Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Khổ vì ăn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1722 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Khổ vì ăn
Tiếu Ngạo Thiên
Tiếng chuông điện thoại di động thong thả buông một đoạn nhạc của Mozart, tôi cầm máy nghe. Linh thật, lúc sáng tôi có hắt hơi một cái giữa khoảng giờ Thìn, tra sách ra xem thì thấy hôm nay có người mời ăn cơm. Quả lạy trời, linh thật! Thằng em vừa mới bấm điện mời tôi tối nay, đến nhà nó nhậu. Bây giờ là mùa Giáng sinh, buôn chẳng buôn, bán chẳng bán. Không nhậu thì làm gì? Tôi nhận lời!
Mở cửa đón tôi bằng một nụ cười, không ai khác lạ, cũng chính là thằng em. Trong nhà, anh em chiến hữu cũng đã tụ tập đông đủ. Mâm bát bày biện đâu vào đấy. Tôi thấy thoang thoảng đâu đây có mùi thơm của húng chó, của lạc rang... Chẳng nhẽ, chẳng nhẽ... Thằng em kéo tôi xuống ghế. Tôi đoán không lầm, quả đúng là tiết canh vịt - cái món làm thì cầu kỳ, ăn chẳng được bao nhiêu, nhưng thịt vịt mà không có nó sẽ không được. Hơn nữa, món khác thì tôi có thể không nhớ nhưng riêng món tiết canh thì không thể nào tôi quên được. Tiết canh đã khắc vào cỗ lòng tôi một ấn tượng quá sâu đậm. Không kìm được, tôi bật cười to thành tiếng...
Ba năm về trước...
Vánoce! Nghỉ! Tuyết! Lạnh! Buồn...
"Byt" to như vậy mà có vẻn vẹn 2 hộ xù, còn lại là phòng làm việc của Tây. Căn phòng tôi ở toàn đàn ông, anh Mai - Thiếu uý về hưu là người lớn tuổi nhất "byt". Tôi và thằng Nâu đều là lính mới sang - nông dân xuất khẩu theo diện tự túc. Căn hộ nhà bên là một cặp vợ chồng "stánek" có hai đứa con nhỏ. Một trai, một gái. Anh chồng tên là Tụy, chị vợ tên Thản, hai đứa bé là Quân và Hà. Cuộc sống hàng xóm "tối lửa tắt đèn" nói chung là tốt. Vả lại, cái cảnh "tha phương cầu thực" nó khó khăn, vất vả giống nhau. Những suy nghĩ, tình cảm lại hao hao, cho nên con người ta dễ đồng cảm và thông hiểu nhau hơn. Và chuyện ăn uống, khẩu vị của chúng tôi có thể nói là "tâm đầu ý hợp" và như Nguyễn Du nói, thì tức là "Lòng trong như đã, mặt ngoài còn e". Được mấy hôm nghỉ, ngủ xả hơi đã chán. Anh em quyết định tổ chức một cuộc nhậu cho ra trò. Anh Mai - lão nhất, lại đã từng làm cán bộ trong quân đội nên được ưu tiên đưa ra ý kiến trước. Giọng anh ôn tồn: - Nếu bây giờ, tôi nói mình thích ăn gì mà món ấy người khác lại không thích thì thật bất tiện và không công bằng. Bây giờ chúng ta tổng cộng có 5 người lớn (hai đứa nhỏ không tính) sẽ được chọn một món ăn mà mình ưa thích ghi trong lòng bàn tay, nếu hai người trở lên có cùng nguyện vọng thì sẽ làm món ăn đó!
Đúng là cán bộ Mai! Một cái cách Tam Quốc như vậy mà cũng nghĩ ra được! Lẩm cẩm mất rồi! Mọi người cười ầm cả lên! Ấy vậy mà không ai phản đối, thế là bà Thản tong tả đi lấy bút dạ phục vụ mọi người. Năm bàn tay xòe ra, mọi người tròn xoe mắt kinh ngạc. Có tới bốn bàn tay viết ba chữ giống nhau: Tiết canh vịt. Chà! Đúng là ý tưởng lớn gặp nhau! Phen này Khổng Minh biết bụng Chu Du thì trận Xích Bích nhất định thành công rồi! Riêng tay bà thản ghi một món ăn vớ vẩn khác nhưng không được phê chuẩn. Đa số thắng tiểu số mà, vả lại đàn bà "rượu không tới ba ngụm, bia không quá một chầu" thì biết gì đến chuyện "Quốc gia, đại nhậu" của đàn ông chứ. Mọi người bèn xúm lại tôn bác cả Mai làm Gia đình trưởng. Chỉ huy trực tiếp 5 chiến sĩ cộng tác cơ động và hai chiến sĩ nhí dự phòng, quyết tâm bằng mọi giá thực hiện chiền dịch T.C.V. (bí danh của Tiết Canh Vịt lúc bấy giờ).
Thành công, thắng lợi đến cùng. Gia đình trưởng và bộ tham mưu liền lên kết hoạch tác chiến rất tỉ mỉ và chu tất. Vì đây là "byt" Tây, có đặt phòng bảo vệ nơi cửa ra vào "byt" nên yếu tố "bí mật, an toàn, bất ngờ" được đặt lên hàng đầu, tránh mọi sơ xuất có thể xảy ra. Đích thân bác cả Mai đến bảo ban, dặn dò, khích lệ, uý lạo tinh thần anh em. Mọi người đều lấy làm phấn khởi và háo hức! Quân ta được chia làm hai mũi, tiến theo thế gọng kìm. Thằng Nâu và chị Thản được phân công đi siêu thị mua lưỡi lợn, lạc và bằng mọi cách phải kiếm được một ít rau thơm cố xứ: húng, mùi, ớt, gừng. Anh Tụy là người dài tiếng nên được cùng tôi điều về nơi làng xa, tuyết lạnh, lôi cổ ít nhất hai, ba con vịt phụng lệnh. Mỗi người mỗi việc, cả Mai ở lại giữ nhà, trông hai đứa nhỏ và điều hành chiến dịch qua điện thoại. Quả là người có tài "điều binh khiển tướng", nhìn xa trông rộng. Xem ra, nghề ăn cũng lắm công phu. Muốn thưởng thức một món ăn thuần Việt nơi đất khách quê người cũng không phải là chuyện dễ...
Mũi tiến quân thứ nhất, nói chung là ổn. Chỉ khổ cái là không đào đâu ra rau thơm quê nhà. Ở cái nơi "khỉ ho cò gáy" này, giữa mùa Vánoce mà kiếm được mấy cọng húng láng, mùi thơm thì còn khó hơn là xây nhà trên cát. Chợ phiên nghỉ, đồ ăn châu Á không xuống, chợ đổ hàng thì xa mà bữa ăn thì gần, xoay không kịp. Tiền tuyến điện về, cả Mai quyết định thu quân. Dù gì đi chăng nữa, mấy nhành rau thơm tuy quyết định rất nhiều hương vị của món ăn, nhưng cũng không phải là nguyên liệu chính để cấu thành bát tiết canh.
Điều quan trọng là có bắt được vịt không?! Lạy trời! Nhờ sự nhân hậu của Đức Mẹ, sự yêu thương chúng sinh của đức Chúa hài đồng và nhất là sự lãnh đạo sáng suốt, tinh anh của Gia đình trưởng, tôi và anh Tuỵ vượt qua muốn ngàn khó khăn, cuối cùng cũng hoàn thành nghiệm vụ. Vịt khá to, lúc đầu, anh Tuỵ chỉ định bắt 2 con là đã quá đủ cho cả nhà ăn, nhưng tôi góp ý nên bắt thêm một con nữa, 3 con dù sao cũng rôm rả hơn. Vả lại, thừa còn hơn thiết - cái gì chẳng thế! Tôi và anh Tụy lễ mễ bê ba con "giời đánh" về đến "byt". Trời đất! Cả Mai cùng hai đứa nhỏ, chị Thản, thằng nâu ùa xuống tận bãi đậu xe để đón những vị anh hùng bắt vịt về. Nào cười, nào nói, nào reo, huyên náo như vỡ tan cả khoảng trời tuyết trên đầu. Tự hào thì không dám nói, nhưng tôi và anh Tuỵ không ai bảo ai đều thấy cánh mũi phập phồng, nghèn nghẹn nơi trái tim. Âu vất vả cũng có niềm vui của vất vả. Qua khó khăn cũng có hạnh phúc của khó khăn. Và như cùng chung niềm vui với chúng tôi, ba con "giời đánh" cũng ưỡn mình, oằn cánh, duỗi chân, vươn cổ kêu lên mấy tiếng "cạc... cạc... c...ạ...c!" Thích thú vô cùng. Tiếng vịt cất lên đã dập tắt nụ cười, nét vui trên mặt Gia đình trưởng.
- Chết cha rồi, các đồng chí ơi! "byt" này là "byt" làm việc của Tây, ai cho phép các đồng chí vác vịt vào? Mà mấy cái con "giời đánh" này thì chúa là hay kêu!
- Ừ nhỉ! Gay go rồi đây! Không lẽ miếng tiết canh sắp đến mồm rồi mà phải bỏ đi sao?! Rõ thật, người tính không bằng trời tính...
Gia đình trưởng quyết định triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để tham khảo ý kiến của anh em. Trừ hai đứa nhỏ thuộc phe Men-sê-vích ra, còn đâu nói chung toàn thể anh em đều nhất trí và quán triệt tư tưởng của một đảng viên Bôn-sê-vích chân chính. Ngày xưa, Mỹ Nguỵ đã điên cuồng ngăn cản miền Bắc chi viện cho miền Nam bằng hàng rào bom đạn với chất hoá học mà chúng ta vẫn còn có một Trường Sơn trên cạn, một đường Trường Sơn trên biển nữa là... Bây giờ, với một phòng kiểm soát nơi cầu thang và một gã bảo vệ thì đã nhằm nhò gì?! Phải không các đồng chí??? Với tinh thần "quyết tử cho bữa nhậu quyết sinh", "chúng ta quyết không lùi một bước vì đằng trước là bát tiết canh", "chúng ta thà..."...v.v.v... Và thế là, một con đường máu cõng thêm một kế hoạch táo bạo, liều lĩnh đã được vạch ra. Thằng Quần, cái Hà được giao nhiệm vụ hò hét náo loạn, làm phân tán sự chú ý của thằng cha bảo vệ, tôi thì giả bộ cho xe hỏng Alarm, kêu rú ầm ĩ, không tài nào tắt đi được làm giảm độ chính xác màng nhĩ kẻ địch. Chị Thản lập tức chạy vào nhờ gọi điện thoại đến servis nhằm che chắn cho mọi người dễ bề hoạt động, và cản trở hắn, nếu bị phát hiện. Đương khi hỗn loạn tứ tung, ồn ào huyên náo, cả Mai dẫn Tuỵ, Nâu, mỗi người một vịt dấu trong áo Bunda dông thẳng vô "byt", trước mũi kẻ địch. Thật là hoàn thiện, hoàn mỹ. Ông trời quả thực không phụ người có dạ dày! Áng chừng cả Mai cùng mọi người đã lên đến phòng an toàn, tôi liền sửa Alarm trở lại bình thường như cũ, hai đứa trẻ lập tức ngoan trở lại và dĩ nhiên chị Thản cũng không cần phải gọi điện thoại đến servis làm gì nữa... Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất mực cảm ơn ông Tây bảo vệ đã hết lòng giúp đỡ! Ồ, không có gì! Không có gì!!! (Bác Tây cứ luôn mồm xua tay nói như vậy)...
Khốn nạn thật! Khó khăn vừa qua thì gian lao đã tới! Qua cơn bĩ cực chưa hẳn là đã đến tuần thái lai đâu! Rõ thật, chán mớ đời nhà lão Mai. Đã không biết đánh T.C.V. thì còn tổ chức bắt vịt làm cái gì?!!! Khốn khổ anh em chưa?!!!
Bao xuân cố gieo một hy vọng...
Ngàn thu tan tác, mộng không thành!
Chắc tôi không nói, thì các bạn cũng rõ, cái khó trong việc đánh tiết canh nói chung và tiết canh vịt nói riêng là việc hãm được tiết. Tiết hãm cần phải không được quá đặc, quá lỏng, quá đậm, quá nhạt, mà lại không được động cho đến khi đánh. Vấn đề ở đây thật vô cùng nan giải. Thằng Nâu thì cương quyết cho rằng: một mắm, hai nước. Anh Tuỵ thì dứt khoát: một nước, hai mắm. Bà Thản: một mắm, một nước cũng rất tự tin. Nào mắm, nào nước, cứ loạn cả lên. Ai đúng, ai sai, có giời mà biết. Thằng Nâu không hẳn là không đúng, anh Tụy cũng chẳng có sai, mà bà Thản nghe cũng có lý. Cả Mai thì cho rằng cách an toàn nhất là làm nhân trước, sau đó cắt tiết dzô thì trăm phần trăm là sẽ được. Mọi người la oai oái! Làm như vậy hổng có được, bởi vì hổng có ngon. Ối giời đất ơi! Giá cụ Nguyễn Tuân mà có sống lại chắc cũng phải bất lực trước đám con cháu giỏi nghề ăn mà vụng nghề làm như thế này. Lại một cuộc họp được triệu tập. Cái gì chả thế, có thông thì vác bình tông mới lọt. Sau 25 phút bàn tán và 5 phút biểu quyết, Quốc hội cuối cùng cũng nhất trí đưa ra một hiến chương đại loại như thế này. Chúng ta có tất cả 3 con vịt thì tội gì mà không làm theo 3 cách, cách của cả Mai, Tụy, Nâu đều được lựa chọn. Riêng bà Thản "mưa chưa quá ngọn cỏ" thì ngồi một góc, dù sao cũng chỉ là đàn bà, "một mắm một nước" cái gì cơ chứ? Thật vớ vẩn! Tôi cùng chị Thản bèn đi làm nhân trước, dù cách của anh Tuỵ, thằng nâu cho đến cách của cả Mai thì cũng cần phải có nhân. "Vô nhân bất thành tiết" mà! Lại dao, lại thớt, lại xoong nồi, lạch cạch, loảng xoảng, loạn xì ngầu. Hành khô nướng, gừng nướng thơm lừng cả "byt". Khói xả tùm lum. Hai đứa nhỏ phải mở hết cửa sổ và bật hết quạt vì sợ ông bảo vệ hiểu nhầm mà gọi cứu hoả tới thì rắc rối to! Tiết canh chẳng biết có thành hay không, nhưng khí thế của mọi người quả là phấn khởi và hào hứng. Trong lòng tôi bỗng thấy nao nao, nhồn nhộn. Chạnh lòng mà nhớ tới quê nhà!!! Cách của thằng Nâu dở ẹc. Nhân vừa băm xong, bát tiết nó hãm đã đông cứng lại rồi.
Còn đánh đấm gì nữa, rõ chỉ được cái to mồm. Cũng may bát tiết mà anh Tụy hãm có nhiều triển vọng. Cái cách của cả Mai thì hoàn toàn khả quan. Thì đấy, cứ nhìn cái cách anh ta vặn cổ con vịt, vặt lông, xuống dao, khơi tiết thì biết. Tiết chảy vào đĩa, nhân tới đâu thì đông tới đó, chỉ nhìn không cũng thấy ngon con mắt. Ngặt một nỗi, đĩa nhân thì nhiều mà tiết vịt thì có hạn. Mới tràn được 3/4 đĩa, lách dao, dốc vịt mà lắc cũng không được thêm giọt nào. Âu cũng là số trời! Mà nói như các nhà triết học thì không có cái gì là toàn vẹn cả, chỉ tương đối thôi. Cả Mai ngậm ngùi gạt số nhân không tiết vô nồi luộc vịt, mồm không ngớt lẩm bẩm: "quên không cho vịt uống nước, quên không cho vịt uống nước". Anh Tuỵ được thể lên tiếng: "Các bác cứ để em thể hiện, đâu sẽ vào đó thôi". Và anh bắt đầu thể hiện thật, hãm thì "hai mắm một nước". Khi đánh thì phải ngược lại "hai nước một tiết", như vậy chắc là sẽ đông. Cả nhà ngong ngóng, anh Tuỵ hồi hộp. Nhìn bàn tay anh run run, khe khẽ cầm cái muôi đong tiết rồi đong nước, se sẽ hoà mì chính mà mọi người thổn thức, nước miếng ứa lên miệng, dịch vị chảy trong dạ dày. Hai đứa bé kêu đói ầm ĩ, mẹ nó phải chắt cho mỗi đứa một cái đùi vịt, chúng nó mới trật tự. Đúng thật là "Quỷ than, ma hờn, trẻ đói"...
Đểu thật, bao nhiêu tâm huyết của anh Tuỵ có nguy cơ đổ ra nồi luộc vịt cả. Có thể là do con vịt bỏ mẹ này phản chủ, không chung thành với anh. Có thể là do anh quên không cho vịt uống nước trước khi cắt tiết. Có thể là do anh cho mì chính quá ít nên tiết không đông. Có thể là...v.v.v... và có thể là... Nhưng cái công thức anh đưa ra "hai mắm một nước, hai nước một tiết" là cấm có sai bao giờ. Hồi ở Việt Nam, anh tuyền làm thế, cứ gọi là róc cả bát. Hay là do tại vịt?!!! Có thể lắm chứ?! Vịt Tây thì phải khác vịt ta chứ, đời thuở nhà ai vịt gì tuyền những 3,4 kg thôi, có mà tiết canh ngỗng à?!!!
Các bác thấy em nói có phải không? Thằng Nâu được thể đả kích: "Công thức của anh Tụy đúng, nhưng chỉ đúng trong môi trường tủ lạnh thôi!". Ừ nhỉ! Tại sao không cho vào trong tủ lạnh, lạt lẽo như nước còn đông thành đá nữa là tiết canh, ăn thua mẹ gì! Và thế là, đĩa tiết canh của anh Tụy ung dung ngồi trong tủ lạnh, tận ngăn đá hẳn hoi. Nó đâu biết rằng ở bên ngoài kia, có bao nhiêu con người đang chờ đợi, sốt ruột vì nó. Cái sự đông hay không đông của nó, tự bản thân nó không đáng quan trọng. Điều quan trọng là nó làm ảnh hưởng tới người khác, nó quyết định thời gian chấm dứt sự dày vò của bao tử, hoa cà hoa cải ở mắt, liêng biêng thân thể con người. Cao hơn, xa hơn, nó còn giúp chúng ta chứng minh được một công thức: "Trong điều kiện tủ lạnh, với nhiệt độ không đổi đ mọi bát tiết đều đông". Không những thế, nó còn khẳng định được một chân lý "Vịt CH Séc và vịt VN là hoàn toàn không giống nhau". Nếu bạn là một người yêu quê hương, có lòng tự hào dân tộc thì nó còn mang một ý nghĩa sâu xa, nhân văn hơn. Đó chính là dù vịt ta cho đến vịt tây, không có gì ngăn cản được ý chí phấn đấu, lòng quyết tâm của con người Việt Nam...
Nguyễn Bính viết thế nào nhỉ?!!!
"Phim này tới nữa đã ba phim
Đói bụng chờ ăn cũng nguội dần
Chẳng nhẽ ôm lòng chờ đợi mãi
Thôi thì bỏ quách ra mà ăn!"
Trời đi dần vào tối, "thì mùa đông trời phải nhanh tối" - Anh Tụy bảo thế! Thằng Nâu thì cho rằng đói bụng, hoa mắt thì nhìn nhanh tối. Rõ là đồ xỏ lá! Nửa tiếng... một tiếng... hai tiếng... rồi lại ba tiếng... Xem đi, xem lại đĩa tiết của anh Tụy đánh nghe chừng không hy vọng. Tuy phía trên đã đóng thành băng. Chắc lắm! Nhưng khi lấy thìa gõ vỡ mặt băng, thì phía dưới vẫn không hề suy chuyển. Cứ gọi là:
Nước theo lối nước, nhân đường nhân
Mặt nước lung lay, nhân cũng lay
- Chết cha! Câu này của Hàn Mạc Tử đấy!
- Thôi, bố nó ạ, cho vào nấu canh, ăn cũng ngon. Em đói lắm rồi! - Bà Thản nói qua một cái ngáp rõ dài.
Hai đứa bé đã thiu thiu ngủ gật trên giường. Đồng hồ trên tường đủng đỉnh buông chuông 10 giờ đúng! Quốc hội lại họp. Nghị quyết lại được thông qua. Anh Tụy bất đắc dĩ phải đổ đĩa tiết vào nấu canh như thằng Nâu lúc trước, vẻ mặt có vẻ không phục: "Tại mọi người đói quá! Chứ để thêm lát nữa thì..." Cả Mai thật là cả Mai! Cán bộ trong quân đội có khác!
- Thôi, chúng, mày ạ! Không tiết thì đừng tiết! Nhậu thôi! Ăn tiết canh tao đánh cũng được, có sao đâu! Méo mó có hơn không. Ngon chán!
Vừa nói, Cả Mai vừa đưa tay với chai Jim Beam trong tủ lạnh, khuôn mặt vô cùng đắc ý. Lão khẽ nhếch môi, nheo mắt, nhe răng, tạo thành một nụ cười bằng đúng 3/4 cái đĩa. Tôi bất giác thấy rờn rợn khi liên tưởng tới cái đĩa có 3/4 tiết canh!!!
Các bạn! Nếu các bạn đã chót đọc tới đây thì cho tôi gửi tới một lời xin lỗi chân thành nhất! Quả thực là tôi không nhớ nổi mùi vị của miếng tiết canh anh Mai đánh hôm ấy thế nào. Lâu quá rồi! Ba năm còn gì?!!! Hình như là rất lạt lẽo, tanh tanh, lờm lợm thế nào ấy! Tôi đã phải cố ăn thật nhiều lạc rang, ớt hạt tiêu và uống thật nhiều rượu để khỏi phụ lòng của Gia đình Trưởng. Và tôi nghĩ, chắc anh Tụy, chị Thản, thằng Nâu cũng vậy thôi! Tôi không nhớ lắm, nhưng hậu quả của món tiết canh ấy tôi vẫn còn ghi tạc trong lòng. Đầu tiên là bác cả Mai, rồi chị Thản, anh Tụy, thằng Nâu và tôi. Ối cha mẹ ơi! Thấu ruột, thấu gan! Đau đến tận ông giời, khổ tới tận bà đất! Hai cái záchod hoạt động hết công suất! Mạnh ai người ấy chạy, giỏi ai người ấy ngồi! Ước sao có hàng ngàn, hàng vạn cái záchod, ông trời ơi...!
Cho đến tận bây giờ, tôi và mọi người vẫn không tìm ra được một nguyên nhân cụ thể, xác đáng. Hay là do mọi người đói quá nên lạnh bụng? Hay là do bác Mai cắt tiết nhầm, đứt cuống họng, dãi dớt chảy ra? Hay là quên không bỏ tiết ở phổi chảy xuống? Hay là do không có rau húng chó ăn cho đúng vị? Dù gì đi nữa, "vịt CH Séc và vịt VN là hoàn toàn khác nhau".
- Đó là chân lý! Lời bác Cả Mai đã phán là cấm có sai bao giờ...
Sau vụ ngộ độc thực phẩm đó, chúng tôi phải mất mấy hôm mới hoàn hồn, khôi phục lại sức khoẻ. Mặt người nào người ấy đều dài ngoằng như cây Stánek gỉ và bí xị như đi chợ không mở hàng vậy. Chỉ có lũ trẻ, không ăn lại hoá may. Chúng vẫn hồn nhiên, vô tư như tuổi thơ vốn có của chúng!!! Còn tôi, sau khi uống hết 18 liều thuốc đau bụng gia truyền thì mới thoát khỏi cảnh Tào Tháo đuổi và sống sót đến tận bây giờ. Ngồi đây, trong bữa ăn này và thuật lại cho quý vị nghe: - "Câu chuyện của lòng tôi!"
- Kìa anh! Anh ăn đi! Tiết canh bà xã em đánh đấy!
Thằng em chân thành mời tôi. Nó rướn mình đưa tay mở tủ lạnh lấy chai rượu. Dường như vô tình! Dường như cố ý! Tôi đưa mắt nhìn vào ngăn đá. Biết đâu trong đó lại có một đĩa tiết canh chưa đông? Và anh Tụy ơi! Nếu đĩa tiết canh của anh để từ hồi ấy đến tận bây giờ, liệu đã đông chưa?!!!
Tiếu Ngạo Thiên
Ghi chú:
- byt: căn hộ
- stánek: quầy bán hàng
- Vánoce: ngày lễ Giáng sinh
- záchod: nhà vệ sinh



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 543

Return to top