiệm vụ nói lại cho quý ông bà biết về điều Ðức Mẹ Maria truyền cho cháu phải nói.
Chứng từ của Ông Alain Marchio, phó giám đốc điều hành "Nhà Trọ Mân Côi" tại Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ Ðức.
... "Lòng tôi đầy ắp những suy tư như trăng rằm đầy đặn, đó là những điều tôi còn muốn nói ra. Hỡi những người con trung hiếu, hãy lắng nghe lời ta: hãy nên như cây hồng lớn lên bên dòng nước, như cây hương tỏa mùi thơm ngào ngạt, như cây huệ trổ bông, hãy đồng thanh cất tiếng hát lên một bài ca. Hãy ngợi khen Thiên Chúa vì mọi việc Ngài làm. Hãy tán dương danh Chúa, ngợi khen chúc tụng Người, hãy đàn ca mà dâng lời cảm tạ: mọi việc Thiên Chúa làm đều hoàn toàn tốt đẹp, mỗi mệnh lệnh Ngài ban sẽ được thi hành đúng thời đúng lúc" (Sách Huấn Ca 39,12-16).

("Lourdes Magazine", Maggio/1999, trang 22)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
(25/08/2009)

Chú Thích: Ông Jean Pierre Bély, sinh ngày 24 tháng 8 năm 1936. Ðược chữa lành ngày 9 tháng 10 năm 1987. Ngày 9 tháng 2 năm 1999 được chính thức công bố là Phép Lạ bởi Ðức Cha Claude Dagens, Giám Mục Angoulême.

Bà Anna Santaniello, 94 tuổi
bị chứng bệnh tim khó thở từ nhỏ
đã được chữa lành bệnh vào năm 1952
(The Appearing of Our Lady at Lourdes)

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia

Bà Anna Santaniello bị chứng bệnh tim khó thở từ nhỏ, đã được chữa lành bệnh trong một chuyến hành hương cầu nguyện ở Lộ Ðức vào năm 1952.
Tin Paris (ANSA 14/11/2005) - Giáo Hội Công giáo chính thức thừa nhận "một phép lạ" chữa lành bệnh một phụ nữ người Ý bị bệnh tim khi bà tới cầu nguyện tại Lộ Ðức vào ngày 19 tháng 8 năm 1952.

________________________________________
Bà Anna Santaniello bị chứng bệnh tim khó thở từ nhỏ, đã được chữa lành bệnh trong một chuyến hành hương cầu nguyện ở Lộ Ðức vào năm 1952.
________________________________________
Bà Anna Santaniello, sinh năm 1912, hiện nay đang sinh sống ở miền Nam nước Ý, nói với hãng thông tấn ANSA rằng, bệnh tim của bà đã biến mất khi bà cùng với đoàn hành hương đến cầu nguyện tại Ðền Thánh Ðức Mẹ ở Lộ Ðức, Pháp Quốc vào năm 1952.
Ủy Ban Công Giáo Quốc Tế là Ủy Ban phụ trách quản lý Ðền Thánh Ðức Mẹ Lộ Ðức ở Pháp Quốc đã đánh dấu phép lạ chữa lành bệnh của bà Anna Santaniello là phép lạ thứ 67 được giáo hội chính thức thừa nhận.
Sau nhiều năm làm việc của Ủy Ban nghiên cứu và điều tra về các phép lạ của Giáo Hội, Ðức Tổng Giám Mục Gerardo Pierro của Giáo phận Salerno, Ý, đã công bố phán quyết của Giáo Hội về việc chính thức thừa nhận phép lạ này trước sự hiện diện của bà Santaniello trong thánh lễ Chúa Nhật ngày 13/11/2005. Sau Thánh Lễ, bà Anna Santaniello đã chia sẻ về kinh nghiệm được chữa lành bệnh của bà.
Bà Santaniello nói với ký giả của tờ nhật báo Il Giornale rằng bà bị chứng bệnh tim khó thở từ nhỏ, một chứng bệnh gia truyền đã cướp mất mạng sống của một người anh trai và một người em gái của bà.
Bà nói tiếp, "Tình trạng của tôi càng ngày càng tệ hơn khi tôi đã lớn tuổi, tôi lại càng khó thở vào những lúc lên giường nằm ngủ. Các bác sĩ đã bó tay trước hoàn cảnh của tôi".
"Nhưng tôi vẫn luôn tin tưởng vào ơn trên cũng như vào sự cầu bầu của Ðức Mẹ. Tôi cảm thấy hình như Ðức Mẹ đang gọi tôi hãy đi cầu nguyện tại Ðền Thánh Ðức Mẹ Lộ Ðức nơi xưa kia Mẹ đã hiện ra với chị thánh Bernadetta vào năm 1858. Gia đình tôi không dám cho tôi đi, nhưng tôi vẫn cố hết sức để đi tới được Lộ Ðức."
"Tôi đã đến Lộ Ðức trên một chiếc Băng Ca, vì tôi không còn có thể tự di chuyển được nữa... Các thiện nguyện viên tại Lộ Ðức dìm người tôi vào giếng nước Lộ Ðức. Nước thì lạnh băng nhưng ngay liền lúc đó tôi lại cảm thấy có một luồng sức nóng chuyển vận trong ngực tôi giống như đang bơm thêm sức sống cho tôi làm cho tôi hồi phục sức khỏe trở lại."
"Sau một vài phút, tôi đã có thể tự mình chỗi dậy. Tôi từ chối sự giúp đỡ của những người thiện nguyện giúp đỡ tôi khiêng Băng Ca. Và tôi nói với họ hãy giúp đỡ những người khác vì tôi đã có thể tự mình di chuyển được."
Bà Anna Santaniello cho biết, sau khi trở về Italy, bà đã đến gặp bác sĩ chuyên khoa của bà và bác sĩ đã tuyên bố là bà đã hoàn toàn bình phục.
Những thời điểm đáng chú ý về tiến trình nhìn nhận phép lạ của bà Anna Santaniello:
- Ngày 16 tháng 8 năm 1952, Bà Anna Santaniello, nằm trên một chiếc Băng Ca, cùng với một nhóm hành hương người ý đến Lộ Ðức bằng Tàu Lửa.
- Ngày 19 tháng 8 năm 1952, Bà được các thiện nguyện viên dìm vào giếng nước Lộ Ðức. Và bệnh tim của bà được hoàn toàn bình phục.
- Ngày 20 tháng 8 năm 1952, Bà Anna Santaniello được một nhóm nhiều bác sĩ khám nghiệm và nghiên cứu về tình trạng được lành bệnh của bà.
- Ngày 29 tháng 8 năm 1952, Bà Anna Santaniello tự tìm tới 2 bác sĩ khác, (không phải là những bác sĩ đã từng chữa trị cho bà) để khám nghiệm một lần nữa về tình trạng sức khỏe của bà. Kết quả cho thấy, bệnh của bà đã hoàn toàn bình phục.
- Ngày 10 tháng 8 năm 1953, Bà Anna Santaniello được nhóm Bác Sĩ chính thức của Lộ Ðức tái khám nghiệm. Kết quả cho thấy, bệnh của bà cũng đã hoàn toàn bình phục.
- Ngày 18 tháng 7 năm 1960, một lần nữa bà được khám nghiệm và được xác nhận hoàn toàn bình phục.
- Ngày 24 tháng 7 năm 1962, sau một cuộc khám nghiệm khác chứng nhận sự hoàn toàn bình phục của bà, hồ sơ của bà được chuyển tới Ủy Ban Y Khoa Quốc Tế.
- Ngày 3 tháng 5 năm 1964, Ủy Ban Y Khoa Quốc Tế xác nhận việc lành bệnh của bà là một việc siêu tư nhiên.
- Ngày 23 và 24 tháng 10 năm 2004, Bác Sĩ Patrick Theillier, Chủ Tịch Ủy Ban Y Khoa Quốc tế công bố kết quả nghiên cứu và xác nhận sự việc lành bệnh của bà là một việc siêu tư nhiên.
- Sau một thời gian dài nghiên cứu và điều tra các kết quả y khoa, và chứng tỏ rằng, bệnh tình của bà đã hoàn toàn bình phục mãi cho tới nay đã 93 tuổi. Ngày 9 tháng 11 năm 2005, Ðức Tổng Giám Mục Gerardo Pierro của giáo phận Salerno, Ý, chính thức xác nhận sự việc lành bệnh của bà Anna Santaniello là một phép lạ.
- Ngày 13 tháng 11 năm 2005, trong thánh lễ ngày Chúa Nhật, Ðức Tổng Giám Mục Salerno đã công bố sự thừa nhận của giáo hội về phép lạ được lành bệnh của bà Anna Santaniello.
Lộ Ðức là một thị trấn nhỏ nằm ở miền núi Pyrenees của Pháp, đã trở thành một địa điểm hành hương nổi tiếng sau khi Ðức Mẹ hiện ra với một thiếu nữ 14 tuổi tên là Bernadette vào năm 1858.

(Rev. Joseph Trương)

* Phần phụ thêm: [Bản tin của Zenit ngày 27/08/2009]
Lộ Ðức [Zenit 27/08/2009] - Một vụ lành bệnh lạ lùng được văn phòng y khoa Lộ Ðức xem là không thể giải thích được về mặt khoa học.
Ngày 9 tháng 11 năm 2005, văn phòng y khoa Lộ Ðức đã nhìn nhận việc lành bệnh của một người phụ nữ Ý tên là Anna Santaniello là một trường hợp không thể giải thích được về mặt y khoa. Ðây là một sự lành bệnh lạ lùng thứ 67 trong lịch sử Lộ Ðức.
Bà Santaniello sinh năm 1911. Sau một thời gian mắc bệnh phong thấp trầm trọng, bà bị bệnh tim nặng khiến bà không thể đi đứng và nói năng mỗi khi lên cơn.
Ngày 16 tháng 8 năm 1952, bà Santaniello đi hành hương Lộ Ðức. Ba ngày sau, bà được đưa đến tắm trong nước suối Lộ Ðức và đứng dậy đi đứng như một người bình thường.
Ngày 21 tháng 9 năm 2005, việc lành bệnh lạ lùng của bà đã được Ðức cha Gerardo Pierro, Tổng giám mục Salermo, Ý, chính thức nhìn nhận như một phép lạ.
(Chu Văn)
Ông Jaques Salaun, 16 năm bất toại
được chữa lành (1/9/1993)
(The Appearing of Our Lady at Lourdes)
Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Hãy Ðứng Dậy và Ði (Mt 9,5)
Ðã 16 năm qua, ông Jaques Salaun là một bệnh nhân tê liệt, phải ngồi xe lăn, mỗi lần xê dịch phải nhờ đến con cháu. Ông bị bệnh ngạnh kết từng mảnh trong mạch máu và hoàn toàn tê bại. Ngày cậu con trai ra đời, thân sinh đã bại xụi, nay cậu Cyril đã lên 16 tuổi và thường giúp ông xê dịch, nhưng ngày thứ Tư mồng 1 tháng 9 năm 1993, bỗng nhưng ông lành bệnh, ngày trước con bế bố thì hôm nay bố bế con và nâng bổng lâu lên trời. Ông Jaques Salaun đã lành hẳn và cử động như thời còn khỏe mạnh.
Sự gì đã xảy ra?
Ông vừa ở Lộ Ðức về trong cuộc hành hương thứ hai của ông về thành phố của Ðức Mẹ. Ông cho rằng mình đã được nhìn thấy Ðức Trinh Nữ, được tắm suối của Ðức Mẹ khai nguồn và bỗng nhưng hôm nay, ông được lành hẳn, đi xe đạp phong phong trên đường làng cho bà con coi. Người ta cho rằng ông là một trong 6,000 bệnh nhân đã được Ðức Mẹ chữa lành từ khi Ðức Mẹ hiện ra với Thánh Nữ Bernadette năm 1858 nơi thành phố đìu hiu gió ấy. Nhưng nay Lộ Ðức là một trung tâm hành hương quốc tế, một cao điểm cầu nguyện. Câu chuyện của ông là một câu chuyện mới nhất xảy ra năm 1993 và đã có người cho rằng biết đâu đây là "phép lạ thứ 67" sẽ được Giáo Hội nhìn nhận trong số 6,000 ơn lạ đã được ghi nhận tại Lộ Ðức từ ngày Ðức Mẹ hiện ra.
Câu chuyện như sau
Hôm ấy, thứ Tư mồng 1 tháng 9 năm 1993, một ngày như bao nhiêu ngày khác, ông Jacques Salaun, 58 tuổi, một cựu công nhân nghề tiện, vừa tham dự cuộc hành hương Lộ Ðức do Giáo Phận Chartres tổ chức trở về. Trong làng La Loupe với 4,000 nhân danh, ai ai cũng biết ông là một bệnh nhân tê bại đã 16 năm, một người giáo dân thuận thành thường được người con trai 16 tuổi, cậu Cyril, đẩy xe lăn đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ.

________________________________________
Ông Salaun vui mừng đứng dậy, không dùng gậy chống và đi lại trong phòng khách, vừa đi vừa nói: "Lạ lùng thật!" Ông quơ tay như người múa rối, giơ cao chân lên... "Mọi sự tốt đẹp".
________________________________________
Ông ở trong một ngôi nhà xinh xinh với bà vợ, bà Jacqueline và hai đứa con; Cô chị là Nathalie làm chiêu đãi viên hàng không và cậu em út là Cyril 16 tuổi, học sinh. Người con trai trưởng là Philippe, 33 tuổi, hiện đang lập nghiệp ở Mễ Tây Cơ. Ông Salaun cùng với bà vợ vừa có dịp qua thăm con, di chuyển bằng xe lăn vào chiếc phi cơ khổng lồ qua gần một phần nửa trái đất.
Tóm lại, đây là một gia đình trung bình như nhiều gia đình Pháp khác, không có gì đáng nói. Có chăng là người gia trưởng từ 16 năm qua đã thành phế nhân. Ông bị bệnh ngạnh kết từng mảnh (Sclérose en plaques); mạch máu bị chất mỡ đông lại làm cho sự tuần hoàn tắc nghẽn và cơ thể bại xụi, trở thành phế nhân không làm việc được. Hai tay cứng đờ và hai chân thẳng như khúc gỗ, không cử động, xê dịch một mình được.
Ngày 26 tháng 8 năm 1993, ông đi hành hương Lộ Ðức với 87 bệnh nhân và 300 giáo lữ trong số có cậu Cyril con trai út của ông, dưới sự hướng dẫn của Cha Brossier, Chính xứ La Loupe. Cuộc hành trình khá dài và mệt nhọc. Ông đã 58 tuổi, cao 1m62, nặng 50 ký, phất phơ vài sợi tóc bạc trên chiếc đầu hói, với cặp kiếng vuông, ông là một ông già trời cho vui tính.
Ông tuyên bố: "Ði hành hương đối với tôi như một cuộc đi nghỉ hè 6 tháng...". Tôi trở về tinh thần lên cao độ. Tôi đến đó không có ý nghĩ là "tôi sẽ được chữa lành, nhưng ở đó, tôi được phấn khởi rất nhiều."
Với đoàn giáo lữ, ông ở lại Lộ Ðức 5 ngày, tham dự các nghi lễ và rước kiệu. Ngày sau cùng ngồi trên chiếc xe lăn, ông được người "khiêng cáng" phục dịch đưa ra nhà tắm thiết lập ven bờ sông Gave gần Hang đá, nơi đây năm 1858, Ðức Trinh Nữ đã hiện ra với Bernadette Soubirous 18 lần. Người ta dìm ông xuống giòng nước giá lạnh, nơi đây mỗi năm có hàng ngàn người trong số 5 triệu du khách hành hương đã được tắm gội. 50 ngàn bệnh nhân mỗi năm, đủ mọi thành phần, mọi bệnh chứng đã từng đi qua, mà giòng nước vẫn không bị nhiễm trùng, khiến nhà vô thần Emila Jola phải ngạc nhiên và tự hỏi: Làm sao từ trong giòng nước ô nhiễm như vậy bước ra mà người ta không mắc thêm bệnh? Nên biết mỗi ngày chỉ thay nước một lần!
Ðến phiên ông Salaun, ông lại xin được dìm xuống nước một lần thứ hai nữa trước khi ra về. Cả ngày ông đã cầu nguyện với Ðức Mẹ rất sốt sắng.
Sáng hôm sau, trước khi thức dậy, ông cầu nguyện, mắt lim nhim. Ông kể: "Tôi được nhìn thấy Ðức Trinh Nữ, bàn chân trần, sắc phục toàn trắng, miệng mĩm cười. Mẹ nói với tôi: "Hãy đứng lên". Hình ảnh ấy tôi nhớ mãi và giữ cho riêng tôi."
Con tàu chuyển bánh về tới La Loupe, sáng sớm thứ Tư mồng 1 tháng 9 năm 1993 lúc 8 giờ 10 phút.
Về đến nhà, ông cảm thấy có một sự rung chuyển lạ thường chạy từ đốt xương sống cuối cùng lên đến cổ. Ông kể: "Tôi như bị nghiền nát, một sức nóng lan tỏa từ dưới lên trên như đốt cháy tôi. Tôi đau đớn lắm. Tôi gọi vợ tôi. Và, bỗng nhưng, tôi cảm thấy hai tay tôi cử động. Tôi đứng dậy, không dùng gậy chống và đi ra phòng khách, vừa đi vừa nói: Lạ lùng thật! Tôi quơ tay như người múa rối, giơ cao chân lên... Mọi sự tốt đẹp".
Vợ ông, bà Jaqueline sửng sốt trước hành động của chồng; lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, tự tay ông cắt bánh, trét bơ dọn ăn sáng.
Cậy Cyril đang ngủ, nghe tiếng động, vội chạy ra phòng khách. Anh xúc động bỡ ngỡ làm sao khi thấy bố múa tay múa chân, rồi chạy lại ôm chầm lấy cậu và khóc nức nở. Lần đầu tiên trong đời cậu được thấy bố mạnh khỏe. Và, "thật có Thiên Chúa an bài," ông Jaques Salaun nói. Cùng lúc ấy, cô Nathalie, con gái ông đi làm về, bước vào nhà không báo trước. Hai chị em như trên trời rơi xuống. Ông ôm chầm lấy con gái, khởi đầu một vũ điệu tango. Trong bữa ăn sáng gia đình, ông Salaun lần đầu tiên nói đến hai chữ "phép lạ" của Ðức Mẹ.

________________________________________
Chiều ngày 1 tháng 9 năm 1993, ông Salaun lấy xe đạp đi một vòng trong làng. Tất cả hàng xóm đều chạy ra xem, không thể ngờ sự việc xảy ra như vậy. Và họ bắt đầu gọi ông là "người được phép lạ".
________________________________________
Chiều hôm ấy, cùng với cô con gái, ông Salaun lấy xe đạp đi một vòng trong làng. Tất cả hàng xóm đều chạy ra xem, không thể ngờ sự việc xảy ra như vậy. Và họ bắt đầu gọi ông là "người được phép lạ". Cũng như chính ông cũng không thể nhận thức những gì xảy ra cho chính mình! "Tôi tưởng rằng tôi sống lại 20 năm về trước!"
Người đầu tiên được ông loan tin là cha xứ Brossier. Nhìn thấy người con chiên của mình, mới ngày hôm qua đây được dẫn đi Lộ Ðức ngồi trên chiếc xe lăn, nay bỗng nhiên bình phục, cha đứng im lặng thẳng như cây trồng, nhìn một hồi lâu. Cha nói với một ký giả: "Tôi không biết cách nghĩa làm sao, nhưng tôi không thể phủ nhận sự việc." Các bác sĩ phụ trách đoàn hành hương trông coi bệnh nhân hôm ấy đều đến nhà ông Jaques Salaun để mở cuộc điều tra. Cha xứ Brossier nói: "Chúng tôi không có nhiệm vụ tuyên bố đây có bàn tay Thiên Chúa can thiệp, nhưng hiện nay chỉ có thể nói, việc lành bệnh không thể cắt nghĩa được!"
Phải chăng là một phép lạ?
Cuộc lành bệnh cách nhiệm lạ cuối cùng được nhìn nhận vào ngày 9 tháng 2 năm 1999. Cho đến nay (năm 2001) có 66 vụ chữa lành ở Lộ Ðức được chính thức công nhận là phép lạ. 66 vụ trong thời gian từ 1858 đến nay, suốt thời gian trên một thế kỷ, xét ra thật là ít oi so với con số 6,000 người tự cho mình được ơn lành bệnh và 3,500 vụ được coi là đặc biệt do Ủy Ban Y Khoa Lộ Ðức gồm tất cả các bác sĩ hiện diện kiểm chứng và nhìn nhận.
Chúng ta biết có một nghiêm luật được triệt để thi hành xung quanh vấn đề là những cơn bệnh cơ năng đều bị loại bỏ, nghĩa là những chứng bệnh phát xuất do sự xáo trộn các cơ năng, hôm nay thế này ngày mai có thể thế khác, không được xét đến, như các bệnh thần kinh, ung thư, dị ứng v.v... Chỉ có các cơn bệnh hoàn toàn về cơ thể rõ rệt mới được nhìn nhận và thẩm xét. Vì thế, một số lớn các hồ sơ bị loại. Trong thời gian 3 năm (từ 1990 đến 1993) chỉ có 5 hồ sơ được chấp nhận và thẩm xét. Các nhà chuyên viên để ra nhiều năm để khám nghiệm, để tái khám, để giám định lại theo những phương thức tối tân của khoa học, hầu đi đến các câu trả lời sau đây: Chứng bệnh có thật sự nan y không? Bệnh nhân được lành hẳn và vĩnh viễn không? Hay chỉ là một cơn đột biến tình cảm.
Sau khi những vấn nạn trên được trả lời thỏa đáng thì bác sĩ Pilon, giám đốc Ủy Ban Y Khoa Lộ Ðức từ mấy năm nay, làm bản phúc trình cho Ủy Ban Y Khoa Quốc Tế gồm 40 vị cự phách trong y giới thuộc nhiều quốc gia, mỗi năm họp một lần ở Paris dưới quyền đồng chủ tọa của Giám Mục Lộ Ðức và vị Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Tế. Ở đây, hồ sơ lại được mở ra, các vấn nạn lại được thẩm xét, các cuộc khám nghiệm mới bị đòi hỏi.
Cuối cùng, có rất ít hồ sơ lọt qua được cửa ải này. Và chỉ khi nào, khoa học nhận thức rằng không thể giải thích được theo y khoa thì giáo quyền mới chấp nhận hồ sơ. Trong thực tế, Giáo Luật dành cho vị Giám Mục nơi cư ngụ của người thụ hưởng quyền khai mở cuộc thẩm xét theo Giáo Luật. Lại phải chờ đợi nhiều năm trước khi cuộc lành bệnh được công nhận là phép lạ.
Ðành rằng các "Phép Lạ" không phải là những tín điều phải tin, nhưng các dữ kiện xảy ra được giáo quyền cứu xét một cách nghiêm chỉnh và hết mức theo những tiêu chuẩn Giáo Luật do Ðức Giáo Hoàng Benêdictô XIV ban hành năm 1734. Những tiêu chuẩn gắt gao này ngày nay một số thần học gia lại muốn duyệt xét lại. Vì thế, hội các bác sĩ Pháp tổ chức tại Lộ Ðức vào những ngày 21 đến 25 tháng 10 năm 1993 một Ðại Hội với chủ đề: "Lành Bệnh và Phép Lạ". Chắc chắn từ nay các tiêu chuẩn sẽ muôn vàn khó khăn hơn.
Vụ lành bệnh của ông Jaques Salaun, như vừa nói trên, phải chăng là "phép lạ thứ 67" sẽ được giáo hội thừa nhận? Ông không làm rầm rộ, nhưng ông sẵn sàng trải qua mọi cuộc khám nghiệm, hạch hỏi của khoa học. Vì ông nghĩ rằng một người giáo dân thuận thành, chất phác như ông mà được Ðức Mẹ ban một đặc ân như vậy, phải có bổn phận làm chứng tá cho quyền năng và lòng nhân lành của Ðức Mẹ. Phép lạ hay không? Xem chừng ông không mấy chú ý. Ông chỉ chắc chắn một điều là ngày mồng 1 tháng 9 năm 1993, ông nhận được mệnh lệnh rõ ràng: "Hãy đứng dậy mà đi", và ông đã tuân theo. Ông đã đứng dậy, đã đi, đã chạy, đã nhảy, như người bất toại ngày xưa ở Capharnaum sau khi nghe Chúa phán: "Hãy chỗi dậy mà đi" (Mt 9,5).
Trong khi chờ sự phán quyết tối hậu của Giáo Hội để được thừa nhận là Phép Lạ, chúng ta dè dặt và chờ đợi. Dù sao, chúng ta tin tưởng rằng, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương loài người, Ngài vẫn hằng làm muôn vàn điều lạ lùng để ban tặng cho dân chúng của Ngài trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

(Linh Mục Hồng Phúc, Dòng Chúa Cứu Thế,
viết theo tài liệu của ký giả Robert Serron - Paris Match 23/9/1993)
Phép Lạ Ðức Mẹ Lộ Ðức
Nhờ Thánh Thiên Thần Bản Mệnh
Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Phép Lạ Ðức Mẹ Lộ Ðức Nhờ Thánh Thiên Thần Bản Mệnh.
Câu chuyện xảy ra vào năm 1944, trong thời thế chiến thứ hai 1939-1945.
Gia đình chúng tôi sống trong một nông trại. Bé Gioan, con trai đầu lòng của chúng tôi vừa được 9 tháng. Trông bé thật mũm mĩm dễ thương. Ai ai cũng muốn bồng muốn nựng. Một buổi chiều, tôi ngồi dọn thức ăn nơi nhà bếp, có bé Gioan nằm chơi bên cạnh. Trông thấy có miếng bơ ngon, tôi cắt một miếng nhỏ và đút cho bé ăn. Nhưng tôi lại vô ý không nếm thử xem bơ ngon ra sao.
Sáng hôm sau, bé Gioan không thức giấc vào giờ thường lệ. Linh tính có điều không lành, tôi liền vào phòng xem con ra sao. Tôi hoảng hồn khi thấy toàn thân bé Gioan nóng bừng. Cơn sốt lên đến 40 độ. Cùng lúc, bé bị tiêu chảy xanh nhờn. Tôi tức tốc mời bác sĩ đến. Chẩn bệnh xong, bác sĩ muốn biết tôi cho bé ăn gì chiều hôm qua. Tôi trả lời:
- Ăn xúp nhẹ như mọi khi.
Trả lời xong, tôi mới sực nhớ là có cho con nếm thêm bơ. Bác sĩ nói:
- Bà cho tôi xem miếng bơ ra sao.
Khi tôi đưa bơ cho bác sĩ xem, ông nếm thử rồi nói:
- Bơ này đã quá hạn. Nó có thể trở thành thuốc độc. Bây giờ bà nên cho bé uống nước cháo!
Khi ra đến sân, bác sĩ gặp thân phụ tôi, ông buột miệng nói:
- Sáng mai, chắc là cháu ông sẽ không còn sống!
Nhưng câu nói này, cha tôi chỉ lập lại cho tôi nghe sau này, khi đã tai qua nạn khỏi.
Ngày hôm đó trôi qua và bệnh tình bé Gioan mỗi lúc một nặng thêm. Chúng tôi đang giữa mùa cắt lúa mì và vào thời kỳ đó, chưa có máy móc, nên tất cả mọi việc phải làm bằng sức người. Chiều đến, sau một ngày làm việc vất vả, chồng tôi mệt đừ, nên đi ngủ sớm. Tôi đành để chồng ngủ yên, không muốn chàng bận tâm lo lắng. Còn lại một mình, tôi ngồi canh thức bên cạnh con. Tôi đau đớn xé nát cõi lòng vì bị dằn co giữa hai ý nghĩ:
- Muốn bỏ đi để khỏi phải nhìn cảnh con từ từ trút hơi thở cuối cùng, nhưng đồng thời, lại không thể nào bỏ mặc con một mình, khi mà tôi biết rõ con mình không còn sống được bao lâu nữa!
Tôi trải qua một đêm kinh hoàng bên cạnh đứa con hấp hối.
Sáng hôm sau, bà bạn láng giềng của tôi đến thăm bé Gioan. Nhưng vừa trông thấy bé, bà hoảng hồn chạy mất và nói:
- Tôi không thể nào chứng kiến cảnh tượng đau lòng này!
Ngay chính lúc đó, tôi nghe tiếng Thiên Thần Bản Mệnh của tôi nhắc nhở:
- Hãy cầu nguyện cùng Ðức Mẹ Lộ Ðức!
Tôi quỳ xuống bên cạnh chiếc giường bé nhỏ của con và cầu nguyện cùng Ðức Trinh Nữ Rất Thánh Maria như sau:
- Lạy Ðức Mẹ Lộ Ðức, xin cho con của con được sống và con, con sẽ dâng con của con cho Mẹ, để nó trở thành linh mục, nếu Mẹ muốn!
Cầu nguyện xong, tôi đọc Kinh Cầu Ðức Mẹ Lộ Ðức. Ðọc vừa hết Kinh Cầu, tôi bỗng thấy bé Gioan ngồi dậy trên giường. Mặt bé hồng hào và tươi cười nhìn tôi. Bé chụp lấy chiếc khăn hai màu trắng xanh đang để trên giường và bắt đầu nô đùa với khăn.
Vô cùng mừng rỡ, tôi chạy như điên ra chỗ chồng tôi đang làm việc và nói như hét:
- Bé Gioan được lành bệnh. Bé Gioan được khỏi rồi. Ðức Mẹ Lộ Ðức đã chữa bé lành!
Chiều đến, khi công việc xong xuôi, chồng tôi đến nhà vị bác sĩ và nói:
- Bác sĩ nên đến thăm bé Gioan!
Ngỡ ngàng một giây, rồi ông nói:
- Sao, anh nói sao? Bé Gioan không chết à?
Không! Bé Gioan không chết! Từ sau tai nạn ấy, bé Gioan trở thành khó nuôi. Thêm đó, trong thời chiến, chúng tôi thiếu thốn mọi sự, càng làm cho sức khoẻ của Gioan trở nên mỏng manh hơn. Nhưng nhờ ơn Chúa, Gioan không chết, mà vẫn còn sống! Muôn vàn cảm tạ Ðức Mẹ Lộ Ðức.
Chứng từ của bà Geneviève Peiffert, tín hữu công giáo Pháp.
... "Hãy để ý tới thời cuộc và lo tránh điều xấu, và đừng chuốc lấy nhục vào thân. Vì có cái nhục đưa đến tội lỗi, và cũng có cái nhục là vinh quang và ân sủng. Ðừng vị nể ai đến phải thiệt thân, cũng đừng vì bị nhục mà để cho mình sụp đổ. Ðừng ngại lên tiếng khi cần thiết, vì nhờ lời nói mà người ta biết được ai khôn ngoan, do phát biểu mà biết được trình độ học vấn. Ðừng nói trái sự thật, và phải biết xấu hổ vì sự thiếu học của con. Ðừng hổ thẹn xưng thú tội lỗi mình, đừng ngăn chặn dòng sông đang chảy. Ðừng cúi rạp trước kẻ ngu đần, cũng đừng thiên vị người quyền thế. Dù phải chết, con hãy phấn đấu cho sự thật, và Thiên Chúa sẽ bênh vực con. Ðừng ăn càn nói bậy, chớ nhu nhược trễ nải trong công việc của con. Ðừng như sư tử trong gia đình, mà lại nhút nhát giữa gia nhân. Ðừng xòe tay ra nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi" (Sách Huấn Ca 4,20-31).

("Le Ciel Parmi Nous", Editions Bénédictines, 1997, trang 146-148)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
(18/11/2008)





























ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI PONTMAIN, NƯỚC PHÁP NĂM 1871
Sơ lược bối cảnh nơi Đức Mẹ hiện ra lần thứ bốn tại Nước Pháp trong thời gian 1858-1871: Nước Pháp trong hoàn cảnh tương đối thịnh vượng và ổn định mọi mặt. Tuy nhiên những chống đối Hoàng Đế Napoleon III và những tính toán của ông, đã đưa ông tới quyết định sai lầm gây ra Cuộc Chiến Crimea với Đức-Phổ. Ông tuyên chiến ngày 19 tháng 7, 1870 và kéo quân ra biên giới Đức-Pháp.
Ngày 4 tháng 8, 1870, quân Phổ vượt biên giới tràn vào Pháp, và bắt Hoàng Đế Napoleon III. Tại Paris, các phe chống đối truất phế ông khiếm diện. Ngày 16 tháng 1, 1871, quân Phổ tới vùng Brittany, chỉ cách Paris khoảng 250 cây số, cách thị trấn Laval và xóm Pontmain chỉ 15 cây số. Dân chúng sống trong lo âu phập phồng.
Gần 6 giờ chiều ngày 17 tháng 1 năm 1871, tại nông trại của ông Cesar Barbadette ở xóm Pontmain, thuộc thị xã Laval, cách Paris khoảng 230 cây số (kilomètre) về phía Tây, bà Detais tới để báo tin cho gia đình về người con trai là August Friteau, ở mặt trận Pháp-Phổ tại biên giới Đức-Pháp. Lúc đó ông Cesar đang giúp hai cậu con làm bài.
Khi bà Detais tới, cậu Eugène Barbadette, 12 tuổi, và Joseph, 10 tuổi, tuy yêu mến anh cùng mẹ khác cha là August Friteau, nhưng hai cậu không ở lại nghe tin tức, mà ra ngoài nhìn trời ngắm sao. Eugène nhìn lên trời phía nhà ông Augustine Guidecod, gần nhất ở phía bên kia đường, nhưng không thấy ánh sao nào. Cậu đang phân vân không biết tại sao. Trong khi Eugène chăm chú nhìn vào khoảng bầu trời không ánh sao đó, bất chợt cậu thấy một "Vị Phụ Nữ Đẹp" đứng cách nóc nhà ông Augustine khoảng 6 hoặc 7 mét. Thoạt mới thấy hiện tượng này, Eugène nghĩ rằng đó là dấu báo anh cùng mẹ khác cha của cậu tử trận. Nhưng sau cậu đổi ý nghĩ vì thấy Vị Phụ Nữ mỉm cười.
Eugène gọi bảo bà Detais nhìn vào nhà ông Guidecoq xem có thấy gì không. Bà Detais nói bà không thấy gì cả. Ông Cesar và Joseph lúc này tới cửa, nhưng ông Cesar không thấy gì cả, còn Joseph la lên "Có Vị Phụ Nữ đẹp và cao lớn" đứng trên không phía trên nóc nhà đó. Hai cậu thích thú trao đổi với nhau về những gì các cậu nhìn thấy.
Lời cậu Eugène nói sau này "Vị Phụ Nữ có khuôn mặt trái soan, luôn có nụ cười tuyệt vời trên môi. Người mặc áo dài xanh dương đậm, rộng và không có dây lưng. Trên áo có những ngôi sao vàng kim lóng lánh. Chân Người mang hài cùng mầu với áo và có viền vàng kim. Người đội khăn choàng mầu đen, phủ một phần trán, che mái tóc và hai tai, phủ xuống qua vai. Trên khăn choàng là chiếc mãovàng cẩn kim cương."
Trong khi đó ông Cesar và bà Detais vẫn không thấy gì cả. Bà Detais ra về, ba cha con ông Cesar đi vào trong nhà. Ít phút sau ông bố bảo Eugène ra coi lại xem cậu có còn thấy gì nữa không. Eugène ra cửa nhìn và nói với ông bố: "Thưa bố, có, Vị Phụ Nữ vẫn còn đó." Bà Victoria, mẹ của Eugène và Joseph, từ trong bếp bước ra nhìn, nhưng bà cũng không thấy gì cả. Trong khi đó Joseph vỗ tay mừng "Vị Phụ Nữ đẹp", nhưng bà mẹ bảo cậu đừng làm ồn vì mọi người đang nhìn vào gia đình.
Những tiếng nói lớn của hai cậu con trai làm lối xóm để ý. Bà Victoria bảo hai cậu đọc năm kinh Kính Mừng, rồi bà bảo hai cậu lại nhìn lên. Các cậu nói vẫn nhìn thấy Đấng Hiện Ra. Bà mẹ đeo kính lên mắt và chăm chú nhìn, nhưng cũng không thấy gì cả. Bà bảo mọi người đi vào ăn tối. Hai cậu đi vào trong nhà, nhưng mắt vẫn ngoái nhìn sang phía nhà ông Augustine.
Ăn xong, hai cậu lập tức chạy ra, và Vị Phụ Nữ vẫn yên tĩnh đứng đó. Hai cậu nói Vị Phụ Nữ đó tầm vóc bằng sơ Vitaline. Ông bà Cesar cho người đi mời sơ Vitaline tới. Sơ Vitaline cũng không thấy gì, và cùng bà Victoria trở lại nhà của sơ. Tại đây sơ Vitaline gặp Francoise Richer, 11 tuổi, Jeanne-Marie Lebosse, 9 tuổi, dẫn hai bé này tới nông trại của gia đình Barbadette, nhưng không nói với hai cô bé về thị kiến. Khi tới nơi, và vẫn chưa gặp hai cậu con trai, hai cô bé này đồng thanh nói hai cô thấy một "Vị Phụ Nữ đẹp mặc áo mầu xanh có những ngôi sao bằng vàng", y như hai cậu con trai đã nói.
Sơ Marie-Edouard tới, nhưng cũng không thấy gì. Nhưng sơ nghĩ rằng các bé thơ có thể được thị kiến. Sơ Marie tới nhà ông Friteau, gần nhà ông Barbadette, dẫn cháu của ông Friteau là Eugèn Friteau tới, nhưng chú bé này không thấy gì cả. Sơ Marie-Edouart chạy tới nhà xứ, nói với cha sở (đã già và tật bệnh): "Có phép lạ, một thị kiến! " Mấy đứa bé thấy Đức Trinh Nữ!" và mời cha mau tới nhà ông Barbadette. Rồi sơ chạy đi trước tới nơi có thị kiến. Tại đây sơ quì gối cầu nguyện kinh Mân Côi. Trong khi đó, bà vợ ông Boitin với cô con gái là Augustine Boitin, 2 tuổi, tới. Cô bé Augustine Boitin thích thú chỉ tay lên trời, la lên "Chúa Giêsu, Chúa Giêsu!"
Lúc này có khoảng năm mươi người hiện diện, và cha sở cũng đã tới nơi hỏi các thiếu niên nhìn thấy gì. Các cô cậu nói với cha sở như đã nói với nhiều người trước đó. Từ lúc này trở đi, thị kiến thay đổi lần lần.
Eugène kể lại:
"Một Thánh Giá mầu đỏ xuất hiện trên áo Vị Phụ Nữ nơi vị trí trái tim. Thánh Giá này lớn dần và Đức Mẹ phải lấy tay áp vàongực. Lúc này Đức Mẹ đứng trong một vầng sáng hình bầu dục. Trong khuôn này có bốn cây nến (đèn cầy) chưa thắp sáng. Các ngôi sao trên nền trời bên ngoài vầng ánh sáng bắt đầu di chuyển sắp thành hai hàng dưới chân Đức Mẹ; lúc này các ngôi sao trên áo Đức Mẹ cũng tăng thêm nhiều hơn."
Số người tới mỗi lúc mỗi đông hơn. Một số người ca hát, một số người quì gối. Giữa lúc này, anh Joseph Babin, một người ở Pontmain, lớn tiếng nói:
"Quân Phổ đã ở Laval rồi! Chúng ta phải cầu nguyện!"
Lúc này, thị kiến sang một cảnh khác. Đức Mẹ đưa hai tay lên quá tầm vai, lòng bàn tay hướng ra ngoài (dấu này được coi là dấu Đức Mẹ ngăn chặn không cho quân Phổ tràn tới). Kế đến một mặt phẳngrộng mầu trắng hiện ra dưới chân Đức Mẹ và bầu ánh sáng hình bầu dục, và dường như một bàn tay vô hình đang viết chữ rất đẹp trên nền đó.
Sơ Marie Edouart và sơ Vitaline hướng dẫn đám đông hát kinh Magnificat và các ca khúc khác. Hát xong, mọi người quì thinh lặng, chỉ đôi khi các bé được thị kiến nói lên những cảnh mới của thị kiến hoặc các mẫu tự xuất hiện. Lần lượt các câu sau đây hiện ra trên nền trắng:
+ "Mais priez mes enfants = Nhưng, các con của Mẹ, các con phải cầu nguyện."
+ "Dieu vous exaucera en peu de temps = Thiên Chúa sẽ sớm nhận lời cầu nguyện của các con."
Khi câu thứ hai xuất hiện, Thánh Giá nơi ngực Đức Mẹ tăng kích thước, và Đức Mẹ phải lấy tay áp Thánh Giá vào ngực.
+ "Mon Fils se laisse toucher = Con của Mẹ xúc động." Thánh Giá biến đi khi câu thứ ba này xuất hiện.
Đức Mẹ đưa tay ra và một ngôi sao di chuyển lần lượt thắp sáng bốn cây nến, rồi đến đậu trên mão nơi đầu Đức Mẹ. Sau khi bốn cây nến được thắp sáng, Đức Mẹ hạ tay xuống, và hai Thánh Giá nhỏ mầu trắng xuất hiện trên hai vai Đức Mẹ.
Đến lúc này, các em được thị kiến đều nói một tấm khăn voan mầu trắng lớn từ chân Đức Mẹ từ từ bay lên che khuất dần dần từ chân Đức Mẹ trở lên, cuối cùng chỉ còn khuôn mặt với nụ cười nhìn xuống các em được thị kiến. Sau cùng mặt Đức Mẹ cũng biến mất.
Thấy các em được thị kiến im lặng, cha sở hỏi:
"Các con còn thấy Đức Mẹ chứ?"
Các em đồng thanh đáp:
"Thưa cha, không ạ. Đức Mẹ biến đi rồi."
Ngày hôm sau, tin tức về Đức Mẹ hiện ra tại Pontmain loan truyền tới Paris, và chỉ ba ngày sau được loan truyền khắp Nước Pháp.
Một sự kiện lịch sử cần ghi nhớ là khoảng 5g30 chiều ngày 17 tháng 1, 1871, quân đội Đức ngừng không tiến vào thị trấn Laval, khi Đức Mẹ bắt đầu hiện ra. Tin loan truyền là Tướng Schmidt, chỉ huy quân Phổ, nói: "Chúng tôi không thể tiến xa hơn. Phía xa xa, về hướng Brittany, Đức Bà, không rõ hình, cản đường."
Nông trại của gia đình Barbadette sớm trở nên một linh địa, mà hằng ngày nhiều người tới cầu nguyện.
Ngày 2 tháng 2, 1875, đức giám mục Wicart, giáo phận Laval, tuyên bố:
"Chúng tôi nhìn nhận rằng Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Thiên Chúa, đã thực sự hiện ra với Eugène Barbadette, Joseph Barbadette, Francoise Richer, Jeanne-Marie Lebosse, tại xóm Pontmain. Chúng tôi, hết lòng khiêm nhượng và phục tòng, đặt phán quyết này dưới quyền Đức Thánh Cha, Trung Tâm Kết Hiệp và đầu não bất khả ngộ về chân lý của toàn thể Giáo Hội."
Đại thánh đường được khởi đầu xây dựng trên phần đất nông trại của gia đình Barbadette vào năm 1872. Kế đến nông trại của gia đình Guidecoq và khu vực nhà thờ giáo xứ cũng nhường chỗ cho toàn thể khu vực đại thánh đường nguy nga. Một tượng Đức Mẹ đứng tại phần đất nơi có ngôi nhà của gia đình Guidecoq mà Đức Mẹ đã đứng khi hiện ra. (1)
***
(1) Một điều đáng lưu ý là trong thập niên 1960, tại Việt Nam, một Vương Cung Thánh Đường kết tình chị em với đại thánh đường Pontmain được dâng kính Đức Mẹ Pontmain, Mẹ Hy Vọng và Hòa Bình.
Thánh đường này là Vương Cung Thánh Đường Sàigòn (Nhà Thờ Đức Bà Sàigòn), có tượng Đức Mẹ Hòa Bình ở công viên Hòa Bình trước cửa thánh đường, nhìn thẳng đường Tự Do.
Cuộc hiện ra của Đức Mẹ được Giáo Hội công nhận gần đây nhất:
ĐỨC MẸ LAUS, PHÁP: NƠI ẨN NÁU CỦA CÁC LINH HỒN TỘI LỘI
CUỘC HIỆN RA VỚI CHÂN PHƯỚC BENOITE RENCUREL
(TẠM DỊCH: ĐỨC MẸ HỒ LỤA – PHÁP QUỐC)
Lời Ngỏ: Giáo hội Pháp vừa mới chính thức công nhận ngày 7/5/2008 cuộc hiện ra của Đức Mẹ Laus ở Pháp cách đây 3 thế kỷ với một cô bé chăn chiên. Mục đích của cuộc hiện ra là giúp hoán cải các tội nhân. Ngoài ra, lời tiên báo của Đức Mẹ về thông điệp được loan đi vào thời cuối cùng. Phải chăng đây là thông điệp mà Thiên Chúa cũng muốn gởi tới nhân loại hôm nay, khi thế giới đang rời xa Thiên Chúa. Tỗi lội đang lan tràn khắp thế giới qua internet, phá thai, buôn người, khủng bố và các bệnh dịch, thiên tai dồn dập… Thế nhưng con người vẫn còn hy vọng, khi họ biết sám hối trở về với Thiên Chúa. Xin tiếp tay phổ biến thông điệp Đức Mẹ Laus đến với mọi người. Chân thành cám ơn. Download Acrobat pdf gởi cho bạn bè.
=======
Sau hơn 3 thế kỷ, Đức Mẹ hiện ra ở Laus (tạm dịch Hồ Lụa), một thành phố dưới chân rặng núi Alps, nước Pháp có lẽ mang đến một thông điệp cho thế giới hôm nay. Một trong những lời tiên báo của Đức Mẹ Laus là một thông điệp được ban ở đó sẽ tái xuất hiện vào thời kỳ cuối cùng của thế giới. Đức Mẹ Laus, nơi ẩn náu của các linh hồn tội lỗi được các Giám Mục Pháp chính thức công nhận vào ngày 7 tháng 5 năm 2008 vừa qua.
Tọa lạc tại Dauphiné thuộc miền Nam nước Pháp dước chân rặng núi Alps, nằm về phía Đông Nam của thành phố Gap là thung lũng Laus. Laus tiếng địa phương có nghĩa là hồ nước, vì đã từng có một cái hồ ở dưới thung lũng này. Vào năm 1666, làng này gồm khoảng 20 gia đình sống rải rác trong những túp lều nhỏ. Dân cư ở đây đã xây một nguyện đường tận hiến cho Thánh Mẫu Truyền Tin. Chính tại nơi này, Đức Mẹ đã chọn để hiện ra trong một cuộc gặp gỡ tốt đẹp, ý nghĩa với một cô gái khiêm nhường, thất học tên là Benoite Rencurel. Đức Trinh Nữ nói với cô bé chăn chiên:
- Ta đã xin Con của Ta cho những người kẻ tội lỗi ở Laus được ơn hoán cải, và Ngài đã ban cho Ta điều đó.
Benoite đã học chịu đựng đau khổ từ thời thơ ấu, khi cô sinh ra trong cảnh rất nghèo khổ, mà hoàn cảnh càng trở nên tồi tệ hơn lúc cha của cô qua đời khi cô mới lên bảy. Benoite ra đời vào tháng 9, năm 1647, và 2 tháng trước ngày sinh nhật của thánh nữ Mađalêna Maria, người nữ yêu mến của Thánh Tâm Chúa, các chủ nợ không ngừng xiết nợ người mẹ góa phụ của Benoite, và vì thế các con của bà phải đi lao động để nuôi sống và giúp đỡ gia đình.
Benoite không những là một sự trợ giúp mà còn là một sự bảo vệ cho mẹ của cô, người đã trung thành dạy dỗ các con cái của bà thuộc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và kinh Tin Kính. Một ngày nọ, cô thấy một số đàn ông đang đi về phía nhà của mình, và cô đã chạy về cảnh báo cho mẹ, và chống lại một người trong bọn họ đã cả gan dám mua chuộc bằng tiền bạc để đổi lấy tiết nghĩa của mẹ cô.
Khi Benoite lên 12 tuổi, gia đình cô bị rơi vào thảm cảnh tồi tệ nhất, vì thế cô đã xin làm việc chăn chiên cho hai tá điền cùng một lúc. Vì vậy, giữa sự mất mát, hy sinh và cầu nguyện mà vị thánh tương lai đã chuẩn bị cho sứ mệnh được tiền định cho cô.
Vào tháng 5, năm 1664, cô được 17 tuổi, khi đang cầu nguyện lần chuỗi Mân Côi, kinh mà cô yêu thích nhất trong khi chăn sóc đàn chiên, thì bỗng nhiên một người đàn ông khả kính, mặc áo của Đức Giám Mục thời Giáo hội sơ khai, đến với cô và nói:
- Con gái của Ta, con làm gì ở đây vậy?
Cô trả lời:
- Con đang trông coi đàn chiên của con, và đang đi tìm nước để uống.
Ông già trả lời:
- Ta đi lấy nước cho con. Và ông đi đến bên bờ giếng mà Benoite chưa thấy bao giờ.
Cô nói:
- Ông đẹp quá, ông ơi! Ông là thiên thần hay là Chúa Giêsu vậy?
Người đàn ông trả lời:
- Ta là Maurice, người mà nhà nguyện ở gần đây đã dùng để đặt tên… Con gái của ta, đừng trở lại nơi đây nữa. Nó thuộc về lãnh thổ của người khác, những lính canh sẽ tịch thu đàn chiên của con, nếu họ thấy nó ở đây. Hãy đến thung lũng trên đồi Saint Étienne. Nơi đó, con sẽ gặp Mẹ Thiên Chúa.
Cô gái nói tiếp:
- Nhưng thưa ông, Đức Mẹ ở trên thiên đàng cơ mà. Làm sao con gặp Mẹ ở đó được chứ?
Ông nói:
- Đúng thế, Đức Mẹ ở thiên đàng, và cũng ở dưới đất nữa, khi Mẹ muốn.
Vào sáng sớm ngày hôm sau, Benoite vội vã dẫn đàn chiên tới nơi đã chỉ định là Vallon des Fours, được gọi như vậy bởi vì ngọn đồi trên thung lũng này có chất thạch cao, mà người trong làng gạn lọc và nung vào lửa làm chất thạch cao cho các căn nhà của họ. Benoite vừa đến trước một cái hang nhỏ ở nơi ấy, khi cô thấy một Phụ Nữ đẹp khôn sánh đang ẵm một Hài Nhi trong vòng tay cũng không kém vẻ đẹp của Thiếu Nữ. Cô say đắm trước những gì mình đang thấy. Mặc dù thánh Maurice đã báo trước, thế nhưng cô bé chăn chiên ngây thơ không nghĩ ra rằng cô đang ở trước sự hiện diện của Mẹ Thiên Chúa. Nghĩ rằng mình đang thấy một người nhân thế bình thường, cô nói rất ngây thơ:
- Bà yêu qúi ơi, bà làm gì ở đây vậy? Bà đến để mua chất thạch cao à?
Và rồi không đợi được trả lời, cô nói tiếp:
- Bà làm ơn có thể cho chúng tôi Em Bé này không? Em Bé này sẽ làm chúng tôi vui mừng lắm.
Người Thiếu Nữ mỉm cười không nói gì. Ngây ngất và khâm phục, Benoite ngưỡng mộ vẻ đẹp của người Thiếu Nữ. Vào giờ ăn, cô lấy một miếng bánh mì và hỏi:
- Bà có muốn ăn với con không? Con có một ít bánh mì ngon lắm. Chúng ta có thể chấm xuống dòng suối”.
Người Thiếu Nữ mỉm cười lần nữa, và tiếp tục để cô tận hưởng sự hiện diện của mình, Bà đi vào và đi ra khỏi hang đá, đi đến với Benoite và lúc thì rời xa cô. Và rồi, khi trời tối, người Thiếu Nữ ẵm lấy Hài Nhi đi vào trong hang biến mất.
Ngày kế tiếp và liên tục trong 4 tháng liên tiếp, Benoite chiêm niệm ở nơi đó, Niềm Vui của Các Thiên Thần và Trang Cảnh của Thiên Đàng. Mặt cô bé chăn chiên biến dạng ngay từ lúc đầu gặp Người Thiếu Nữ. Cô chia sẻ niềm vui của cô với mọi người trong niềm vui đơn sơ. Thấy sự thay đổi nơi cô, người ta bắt đầu thắc mắc, “nếu như người cô thấy có phải là Mẹ Thiên Chúa không?” Benoite không biết về điều này, và cô không bao giờ dám hỏi người Thiếu Nữ đã cho cô tất cả niềm vui này, rằng Bà là ai?
Trước khi cho Benoite là bạn của Bà, và là người trao ban hồng ân của Bà, Đức Trinh Nữ đã gắn chặt linh hồn cô bé chăn chiên với Người, bằng sự lôi cuốn không thể khước từ. Thế rồi sau hai tháng yên lặng, Đức Mẹ đã làm cho cô trở nên người học trò, và bắt đầu nói để dạy, để thử và khuyến khích cô.
Đức Mẹ đã hạ mình xuống trình độ của một cô gái thất học miền rừng núi, Nữ Vương Thiên Đàng đã hạ mình xuống với những người thấp kém điều đó sẽ làm ngạc nhiên chúng ta, nếu chúng ta không biết rằng sự tốt lành của Mẹ Maria không có biên giới. Một ngày nọ, Người Mẹ dịu dàng của chúng ta mời Benoite an nghỉ bên cạnh Mẹ, và người con mệt mỏi này đã ngủ an bình trên tà áo choàng của Đức Trinh Nữ. Lần khác, giống như những người mẹ dạy con cái mình cầu nguyện, Mẹ dạy cô lập lại từng chữ, đọc kinh cầu Đức Mẹ Loreto, và ra chỉ thị cho cô về dạy cho các cô gái ở làng Saint Étienne, và đi nhà thờ với họ mỗi tối để ca hát ở đó.
Với sự dịu hiền và kiên nhẫn của một người mẹ, Đức Mẹ đã uốn nắn cô từ từ trong viễn ảnh sứ mệnh tương lai của Mẹ dành cho cô. Cô gái ngoan đạo vẫn chưa quen thuộc, không lay chuyển và thiếu kiên nhẫn. Trước khi Đức Trinh Nữ tự mình tiết lộ danh tánh của Mẹ, Mẹ bắt đầu cho Benoite trong vai trò mà cô sẽ thi hành suốt cuộc đời của cô: đó là làm việc để hoán cải những người tội lỗi qua cầu nguyện, hy sinh và một ơn gọi đặc biệt --- sự cổ võ (hoán cải tội lỗi), vì Thiên Chúa đã ban cho cô một đặc sủng đọc thấu các tâm hồn người ta. Vì vậy, cô được giao cho những công việc quan trọng cải sửa các linh hồn, và tiết lộ tình trạng bi thảm của họ cho họ biết. Khi cần thiết, cô nhắc nhở họ về những tội đã quên hay che dấu không thấy, và khuyến khích họ thánh tẩy về những tội đó.
Một sự hoán cải nổi bật giữa các người khác đã xảy ra để xác tín không phải chỉ cho cuộc hiện ra, mà cho khả năng nhìn thấu suốt tâm hồn của cô. Bà chủ của Benoite, Bà Ralland, một người đàn bà không có thích thú gì về tôn giáo, đã muốn chính bà được thấy điều gì đã đang xảy ra ở nơi có các cuộc hiện ra. Một ngày nọ trước bình minh, bà đã bí mật đi tới hang đá, rồi bà đi vào trước cả Benoite, và núp đàng sau một hòn đá để xem. Khi Benoite đến, một vài phút sau, cô thấy Người Thiếu Nữ đẹp tuyệt vời xuất hiện.
Mẹ Maria nói:
- Bà chủ của con ở kia kìa, đang núp sau một hòn đá. Hãy nói với bà đừng chửi thề với danh Chúa Giêsu, bởi vì nếu bà ta cứ làm như thế, thì sẽ không có thiên đàng dành cho bà: Lương tâm của bà đang ở trong tình trạng tồi tệ. Bà cần đi xưng tội”.
Bà chủ của Benoite nghe được tất cả, đã khóc sướt mướt hứa sửa đổi đời sống. Và bà đã giữ lời hứa của mình.
Tin tức về các cuộc hiện ra bắt đầu lan tràn. Người ta bắt đầu nói về những cuộc hiện ra ấy ở khắp nơi. Nhiều người đã tin, nhưng một số khác thì hoài nghi, và đối xử với cô bé chăn chiên như là một nhà thần bí giả hình. Trong số những người ủng hộ Benoite là một cô bé thuộc cộng đoàn St Stephen, cũng giống như Benoite, cô yêu mến Mẹ Maria với hết cả trái tim. Để tổng kết những lại gì đã nói ở trên, Đức Trinh Nữ nói với cô:
- Hãy nói với các cô gái ở cộng đoàn St. Stephen hát bài kinh cầu Đức Mẹ Đồng Trinh vào mỗi buổi tối trong nhà thờ, với phép của bề trên, và con sẽ thấy họ sẽ làm điều đó”.
Quả thực, khi những cô gái đã học bài học của họ, kinh cầu được xướng hát lên mỗi tối với lòng sùng kính lớn lao. Điều đáng lưu ý để nêu ra ở đây, đó là cộng đoàn Laus ở trong địa phận Embrun. Từ năm 1638, năm tận hiến nước Pháp cho Mẹ Maria do Vua Louis thứ XIII ban hành, kinh cầu Đức Mẹ Loreto được xướng hát thường xuyên trong nhà thờ chính tòa Embrun.
Những tin tức về các cuộc hiện ra được loan truyền rộng rãi. Quan tòa Francois Grimaud của vùng thung lũng Avancon, một người Công giáo thuần thành và là người có đức độ, đã quyết định mở cuộc điều tra. Sau cuộc điều tra kỹ lưỡng, ông kết luận rằng Benoite chưa hề hỏi người Phụ Nữ tiết lộ danh tánh của mình, cũng như Người Phụ Nữ chưa nói ra. Theo yêu cầu của quan tòa, dù rằng điều này chính cô đã phải trả giá rất lớn, Benoite bị ép buộc để hỏi:
- Người Phụ Nữ tốt lành của con ơi, con và tất cả mọi người ở đây nóng lòng muốn biết Bà là ai. Bà có phải là Mẹ của Thiên Chúa tốt lành không? Xin vui lòng thương xót nói cho con đi, và chúng con sẽ xây một nhà nguyện để tôn kính Ngài.
Người hiện ra từ thiên đàng trả lời rằng không cần thiết phải xây cái gì ở nơi đây, bởi vì Bà đã chọn một nơi khác đúng ý hơn. Và rồi, Benoite đã không thấy Người Phụ Nữ từ thiên đàng nguyên cả tháng trời. Điều này đã khiến cho cô rơi vào tình trạng buồn rầu khôn tả, mà nếu không có sự trợ giúp từ thiên đàng, cô đã không thể sống được.
Vào ngày 29/9/1664, ở bên kia bờ suối, giữa đường dẫn đến Laus, cô gái đã nhận ra Đức Trinh Nữ và nói với Mẹ:
- Ôi, Mẹ tốt lành! Tại sao Mẹ nỡ lấy đi niềm vui được thấy Mẹ quá lâu như thế?
Và cô lội qua con suối ngập nước đến sấp mình dưới chân Nữ Vương thiên đàng. Đức Trinh Nữ trả lời thế này:
- Kể từ bây giờ trở đi, con chỉ thấy Mẹ trong nhà nguyện ở Laus mà thôi.
Và Mẹ Maria chỉ cho cô gái con đường đi lên và đi qua ngọn đồi dẫn tới Laus, một ngôi làng mà cô bé đã nghe nói đến, nhưng chưa bao giờ đặt chân tới viếng thăm, vì cô thực sự sống ở làng St Étienne d’Avancon.
Vào năm 1640, một số người đạo đức đã xây một nhà nguyện nhỏ để kính Đức Mẹ của Cuộc Gặp Gỡ Tốt Lành nằm sâu nơi vắng vẻ của Laus. Họ đã làm với mục đích để tụ họp cầu nguyện khi mực nước dâng cao khiến họ không thể tới nhà thờ giáo xứ ở Saint Etienne. Bên ngoài nhà nguyện lợp mái lá khô nhìn giống như những căn nhà nhỏ khác; chỉ lớn khoảng 2 mét vuông, có một bàn thờ thạch cao với hai chân nến bằng gỗ và một chén thánh. Đó là nơi Nữ Vương thiên đàng chờ đợi cô bé chăn chiên, như là một chuồng chiên bò Bethlehem mới.
Vì Benoite chưa được biết về nhà nguyện ấy, nên ngày hôm sau cô đi tìm kiếm rất lâu không thấy, nước mắt rơi dàn dụa. Cô đi từ nơi này đến nơi khác để tìm. Có khi đi lạc một lúc. Cô đã dừng chân trước mỗi căn nhà nghèo nàn trong làng, cố gắng ngửi hơi tìm “mùi nước hoa dịu dàng” (của Đức Mẹ). Cuối cùng, cô đã nhận ra mùi nước hoa gần một cánh cửa khép hờ của một căn nhà. Bước vào cô đã thấy Người Phụ Nữ đẹp tuyệt vời đang đứng trên một bàn thờ lấm bụi. Mẹ nói:
- Hỡi con gái của Mẹ, con đã tìm kiếm Mẹ mỏi mòn, nhưng con không nên khóc. Dù vậy, con đã làm hài lòng Mẹ vì đã không thiếu sự kiên nhẫn”.
Benoite khiêm nhường đón nhận lời nói của Mẹ, và rồi cô rất buồn nhận ra tình trạng thảm thương của bàn thờ. Cô nói:
- Người Phụ Nữ đáng kính ơi, Bà có muốn con trải tấm khăn của con dưới chân Bà không? Khăn rất là trắng.
Đức Mẹ trả lời:
- Không, chẳng bao lâu sẽ không có gì thiếu thốn ở đây cả - ngay cả áo lễ, khăn trải bàn thờ, hay nến đốt. Ta muốn một ngôi nhà thờ lớn xây ở nơi này, và một ngôi nhà cho một số linh mục thường trú. Ngôi nhà thờ sẽ xây để tôn kính Con yêu dấu của Ta và chính Ta nữa. Nơi này, nhiều người tội lỗi sẽ được hoán cải. Ta sẽ hiện ra với con thường xuyên ở nơi này”.
Benoite la lên:
- Xây nhà thờ? Ở đây làm gì có tiền để xây!
Đức Mẹ trả lời:
- Đừng lo lắng gì. Khi thời gian đã đến để xây, con sẽ tìm được tất cả những gì cần, và sẽ không còn bao lâu nữa đâu. Những đồng xu của người nghèo sẽ cung cấp tất cả. Chẳng có gì sẽ thiếu thốn.
Trong suốt mùa Đông năm 1664-1665, mặc dù cách 4 cây số đường ngăn cách làng Saint Etienne và ngôi nhà nguyện ở Laus, nhưng cô bé Benoite đã đến nơi ấy mỗi ngày. Và ở đó, Benoite thường được thấy Đức Trinh Nữ. Đức Mẹ nói với cô:
- Hãy cầu nguyện luôn cho những người tội lỗi. Có những lúc, Đức Mẹ nêu tên những người mà Đức Mẹ muốn cô cầu nguyện cho họ.
Bằng cách này, Đức Trinh Nữ đang uốn nắn Benoite cho sứ mệnh của ngài, đó là giúp các linh mục trong mục vụ Giải tội, và hoán cải những người tội lỗi. Vào năm 1665, Đức Trinh Nữ xin Benoite ngưng đi chăn chiên để tận hiến mình cho sứ mệnh của Mẹ. Đức Trinh Nữ nói với Benoite:
- Ta đã xin Con Ta cho Laus được ơn hoán cải những người tội lỗi, và Ngài đã ban cho Ta điều ấy.
Những lời của Mẹ Thiên Chúa được ứng nghiệm. Tin tức về các cuộc hiện ra tiếp tục được loan đi rộng rãi, các khách hành hương đến Laus tiếp tục gia tăng. Những hồng ân và phép lành được tuôn đổ xuống cho nhiều linh hồn. Người ta đến từng hàng trăm, rồi lên hàng ngàn ngàn để đến cầu nguyện nơi nhà nguyện nghèo nàn, xác xơ. Những sự chữa lành mọi căn bệnh xảy ra nhan nhãn, và những người tội lỗi được hoán cải rất đông. Vào ngày 25/3/1665, gần một năm sau cuộc hiện ra lần thứ nhất, đoàn người đông đảo tuôn đến ngôi nhà nguyện mà trước đây đã một thời hoang vắng. Cũng vào năm ấy, vào ngày 3/5/1665, ngày lễ kính Thánh Giá, 35 cộng đoàn đổ về nơi ấy, mỗi cộng đoàn đi sau một biểu ngữ dẫn đầu. Những bàn thờ và tòa giải tội phải dựng nên ngoài trời để đáp ứng lòng nhiệt thành của dân chúng. Các linh mục lân cận đến giúp một bàn tay cho linh mục Fraisse, cha sở giáo xứ Saint Etienne, và giải tội cho nhiều người.
Những người có thẩm quyền của Giáo phận cách khôn ngoan đã không tuyên bố một quyết định nào, nhưng cho phép cử hành thánh lễ ở nơi nhà nguyện. Đó là khi linh mục Canon Pierre Gaillard, phụ tá Giám mục Giáo phận Gap đến hiện trường. Chẳng bao lâu sau đó, ngài trở thành giám đốc hành hương, và sau này ngài đã3 viết một số tường thuật thuộc thẩm quyền giáo hội. Từ việc tò mò dò dẫm vào tháng 8, 1665, ngài đã xin và nhận được nhiều ơn lớn lao, khiến ngài xác tín ngay lập tức tính chất xác thực của các cuộc hiện ra.
Thế nhưng khốn nỗi, Laus lại thuộc về Giáo phận Embrun vào lúc ấy. Là người đến từ Giáo phận Gap, linh mục Gaillard không có thẩm quyền để thông qua quyết định chính thức. Dựa trên những đề nghị của một số linh mục, ngài đã viết thư cho linh mục Antoine Lambert, phụ tá Giám mục Giáo phận Embrun, và yêu cầu ngài bắt đầu cuộc điều tra. Linh mục Lambert hầu như không có cảm tình về các cuộc hiện ra ở Laus, và ngài không hài lòng khi thấy những giáo dân rởi bỏ nơi hành hương cũ là Đức Mẹ Embrun. Ngài thì tin rằng các cuộc hiện ra với Benoite là trò của ma quỷ, và cô chỉ là một người tô son quét phấn thông thường.
Vào ngày 14/9/1665, ngài đi đến Laus cùng với một số linh mục lỗi lạc, họ cũng tương tự chẳng có cảm tình về các biến cố ở Laus, hy vọng là sẽ chấm dứt “trò phù thuỷ” này, và chứng minh rằng Benoite có tội lường gạt thiên hạ, và để đóng cửa nhà nguyện. Khi cô bé chăn chiên nghèo nàn nghe các linh mục ấy đã đến, cô sợ hãi và cô muốn bỏ đi, thế nhưng Mẹ Thiên Chúa bảo đảm với cô:
- Đừng, hỡi con gái của Ta. Con không thể bỏ chạy. Con phải ở lại, vì con phải thi hành công lý đến những người của giáo hội. Họ sẽ khảo cung con từng người một, và cố gắng bắt bớ con bằng chính lời nói của con. Thế nhưng, đừng sợ hãi. Hãy nói với linh mục phụ tá Giám mục rằng ngài có thừa tác truyền phép làm cho Thiên Chúa phải từ trời xuống, do bởi quyền năng mà ngài đã lãnh nhận khi làm linh mục, thế nhưng ngài chẳng có mệnh lệnh nào đối với Mẹ Thiên Chúa.
Khi linh mục phụ tá Giám mục đặt chân đến Laus, ngài vào nhà nguyện cầu nguyện một lát và triệu hồi cô bé chăn chiên đến. Trợ giúp bởi những người bạn đồng hành, ngài chất vấn Benoite một cách ngạo mạn, cố ý gài bẫy cô, và làm cho cô mâu thuẫn với chính mình. Cô vẫn giữ bình tĩnh và trả lời vị linh mục cách giản dị và bình tĩnh. Những lời của cô minh bạch và rất cương quyết. Vị linh mục phụ tá Giám mục nói cách nghiêm nghị:
- Đừng nghĩ là tôi tới đây để cho phép các thị kiến và ảo thuật của cô, và tất cả những điều kỳ lạ đang được người ta nói về cô, và về nơi này. Sự xác tín của tôi cũng như của mọi người với lý lẽ bình thường là những thị kiến của cô là giả tạo. Thêm vào đó, tôi sẽ đóng cửa nhà nguyện này, và cấm những việc sùng kính. Còn với cô, cô chỉ có nước trở về nhà.
Theo sự khích lệ của Đức Trinh Nữ, cô bé chăn chiên trả lời vị linh mục:
- Thưa ngài, mặc dù ngài có lời truyền phép dâng lên Thiên Chúa mỗi buổi sáng, và làm cho Chúa phải ngự đến nơi bàn thờ, nhờ quyền năng ngài nhận được khi là linh mục, nhưng ngài chẳng có mệnh lệnh nào như thế đối với Mẹ Thiên Chúa, Mẹ làm là vì Mẹ hài lòng ở đây.
Cảm phục bởi những lời nói ấy, vị linh mục phụ tá Giám Mục trả lời:
- Vậy nếu như những điều người ta đang nói là sự thật, thì cô hãy cầu nguyện với Mẹ cho tôi thấy sự thật bằng một dấu chỉ hay phép lạ, và tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm, để hoàn thành ước nguyện của Đức Mẹ. Thế nhưng lần nữa, hãy cẩn thận những điều này không phải là những trò ảo thuật, và những hiệu quả của sự tưởng tượng để đánh lừa thiên hạ đâu nhé. Và nếu như thế tôi sẽ trừng phạt cô đích đáng tội đã lường gạt những người tin tưởng vào cô. Tôi sẽ dập tắt mọi sự lạm dụng với tất cả quyền hành của tôi.
Benoite khiêm nhường cám ơn linh mục và hứa sẽ cầu nguyện theo như ý chỉ của vị linh mục. Linh mục Fraisse, chánh xứ cộng đoàn Saint Étienne, quan tòa Francois Grimaud và linh mục Pierre Gaillard cũng chất vấn cô. Vị linh mục phụ tá Giám Mục thay vì đóng cửa nhà nguyện, thì đã làm bản kiểm kê chi tiết, và đồng thời viết một bản tường trình dài về mục vụ thăm viếng của ngài. Ngài đã dự tính rời nơi đó vào buổi tối, thế nhưng mưa tầm tã buộc ngài phải ở lại thêm hai ngày nữa. Đức Trinh Nữ đã sắp đặt điều này, để ngài chứng kiến một phép lạ đặc biệt.
Có một bà nổi tiếng trong vùng tên là Catherine Vial đã khổ sở vì mắc chứng bệnh co thắt giây thần kinh ở chân đã sáu năm qua. Cả hai chân bẻ cong ra phía sau, và như là bó lấy thân thể bà. Không có cố gắng nào có thể tách rời hai chân ra được. Chứng bệnh của bà đã được tuyên bố là không chữa được bởi hai bác sĩ giải phẫu lỗi lạc. Đến với Laus cùng với mẹ của bà để làm tuần cửu nhật, bà là người chú ý đáng thương, khom mình cả ngày trong nhà nguyện. Vào khoảng nửa đêm ngày cuối cùng của tuần cửu nhật, bà tự nhiên cảm thấy chân bà xoãi ra, và bắt đầu cử động được. Bà đã được chữa lành.
Buổi sáng hôm sau, bà đã vào nhà nguyện với sức lực của bà (chứ không phải nhờ ai) trong khi linh mục phụ tá Giám Mục đang cử hành thánh lễ. Sự hiện diện của bà đã làm khuấy động cả nhà thờ khi mọi người la lên: Phép lạ! Phép lạ! Catherine Vial đã được chữa lành. Đánh động đến rơi lệ, linh mục Lambert đã phải khó khăn lắm mới có thể hoàn tất thánh lễ. Linh mục Gaillard, người đang phục vụ đã viết: Tôi là chứng nhân trung tín về tất cả những điều đã xảy ra. Và vị linh mục phụ tá Giám mục đã tuyên bố:
- Có một điều gì siêu nhiên đang xảy ra ở nhà nguyện ấy. Vâng, có bàn tay của Thiên Chúa ở đây!
Cha Lambert thẩm vấn người đàn bà đã được chữa khỏi bệnh, và viết một bảo tường trình chính thức về phép lạ đó. Sau đó, ngài xin mọi người vào nhà nguyện để hát bài Te Deum và kinh cầu Đức Mẹ Đồng Trinh. Ngài chỉ định hai linh mục trẻ làm tuyên uý cho Laus: cha Jean Peytieu, người đã qua đời vì kiệt sực ở tuổi 49 sau 24 năm mục vụ hoàn toàn tận hiến để giúp các linh hồn, và cha Pierre Gaillard, người đã thi hành mục vụ là giám đốc hành hương trong 50 năm. Cha Barthelemy Hermitte được chỉ định là phụ tá, và đã phục vụ 28 năm cho đến lúc qua đời. Vị linh mục phụ tá Giám Mục quyết định bằng việc cho phép xây một nhà thờ như Đức Trinh Nữ yêu cầu.
Căn nhà nguyện nhỏ ở Laus nơi mà chỉ có thể chứa khoảng 10 đến 12 người đã trở nên cần thiết để thay thế với một nhà thờ lớn hơn. Việc xây cất và tài trợ căn nhà thờ đó cấu tạo một phần của “kỳ công của Laus”. Mặc dù không có nguồn tài trợ nào cả, việc xây cất được cam kết gánh vác với lòng nhiệt thành lớn lao. Nó vượt trên tất cả dân nghèo, những người nhỏ bé đã gánh lấy thách đố, và gặp nhiều gian nan bởi những con đường dẫn đến nơi đó không thể sử dụng được. Dân làng và nhiều khách hành hương đi đến Laus đã mỗi người mang một hay nhiều hòn đá từ con suối và vác đến nơi xây cất. Ngay cả các trẻ nhỏ cũng tự mình mang những hòn đá đến. Mọi người ai nấy đều muốn đóng góp một cái gì đó, cho dù là vật chất hay tiền bạc. Phải mất đến một năm mới có thể thu lượm được những vật liệu cần thiết. Cám ơn sự bền bỉ của cha Gaillard, việc xây cất được thi hành theo như chỉ thị của Đức Mẹ đã ban cho Benoite. Nhờ uy tín, kinh nghiệm của những người có trách nhiệm, nhà nguyện Notre Dame de Bon Rencontre đã được nối kết vào khung sườn nhà thờ, và trở nên chỗ cho ca đoàn của nhà thờ mới.
Vào ngày 7/10/1666, ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, cha Gaillard đặt viên đá đầu tiên của nhà thờ và các linh mục dòng Đaminh từ Gap chủ toạ một cuộc rước của đoàn người hành hương rất dài. Cũng vào biến cố này, Benoite đã trở thành một hội viên Dòng Ba Đaminh. Kể từ đó, cô mang khăn choàng và áo dài, và người ta bắt đầu gọi cô là “chị Benoite”. Cha Gaillard trực tiếp điều khiển việc xây cất. Benoite thì xem xét mọi sự và động viên các thợ xây. Chị sửa soạn bữa ăn, cầu nguyện cho họ, và đôi lúc nói những lời cứu rỗi với họ, thỉnh thoảng chị thêm vào một lời góp ý để tránh những tai nạn xảy ra. Kết quả của việc này là qua thời gian xây cất, không có một lời phỉ báng hay tai nạn nào xảy ra. Trong khoảng 4 năm, nhà thờ được hoàn tất. Một nhà sử học thời ban đầu đã viết: “Nhà thờ Đức Mẹ Laus (Đức Mẹ Hồ Lụa) được xây với tiếng hát của những bài thánh vịnh và thánh thi. Những bàn tay của dân nghèo đã thu lượm những vật liệu, quyên góp, đào nền móng, ý Chúa dựng nên những bức tường, và tin tưởng vào Thiên Chúa, những nhà sử học tiên khởi của Laus đã đồng thanh tường thuật về mùi thơm dịu dàng từ thiên đàng ở nơi đó. Họ nói về điều đó vì biến cố công cộng xảy ra được nhiều người đã chứng nhận. Những mùi thơm này có khi rất mạnh, đến nỗi mùi ấy lan tỏa ra từ nhà nguyện đến khắp cả thung lũng.
Quan tòa Francois Grimaud chứng nhận: trong mùa Phục Sinh 1666, tôi đã ngửi thấy một mùi thơm rất dịu dàng trong khoảng 7 phút. Tôi chưa bao giờ ngửi được như thế bao giờ trong đời của tôi, và nó cho tôi một sự hài lòng sâu thẳm mà tôi rất thích thú. Sự kiện này cũng có liên tới sự kiện từ ngày 24/3 đến hết tháng 5 năm 1690, nhà thờ Laus có mùi thơm lan tỏa khắp nhà thờ mà mọi khách hành hương đều chứng nhận như thế. Vào năm 1716, bởi vì đã được ngửi thấy mùi thơm dịu dàng này, Honore Pela, một thợ điêu khắc ở Gap, đã dâng tặng một bức tượng rất đẹp bằng đá hoa cương hình Đức Trinh Nữ và Hài Nhi. Mùi thơm kỳ diệu này vẫn còn thỉnh thoảng được ngửi thấy bởi khách hành hương ngày hôm nay. Để tránh việc có thể bị lường gạt, hoa không được phép dâng ở tượng đài.
Chị Benoite đã ngửi những mùi thơm này từ nguồn gốc nguyên thuỷ (từ Đức Mẹ). Sổ tay của Laus tường thuật: “Mỗi khi Đức Trinh Nữ ban cho chị cuộc viếng thăm, người ta ngửi thấy một mùi thơm thiên đàng bay tỏa khắp cả nhà thờ. Có khi áo quần của cô bé chăn chiên thấm đậm các mùi thơm thiên đàng lâu đến 8 ngày. Những mùi thơm siêu nhiên này thật là dịu dàng và dễ chịu đã nâng linh hồn người ta lên, và vượt quá tất cả những mùi thơm nước hoa ở trần gian có thể cho. Bất cứ khi nào Benoite trở về sau khi ở với Đức Mẹ, mặt cô trở nên sáng chói, giống như mặt Môsê khi xuống núi Sinai ngày xưa. Sau đó cô quỳ, đọc kinh cầu Đức Mẹ Đồng Trinh, và rồi nghỉ ngơi cho đến hết ngày, cô không thể ăn gì.
Một ngày nọ vào mùa đông năm 1665, Benoite được Đức Mẹ khuyên mời những người bệnh tật đến để xức dầu cho những thành viên khốn khổ của họ. Đức Mẹ nói với cô rằng:
- Nếu họ lấy dầu từ ngọn đèn chầu trong nhà nguyện và xức dầu trên họ, và nếu họ trông cậy vào sự cầu bầu của Đức Mẹ và có đức tin, họ sẽ được chữa lành. Thiên Chúa đã ban cho Mẹ đến nơi này để giúp hoán các linh hồn tội lỗi.
Dầu từ ngọn đèn cháy ở cung thánh trước Thánh Thể Chúa, và sự hiện diện từ mẫu của Đức Trinh Nữ hiện ra ở nơi đó đối với Laus cũng giống như nước suối ở Lộ Đức vậy. Sự chữa lành về thể xác và luân lý được ban cho nhiều người qua việc xức dầu thánh này với lòng tin. Một số lượng dầu thường được lấy từ ngọn đèn để cho các khách hành hương dùng, và hiệu quả của nó vẫn còn hiệu lực đến ngày hôm nay. Tưởng cũng nên nhắc đến nguyện đường Thánh Giuse ở Montreal, Canada cũng dùng dầu từ đèn cung thánh để chữa lành bệnh nhân, và các cửa hàng ở nơi đây cũng bán dầu Thánh Giuse cho khách hành hương mua về sử dụng.
Hơn bất cứ chỗ nào khác, chính nơi nguyện đường được chúc phúc này, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với Benoite ít nhất một tháng một lần trong khoảng 54 năm, và ở nơi này Mẹ Maria đã dùng sứ giả của Mẹ là khí cụ để hoán cải các người tội lỗi. Trung thành với sứ mệnh của mình, Benoite không bao giờ ngưng cầu nguyện, chịu đau khổ hy sinh, và cỗ võ mọi người. Đối với nhiều người, không có gì khó hơn là việc đi xưng tội. Thay vì nhìn nhận tội lỗi của mình xưng thú với linh mục để nhận được ơn tha tội, nhiều linh hồn không còn giữ đạo và lãnh các Bí tích để rồi chìm sâu trong dòng tội lỗi. Vì thương xót cho những người con tội lỗi của Mẹ, Đức Trinh Nữ Maria đã ban cho Benoite ơn đặc biệt đọc thấu các linh hồn (nhìn thấu tâm hồn tội lỗi của họ). Về sau này, thánh Gioan Mary Vianney và sau nữa là thánh Padre Pio cũng nhận được đặc sủng giống như thế để hoán cải tâm hồn người tội lỗi.
Được sự khuyến khích nâng đỡ từ thiên đàng, Benoite khuyên những người tội lỗi xét lương tâm của họ theo thứ tự; chị soi sáng cho những người không nhận ra tội lỗi và nếu cần, tiết lộ những tội đã quên hay che dấu. Chị nói, chị có thể thấy lương tâm người ta như chúng ta nhìn vào gương soi vậy, tất cả cùng một lúc. Chị tiết lộ những lầm lỗi, đau buồn và những tội nhẹ hơn, những nguyên do che dấu, đạo đức giả và lỗi lầm thường phạm phải mà không biết. Chị đòi hỏi sự đơn sơ ngay thật, tinh tuyền của linh hồn, khiêm nhường, và ý chí kiên quyết để biến đổi. Chị còn kéo những người không ở trong tình trạng đón nhận ân sủng (sạch tội) xuống khỏi thềm rước lễ. Benoite có lúc phải nói những lời nhận định, và nói những điều không lọt tai nghe, thế nhưng chị rất tử tế và dễ mến khiến người ta rất biết ơn chị. Sau khi nói chuyện với chị, họ quyết tâm thanh tẩy mọi khía cạnh lương tâm của họ để sửa đổi đời sống của họ. Công việc khó khăn nhất của chị là khiển trách hay khuyến cáo những tâm hồn nhất định nào đó theo chỉ thị của Đức Mẹ. Khi chị trì hoãn nhiệm vụ này, Đức Trinh Nữ cũng trì hoãn sự hiện ra với chị. Không phải thị nhân thánh thiện kiêu ngạo chống lại Đức Mẹ, nhưng là chị quá khiêm nhường và đơ sơ trong sự mọn hèn đó, mà chị xem mình không xứng đáng với nhiệm vụ ấy. Có lần một linh mục hỏi chị tại sao chị tại sao chị lại hành động như chị đã làm. Chị trả lời:
- Mẹ Thiên Chúa ra lệnh cho con làm việc đó với thái độ rất dịu dàng, khiến con không tin là Mẹ thực sự muốn như thế. Và khi con thất trung, Đức Mẹ hiền từ của con sửa đổi con, nhưng không giận dữ. Bởi vì sự ngượng ngùng mà con cảm thấy trong việc răn bảo người khác, con thường chờ đợi một mệnh lệnh thứ nhì, và rồi con mới vâng theo”. Không phải chỉ là việc đặt câu hỏi với người tội lỗi – nhưng chị còn hướng dẫn linh mục giải tội của họ nữa.
Với các linh mục, chị cho họ biết sự thiếu sáng suốt, thiếu khôn ngoan trong việc đặt câu hỏi với người xưng tội, về thái độ thờ ơ, làm việc miễn cưỡng. Liên quan tới một thầy tu luôn luôn thuyên chuyển, chị nói: “Hãy để thầy ở nơi đang ở. Đó là nơi thầy sẽ tìm ra sự cứu rỗi của mình, nhưng thầy phải trung thành với ân huệ của Thiên Chúa”. Chị có thể thấy mức độ các linh mục trên bàn thờ chiếu sáng với ánh sáng hay lu mờ tuỳ theo tình trạng lương tâm của các ngài, và chị có thể sẽ khuyên nhủ vị linh mục này. Một linh mục ở Emburn nói:
- Bạn không thể ở trong nhà nguyện đó mà không run sợ, nếu lương tâm của bạn không được rõ ràng.
Đức Trinh Nữ, về phần của Mẹ, không bỏ qua những thất bại của sứ giả của Mẹ. Mẹ cố vấn và sửa đổi chị:
- Hãy thực lòng, hỡi con gái của Mẹ. Hãy kiên nhẫn… Hãy làm bổn phận của con cách vui vẻ… Đừng mang hận thù với những kẻ thù địch ở Laus… Đừng xao xuyến và chán nản về điều đó nếu như người ta không gặt hái ích lợi gì từ lời khuyên nhủ của con… Đừng để bị quấy rầy trước những cám dỗ, những linh khí hữu hình và vô hình hay những vấn nạn trần thế… Phấn đấu đừng quên sự hiện diện của Thiên Chúa, vì những ai có chút đức tin thì chẳng dám cả gan chống lại Thiên Chúa.
Cô gái chăn chiên hèn mọn không thể yêu mến Mẹ Maria, mà không có tình yêu sâu đậm với Chúa Giêsu, Thánh Tử của Mẹ. Mẹ đã chọn Ngài là Đức Lang Quân của linh hồn Mẹ, và Mẹ đói khát được chịu khổ với Ngài để hoán cải những người tội lỗi. Có một cây Thánh giá nhìn xuống Avacon tại lối vào của viền thung lũng Laus. Benoite xuống đó cầu nguyện mỗi ngày, ngay cả khi mưa gió và tuyết rơi. Quỳ xuống, chị nhìn lên Đấng Cứu Độ của chúng ta trên Thánh giá và tâm can chị mềm chảy với tình yêu và lòng thương cảm khi nghĩ tới tất cả những gì Ngài đã làm để cứu độ nhân loại. Để ban thưởng cho chị, Đấng Cứu độ của chúng ta hiện ra với chị trong hiện thực sống động của sự đau khổ của Ngài. Chị đã thấy Ngài chịu đóng đinh, chảy máu và trong đau đớn, với các thương tích nơi bàn tay, bàn chân và cạnh sườn Ngài, và các vết thương bị đánh đòn hằn trên thân xác. Cưu mang nhiều buồn sầu, chị nói:
- Ôi, Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa tiếp tục cho con thấy như thế này trong một chốc lát nữa, con sẽ chết mất thôi.
Việc nhìn thấy sự đau khổ của Chúa Giêsu làm cho chị buồn sầu tột độ, đến nỗi một ngày kia thiên thần bản mệnh của chị đến an ủi chị, nói rằng:
- Đừng xao xuyến, hỡi chị. Mặc dù Thầy của chúng ta hiện ra với chị trong tình trạng như thế. Ngài không có đau đớn gì hết. Đó chỉ là để cho chị thấy Ngài đã đau khổ vì yêu nhân loại là dường nào.
Thế nhưng, những lời này chẳng an ủi được chị. Sự thật là Thầy nhân từ và dịu dàng của chị đã chịu đau đớn trong tình trạng ấy, và vượt đến phạm vi đủ để chị cảm thấy xót thương.
Vào thứ Sáu ngày 7/7/1673, Chúa Giêsu với hình hài chảy máu nói với chị:
- Hỡi con gái của Ta, Ta tỏ mình ra cho con thấy chính Ta trong tình trạng như thế, để con có thể tham dự vào những đau buồn của cuộc thương khó của Ta.
Kể từ ngày đó, mỗi tuần khoảng thời gian từ thứ Năm đến thứ sáng Bảy, chị đã chịu đau khổ của cuộc đóng đinh cách huyền nhiệm. Sự đau đớn hàng tuần này kéo dài 15 năm, với 2 năm bị gián đoạn từ năm 1677-1679, khi Benoite lo cơm nước cho những người thợ xây làm nhà ở cho các linh mục ở. Vào tháng 11/1679, cuộc đóng đinh huyền nhiệm lại tái diễn khi chị cầu nguyện dưới chân Thánh Giá ở Avancon.
Những kẻ chống đối ở Laus, kể cả một số linh mục, xem những biến cố chịu đau đớn cuộc đóng đinh này như là những đợt tái diễn của căn bệnh, hiện tượng liên quan đến bệnh động kinh hay chứng loạn thần kinh. Họ gọi các cha tuyên uý hành hương là “những thị nhân, những người ngu dốt, và đần độn vì dễ tin một cô gái không được bình thường. Còn đối với Benoite, sự tử đạo bên ngoài của cô khiến cô đau khổ, bởi vì nó cuốn hút sự tôn kính của người ta vào điều đó, vì thế làm tổn thương đến tính nhạy cảm khiêm nhường của cô. Một ngày kia, Benoite hỏi Mẹ nhân từ của cô:
- Những đau khổ của con có sẽ trở nên tồi tệ hơn không, nếu như điều đó đẹp lòng Thiên Chúa, thì xin đừng để chúng lộ ra bên ngoài.
Đức Trinh Nữ hiện ra với cô vào thứ Bảy kế tiếp và nói:
- Con sẽ không còn chịu những đau đớn vào ngày thứ Sáu nữa, nhưng con sẽ có thêm nhiều đau khổ khác.
Chị đã thực sự có nhiều đau khổ khác. Sự giận dữ gia tăng của ma quỷ có thể cảm thấy được chung quanh chị. Điều gì nữa, Chúa Giêsu luôn đánh dấu chứng thực các công việc của Ngài với dấu ấn tín của Thánh giá. Canon Gaillard nói rằng trong khoảng thời gian từ năm 1664 đến 1672, sự hoài nghi chỉ tạo ra vài cơn sóng gió nhỏ. Thế nhưng, trong 20 năm kế tiếp những sự mâu thuẫn không diễn tả được đã nổi lên, đặc biệt là trong giới tu sĩ, và rồi nhiễm nọc độc của nhóm người lắm chuyện. Cha Lambert, linh mục phụ tá Giám Mục của giáo phận Embrun qua đời. Một vài thành viên của nhóm thuộc tòa Giám mục có thành kiến đối với Laus lợi dụng thẩm quyền, họ thi hành quyền hạn lâm thời ban hành một lệnh cấm đối với cô gái thánh thiện. Họ đăng tài liệu của họ trên cánh cửa nhà thờ chính tòa Emburn, và đe dọa cắt phép thông công bất cứ linh mục nào cử hành thánh lễ ở nhà nguyện Laus. Họ cũng dán một thông báo trên cửa nhà thờ ở Laus cấm những sự tôn kính tại nơi hiện ra. Đức Trinh Nữ truyền lệnh cho Benoite:
- Hãy tháo gỡ những tờ giấy đó xuống… và để thánh lễ được cử hành ở đây như đã được cử hành trước đó.
Benoit đã vâng lời. Các cuộc hiện ra ở Laus và Benoite đã gặp với nhiều chống đối trong vòng 20 năm kế tiếp. Đức Giám mục giờ đây đã già, và ở trong tình trạng yếu sức đã chỉ thị hai tuyên uý không có thiện cảm với Laus, và đã ngăn cản không cho giáo dân đến. Trong 15 năm, Benoite bị giam giữ tại gia, chỉ được phép dự lễ Chúa Nhật mà thôi.
Ma quỷ thậm chí gia tăng những thị nhân bắt chước lòng sùng kính của Benoite, cốt ý để lường gạt nhiều linh hồn. Người ta ngưng đến Laus một thời gian. Cũng trong thời gian buồn sầu này, các linh mục thánh thiện cha Jean Peytieu và cha Barthelemy Hermitte, những người ủng hộ Benoite qua đời. Dù vậy, không có gì thành công trong việc huỷ diệt hoàn toàn cuộc hành hương. Thiên thần bản mệnh của Benoite an ủi chị qua việc vén mở tấm khăn che phủ tương lai của chị cho chị thấy:
- Sẽ luôn có những khó khăn ở Laus cho đến khi sinh hoạt tôn giáo được thành lập ở đây.
Lòng trung thành của cô sứ giả Benoite giành được chiến thắng trên thời gian dài “nguyệt thực ở Laus” (bóng tối che phủ Laus). Sau thời gian dài, Đức Giám Mục Embrun thức tỉnh từ sự lãnh đạm của ngài. Vào năm 1712, 6 năm trước khi Benoite qua đời, sự hướng dẫn hành hương được ủy thác cho một số linh mục tốt lành, có tên là Pères Gardistes, một tổ chức học thuyết tôn giáo sâu đậm. Vào ngày 18/3/1700, Thiên thần bản mệnh của Benoite nói với cô:
- Lòng sùng kính ở Laus là công việc của Thiên Chúa, vì thế chẳng có con người hay ma quỷ có thể huỷ diệt được. Nó sẽ tiếp tục cho đến ngày tận cùng của thế giới, phát triển mạnh hơn, và hơn nữa, và mang hoa trái lớn lao khắp mọi nơi.
Một mặt, chị Benoite chịu khổ sở bởi ma quỷ ở hỏa ngục vì lợi ích hoán cải của các người tội lỗi, mặt khác, chị sống thân mật mới các thiên thần. Đặc biệt chị ở rất gần với thiên thần bản mệnh của chị, người mà chị chia sẻ tất cả mọi đau đớn và buồn sầu, tham khảo với ngài mỗi giây phút. Thiên thần đáp trả những điều này với bằng sự tín nhiệm tuyệt đối với tất cả mọi công việc, vì sự đơn sơ hoàn hảo của Benoite thậm chí chẳng làm ngạc nhiên chị. Thiên thần giúp chị lau chùi nhà nguyện. Một lần kia, chị quên cái khăn choàng nhỏ lớn hơn mảnh vải vụn một chút, mà chị đã treo trên một cành cây ở khu rừng. Khi chị bị lạnh lẽo cực độ vì đêm lạnh lẽo, thiên thần của chị mang khăn ấy về cho chị. Trong nhiều trường hợp khác, thiên thần mở cửa nhà nguyện cho chị, và lần chuỗi Mân côi với chị. Thế nhưng, thiên thần cũng biết khi nào cần sửa đổi chị. Một lần kia, thiên thần lấy đi một chuỗi Mân Côi rất đẹp được người ta tặng cho Benoite, mà chị đã quá gắn bó với nó. Và một thời gian sau, thiên thần mới đưa lại cho chị.
Cuối cùng, mặc dù những đau khổ liên lục, Benoite kiên trì là môn đệ trung thành, và người trợ giúp các người tội lỗi. Khi Đức Mẹ ngưng thăm viếng chị để thánh tẩy chị, thì Satan la lên:
- Mẹ bỏ cô rồi… Cô chẳng còn sự trợ giúp nào nữa, ngoài trừ ở tôi.
Benoite trả lời nó:
- Nè, tôi thà chết ngàn lần vì Mẹ bỏ rơi, còn hơn là tôi bỏ rơi Mẹ dù chỉ một giây phút.
Giờ đây, cơn sốt nóng đang thiêu hủy chị, và đối với chị, những đêm trường dường như “dài cả nhiều năm”. Chị bị bệnh nằm liệt giường một tháng trước khi qua đời. Vào Giáng sinh năm 1718, sau khi xin những người có mặt tha thứ cho những gương xấu mà có thể chị đã làm trong cuộc đời. Chị xin và được rước Thánh Thể. Ngay tức thì, Mẹ Maria lại xuất hiện trước mắt chị, để lại theo sau một mùi thơm tràn ngập căn phòng nghèo nàn.
Các linh mục Pères Gardistes cầu nguyện cho chị được chữa lành. Họ nài xin Thiên Chúa cho chị sống thêm hai năm nữa. Thế nhưng vào ngày 28 tháng 12, chị đòi được lãnh bí tích xức dầu thánh, vì biết rõ chị sẽ đoàn tụ với các Thánh Anh Hài vào ngày lễ kính của các ngài. Chị đã lãnh bí tích cuối cùng vào 3 giờ chiều. Không có sự đau đớn nào trước giờ chết. Chị tỏ ra rất vui tươi. Cha Royere nói với chị:
- Chúng tôi là con cái của chị. Xin chị chúc lành cho chúng tôi trước khi ra đi được không?
Trên hết sự khiêm nhường khiến Benoite có khuynh hướng muốn từ chối, nhưng rồi sự khiêm nhường đã chiến thắng. Chị nói:
- Thôi tuỳ vào Đức Mẹ của chúng ta có chúc lành cho quý cha hay không.
Và một lần, chị giơ tay lên khỏi giường, không phải từ chối họ ước muốn này, chị nói với họ:
- Con xin sẵn lòng làm điều này cho quý cha, hỡi những người cha tốt lành.
Chị đã bình tĩnh chào tạm biệt mọi người.
Vào 8 giờ tối, sau khi lời kinh cầu cho người hấp hối đã đọc xong, chị xin người con tinh thần của chị đọc kinh cầu Chúa Giêsu Hài Đồng. Và rồi, chi ra đi trong niềm vui. Chị được 71 tuổi khi chị qua đời trong hương thơm thánh khiết. Chị Benoite Rencurel được tuyên bố là Chân phước vào năm 1871, và phong chân phước vào năm 1984. Nhà thờ ở Laus được nâng lên hàng tiểu vương cung thánh đường vào năm 1893.
* hết *






CUỘC HIỆN RA CỦA ĐỨC MẸ AKITA NHẬT BẢN
Ðức Mẹ Akita nói gì với nhân loại hôm nay?

Nữ Tu Sugawara
Năm 1946, một năm sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt, một phụ nữ trẻ trở thành người định cư ở Yuzawadai, một đỉnh đồi chưa được khai thác cách trung tâm thành phố Akita 7 cây số. Tên của thiếu nữ ấy là Sumako Sugawara và sau này cô trở thành người đầu tiên tìm đến Seitai Hoshikai.
Sinh ra tại Akita, Sumako Sugawara phụ giúp cha và gia đình buôn bán quần áo. Để bù lại sự giúp đỡ, cô được phép rửa tội trở thành người Công giáo, một giấc mơ cô đã theo đuổi từ thời thơ ấu. Biến cố này là một biến cố rất vui, là một sự chúc lành mà cô đã chờ đợi gần 10 năm qua. Sau khi rửa tội, cô bị thu hút bởi ý định theo đuổi một đời sống cầu nguyện chiêm niệm và cô đã quyết định xin vào tu viện Trappistine ở Hakodate, tỉnh Hokaido, dù phải hy sinh công việc giúp đỡ gia đình buôn bán. Thế nhưng nhà dòng trả lời đơn xin của Sumako rằng: với dáng người nhu mì như cô thì cô không thể chịu đựng nổi đời sống khó khăn làm việc nặng nhọc và cầu nguyện ở đây. Đơn xin nhập tu viện bị từ chối.
Khi biết được việc xin vào nhà dòng của Sumako, cha mẹ cô hết sức bực tức và cô liền bị đuổi ra khỏi gia đình. Mất nơi nương tựa gia đình, cô tiến hành công việc trồng cấy với dự tính trở thành thầy dạy cho những nữ học sinh nông nghiệp đang làm việc ở Nông trường thời chiến ở Shogunno, Akita. Trong thời gian này, Sumako trải qua một kinh nghiệm không quên được. Cô chứng kiến cuộc tấn công cuối cùng vào Nhật bản trong thời chiến tranh, sau này được biết đến đó là cuộc không tập Tsuchizaki rạng sáng ngày Nhật bản đầu hàng quân đội đồng minh. Kinh nghiệm khắc nghiệt này có ảnh hưởng mạnh mẽ trên đời sống đức tin của cô hơn nữa.
Đời Sống ở Yuzawadai
Sau khi chiến tranh chấm dứt, Sumako tiếp tục ước muốn một đời sống cầu nguyện chiêm niệm, và lợi dụng cơ hội đang có dự án phát triển đất đai của chính phủ địa phương để định cư tại Yuzawadai. Yuzawadai là một trong những khu vực đang có chiến dịch thái thiết định cư với mục đích gia đăng sản xuất thực phẩm trong vùng. Cùng với gia đình người bạn gái Aiko Wada, Sumako dựng một chòi nhỏ và bắt đầu một đời sống cầu nguyện cộng đồng vào năm 1948, khi Sumako được 28 tuổi.
Việc định cư thật đơn giản và vùng ấy không có đường xá hay giếng nước, cũng như điện hay nước vòi. Nước được xách mang về từ dòng suối dưới thung lũng, và một đèn dầu nhỏ dùng cung cấp ánh sáng vào các đêm tối. Đã vậy, nhiều người cười chê họ với cái nhìn lạnh lẽo, một số thanh niên có chút tử tế giúp họ một bàn tay để cầy xới và khai thác đất đai. Thỉnh thoảng họ được hướng dẫn tâm linh từ linh mục Puhl và linh mục Klein dòng Ngôi Lời của giáo xứ Akita, giúp họ kiên trì bền đỗ trong cầu nguyện và làm việc. Thật vậy, đời sống đầy khó khăn như thế nên việc mời gọi bất cứ người bạn nào tham gia với họ chẳng thể nào xảy ra được.
Năm 1948, Wada rởi bỏ Yuzawadai để vào tu viện chiêm niệm thánh Đaminh ở Morioka. Sumako học được rằng một cộng đồng chiêm niệm không thể thành hình trừ khi có mức sống căn bản tối thiểu, thực phẩm và quần áo được bảo đảm với sự trợ giúp tài chánh cần thiết. Năm 1950 khi cuộc sống bắt đầu kiệt quệ vì thiếu ngân sách, dâng cúng hay thiếu chương trình vay mượn, Sumako thình lình được báo cho biết đơn xin việc trước đây của cô nộp cho văn phòng quận trưởng được chấp thuận. Trong những ngày đó, Nhật bản thi hành việc cải cách nông nghiệp khuyến khích làm chủ nông trường với luật mới về đất đai nông nghiệp và cải thiện đời sống cho nông dân. Nhờ kết quả này, Sumako có thể kiếm được tiền và với sự trợ giúp của các tình nguyện viên do các người lãnh đạo các nhóm thanh thiếu niên, tình trạng đời sống của cô bắt đầu được ổn định.
Năm 1951, một phụ nữ trẻ, cô "S" đến sống tại Yuzawadai với chức vụ một người giữ nhà. Cô ở đó giúp Sumako công việc nội trợ và các việc lặt vặt khác. Năm 1953, cô "S", một người thợ mộc trẻ và một người thợ khác góp sức cùng nhau dựng một căn nhà bằng gạch. Vào thời gian đó, không ai nghĩ rằng một tượng Đức Mẹ Maria lại có thể khóc ở trong căn nhà này. Năm 1954, cô "M" được thu hút bởi đời sống ở Yuzawadai đã đến gõ cửa và tham gia vào cộng đoàn. Thế nhưng một năm sau vào 1956, cô "M" được gọi để gia nhập một tu viện ở Tokyo và kết quả là Sumako và cô "S" sống trong một cộng đoàn chỉ có 2 người. Vào thời gian này, điện đã bắt đầu có và cái máy bơm tay cũ kỹ đã được thay thế bởi một máy bơm điện. Đời sống ở Yuzawadai từ từ trở nên sáng sủa và tiện nghi hơn.
Dâng Hiến Tu Hội Seitai Hoshikai
Ba Nữ Tu
Năm 1961, Sumako Sugawara được Saki Kotake, một giáo lý viên ở giáo xứ Akita viếng thăm và hỏi rằng: "Cô có thể làm việc với tôi để bắt đầu một ngôi nhà cho người gìa không? Saki giải thích rằng cô đã bàn với bà Chie Ikeda, một người sống với cô và một ngôi nhà cho người già có thể hoạt động với sự trợ giúp của bà con bà Ikeda". Thế nhưng, Sumako từ chối đề nghị này nói rằng, mục đích cô định cư ở Yuzawadai là để chuẩn bị một chỗ cho mục đích lâu dài của cô về một đời sống cầu nguyện chiêm niệm, thay vì hoạt độngt điều hành ngôi nhà cho các người già.
Nhờ biến cố này dẫn đến sự bàn luận xa hơn về những viễn tượng mà Sumako đã ấp ủ bao năm qua được giải bày với hai người phụ nữ kia. Kinh nghiệm của cô sống vùng đồng quê, những khó khăn cô đã trải qua để biến đổi nông dân thành người Công Giáo, tất cả được chia sẻ và bàn luận. Khi Sugawara, Kotake và Ikeda tiếp tục bàn luận, sự nhất trí gia tăng giữa họ rằng họ cần làm việc với nhau cho việc chuẩn bị thành lập một tu hội cầu nguyện chiêm niệm đáp ứng truyền thống của Nhật.
Khi linh mục Shojiro trở thành Giám mục đầu tiên của Giáo phận Niigata vào năm 1962, ba người phụ nữ thỉnh cầu ước nguyện của họ được trở thành một cộng đồng chiêm niệm. Giám mục Ito, sau khi hoàn tất các chương trình ở Akita đã viếng thăm Yuzawadai lần đầu tiên, để xem xét địa hình. Giám mục Ito đã luôn hy vọng có thể thành lập một nhà dòng tận hiến cho việc tôn sùng Thánh Thể. Thế nhưng, ngài trước hết phải tham dự đầy đủ bốn năm công đồng Vatican II bắt đầu khai mạc vào năm ấy, và bắt đầu công việc chuẩn bị về việc thành lập một tu hội đúng với những nguyên tắc của công đồng.
Khởi Sự Khắc Tượng Đức Mẹ
Vào năm 1963, ba nữ tu, Kotake, Ikeda và Sugawara quyết định tận hiến cộng đồng cho Mẹ Maria và khởi sự đặt tượng Đức Mẹ ở Yuzawadai. Một tấm hình Đức Mẹ Các Dân Tộc mà Kotake và Ikeda vẫn có lòng sùng kính được đưa cho ông Saburo Wakasa, một thợ điêu khắc gỗ sống ở Hodono, thành phố Akita, để khắc một tượng gỗ giống như trong hình ấy. Đức Mẹ Các Dân Tộc là danh xưng của Đức Mẹ khi hiện ra với bà Ida Peerdeman, ở Amsterdam, Hòa lan vào khoảng giữa 1945 - 1959. Đức Mẹ mặc chiếc ào dài trắng và đứng trên quả địa cầu với một thánh giá phía sau và Mẹ đang xoải tay xuống với bàn tay xòe ra. Ông Wakasa nói rằng ông "chú ý đến việc làm nổi bật sự dịu dàng của Đức Mẹ và làm cho khuôn mặt Mẹ có nét người Nhật bản. Bức tượng này, được trạm trổ ra với một con dao duy nhất từ một khúc gỗ cây Judas, và được đặt ở phòng giải trí của Yuzawadai Aiji-en.
Năn 1966, đăng ký trở thành hội viên ở Yuzawadai từ từ tăng dần và Giám mục Ito đồng ý với ba nữ tu gọi cộng đồng là "Seitai Hoshikai". Căn nhà được tu sửa lại để có một nhà nguyện nhỏ. Đây là lần đầu tiên Thánh Thể Chúa được lưu giữ ở Yuzawadai. Năm 1967 tiếp theo đó, Giám mục Ito đến thăm linh mục Hikaru Mochizuki, người đang dạy thần học ở Đại học Chủng viện ở Tokyo, trở thành cha linh hướng của các tu sĩ Seitai Hoshikai. Cha Mochizuki đến Yuzawadai vào tháng Mười Một vào một ngày mưa lạnh buốt. Ngài là một thần học gia với 20 năm theo học ở Âu châu và giảng cho các sơ hằng ngày về Thánh Kinh, Giáo lý, thần học và tiếng Latinh. Ngài cũng dạy ở Trường Đại học dành cho nữ sinh viên ở Akita. Cha thích cảnh núi đồi và người ta thường thấy cha leo các núi ở địa phương.
Chấp Thuận Là Một Tu Hội
Giám mục Ito áp dụng chỉ thị mới của công đồng Vatican II về "Tu hội đời" và gia tăng con số nữ tu hoạt động mạnh mẽ sống đời sống tận hiến trong khi vẫn sống giữa lòng người giáo dân. Ngày 12/5/1969, cộng đồng Seitai Hoshikai được hợp thức hóa là một tổ chức tôn giáo hợp pháp do văn phòng Quận trưởng Akita công nhận. Trong cùng năm ấy, các nữ tu Ikeda, Kotake, và Sugawara dâng lời khấn đầu tiên "Khó nghèo, Khiết tịnh và Vâng phục" trước sự hiện diện của Giám mục Ito.
Ngày 8/9/1970, tu nhà viện được hoàn tất và trong cùng một ngày cộng đồng Setai Hoshikai nhận được sự chấp thuận của Giám mục điạ phận Niigata là một cộng đồng đạo đức liên kết (một thứ tự trong tiến trình thành hình) và cộng đồng Seitai Hoshikai chính thức được thành hình. Con số nữ tu tiếp tục gia tăng, và đến tháng 8 năm 1972 có tất cả 16 nữ tu, trong đó 6 nữ tu sống ở nhà mẹ tại Yuzawadai và 10 nữ tu kia sống giữa lòng đời.
Biến Cố Dấu Thánh Giá Máu Nơi Bàn Tay Đức Mẹ
Vào năm 1969 khi cộng đồng Seitai Hoshikai đang ở trong bước tiến cuối cùng để hình thành, phần đông các nữ tu sống ở nhà chi nhánh tại Senshu Nakajima thành phố Akita thay vì ở nhà mẹ tại Yuzawadai. Dĩ nhiên lý do một phần là vì các nữ tu làm việc là các giáo lý viên và là các cô giáo ở trong thành phố, thế nhưng lý do thật sự là vì đời sống khó khăn ở Yuzawakai. Tuy nhiên, cám ơn Giám mục Ito tích cực kêu gọi các phụ nữ làm việc ở các nhà thờ địa phương tại Niigata, chúng tôi có thể tụ tập đủ thành viên để đạt chỉ tiêu thành lập làm một tu hội đời. Vì thế, nữ tu Ikeda, Kotake và một vài nữ tu khác thường sống trong thành phố nay về sống tại Yuzawadai. Con số nữ tu sống ở nhà mẹ nhờ đó lên đến 7 người.
Một ngày nọ vào tháng 3,1973, một trong các nữ tu đời của chúng tôi làm việc tại giáo xứ Myoko, chị "S" tự nhiên không nghe được. Bác sĩ ở nhà thương Niigata Rosai khám bệnh cho chị và thấy là bị "tê liệt thần kinh thính giác vì quá kiệt sức" và chị được gọi về sống ở nhà mẹ. Chị "S" thường làm ngạc nhiên các nữ tu khác bằng cách nói với họ trong bữa ăn về kinh nghiệm thiêng liêng của chị từ thời thơ ấu. Sau khi chị ấy về đến Yuzawadai những kinh nghiệm huyền bí tiếp tục xảy đến với chị.
Tháng 6 năm 1973, chị nói rằng chị chứng nghiệm thấy một luồng ánh sáng từ Nhà Tạm và chị cũng nghe một giọng nói tuyệt vời từ tượng Đức Mẹ nói với chị. Vì linh mục Mochizuki đã từ nhiệm làm tuyên uý và trở về Tokyo năm 1973, sự kiện này được tường trình trực tiếp cho Giám mục Ito. Giám mục chỉ thị cho chị "đừng nghĩ rằng mình đặc biệt bằng bất cứ cách nào", và quyết định theo dõi tình hình một thời gian lâu hơn. Và vào tháng 7,1973 một vết thương hình Thánh giá xuất hiện trong lòng hai bàn tay của chị "S" và trong bàn tay của tượng Đức Mẹ. Một chị đã nhìn thấy vết thương trên tượng Đức Mẹ tường thuật lại sự kiện như sau:
"Vào 6 giờ tối thứ Sáu đầu tháng (đây là ngày sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu vào mỗi tháng), tôi vừa trở về từ trường học nơi tôi làm việc, khi chị Kotake nói với tôi về vết thương xuất hiện trên lòng bàn tay của tượng Đức Mẹ. Tôi đến gần bức tượng và thấy một vết thương cắt rõ nét có hình thánh giá dài khoảng 1.5 đến 2 centimeters, ở giữa lòng bàn tay phải, nét cắt giống như một con dao sắc vậy. Tôi khẳng định là không có hình thánh giá ở tay Đức Mẹ trước đây. Tôi có trách nhiệm phục vụ nơi phòng áo lễ đã 5 năm, và thường lau chùi tượng với khăn vải, vì thế tôi biết chắc chắn như thế. Đêm ấy, lần nữa trong nhà nguyện, tôi được cho thấy vết thương nơi lòng bàn tay của chị "S". Những đường nét màu đỏ tạo thành hình một cây thánh giá và trông thật đau đớn lắm".
Một nữ tu khác làm chứng như sau:
"Có một biến cố là một vết thương hình một cây thánh giá thình lình xuất hiện trong lòng bàn tay của tượng Đức Mẹ và kéo dài ba tháng. Vết thương được chứng kiến bởi Giám mục Ito và tất cả các nữ tu đang sống ở đó. Thế nhưng, bên cạnh vết thương, tôi thấy những bong bóng máu chảy ra từ bàn tay phải của tượng Đức Mẹ. Tôi quệt vết máu với ngón tay trỏ của tôi và đưa lên ngửi. Nó có mùi giống như máu người ta".
=Biến Cố Đức Mẹ Khóc
Trong thời gian ấy, buổi sáng ngày 4/1/1975, xảy ra một biến cố mới khác là nước mắt bắt đầu chảy xuống từ tượng Đức Mẹ. Những dòng nước mắt bắt đầu từ ngày này và tiếp tục mỗi ngày, có khi cách vài ngày, tất cả 101 lần cho đến ngày 15/9/1981, Lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Một nữ tu chứng kiến đầu tiên những giọt nước mắt của Đức Mẹ tường thuật như sau:
"Tôi lần đầu tiên thấy tượng Đức Mẹ đang khóc. Tôi thấy cả hai mắt Đức Mẹ sũng ướt nước mắt khi tôi đi từ phòng áo đến bàn thờ để sắp đặt mọi sự cho trật tự sau thánh lễ buổi sáng. Tôi rất ngạc nhiên một giây lát, và liền sau đó tràn ngập cảm giác một sự hiện diện Linh Thiêng. Tôi cũng cảm thấy như Đức Mẹ hiểu sự đau đớn lớn lao của tôi, và vì thế Mẹ đã khóc cho tôi. Con số thánh giá mà tôi phải mang trên vai càng gia tăng từ khi tôi chịu phép rửa và gia nhập tu hội, và tôi chưa nói với ai về điều này..."
Theo thông lệ mỗi khi Đức Mẹ khóc, các nữ tu ngưng làm việc và tụ họp trước tượng Đức Mẹ để lần hạt, và sau đó thì linh mục lau những giọt nước mắt. Miếng bông gòn dùng lau nước mắt Đức Mẹ được gởi tới phòng thí nghiệm tại đại học Akita và Gifu để thử nghiệm và kết quả được xác nhận là có chứa "chất nước từ con người".
Các Thông Ðiệp Ðức Mẹ Akita
1) Thông điệp thứ nhất của Đức Mẹ ngày 6/7/1973
"Con yêu dấu, tập sinh của Mẹ, con đã ngoan ngoãn vâng lời Mẹ từ bỏ mọi sự để theo Mẹ. Thương tật nơi của đôi tai có làm cho con đau đớn lắm không? Hãy tin chắc là con sẽ được chữa lành bệnh điếc tai. Vết thương nơi bàn tay có làm cho con đau đớn không? Hãy cầu nguyện để đền tội cho loài người. Mỗi người trong tu viện này đều là những người con bất khả thi của Mẹ. Con có sốt sắng đọc kinh "các Nữ Tỳ Của Thánh Thể" không? Vậy Mẹ con ta cùng đọc nhé."
"Lạy Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, thật sự hiện diện trong Thánh Thể, con xin hiến dâng linh hồn và xác con, để hoàn toàn hiệp nhất cùng Thánh Tâm Chúa, đang hiến dâng từng phút giây trên các bàn thờ khắp thế giới, để cảm tạ cùng Chúa Cha, và cầu cho Triều Đại Cha trị đến. Xin Chúa đoái nhận lễ hèn mọn chính thân xác con. Xin Chúa dùng con theo Thánh ý Chúa để tôn vinh Chúa Cha, và cho sự cứu rỗi các linh hồn.
Lạy rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin Mẹ đừng bao giờ để con phải xa lìa Con của Mẹ. Xin Mẹ che chở và bảo vệ con như con riêng Mẹ vậy. Amen."
Khi đọc xong bài kinh thì có giọng nói Thiên đàng tiếp:
"Hãy cầu nguyện nhiều cho Đức Giáo Hoàng, cho các Giám Mục và các Linh Mục. Từ khi được chịu phép Rửa Tội, con vẫn trung thành cầu nguyện cho các ngài. Hãy tiếp tục cầu nguyện thật nhiều... thật nhiều. Hãy nói lại với bề trên của con tất cả những gì đã xảy ra hôm nay và hãy vâng lời ngài trong mọi sự ngài sẽ nói cho con. Bề trên của con đã yêu cầu con hãy sốt sắng cầu nguyện".
2) Thông điệp thứ hai của Đức Maria ngày 3/8/1973
"Con yêu dấu, tập sinh của Mẹ, con có yêu mến Thiên Chúa không? Nếu con yêu mến Thiên Chúa, hãy lắng nghe lời Mẹ nói với con. Điều này rất quan trọng... Con hãy nói lại với bề trên của con.
Rất nhiều người đang gây buồn phiền cho Chúa. Mẹ muốn nhiều linh hồn an ủi Ngài để làm dịu cơn thịnh nộ của Chúa Cha. Cùng với Con của Mẹ, Mẹ muốn nhiều linh hồn dâng những đau khổ và khó nghèo của mình, để đền tạ cho kẻ tội lỗi và những kẻ vô ơn bội nghĩa.
Để thế gian biết cơn thịnh nộ của Ngài, Thiên Chúa Cha đang chuẩn bị giáng xuống toàn thể nhân loại một sự trừng phạt ghê gớm. Mẹ đã nhiều lần cùng với Con Mẹ, can thiệp để làm nguôi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Cha. Mẹ đã ngăn cản được tai họa đổ xuống nhờ dâng những đau khổ và hy sinh của Chúa Con đã chịu trên Thánh Giá, Máu Châu Báu của Người đã đổ ra, và những linh hồn yêu dấu an ủi Thiên Chúa tạo thành đội quân những linh hồn tội nhân cầu khẩn Chúa. Cầu nguyện, ăn năn thống hối và những can đảm hy sinh có thể làm giảm cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Cha. Mẹ muốn cộng đoàn các con cũng làm điều này như vậy... đó là yêu mến đức khó nghèo để tự thánh hoá và cầu nguyện đền tạ những sự xúc phạm và vô ơn bội nghĩa của rất nhiều người.
Hãy đọc kinh các Nữ Tỳ Của Thánh Thể với sự ý thức ý nghĩa của nó, và đem ra thực hành; hãy phó dâng (tất cả những gì Thiên Chúa gửi đến), để đền tạ tội lỗi. Mỗi người hãy cố gắng tùy theo khả năng và địa vị của mình, dâng hiến toàn thân mình cho Chúa.
"Ngay cả trong một Tu hội đời, việc cầu nguyện rất cần thiết. Những linh hồn sẵn sàng cầu nguyện thì đang trên đường được quy tụ lại. Ðừng ràng buộc chú ý nhiều đến hình thức, hãy trung thành và sốt sắng cầu nguyện để yên ủi Chúa.
Ngừng một lát Đức Mẹ nói tiếp:
"Điều gì con nghĩ trong lòng có thật không? Con có thực sự quyết định trở nên viên đá bị thợ xây loại bỏ không? Hỡi tập sinh của Mẹ, con là người không do dự, mong ước được hoàn toàn thuộc về Chúa, muốn được trở nên hiền thê xứng đáng của Đấng Phu Quân, thì con hãy tuyên hứa với sự hiểu biết rằng con phải chịu đóng đanh vào Thánh Giá bằng ba cái đinh nhọn: Đó là ba cái đinh của khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Trong ba điều này, đức vâng lời là nền tảng. Để hoàn toàn từ bỏ bản thân, hãy để bề trên hướng dẫn con. Ngài sẽ biết thế nào để hiểu con và hướng dẫn con.'
3) Thông điệp thứ ba của Đức Trinh Nữ ngày 13/10/1973
"Con gái cưng của Mẹ, hãy lắng nghe những lời Mẹ phải nói với con. Và con hãy nói lại với bề trên của con.'
Ngưng một lát:
"Như Mẹ đã nói với con, nếu loài người không ăn năn sám hối và cải thiện đời sống, Thiên Chúa Cha sẽ giáng xuống một hình phạt khủng khiếp. Hình phạt này còn khủng khiếp hơn nạn đại hồng thuỷ, một hình phạt mà loài người chưa từng thấy bao giờ. Lửa sẽ từ trời rơi xuống tiêu diệt một phần lớn nhân loại, người lành cũng như kẻ dữ, không chừa các linh mục lẫn người giáo dân. Những kẻ sống sót sẽ cảm thấy cô quạnh đến nỗi thèm khát số phận của người chết. Niềm an ủi duy nhất còn lại cho các con là Chuỗi Mân côi và Dấu Chỉ mà Con Ta để lại. Hãy đọc kinh Mân côi mỗi ngày. Với chuỗi Mân côi, hãy cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, cho các Giám mục và các linh mục".
"Thế lực ma quỷ sẽ xâm nhập vào trong Giáo Hội, đến nỗi người ta sẽ thấy Hồng y chống đối Hồng y, Giám mục chống đối Giám mục. Những linh mục có lòng sùng kính Mẹ sẽ bị chính đồng bạn của họ khinh miệt và chống đối... Thánh đường và bàn thờ bị cướp phá; Giáo Hội thì đầy dẫy những người chấp nhận thương lượng thỏa hiệp, và ma quỷ sẽ ép buộc nhiều linh mục và những linh hồn thánh hiến từ bỏ việc phụng sự Thiên Chúa".
"Ma quỷ đặc biệt sẽ không buông tha chống lại những linh hồn đã dâng hiến cho Chúa. Nghĩ đến sự mất mát quá nhiều linh hồn như thế là nguyên nhân làm cho Mẹ đau buồn. Nếu tội lỗi gia tăng cả số lượng và cường độ thì sẽ không còn tha thứ cho họ được nữa."
"Với can đảm hãy nói lại với bề trên của con. Ngài sẽ biết cách nào để khuyến khích mỗi người các con cầu nguyện và hoàn thành những công việc đền tạ tội lỗi."
Khi Tiếng Nói đã ngưng, tôi lấy hết can đảm để ngước đầu lên, thì thấy bức tượng vẫn còn sáng láng, nhưng nét mặt Mẹ đượm một vẻ buồn. Rồi tôi định bụng hỏi, 'Ai là bề trên của con?' Bỗng nhiên tôi cảm thấy Thiên thần hiện ra bên cạnh tôi, tôi không nghe được tiếng nói nhưng chỉ cảm thấy Thiên thần nói với tôi, 'Trong những dịp như vậy đúng ra con có thể hỏi những câu hỏi quan trọng hơn.' Nhưng ngoài Đức Giám Mục, tôi còn có ba bề trên nữa, nên nghĩ đây là cơ hội để hỏi.
Tức thì Tiếng Nói trả lời:
"Đó là Đức Giám Mục Ito, người hướng dẫn tu hội của con."
Đức Mẹ mỉm cười và nói tiếp:
"Con còn điều gì muốn hỏi nữa không? Hôm nay là lần cuối cùng Mẹ nói với con bằng tiếng nói sống thực. Từ nay trở đi con sẽ vâng lời đấng được gửi đến với con và bề trên của con".
"Hãy năng cầu nguyện kinh Mân côi. Chỉ một mình Mẹ còn có thể cứu các con khỏi những thảm hoạ sắp xảy ra. Những ai tin tưởng nơi Mẹ thì sẽ được cứu thoát."
Lá Thư Của Địa Phận
Đức Giám Ito mục ra chỉ thị nghiêm ngặt cho các nữ tu rằng: "Những biến cố xảy ra ở đây rất huyền nhiệm, vì thế nên hành xử một cách thận trọng. Tôi yêu cầu mỗi chị em giữ im lặng về việc này". Thế nhưng chẳng bao lâu biến cố này được tiết lộ qua những khách hành hương đã chứng kiến các biến cố và rồi bài viết được đăng trên nguyệt san Công Giáo. Bài viết ấy cho biết số người chứng kiến Đức Mẹ khóc lên đến 500 người. Không những người ta thấy nước mắt mà còn cảm nghiệm một mùi thơm dễ chịu lúc ấy nữa.
Vào ngày 22/4/1984 trước khi về hưu theo luật của Giáo phận Niigata, Giám mục Ito phổ biến "Thư Giáo phận liên quan đến tượng Đức Mẹ Akita" như sau:
- Theo cuộc điều tra của tôi, không có điều gì từ chối những chuỗi biến cố siêu nhiên chung quanh tượng Đức Mẹ ở Seitai Hoshikai, Yuzawadai, thành phố Akita. Và tôi cũng không tìm thấy điều gì trái ngược với đức tin và luân lý.
- Vì thế, tôi không ngăn cấm việc tôn kính Đức Mẹ Akita trong giáo phận cho tới này chúng ta có được trả lời chắc chắn từ Tòa thánh Rôma.
Tháng 6 năm 1988 Đức Hồng Y Ratzinger, Trưởng Bộ Tín lý đức tin, đưa ra phán quyết về biến cố ở Akita và những thông điệp là đáng tin cậy và có giá trị đức tin.
Bạn thân mến,
Những biến cố hôm nay đang xảy ra từ nhiều nơi trên thế giới và ở Việt nam dường có phần đúng với lời tiên tri của Mẹ. Là Mẹ ai cũng thương con mình. Mẹ Maria một đàng thương chính Con mình, một đàng Mẹ thương chúng ta. Mẹ không muốn nhân loại đi sai đường, Mẹ không muốn một lưỡi gươm thâu qua lòng Mẹ một lần nữa khi thấy hình phạt của Thiên Chúa giáng xuống trên nhân loại, Mẹ không muốn nhân loại tiếp tục lầm bước trong đêm tối. Mẹ mời gọi nhân loại hãy trở về với Thiên Chúa bằng cách sám hối, ăn năn và dâng những hy sinh lên Thiên Chúa. Vũ khí mà Mẹ ban cho nhân loại để chiến đấu với thế gian và ma quỷ đó chính là Chuỗi Mân Côi. Ước gì mỗi người hãy tiếp tay với Mẹ giữa thế giới hôm nay đầy biến loạn và đã rời xa Thiên Chúa. Mẹ đang mời gọi bạn, đặc biệt những người con yêu mến Mẹ hãy tiếp tay với Mẹ để hướng nhân loại về với Thiên Chúa và làm dịu bớt cơn thịnh nộ mà nhân loại đang chọc giận Ngài.
ĐK2: MẸ ĐỨC CHÚA GIÊSU ĐANG HÒA CÙNG CON BÀI CA DÂNG CHÚA. BÀI HÁT ẤY VANG TRONG TÂM HỒN MỌI NGƯỜI RU ĐÊM U TỐI. CON HỠI HÃY BỪNG SÁNG LÊN CON HỠI HÃY CÙNG CHÚNG SINH, HÁT VANG THÁNH TÒA THIÊN CHÚA AVE MARIA. (HÁT ĐK1)
2- CON DÂNG LÊN MẸ YÊU, TRÁI TIM ÚA TÀN (TIM CON ĐANG TÀN PHAI) MẸ ƠI XIN ĐOÁI THƯƠNG (AVE MARIA) THƯƠNG ĐỨA CON ĐỌA ĐẦY MẸ ƠI HÃY ỦI YÊN (AVE MARIA) TÂM HỒN CON NHỮNG ƯU PHIỀN LẶNG CÂM TÌM SỨC SỐNG XIN
<< Đặc ân mặc áo Mẹ |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 221

Return to top